Ngụy Hữu Tâm
(VNTB) – Kỷ niệm của tôi ở tư cách là Moritzburger và những vấn đề liên quan.
Tôi viết bài này vào ngày 05 tháng mười. Tôi đã mạnh dạn tổ chức lễ ra mắt cuốn sách mới viết năm qua.
Hết sức đặc biệt là có tới 3 nữ thính giả đến dự, là chị Trâm, nhà báo và nay đang làm ở Trung tâm Di sản các nhà khoa học Việt Nam, chị Kim Anh, một phụ nữ hết sức kín đáo mà lần đầu tiên tôi được làm quen, nhưng chắc chắn sẽ phải từ biệt thôi, bài sau kể kỹ, và cháu Kim Chi, cán bộ nghiên cứu Viện Vật lý Vũ trụ, con gái anh Văn, vốn là một KS điện tử năng nổ, đồng nghiệp tài ba ở Phòng Quang học chúng tôi.
Bạn Thế Hùng, MC cho buổi này, tổ chức rất chu đáo với lẵng hoa rất to và đẹp cho tác giả cuốn sách. Anh nói khá kỹ về tác phẩm và tác giả, hay nhất là nhân đây, anh đề cập tới vấn đề giáo dục. Tôi chỉ nói ngắn gọn về, vì sao tôi viết hồi ký và chủ đề xuyên suốt là của cuốn sách là tôi muốn đả phá thói thần thánh hóa lãnh tụ của người người Việt chúng ta, do tôi đã dịch truyện ngắn „Người sưu tập những khoảng khắc im lặng“ của nhà văn Đức giải Nobel văn học Heinrich Böll (bạn đọc quan tâm có thể tìm đọc trong „Văn học qua lăng kính vật lý“, trang 485-506, Nhà sách Đông Tây, Hà Nội 2013). Tôi cho in có 30, mang đến buổi ra mắt sách 20 cuốn, chỉ còn lại duy nhất một cuốn.
Nhân nói tới các cuốn sách mới ra mắt bạn đọc, xin giới thiệu cuốn „cảm hứng – phỏng vấn – chân dung – ghi chú lịch sử“ của anh bạn rất quý mến của tôi là Quang Việt, được in ở NXB Mỹ thuật. Anh chuyển nó với lời đề tặng rất chân thành như sau:
„Thân tặng anh Ngụy Hữu Tâm (đã Ngụy còn có Tâm) – Rất trân trọng! – 4.X.2022
Quang Việt.
Như tác giả nói ở tên cuốn sách, ở tư cách là nhà báo, biên tập viên tạp chí „Mỹ thuật“, anh có điều kiện để tiếp xúc và phỏng vấn, hay nói hoa mỹ là vẽ chân dung các họa sĩ nổi tiếng đương thời, mà chủ yếu là những người được đào tạo thời Pháp thuộc và thời Kháng chiến chống Pháp. Anh còn có những ghi chú lịch sử hết sức giá trị. Ở tư cách là con trai họa sĩ nổi tiếng Quang Phòng, và với lối viết nhẹ nhàng mà đầy bay bướm, hơn ai hết, anh có điều kiện để tiếp xúc họ, và hiểu họ như hiểu bố mình, anh đã phác họa cho chúng ta một bức tranh hết sức sinh động về những trí thức thời đó, mà chúng tôi xin được tạm gọi là những trí thức „Tây học“ để phân biệt với lớp trí thức sau này – cho đến nay – là các trí thức „xã hội chủ nghĩa“, mà chẳng biết nên vui hay buồn về tính cách này. Cũng xin giới thiệu ở đây một vài họa sĩ mà Quang Việt đã phỏng vấn và vẽ chân dung trong số rất nhiều là Phạm Tăng, Nguyễn Tư Nghiêm, Đào Châu Hải, Nguyễn Oanh Phi Phi, Mộng Bích, Trần văn Cẩn, Lưu Công Nhân, Tô Ngọc Vân, Nguyễn Sáng, Sỹ Ngọc, Văn Cao, Trần Duy và Bùi Xuân Phái.
Để kết thúc lời giới thiệu ngắn gọn này cho cuốn sách, xin được phép trích một bài viết của tác giả, vốn được in ở mặt sau cuốn sách: „Nghệ thuật là vô cùng, vô tận như người ta thường nói, nhưng có lẽ nghệ thuật không thể phong phú được như con người. Nghệ thuật cũng không thể phong phú bằng các nghệ sĩ. Xưa nay đã có biết bao nhiêu người nghệ sĩ kỳ lạ, thậm chí vô cùng kỳ lạ, nhưng nghệ thuật của họ không hề kỳ lạ, thậm chí tầm thường. Sự kỳ lạ trong nghệ thuật là hiếm, đôi khi chỉ là sự kỳ lạ về số phận của tác phẩm mà thôi“.
Đêm thứ bảy rạng chủ nhật 09.10. Dậy sớm vừa kịp xem hiệp 2 trận bóng đá hạng 2 nước Pháp Pau FC (sân nhà) với Rodez AF mà VTV trở lại truyền trực tiếp vì Quang Hải tham gia trở lại sau chuyến về tập huấn với đội tuyển Việt Nam và thi đấu hữu nghị với Singapore và Ấn Độ mà anh tỏ ra đang có phong độ. Pau đang hòa 1-1 cuộc thì thua ngay một bàn ngay đầu hiệp 2, để đến phút 78 Quang Hải vào sân thì mới may mắn nhận được con đường bóng mà không ở thế việt vị để sút rất đẹp vào lưới Rodez gỡ hòa 2–2 cho Pau, mang nhiều hy vọng cho chính bản thân anh nói riêng và nền bóng đá Việt Nam nói chung. Sau đó còn được xem lễ trao giải futsal châu Á tại Kuweit mà Nhật Bản bất ngờ thắng Iran 3/2 lên ngôi vô địch. Trước đó Iran chơi rất hay, thắng đậm Việt Nam thế mà ở trận chung kết đáng tiếc để thua Nhật Bản vốn rõ ràng không bằng Iran, nhưng lại vẫn thắng ở trận này. Bóng đá là thế, có vậy mới đáng xem.
Còn đêm trước khi phải vào làm bệnh nhân nội trú một ngày của Bệnh viện Hữu nghị, trằn trọc không ngủ, 12h đêm, cậu con trai đi dạy cầu lông về, tỉnh dậy không ngủ lại được, nên dậy xem thi đấu võ, 3 hiệp mỗi hiệp 5 phút là 5 phút cả thẩy, trên kênh SCIV 5 của truyền hình cáp. Tuy lúc chiều có xem gà chọi ở vườn hoa Pasteur, nhân lúc thể thao đi bộ vòng quanh vườn với thời gian gần một tiếng – vì bây giờ sức khỏe sa sút, đi thế là nhiều rồi, nên có nghỉ ít phút tranh thủ xem đấu gà chọi. Chán quá, tuy cũng phải có đến cả trên chục người tham gia, nhưng đấy là món giải trí cổ điển đang dần vào quên lãng. Nhưng đấu vật người này, tuy là phổ biến trên thế giới, thế nhưng dã man quá, 4 trận mà trận nào cũng có đổ máu, nhất là trận cuối, võ sĩ Nga đọ sức với võ sĩ Brasil, lại liên tưởng tới chiến tranh Nga & Ucraina, cố xem hết chương trình rồi đi ngủ để mai sớm vào BVHN thôi, không thì phải chờ đến trưa chưa chắc đã đến lượt, bệnh nhân già bây giờ đi khám bệnh như ‚đi trẩy hội’ rồi mà! Cố nhớ đừng quên phải nhắc BS điều trị, tại sao sau xạ trị cả 3 tháng rồi mà vẫn đi ngoài liên tục, gần 20 lần/ngày? Cơ địa sao chăng nữa vẫn là quá nhiều và quá lâu chăng?
Ngày 14, lại vào BVHN làm thủ tục nội trú một ngày tiêm hoocmon như mọi lần, đây là lần thứ 8, còn 16 lần nữa cơ đấy nhé. Lần này nằm buồng của BS Hiếu, thông minh bệnh nhân mà có người hơn tôi dăm ba tuổi còn trẻ hơn, nhưng cũng ngoài 70 cả. Trong tháng qua sau khi phát hiện bị và điều trị bệnh ung thư, có điều kiện tiếp xúc nhiều bác sĩ, tôi thấy BS Hiếu, tuy trẻ nhất nhưng lại rất hay khi đã trả lời ngắn gọn, xúc tích những câu hỏi của tôi. Còn trong các bệnh nhân thì gây ấn tượng cho tôi nhiều nhất là ông Thắng, trẻ hơn tôi 3 tuổi, có villa ở Ciputra và tiêu chuẩn A trên tầng 9, nhưng nằm đây vì quen BS Chủ nhiệm khoa và bảo, trên ấy bây giờ đông bệnh nhân lắm, người này chưa ra viện đã có người khác đăng ký chỗ rồi nên mệt lắm. Ông bị ung thư tủy, lần đầu tiên tôi nghe nói tới, rất đau vì nó ăn vào xương nên rất hay phải vào viện truyền hóa chất và thường nằm cả tuần chứ không chỉ một ngày như tôi.
Trở lại kỷ niệm xưa của tôi ở ZOS sau khi bảo vệ xong luận án TS. Cũng phải nêu nhận xét này, người Đức còn trọng bằng cấp hơn cả ta, dù cho bằng cấp của họ là thật chứ không phải giả như ở ta. Tôi có kể về anh bạn Werner Schramm ở một bài trước. Anh có căn nhà rất đẹp bằng gỗ ở ngoại vi thành phố, trong rừng nên có vườn rộng, đi S-Bahn rất lâu, có lẽ tôi mất cả hơn tiếng mới đến được nhà anh. Thế nên nhà có hàng rào, cổng và dĩ nhiên trước cổng vào có cái biển to tướng đề tên chủ „Werner Schramm“. Hôm sau khi anh bảo vệ xong luận án TS., đến thăm anh, đã thấy một cái biển khác, còn to hơn cái biển cũ vì còn phải gánh thêm „Dr.rer.nat.“ trước cái biển cũ „Werner Schramm“. rer.nat. là viết tắt của từ tiếng Latin rerum naturalium, nghĩa là ngành tự nhiên, bao gồm các ngành toán, lý, hóa, sinh, cũng như Dr.med., TS. y khoa, hay Dr.jur., TS. luật, vậy. Còn trải nghiệm lý thú khác nữa là với các bà quét dọn hành lang phòng thí nghiệm và hành lang Nhà khách Viện Hàn lâm. Trước đó thì cũng chỉ chào ngắn gọn, tuy hết sức lịch sự, „Guten Tag-Xin chào“ thôi. Nhưng sau khi bảo vệ xong TS., ngay ngày hôm sau thôi, đã hoàn toàn thay đổi thái độ, cung kính ra mặt hẳn hoi: „Guten Tag, Herr Doktor-Kính chào ông TS.“. Làm tôi sướng mê ly!
Chuyện mua bán để chuẩn bị về nước thì cũng dễ dàng, lúc đó đã gần Noel rồi mà, nên không khí Noel thì cũng hệt như không khí Tết ở ta, nhộn nhịp hẳn, hàng hóa ê chề chứ chẳng còn khan hiếm như trước nữa, mà những thứ quý giá như xe máy, xe đạp và những đồ phụ tùng của nó thì tôi đã mua trước từ lâu rồi, máy khâu cũng thế. Tôi quý vợ nên mua cho bà một chiếc máy khâu chạy điện, rất hiện đại ở thời đó, đắt gấp đôi chiếc Diamant, mà tôi hình như đã có kể, anh VXQ cũng làm TS với tôi ở ZOS, trước đó chỉ được phân nửa căn hộ ở chung cư Thành Công, khi gửi về cho chị ấy chiếc Diamant, nhà hàng xóm nửa căn hộ ở chung đã đồng ý dọn đi đánh đổi chiếc Diamant ấy, bây giờ làm sao tưởng tượng nổi? Thế mà bà vợ tôi, khi mang về chẳng thèm dùng để vất trỏng trơ, lâu lâu tôi phải mang đi lau dầu lại, để cuối cùng trước đây mấy tháng tôi phải phá nó ra…vứt đi vì…tốn chỗ trong nhà quá! Tôi còn muốn có cái máy khoan tay, hồi ấy cực kỳ khó kiếm ở Đức, may quá có anh bạn TS.Voigt, đã có kể, có vợ bán hàng ở siêu thị nên kiếm được và các bạn đồng nghiệp ZOS đã lấy nó làm quà tặng chia tay! Đáng nhớ làm sao, bây giờ tôi vẫn dùng nó vì động cơ điện của nó cực kỳ khỏe, tôi vẫn dùng để khoan tường.
Bài sau xin kể kỹ chuyến đi bằng tàu hỏa Zabaical ấy như thế nào, chuyến đi mùa đông ở -22ºC.
Trở lại phần điểm báo Đức. Tờ Spiegel các số 32, 33, 33a, 34, 35, có rất nhiều bài đáng xem, nhưng nhất là: các bài về Putin và nước Nga, tại sao một phóng viên tờ Spiegel vốn đã sống 14 năm ở nước này, bây giờ chẳng còn nhận ra nó nữa.
Rồi tôi cũng có xem bài “Tổng thống Putin đang suy tư và có kế hoạch gì?” của Steve Rosenberg, tác giả chuyên gia của BBC về chính trị Nga của công ty truyền thông nổi tiếng toàn cầu này, từ chắc chắn trên thế kỷ nay rồi. Ông kết thúc bài viết là câu của cựu chính trị gia theo chủ nghĩa tự do Yavlinsky: „…”Vấn đề của Nga là hệ thống của chúng tôi. Một hệ thống được tạo ra ở đây mà đã tạo ra một người như Putin.” “Có rất nhiều người rất tốt ở Nga. Nhưng không có xã hội dân sự.”“.
Quá đúng, không chỉ cho nước Nga hiện nay, mà còn cả cho Việt Nam hiện nay, nhưng lại không đúng cho Nga thời gian hậu Gorby và nước Việt Nam thuộc Pháp trước đây. Đáng tiếc cho nước Nga và đáng mừng cho Việt Nam, trong một tương lai rất gần.
Ở số 33 với tiêu đề „Hier ruhen unsere Klimaziele-Những mục tiêu về khí hậu của chúng tôi yên nghỉ ở đây“, ngoài bài Đức phải bỏ các kế hoạch về khí hậu, dĩ nhiên biết bao vấn đề mới phát sinh, làm sao giữ được các kế hoạch đầy tham vọng ấy. Ngoài ra cũng còn rất nhiều bài khác liên quan tới cuộc sống đã thay đổi ở nước Đức vốn yên bình từ 77 năm nay, sau Thế chiến Hai. Nghề làm bánh mỳ bị mai một ra sao sau cuộc cạnh tranh khốc liệt của bánh mỳ rẻ ở các siêu thị-có lẽ cũng đúng cho nhiều nghề chân tay khác. Sự thất bại của chính phủ liên hiệp 3 đảng SPD, Grüne-Đảng Xanh và FDP – Ampel – là tất yếu sau sự trị vì quá lâu của thời Merkel. Còn có bài, nhiều tập trên nhiều số về cuộc tháo chạy nhục nhã ê chề khỏi Kabul và thất bại của Đức khi lần đầu tiên tham gia vào những xung đột quân sự trên thế giới. Bài cư dân thành phố nhỏ Schwedt ở Đông Đức giáp giới Ba Lan, vốn sống hoàn toàn nhờ vào dầu mỏ Nga, bây giờ phản ứng gay gắt đến thế nào khi Nga cắt đứt đường ống dẫn „Drujba-Hữu nghị“ ấy. Robert Habeck của Grüne-Đảng Xanh, Bộ trưởng Kinh tế, người ăn nói có sức thuyết phục nhất trong chính phủ, bị chê là đâu là lời nói thật, đâu là giả dối, ngụy biện. Và một bài viết rất sâu về hoạt động gián điệp của Nga ở Đức.
Trên tờ Spiegel số 32, tháng 8, 2022 có một bài rất hay về điện hạt nhân mà bài trước tôi có đề cập, nay xin dịch và giới thiệu cùng các bạn:
Mặt Trời bị nhốt trong lồng
Có thể thành công với việc giải phóng năng lượng Mặt Trời trên Trái Đất chăng? Trên 30 doanh nghiệp phân bố khắp thế giới đã hứa sẽ phát triển những lò phản ứng nhiệt hạch và qua đó thành công ở một lĩnh vực mà từ hàng thập niên nay, các viện nghiên cứu lớn do nhà nước tài trợ vốn đã thất bại. Có 2 công ty khởi nghiệp Đức trong số đó.
Markus Roth có dự định cứu rỗi thế giới. Ông cười khi nói điều ấy, nhưng thực ra đấy là ý tưởng nghiêm chỉnh của ông. Bởi vì nhà vật lý ở trường đại học TU Darmstadt muốn tạo ra năng lượng, nhiều gần như vô hạn và sao cho khi đó vẫn không xuất hiện những chất khí có hại đến môi trường.
Tuy nhiên TS. Roth còn phải giải quyết một số vấn đề, và chúng khá khó. Chẳng hạn như có thể đầu tiên nén một chất lên mật độ gấp 50 lần chì rồi nung nóng nó lên 150 triệu ºC chăng? Đấy là những điều kiện tương ứng với điều kiện bên trong các ngôi sao. Nếu Roth thành công với việc tạo ra các điều kiện ấy bằng cách nhân tạo thì ông sẽ có thể châm ngọn lửa của Mặt Trời trên Trái Đất. Nhà vật lý của TU Darmstadt mơ ước làm được việc nấu chảy H để thành He một cách có kiểm soát.
Cho đến nay thì các nhà vật lý plasma vẫn bị cười mỉa về viễn kiến này. Họ luôn phải nghe lời nhạo: Từ 50 năm nay trên lĩnh vực nghiên cứu nhiệt hạch, chỉ có duy nhất một điều là đáng tin – rằng còn cần 30 năm nữa để biến giấc mơ đó thành hiện thực.
Thế nhưng bỗng nhiên có vẻ như sự bi quan này chợt biến mất. Roth thuộc một nhóm hết sức đông các nhà viễn tưởng tin rằng, việc dùng phản ứng nhiệt hạch để tạo ra năng lượng bây giờ đã đến trong tầm tay nhờ vào những đổi mới công nghệ. Họ hứa rằng, có lẽ chỉ từ 10 đến 15 năm nữa thì một thời đại năng lượng mới đã bắt đầu. Và họ đã tìm được những nhà tài trợ sẵn sàng bỏ ra hàng tỷ Đôla chi cho việc thực hiện lời hứa này.
„Ý tưởng này tuy quá đầy tham vọng đấy, song lại vẫn có thể làm được“, nhà vật lý laser và plasma Roth bảo, và qua đó ông chỉ muốn nhắc lại khẩu hiệu của một ngành công nghiệp mà nó mới được sinh ra vài năm trước. Bây giờ thì đã có hơn 30 hãng trên toàn thế giới ganh đua nhau để phát triển những nhà máy điện nhiệt hạch sẵn sàng hoạt động. Còn chính bản thân Roth lại là một trong số những cha đẻ của Focused Energy, một công ty khởi nghiệp Đức-Mỹ có trụ sở tại thành phố Darmstadt.
Doanh nghiệp này vừa kỷ niệm một năm thành lập, nhưng đã có 55 công nhân viên và 150 triệu Euro vốn đầu tư. Sau 25 năm làm việc tại các cơ sở nghiên cứu do nhà nước tài trợ, bây giờ Roth thích thú thấy mọi việc vận hành nhanh nhiều hơn đến thế nào ở một nền kinh tế tự do. Roth khái quát hóa thành công thức: „Ở nghiên cứu nhà nước sẽ có phương tiện hữu hạn nhưng thời gian vô hạn, còn ở ngành công nghiệp tự do sẽ ngược lại“.
Tháng ba rồi đại diện công ty Focused Energy bay sang Mỹ. Các nhà đầu tư, các doanh nhân được mời đến Nhà Trắng để cùng các nhà lãnh đạo Hoa Kỳ phát triển „Tầm nhìn dũng cảm tới năng lượng nhiệt hạch thương mại“. Cực kỳ hân hoan, họ cùng nhắc lại „thời điểm Kitty Hawk“, ý muốn nói tới thị trấn nhỏ ở bang North Carolina nơi anh em nhà Wright thực hiện chuyến bay đầu tiên bằng động cơ.
„Chúng ta đang thực hiện những tiến bộ vô cùng lớn lao“, Bộ trưởng Năng lượng Hoa Kỳ Jennifer Granholm xác nhận. Tuy nhiên bà vẫn cảnh báo không nên phóng đại những lời hứa: „Chúng ta vẫn phải luôn thực tế“. Thế nhưng các nhà đầu tư chẳng hề buồn biết tới khái niệm cẩn thận. „Chúng tôi đến đây vì cơ may tái tạo lại nền kinh tế thế kỷ 21 đã đến“, Carly Anderson của công ty cấp vốn mạo hiểm Prime Movers Lab, bảo. Doanh nghiệp của họ cũng có tham gia đầu tư vào công ty Focused Energy.
Niềm hưng phấn chợt bừng tỉnh của các nhà đầu tư một mặt dựa trên những thành tựu mang tính đột phá của những nhà nghiên cứu nhiệt hạch. Sau thập niên có vẻ như có vấn đề với mỗi tiến bộ kỹ thuật, năm ngoái các nhà vật lý đạt được đồng thời 2 bước đột phá:
- Ở phòng thí nghiệm Jet ở Anh, ngọn lửa nhiệt hạch bừng cháy 5 giây ở nhiệt độ 150 triệu ºC. Đấy là thời gian tối đa mà lò phản ứng được thiết kế.
- Ở Lawrence Livermore National Laboratory (LLNL) ở California các laser đã mồi cho plasma H nóng. Khi đó trong một thời gian ngắn cũng đã thu được phản ứng nhiệt hạch tự kéo dài.
Mặt khác những nhà cấp vốn cảm thấy phấn chấn qua những tiến bộ kỹ thuật mà chúng hứa hẹn một sự gia tăng bước phát triển của các nhà máy nhiệt hạch:
- Siêu dẫn nhiệt độ cao cho phép tính chế tạo những cuộn dây nam châm nhỏ gọn hơn và qua đó những lò phản ứng rõ ràng nhỏ hơn.
- Với công nghệ nano hiện đại các nhà nghiên cứu muốn thiết kế lại các viên bi chất đốt. Họ hy vọng như thế có thể điều khiển quá trình nhiệt hạch chính xác hơn.
- Những tiến bộ ở kỹ thuật laser đã đưa ra những súng bức xạ có thể tạo ra những tia chớp có mật độ năng lượng vô cùng lớn.
Những laser có tên gọi là laser xung cực ngắn mang trong mình các xung cực ngắn của nó cực kỳ nhiều năng lượng. Những máy có công suất lớn nhất trong số chúng tạo ra những tia chớp mạnh tới mức ngang với 5% toàn bộ ánh sáng Mặt Trời lên Trái Đất được hội tụ tại đấy. Nhưng chỉ ở thời gian cực ngắn: một phần trăm ngàn tỷ giây.
Laser loại này đủ để tạo ra nhiệt và áp suất mà chúng vốn cần thiết để mồi cho phản ứng nhiệt hạch, điều này đã được thí nghiệm của Phòng thí nghiệm LLNL chứng minh. Ở đấy các nhà vật lý đã hướng 192 laser công suất cao vào một cái bao nhỏ chỉ bằng đầu một cái kim mà trước đó nó được đổ đầy các đồng vị của Hydro là Triti và Đơteri. Việc bắn phá laser làm cho cái bao nổ ép vào, plasma bên trong sẽ nóng lên và dày đến mức các đồng vị của Hydro bị nung chảy rồi hòa quyện thành Heli.
Đấy là một thời điểm quyết định trong lịch sử năng lượng nhiệt hạch. Các nhà nghiên cứu đã chứng minh được rằng, trong một khoảng thời gian ngắn cho phép mồi một tia lửa nhiệt hạch tự nuôi mình trong phòng thí nghiệm.
Tuy nhiên phương pháp này không thích hợp cho việc sản xuất điện thương mại. Cũng hoàn toàn chẳng có dự định cho việc áp dụng nó cho mục đích dân sự. Phòng thí nghiệm LLNL là một labo quân sự, các thí nghiệm ở đó liên quan tới việc nghiên cứu các quá trình nhiệt hạch khi cho nổ các quả bom Hydro.
Nhưng nhà vật lý Roth của TU Darmstadt lại muốn biến đổi phương pháp sao cho chúng có thể thích hợp cho việc dùng trong hoạt động ở nhà máy điện. Ông đã nghiên cứu rất lâu ở LLNL và vì vậy đã tìm ra một con đường thích hợp: Roth muốn tách riêng ra khỏi nhau việc nén nhiên liệu với việc mồi nó. Roth so sánh cái đó với các động cơ đốt trong: Ở động cơ Đi-ê-zen thì nhiên liệu được mồi qua quá trình nén. Trái lại trong động cơ dùng xăng thì đầu tiên pixton nén hỗn hợp nhiên liệu đã. Rồi sự mồi mới khơi mào tia lửa mồi.
Bằng cách tương tự, hãng Focused Energy của Roth cũng muốn chế tạo những lò phản ứng mà ở đó các cái bao nhiên liệu đầu tiên sẽ được nén bằng một xung laser qua vụ nổ ép vào. Sau đó vài phần nhỏ giây, các xung laser tiếp theo sẽ bắn ra năng lượng cần thiết cho sự mồi.
Về mặt lý thuyết thì Roth và các nhân viên của ông có thể tính trước sao cho bằng cách này có thể kiểm soát tốt quá trình nhiệt hạch và qua đó thu được năng lượng hữu ích. Hãng Focused Energy trước hết còn phải chứng minh rằng tất cả những cái ấy cũng hoạt động trên thực tế. Cho đến năm 2030, hãng hy vọng có thể đưa vào hoạt động một lò phản ứng mang tên Supernova cho mục đích phô diễn.
Roth phê phán các cơ quan nghiên cứu nhiệt hạch nhà nước đã đặt chỉ một chương trình duy nhất cho nhiệt hạch có kiểm soát. Từ nhiều thập niên, các nhà vật lý plasma chỉ tập trung vào cái gọi là phương pháp bao bằng nam châm. Roth bảo: „Điều đó làm cho mọi người bị mù trước các biện pháp thay thế“.
Hàng tỷ Euro đã đổ vào việc phát triển phương pháp bao bằng nam châm. Ngay từ 1985 đã quyết định xây dựng một trạm thử nghiệm dựa trên nguyên lý này. Tuy nhiên sau đó còn phải 26 năm nữa trôi qua cho đến khi ở tỉnh Cadarache của Pháp mới đặt viên đá tảng đầu tiên cho Lò phản ứng nhiệt hạch thử nghiệm Quốc tế (Iter).
Khác với phản ứng nhiệt hạch hoạt động bởi laser mà mục tiêu của nó là mồi những trái bom Hydro nhỏ theo tần suất ngắn, thì ở đây ý tưởng lại là chế tạo một lò phản ứng mà ở đó ngọn lửa của Mặt Trời liên tục cháy. Nói cách khác: các nhà nghiên cứu muốn tạo ra một cái lò mà ở đó cho phép giữ mãi một ngọn lửa cháy ở 150 triệu độ.
Bởi lẽ không có buồng đốt vật chất nào chịu được những nhiệt độ như thế này, các nhà vật lý phải thiết kế một cái lò phi vật chất hình thành từ các từ trường. Họ lợi dụng sự kiện là nhiên liệu của mỗi phản ứng nhiệt hạch đều mang điện tích. Bởi vậy cho phép giam plasma trong một chiếc lồng bằng từ trường.
Với những cuộn dây siêu dẫn được cuốn một cách thông minh, những nhà thiết kế Iter muốn tạo ra một cái lồng từ như thế trong buồng đốt của chiếc lò phản ứng của họ. Họ coi kỷ lục nhiệt hạch mới nhất ở trạm thử nghiệm Jet nằm gần Oxford như là bước ngoặt. Bởi lẽ Jet được phác thảo ở tư cách là người đi trước nhỏ cho Iter. Việc phản ứng nhiệt hạch tiến triển hệt như tính toán trước thì các nhà nghiên cứu đánh giá như là chỉ dấu cho điều là, các quá trình trong buồng từ tính cho đến giờ đã được hiểu kỹ. Bây giờ họ hy vọng rằng sao nhiều lần trì hoãn, hoạt động của Iter có thể bắt đầu từ 2035.
Tuy nhiên cơ quan nhiệt hạch được nhà nước tài trợ bây giờ lại đứng trước sự cạnh tranh của tư nhân ngay cả trên lĩnh vực bao nam châm. Trước hết là công ty khởi nghiệp Commonwelth Fusion Systems, một cơ sở con của MIT ở Cambridge gần Boston, tin rằng nó có thể vượt mặt Iter. Nhóm các nhà nghiên cứu quanh nhà vật lý hạt nhân Bob Mumgaard muốn dùng những ưu việt của siêu dẫn nhiệt độ cao mới để đạt được điều ấy.
Các cuộn dây nam châm được cuốn từ những vật liệu loại mới này, cho phép làm lạnh với nitơ lỏng, điều làm cho người sử dụng chúng tiết kiệm được việc làm lạnh với Heli tốn tiền và tốn công. Nhưng trước hết là những chất này chịu được những từ trường mạnh hơn rất nhiều mà không bị mất các tính chất siêu dẫn của chúng. Điều đó cho phép một phương thức chế tạo gọn nhẹ hơn.
Bằng cách này thì Commonwealth Fusion Systems hứa hẹn sẽ cung cấp những Mini-Iter hoạt động hoàn toàn mạnh mẽ. Tuy nhiên Mumgaard vẫn sẽ còn phải vượt qua những trở ngại lớn. Chẳng hạn cho đến nay vẫn chưa làm rõ được, liệu những sức mạnh cực lớn mà những siêu cuộn dây như thế này phát triển lên, có cho phép chế ngự được chăng. Nhưng các nhà tài trợ có vẻ lạc quan: trong vòng tài trợ vừa qua, doanh nghiệp đã thu được 1,8 tỷ USD. Qua đó công ty khởi nghiệp từ Boston là hãng được trang bị tốt nhất về mặt tài chính trong ngành công nghệ nhiệt hạch còn non trẻ. Commonwealth Fusion Systems nhận được gần 40% nguồn vốn mạo hiểm cho đến nay được đầu tư vào nhiệt hạch.
Trong khi đó thì giới cạnh tranh cố gắng kéo sự chú ý vào mình với những lời hứa hẹn càng ngày càng liều lĩnh hơn. Marvel Fusion, một hãng mới thành lập ở Bavaria, theo đuổi một trong số những tiên đề liều lĩnh nhất. Thành viên nhóm trẻ này là: Markus Roth.
Khi trước đây một năm, nhà vật lý Darmstadt khai sinh ra start-up Focused Energy, thì đấy đã là thử nghiệm thứ 2 của ông, đứng vững trong nền kinh tế tự do. Thử nghiệm thứ nhất được ông thực hiện ở Munich cùng với nhà vật lý Georg Korn và doanh nhân Moritz von der Linden. Ngay từ khi ấy thì mục tiêu của ông đã là dùng ánh sáng laser để mồi lửa cho phản ứng nhiệt hạch.
Tuy nhiên chẳng bao lâu sau đã thể hiện ra rằng, ý kiến về phương pháp hay nhất lại phân kỳ. Ý kiến của Roth không tỏ ra là đủ cực đoan đối với những đồng chí của ông ở Marvel Fusion. Trước đây năm rưỡi, họ chia tay nhau. Roth về lại Darmstadt, những người ở Bavaria bây giờ tuyên truyền về một dạng khác của nhiệt hạch: họ không muốn nung chảy Triti và Đơteri chung với nhau, mà Bor với Hydro.
Những người theo Marvel bảo, điều đó đồng thời có nhiều ưu việt: một mặt ở tư cách là nhiên liệu Bor có sẵn ở lượng đủ nhiều, mặt khác hay thậm chí trái lại, đồng vị Hydro là Triti phải được sinh ra trong các lò phản ứng nhiệt hạch hay ở tư cách là sản phẩm phụ đi kèm ở phản ứng nhiệt hạch. Mặt khác ở nhiệt hạch Bor-Hydro không hình thành nơtron. Điều này không gây khó chịu cho những người xây lò phản ứng do sự mỏi của vật liệu và sự phóng xạ.
Marvel Fusion vừa ký hợp đồng hợp tác với Bộ Khoa học Bang Bavaria. Trong tương lai, Bang sẽ cấp 2,5 triệu Euro cho start-up do các nhà vật lý laser của trường đại học Ludwig Maximilian Munich (LMU) sẽ giúp để nó có thể thực hiện những thí nghiệm mà chúng phải lý giải chương trình của các nhà khoa học mang viễn kiến nhiệt hạch.
Trong tầng hầm của Centre for Advanced Laser Application-Trung tâm Ứng dụng Tiến bộ của Laser tại Trung tâm nghiên cứu Garching ở phía Bắc thành phố Munich, nhà vật lý Stephan Karsch bước qua dây cáp và các bậc để sang một trong những cái „cave-hang“ khác. Các nhà nghiên cứu gọi các buồng thử nghiệm hình ống mà họ hướng tia laser vào như vậy.
Karsch đeo kính bảo hộ màu đen mà nó không cho tần số ánh sáng laser đi qua. „Nếu không thì ánh sáng ở đây sẽ có thể đốt những lỗ trong võng mạc và làm mù mắt“, ông giải thích. Laser của LMU là một trong những laser mạnh nhất thế giới. Qua hệ thiết bị bắn ra những tia chớp mà trong thời gian vài phần nhỏ của một giây, chúng tập hợp được một năng lượng lớn hơn tất cả các nhà máy điện thế giới cộng lại.
Dùng một bánh xe nhỏ, các nhà nghiên cứu có thể đưa những vật liệu khác nhau vào chùm tia laser. Cùng với Marvel Fusion, họ nghiên cứu xem ánh sáng laser xé nát mẫu ngay từ bên trong ra sao. Bởi lẽ khi tia sáng laser đi đến vật chất, áp suất ánh sáng đâty tất cả các điện tử lên phía trước. Chỉ còn các thân lưng ion ở lại phía sau. Nhưng vì chúng, một khi bị mất các điện tử của chúng, sẽ mang điện tích dương, nên sự đẩy lẫn nhau đó làm nổ tung vật liệu. „Một hiện tượng thường được gọi là vụ nổ Coulomb“, Karsch giải thích.
Lực nổ tung ra của một vụ nổ như thế cực kỳ lớn, thế nhưng nhóm các nhà khoa học Marvel cũng vẫn cần tới những hiệu ứng cực đoan để giải phóng phản ứng nhiệt hạch. Để làm nóng chảy rồi kết hợp Bor với Hydro, cần năng lượng lớn hơn khoảng 30 lần so với phản ứng Đơteri-Triti. Điều ấy có nghĩa là, thay vì 150 triệu ºC, ở đây cần đến gần năm tỷ ºC. Nó quá nóng đối với mỗi lò nung laser nào, và cũng với mỗi lò nung từ tính nào.
Bởi vậy khi mồi, các nhà vật lý Marvel chợt nghĩ đến lực nổ tung của các vụ nổ Coulomb. Để đạt được tác dụng lớn nhất có thể, họ phải tổ chức vụ nổ chính xác nhất có thể.
„Chúng tôi sẽ tạo dáng nhiên liệu nhờ các phương pháp công nghệ nano“, giám đốc nghiên cứu của Marvel giải thích. Ông muốn phát triển những viên nhỏ bằng đầu kim đặt liền nhau trên bề mặt với những chiếc kim nhỏ cỡ micromet. Vụ nổ do laser gây ra trong trung tâm phải chạy trùng vào đường đó, nơi mà sau đó phản ứng nhiệt hạch được mồi. Các nhà nghiên cứu Marvel vừa mới trình bày những phép tính toán mà qua chúng họ muốn chứng minh rằng, tất cả những cái ấy thật sự có thể hoạt động được.
Cho đến lúc họ thuyết phục được đa số các nhà vật lý nhiệt hạch tin về điều đó, chắc chắn sẽ còn cần chút ít thời gian. Tuy nhiên thì nhà vật lý Roth của TU Darmstadt vẫn biết, ông đánh giá những kế hoạch đầy tham vọng của các đồng nghiệp Munich trước đây của ông như thế nào. Nhưng tốt hơn hết là ông đừng thổ lộ ý kiến của mình. Khi chia tay, ông đã cam kết qua hợp đồng rằng phải giữ kín chúng.
Hình minh họa: Buồng đốt của lò phản ứng thử nghiệm Jet