Triệu Tử Long
(VNTB) – Tỉnh Bình Dương đã ‘chi nhầm’ tiền hỗ trợ Covid-19 ước khoảng 18 tỷ đồng.
Hai phó giám đốc Sở Lao động, thương binh và xã hội tỉnh Bình Dương là ông Phạm Văn Tuyên và bà Nguyễn Ngọc Hằng cùng xác nhận với báo chí vào chiều ngày 22-10, rằng các địa phương trên địa bàn đã chi nhầm tiền hỗ trợ Covid-19 cho người lao động nên buộc phải thu hồi.
Theo ông Tuyên, tình trạng trên xảy ra do một số người đã kê khai thêm danh sách nhận tiền hỗ trợ vào thời điểm tỉnh đẩy nhanh tiến độ chi hỗ trợ cho người lao động.
“Quá trình lập danh sách chi hỗ trợ cho các nhà trọ và nhu yếu phẩm được giao cho các tổ, khu phố, lập danh sách xong là chi ngay. Có thể người lao động đã khai thêm bạn bè vào danh sách để nhận hỗ trợ”, lãnh đạo Sở Lao động, thương binh và xã hội tỉnh Bình Dương nói, và cho biết sẽ rà soát lại.
Ngoài ra, tỉnh cũng chi 1,5 triệu đồng/người cho đối tượng lao động tự do. Tuy nhiên, nhiều người trong diện này thực chất là lao động của các doanh nghiệp. Sau khi hưởng 1,5 triệu đồng thông qua gói hỗ trợ lao động, những người này tiếp tục hưởng gói tạm hoãn 3,7 triệu đồng thông qua bảo hiểm xã hội. Do đó, qua đối chiếu dữ liệu, Sở Lao động, thương binh và xã hội phát hiện danh sách người nhận tiền hỗ trợ bị trùng lặp.
Thị xã Tân Uyên là địa phương để xảy ra nhiều sai sót nhất. Chi không đúng 21.819 trường hợp hỗ trợ theo Nghị quyết 04 của Hội đồng nhân dân tỉnh Bình Dương, và 22.292 trường hợp hỗ trợ theo Quyết định 12 của UBND tỉnh Bình Dương. Còn lại khoảng 1.000 trường hợp chi nhầm đối tượng rải rác ở các địa phương khác.
Hiện chính quyền tỉnh Bình Dương đã chỉ đạo thu hồi toàn bộ số trường hợp chi không đúng đối tượng trên.
Theo quy định, chính sách trên lẽ phải lập danh sách chi xong vào ngày 31-8. Lúc này, tỉnh Bình Dương đã chi 1.050 tỉ đồng. Tuy nhiên, do chi nhầm và bỏ sót nên hiện nay đang rà soát bổ sung. Số tiền chi thêm khoảng 30 – 50 tỉ đồng.
Trong khi ở Tân Uyên đã chi nhầm với số lượng lớn người được nhận và rải rác ở các địa phương khác thì tại thành phố Dĩ An, thì hàng trăm người ở trọ tại khu phố Tân Hòa, phường Đông Hòa, đến nay vẫn chưa được nhận tiền hỗ trợ 800.000 đồng/ người và một số khoản tiền hỗ trợ khác.
Tuy nhiên phản ánh với báo chí, nhiều người ở trọ tại tổ 11, khu phố Tân Hòa, phường Đông Hòa, cho biết hàng chục gia đình ở trong dãy trọ chưa được nhận tiền 800.000 đồng, nhưng ở gần đó có gia đình vợ chồng ở nhà lầu, xe hơi lại được nhận hỗ trợ tiền nhà trọ và nhu yếu phẩm, tổng trị giá 800.000 đồng.
Bà Nguyễn Ngọc Hằng, Phó giám đốc Sở Lao động, thương binh và xã hội tỉnh Bình Dương cho biết việc chi nhầm tiền hỗ trợ Covid-19 này lên tới con số trên 22.900 người. Người đứng đầu sở này là ông Lê Minh Quốc Cường, giải thích trong quá trình triển khai hỗ trợ do thiếu người, áp lực sớm đưa tiền đến người ở trọ, các địa phương có sự nhầm lẫn. Sự việc được phát hiện khi cơ quan chức năng nhập số liệu vào máy tính.
Người đứng đầu Sở Lao động, thương binh và xã hội tỉnh Bình Dương cho hay việc thu hồi sẽ triển khai từng bước, giải thích vận động cho người dân hiểu. Những người cố tình không trả, cơ quan chức năng sẽ có hướng xử lý. Ngoài phát hiện số lượng lớn người không đủ tiêu chuẩn, tỉnh còn ghi nhận hơn 100.000 người trong diện hỗ trợ nhưng không có trong danh sách và đang có hướng giúp đỡ.
Cũng theo giám đốc Lê Minh Quốc Cường, sở dự kiến tham mưu UBND tỉnh Bình Dương hỗ trợ một triệu đồng cho mỗi F0 điều trị tại nhà trọ; 500.000 đồng cho mỗi F0 xuất viện và cách ly 14 ngày tại nhà. Sở cũng rà soát các nhóm người thật sự khó khăn để ban hành chính sách an sinh xã hội, với mức hỗ trợ một triệu đồng một người, gồm: lao động tự do tiếp tục dừng hoạt động, hộ nghèo, cận nghèo, người bảo trợ xã hội, người có công…
“Trong 7 tội danh quy định tại Mục 2 Chương XXIII, Bộ luật hình sự năm 2015, sửa đổi, bổ sung năm 2017 thì thực tiễn đấu tranh phòng, chống tội phạm cho thấy xảy ra nhiều nhất là Tội thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng.
Đây thuộc nhóm tội phạm về chức vụ. Đó là những hành vi xâm phạm hoạt động đúng đắn của cơ quan, tổ chức do người có chức vụ thực hiện trong khi thực hiện công vụ, nhiệm vụ.
Tôi cho rằng cần xem xét về dấu hiệu hành vi hình sự của vụ việc đang được gọi là ‘chi nhầm’ với con số thiệt hại vật chất lên đến 18 tỷ đồng, liên quan đến gần 23 ngàn người ở đại dịch Covid tại tỉnh Bình Dương” – kiểm sát viên Đỗ Văn Thanh, có ý kiến như vậy.