Quang Nhựt
(VNTB) – Kể công trạng ‘hệ thống chính trị’, hóa ra dân mình là vô cảm hết à?
“Tổng bí thư: Toàn hệ thống chính trị tập trung cao nhất cho phòng, chống dịch COVID-19”
Báo Tuổi Trẻ cho biết sở dĩ đặt tít tựa đó không phải nhằm ‘câu view’, mà “Đó là chỉ đạo của Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng tại cuộc họp Bộ Chính trị để cho ý kiến về tình hình phòng, chống dịch COVID-19 và nhiệm vụ, giải pháp trong thời gian tới diễn ra sáng 11-6”.
Bài báo có một số đoạn tung hô công trạng của người đứng đầu Bộ Chính trị:
“…Vừa qua, chúng ta cũng khá nhạy bén, chủ động, có nhiều biện pháp quyết liệt, kịp thời, hiệu quả và có cái hay là cả hệ thống chính trị, toàn dân ủng hộ, đã khơi dậy tinh thần yêu nước, truyền thống thương yêu đùm bọc lẫn nhau.
Hình ảnh những cụ già, em bé đi ủng hộ, các đơn vị đóng góp, Mặt trận Tổ quốc đứng ra tổ chức kêu gọi toàn dân hưởng ứng, trước hết là tình cảm “Thương người như thể thương thân”, “Một miếng khi đói bằng một gói khi no”. Tình nghĩa đoàn kết dân tộc quan trọng lắm, để động viên tinh thần ấy lên, chứ không phải chỉ mấy cơ quan chuyên môn, tất cả đem lại sức mạnh tổng hợp từ lãnh đạo, các cơ quan chuyên môn, các ngành, các cấp, toàn dân vào cuộc, mừng là chỗ đó…” (hết trích)
Thoạt nghe qua, đó là một nhận định nghe sướng tai về ý Đảng – lòng Dân, cùng vượt qua khó khăn trong mùa dịch Covid-19.
Thật ra điều đó là không sai, tuy nhiên, “cả hệ thống chính trị” như lời của ông Tổng bí thư cho thấy đây là nhầm lẫn rất đáng tiếc, bởi một điều là, không cần phải có sự “nhạy bén, chủ động” hay ai đứng ra kêu gọi gì, người dân cũng chung tay giúp đỡ lẫn nhau, không chỉ trong đợt dịch này mà còn là ở những đợt dịch khác.
“Cứ nhìn vào thực tế, như đợt dịch đầu tiên, thời Nguyễn Xuân Phúc còn làm Thủ tướng, chưa cần một tổ chức chính trị nào kêu gọi, người dân Sài Gòn đã có một hành động rất đẹp, đó là phát khẩu trang miễn phí. Sau đó là ‘ATM’ gạo, ‘ATM’ khẩu trang,… rồi những quán ăn, những quán cà phê, những chủ cửa hàng, họ sẵn sàng giúp đỡ người nghèo khó không chỉ một khoản tiền nho nhỏ mà còn là nhu yếu phẩm, là gạo…
Hay cứ như một số cơ quan hành chính cấp phường, xã; hoặc một vài hội nhóm của chính quyền, cũng trích ra một khoản, biếu/ tặng những người khó khăn. Tất cả những trường hợp nói trên, họ chẳng cần Đảng hay Mặt trận gì ra lời kêu gọi ráo trọi, đơn giản là người dân giúp đỡ lẫn nhau của nghĩa đồng bào vậy thôi. Chứ nói gì kể công trạng ‘hệ thống chính trị’, hóa ra dân mình là vô cảm hết à?” – ông Tư, một cựu giáo chức, nhận xét.
“Nói thật, giờ mình phải tự lo cho mình, chứ đợi cái gọi là chính trị kêu gọi rồi giúp đỡ, lâu lắm. Như đợt dịch trước, cũng gói cứu trợ, mà chờ hoài, rồi người có người không.
Cũng biết chính quyền thành phố lo cho dân, cũng chẳng tiếc gì giúp đỡ người dân, nghe đâu họ còn chuẩn bị được nguồn tiền để dân thành phố được tiêm ngừa Covid miễn phí mà không cần dân đóng góp kia mà, nhưng chắc là cũng có những cái thành phố muốn nhưng lực bất tòng tâm. Chính vì thế, tự dân lo cho dân cho chắc ăn. Thật sự, cũng cảm ơn những tổ chức đã hỗ trợ cho người dân, nhất là đối với những người nghèo khó như tụi chú”, ông Minh Long, một ‘bác tài xe ôm truyền thống’, ý kiến.
“Dùng hai từ chính trị thật sự thì nó hơi chung chung. Bởi chính trị ở đây nó bị đao to búa lớn với chuyện dễ dẫn đến nhập nhằng đánh lận con đen công lao của những người, những tổ chức khác. Dĩ nhiên, với những người đó – như đội ngũ y bác sỹ hay lực lượng chức năng của thành phố Sài Gòn chẳng hạn, có thể họ cũng không màng đến công lao đâu.
Tuy nhiên, cũng nên nói cho rõ ràng ra chứ không thể lập luận chung chung nhờ hệ thống chính trị này nọ. Y bác sỹ là đội ngũ đầy chuyên môn và kinh nghiệm về dịch.
Còn nếu như kêu không, phải nhờ có hệ thống chính trị mới được như vậy. Ồ, vậy thì xét thử xem, việc phong tỏa, cách ly như vậy có phải hệ thống chính trị của nhà cầm quyền cộng sản đang mượn cớ để hạn chế quyền tự do đi lại của người dân hay không? Nhân quyền bị vi phạm chứ còn gì nữa… Và nếu không đưa hệ thống chính trị vào, thì đó chỉ đơn thuần là cùng chung tay với y tế chống dịch mà thôi” – một người dân ngại bị chụp mũ, yêu cầu ẩn danh khi nhận xét về những gì mà bài báo tường thuật cuộc họp Bộ Chính trị hôm 11-6.
Trong những biện pháp tu từ của văn học, có một loại gọi là thậm xưng – hay còn gọi là nói quá, nhằm nhấn mạnh, gây ấn tượng, tăng sức biểu cảm một cái gì đó. Thiết nghĩ, với tình hình dịch diễn biến phức tạp, nếu như nói quá lên, cũng chẳng được cái mục đích gì.
Chi bằng cứ nói sao nói vậy đi… người ơi…