Thế Sự
(VNTB) – Thế nhưng, điều động quân về Làng Hoành trong dịp cận kề Tết có phải là “giải quyết thấu tình đạt lý”? Và cách hành xử “lắng nghe” đã bị loại trừ trước mục tiêu “xử lý nghiêm khắc các phần tử chống lại Đảng, Nhà nước”?
Sáng ngày 9-1, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc tuyên bố “lăn lộn, lắng nghe, chia sẻ, giải quyết thấu tình đạt lý của mình đối với người dân rất quan trọng, là bài học kinh nghiệm của các cấp chính quyền, chứ không phải dùng quyền lực áp đặt” khi chủ trì Hội nghị trực tuyến toàn quốc tổng kết công tác dân vận và đánh giá kết quả thực hiện “Năm dân vận chính quyền” 2019, triển khai nhiệm vụ 2020, tại Hà Nội.
Ông cũng nhấn mạnh, “Không được coi thường những đốm lửa nhỏ, nhiều đốm lửa nhỏ sẽ bùng lên thành đống lửa lớn mà chúng ta phải thông qua công tác dân vận để người dân hiểu, ủng hộ”.
Thế nhưng trước đó, vào rạng sáng ngày 9-1, một đoàn quân di chuyển về phía Làng Hoành (Đồng Tâm, Hà Nội) và thực hiện “đánh úp” vào lúc 4h00 sáng khiến cho “4 người tử vong”, theo Thông cáo của Bộ Công an.
Tiếp đó, ngày 11-1-2020, trong buổi kiểm tra công tác của lực lượng Cảnh vệ Công an nhân dân (CAND), ông Thủ tướng tuyên bố, “Chúng ta phải xử lý nghiêm khắc các phần tử chống lại Đảng, Nhà nước và lực lượng của chúng ta. Ba đồng chí hy sinh là một tấm gương rất lớn”.
Thế nhưng, điều động quân về Làng Hoành trong dịp cận kề Tết có phải là “giải quyết thấu tình đạt lý”? Và cách hành xử “lắng nghe” đã bị loại trừ trước mục tiêu “xử lý nghiêm khắc các phần tử chống lại Đảng, Nhà nước”?
Quan điểm “chuyên chính” của ông Thủ tướng là xuất phát từ nội tâm của chính ông, hay là nhiệm vụ chính trị buộc ông phát ngôn như thế? Phải chăng, trong mắt ông và những người “đồng chí” nhìn về “Đồng Tâm” như một nỗi bất lực khi thực hiện lấy lại đất, và buộc phải thực hiện “quyền lực áp đặt”, đến mức phải gắn cho những người nông dân Làng Hoành là “các phần tử chống lại Đảng, Nhà nước”?
Nếu Bộ Công an tiến hành nhiệm vụ này (Bộ Công an là cơ quan thuộc Chính phủ), và quan điểm của ông Thủ tướng là như vậy, thì có phải chăng ông Thủ tướng là người “chấp thuận”, thậm chí là “chỉ đạo” chủ trương đưa quân về dẹp “ổ phản loạn Đồng Tâm”?
Hệ quả, “áp đặt quyền lực” đã phải trả giá quá đắt, không chỉ dừng ở mạng người, mà là niềm tin của người dân đã vỡ nát hoàn toàn. Bởi sự kiện ngày 9-1 xảy ra Đồng Tâm đã khiến bản chất câu chuyện lần này không còn là “đốm lửa nhỏ”, mà có khả năng bùng lên thành một “đống lửa lớn”, hun đúc ý chí căm hờn trong mỗi người dân trong và ngoài Đồng Tâm.
Quan trọng hơn, cách xử lý vội vã và có phần cẩu thả dựa vào “quyền lực áp đặt” lần này nhằm mục đích chủ quan là “tái lập trật tự xã hội trước thềm ĐH XIII” đã khiến niềm tin vào bộ máy chính trị đối với Chính phủ Kiến tạo tiêu tan, và hình thành một minh họa mẫu mực cho cái gọi là nhà nước Pháp quyền XHCN trong mắt một bộ phận không nhỏ người dân.
Việc bà Nguyễn Thị Tâm, dân oan Dương Nội trong một video đăng tải trên Facebook cá nhân đã “chửi thẳng mặt” vào những viên an ninh đang canh giữ khu vực ở của bà, thu hút hàng ngàn lượt xem và tán đồng. Tiếng “chửi” của bà và sự đồng thuận quan điểm của hàng ngàn người đối với tiếng chửi của bà đã thể hiện hết nỗi lòng, tâm tư của người dân đau xót trước thực trạng cái chết của Cụ ông Lê Đình Kình, và cho thấy niềm tin của người dân đối với thể chế này như thế nào.
Nhưng thay vì có một động thái dung hòa để xoa dịu vụ việc, thì Nhà nước lại tiếp tục dùng “quyền lực áp đặt” để tiến hành nhục mạ và bôi nhọ nhân phẩm của những người dân đã chết và bị bắt. Gọi họ là “đối tượng”, tuyên bố họ là “kẻ gây rối” (báo Lao Động ngày 10-1), coi họ không còn là “dân lành” (báo Vietnamnet ngày 10-1); gọi họ là “kẻ giết người” (VOV ngày 10-1); khẳng định họ là “thành phần bất hảo, nghiện ngập tụ tập” (báo CAND ngày 10-1).
Tổng hợp lại, trách nhiệm của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc để xảy ra sự việc Đồng Tâm ngày 9-1, chỉ đạo báo chí cách mạng “lên đồng, đấu tố” vào ngày 10-1, và quan điểm chuyên chính ngày 11-1 gián tiếp khiến cho niềm tin chính trị vào ông bị sút giảm nghiêm trọng. Liệu ông Thủ tướng có hiểu, có thấu, có nhận biết được điều đó? Hay ông thực thi quan điểm, tuyên bố, chỉ đạo qua “báo cáo” từ cấp dưới để rồi có những chỉ đạo, phát ngôn “phô trương quyền lực” và góp phần “đổ dầu vào lửa” trong hoàn cảnh này mà không hề để tâm đến tiếng nói từ người dân Làng Hoành như thế nào, phản ứng của dư luận ra sao?
Làm sao người dân có thể tin được một cơ chế mà nơi đó, mạng người dân bị “chết” vô cớ trong một đêm tối trời? Làm sao người dân có thể “đồng hành cùng Chính phủ” trong kinh tế, chính trị và các vấn đề liên quan đến chủ quyền quốc gia khi lời nói trước sau bất nhất? Làm sao người dân có thể tin vào “đối thoại, công bằng” khi các tranh chấp đất đai lại sử dụng đến lực lượng vũ trang tập kích trong đêm, và khi lên truyền thông người dân giữ đất bị biến thành “phần tử chống lại Đảng, Nhà nước”?
Và đó là lý do khiến không ít quan điểm nhận định rằng, sự kiện ngày 9-1, Chính phủ, Nhà nước Việt Nam đã thua trắng tay về nhân tâm và đoàn kết nhân dân?
1 comment
Cụ kình và người dân Đồng tâm Đưa yêu sách ,cách đấu tranh lý lẽ…hoàn toàn theo phương thức của cộng sản nằm vùng thế kỷ trước ,không thể qua mắt chế độ ta ngày nay và bị tiêu diệt là tất yếu bởi ”cộng sản là loài cỏ dai…”