VNTB – Có thật là “rộng cửa cho người tự ứng cử tham gia Quốc hội khóa mới”?

VNTB – Có thật là “rộng cửa cho người tự ứng cử tham gia Quốc hội khóa mới”?

Triệu Tử Long

 

(VNTB) – “Rộng cửa cho người tự ứng cử tham gia Quốc hội khóa mới” 

 

Đó là khẳng định của Phó chủ tịch – Tổng thư ký Ủy ban Trung ương Mặt trận tổ quốc Việt Nam Hầu A Lềnh với báo chí, khi nói về cơ cấu đại biểu Quốc hội khóa XV sẽ được bầu cử vào ngày 23/5 tới đây.

Theo cơ cấu dự kiến của Ủy ban Thường vụ Quốc hội thì tỷ lệ này phấn đấu đại biểu là những người ngoài Đảng khoảng 5 – 10%. Với tỷ lệ này, những người ngoài Đảng hay người tự ứng cử sẽ có số lượng từ 25 – 50 đại biểu. Tuy nhiên theo ông Hầu A Lềnh, sau hội nghị hiệp thương lần thứ nhất thì vẫn chưa đạt được con số này, mới được hơn 7%. Nhưng đây mới là hiệp thương lần 1, sau lần 2 có thể bổ sung. Với tỷ lệ tối đa là 10% thì “cửa” để những người tự ứng cử là thoải mái.

Những người hoài nghi về chuyện ‘rộng cửa’ ấy lập luận như vầy:

Theo Nghị quyết số 1185/NQ-UBTVQH14 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội ngày 11-1-2021, dự kiến tổng số đại biểu Quốc hội khóa XV là 500 đại biểu.

TP.HCM là địa phương có số lượng đại biểu Quốc hội nhiều nhất, dự kiến có 30 đại biểu. Tiếp theo là Hà Nội, với 29 đại biểu. Thành phần đại biểu Quốc hội ở các cơ quan Trung ương là 207 đại biểu (41,4%) và đại biểu Quốc hội ở các địa phương là 293 đại biểu (58,6%).

Dự kiến, TP.HCM có 15 đại biểu do Trung ương giới thiệu, 15 đại biểu do địa phương giới thiệu. Hà Nội cũng có 15 đại biểu do địa phương giới thiệu và 14 đại biểu Trung ương giới thiệu.

Việc công bố số đơn vị bầu cử, danh sách các đơn vị bầu cử và số lượng đại biểu Quốc hội, đại biểu Hội đồng nhân dân được bầu ở mỗi đơn vị bầu cử chậm nhất là ngày 4-3-2021, tức 80 ngày trước ngày bầu cử. Nộp hồ sơ người ứng cử đại biểu chậm nhất là 17 giờ ngày 14-3-2021, tức là 70 ngày trước ngày bầu cử.

Công bố danh sách chính thức những người ứng cử đại biểu Quốc hội chậm nhất là ngày 28-4-2021, tức 25 ngày trước ngày bầu cử.

Từ các số liệu ở trên cho thấy rất hiếm khả năng ở TP.HCM xảy ra việc 15 đại biểu do Trung ương giới thiệu và 15 đại biểu do địa phương giới thiệu sẽ ‘bị rớt’ khi có sự cạnh tranh như lời nhận định của Phó chủ tịch – Tổng thư ký Ủy ban Trung ương Mặt trận tổ quốc Việt Nam Hầu A Lềnh, là Rộng cửa cho người tự ứng cử tham gia Quốc hội khóa mới!

Trong trường hợp kể trên, những người được gọi là ‘tự ứng cử’, tức không phải do “Đảng cử”, hoặc “Mặt trận cử” sẽ dễ rơi vào trường hợp của ‘quân xanh – quân đỏ’, tức chỉ là ‘trái độn’ cho danh sách ứng cử đã được ‘cơ cấu’ cho có màu sắc dân chủ.

Sở dĩ gọi là ‘màu sắc dân chủ’ qua việc ‘rộng cửa cho người tự ứng cử’, vì “nếu bầu ba người thì phải có số dư tối thiểu hai người, nếu bầu bốn phải có số dư tối thiểu ba người”; và ‘màu sắc dân chủ’ ở đây là chỉ cần sắp xếp các ứng viên quá chênh lệch về tuổi đời, chức vụ, trình độ cùng tranh cử tại một địa bàn bầu cử là có thể rõ ngay ai là ‘quân xanh’ – ‘quân đỏ’.

Một câu chuyện quen thuộc, các địa phương lo ngại trách nhiệm để người ứng cử có chức sắc cao của địa phương, hoặc do Trung ương giới thiệu mà bị “trượt”, nên đã bố trí những người ứng cử khác trong danh sách bầu có trình độ và vị thế cách biệt, thấp xa.

Họ “biện lý” rằng, tất cả đều đủ tiêu chuẩn nên cử tri tín nhiệm ai thì bầu! Thực ra đây là một ví dụ điển hình của tình trạng mà dân gian gọi là “quân xanh – quân đỏ”.

Một lưu ý khác quanh chuyện ‘rộng cửa’, đó là trong trường hợp đảng viên, cán bộ, công chức, viên chức tự ứng cử thì theo quy định, phải được cơ quan đơn vị quản lý xác nhận đồng ý cho người đó tự ứng cử. Vì là đảng viên, cán bộ, công chức thì thuộc quản lý của Đảng, Nhà nước, không thể tự do được. Người ta gọi đó là yêu cầu “Đảng cử”, cũng không sai.


CATEGORIES
TAGS
Share This

COMMENTS

Wordpress (0)