Phú Nhuận
(VNTB) – Chúng ta có quyền lựa chọn thì nên chọn thứ tốt hơn.
Nhiều bài viết trên báo chí nhà nước tuyên truyền rằng, “vắc xin tốt nhất là vắc xin được tiêm sớm nhất”. Điều này không trúng. “vắc xin tốt nhất là vắc xin được giới khoa học đồng công nhận”.
Bác sĩ Cao Văn Tuân ở Sài Gòn ý kiến, “Chờ đợi để nhận thứ tốt luôn là việc sáng suốt nên làm”.
Bởi rất đơn giản, vắc xin cần chứng minh được tính an toàn và hiệu quả trước khi được sử dụng trên người. Dù bất cứ lý do nào cũng không được ‘ẩu’ trên sức khoẻ người dân. Những dữ liệu được công bố của vắc xin Trung Quốc rất hạn chế. Điều này làm giới khoa học lo ngại. Một khi đã có lo ngại khoa học, thì cần phải cân nhắc hơn nữa, nhất là với quốc gia còn hạn chế về quyền tự do tiếp cận thông tin như Việt Nam.
Có một thực tế là trong khi ra sức kêu gọi “vắc xin tốt nhất là vắc xin được tiêm sớm nhất” – “có vắc xin nào tiêm ngay vắc xin đó, không lựa chọn vắc xin” cho việc thuyết phục dân chúng đồng ý chích vắc xin do Trung Quốc sản xuất, thì báo chí tuy vẫn còn đăng các bài viết ghi nhận diễn biến các quốc gia chọn vắc xin Trung Quốc là ‘mũi tiêm chủ lực’, song hầu hết những nội dung này ít khi được nằm ở trang 1 của báo điện tử.
Người dân hiện chủ yếu biết được các khuyến cáo về cả hai loại vắc xin từ nhà bào chế Sinopharm đến Sinovac của Trung Quốc qua mạng xã hội.
Trong ngày 12-8, rất nhiều tờ báo rút tít: Thủ tướng: ‘Vắc xin tốt nhất là vắc xin được tiêm sớm nhất’.
Campuchia là quốc gia hàng xóm của Việt Nam đã làm chọn vắc xin để chích theo đúng như nhận xét của Thủ tướng Phạm Minh Chính.
Trong số phát hành ngày thứ bảy 14-8-2021 của cơ quan Thông tấn Quốc gia Việt Nam (TTXVN), trong bản tin “Dịch COVID-19: Campuchia tiêm vaccine mũi thứ ba cho lực lượng tuyến đầu”, viết như sau:
“Ngày 1/8, Thủ tướng Campuchia Hun Sen thông báo chính phủ nước này quyết định tiêm mũi thứ ba với vaccine ngừa COVID-19 của hãng AstraZeneca để tăng kháng thể cho những người đã tiêm hai mũi trước bằng vaccine của Sinopharm và Sinovac của Trung Quốc.
Theo phóng viên TTXVN tại Phnom Penh, phát biểu tại lễ phát động chiến dịch tiêm chủng cho thanh thiếu niên tại Cung Hòa Bình ở Phnom Penh, Thủ tướng Hun Sen nhấn mạnh lực lượng tuyến đầu chống dịch vào khoảng 500.000 đến 1 triệu người, đặc biệt là tuyến đầu ở biên giới Thái Lan – nơi dịch COVID-19 đang lây lan mạnh, sẽ được ưu tiên tiêm phòng mũi thứ ba.
Sau đó, 9 triệu người khác đã tiêm hai mũi vaccine của Sinopharm và Sinovac sẽ được tiêm nhắc lại. Ông cũng đề nghị tiểu ban phòng chống dịch nghiên cứu sử dụng loại vaccine phù hợp để tiêm mũi thứ ba cho những người đã tiêm hai mũi vaccine của AstraZeneca.
Thủ tướng Campuchia đồng thời đề nghị Bộ trưởng Kinh tế và Tài chính nước này Vongsey Visoth tìm mua vaccine của AstraZeneca qua cơ chế COVAX hoặc liên hệ trực tiếp với nhà sản xuấtđể mua đủ liều thứ ba tiêm phòng cho người dân” (dừng trích).
Tổ chức Y tế Thế giới đánh giá ra sao về vắc xin Sinopharm của Trung Quốc?
Trong bài “The Sinopharm COVID-19 vaccine: What you need to know” đăng ngày 2-8-2021 với chú thích “Thông tin cập nhật đến ngày 10/05/2021”, căn cứ từ ý kiến Nhóm Chuyên gia Tư vấn Chiến lược về Tiêm chủng (WHO Strategic Advisory Group of Experts – SAGE) của WHO, về việc đã ra khuyến nghị tạm thời về việc sử dụng vắc xin bất hoạt COVID-19 BIBP do Sinopharm/ Tập đoàn Dược phẩm Quốc gia Trung Quốc phát triển.
Trong bài viết được gọi là “tóm tắt các khuyến cáo tạm thời”, có một số nội dung đáng chú ý (trích):
Vắc xin này có an toàn không?
SAGE đã đánh giá kỹ lưỡng số liệu về chất lượng, an toàn và hiệu lực của vắc xin này và khuyến cáo sử dụng cho những người từ 18 tuổi trở lên.
Số liệu về an toàn hiện tại chỉ giới hạn ở những đối tượng trên 60 tuổi (do số người tham gia thử nghiệm lâm sàng ít). Trong bối cảnh chúng ta không thể đoán trước sự khác biệt trong hồ sơ an toàn của vắc xin này ở người cao tuổi so với nhóm tuổi trẻ hơn, thì các quốc gia đang cân nhắc sử dụng vắc xin này ở người trên 60 tuổi cần duy trì việc theo dõi tính an toàn chủ động.
Vắc xin này có hiệu lực như thế nào?
Một thử nghiệm Giai đoạn 3 đa quốc gia cho thấy, sau 14 ngày kể từ khi tiêm đủ hai liều (khoảng cách giữa hai liều là 21 ngày) vắc xin có hiệu quả 79% phòng lây nhiễm vi rút SARS-CoV-2 có triệu chứng. Hiệu quả trong việc phòng ngừa nhập viện là 79%.
Thử nghiệm này không được thiết kế và có hiệu lực để chứng minh hiệu quả phòng ngừa bệnh nặng ở những người có bệnh nền, những người trong thời kỳ mang thai, hay những người từ 60 tuổi trở lên. Có ít đối tượng là phụ nữ tham gia vào nghiên cứu. Thời gian theo dõi trung vị ở thời điểm đánh giá dữ liệu là 112 ngày.
Có hai thử nghiệm đánh giá hiệu lực của vắc xin đang được triển khai nhưng chưa có số liệu.
Vắc xin này có hiệu lực với các biến thể mới không?
SAGE hiện khuyến cáo sử dụng vắc xin này theo Lộ trình Ưu tiên của WHO.
Khi có thêm số liệu mới WHO sẽ cập nhật các khuyến cáo. Vắc xin này vẫn chưa được đánh giá trong bối cảnh các biến thể mới đang lưu hành rộng rãi.
Vắc xin này phòng ngừa được việc nhiễm và lây truyền vi rút không?
Hiện không có nhiều số liệu về tác động của vắc xin COVID-19 BIBP đối với việc lây truyền vi rút SARS-CoV-2, loại vi rút gây bệnh COVID-19.
Đồng thời, WHO lưu ý vẫn phải duy trì và tăng cường các biện pháp y tế công cộng hiệu quả: đeo khẩu trang, giãn cách, rửa tay, vệ sinh hô hấp và quy tắc che miệng khi ho, tránh tụ tập đông người, và đảm bảo thông khí tốt. (dừng trích – bản Anh ngữ https://www.who.int/vietnam/news/feature-stories/detail/the-sinopharm-covid-19-vaccine-what-you-need-to-know).
Như vậy khi chính quyền TP.HCM đã thông báo về quyền lựa chọn vắc xin, quyền được biết chích vắc xin do quốc gia nào sản xuất, thì yêu cầu tiên quyết là cần thông tin cho dân chúng biết, và hiểu rõ những khuyến cáo từ Tổ chức Y tế Thế giới, chứ không thể chỉ dừng lại vỏn vẹn vài dòng ngắn ngủi là “được WHO cấp phép sử dụng khẩn cấp và được chính phủ Việt Nam cấp phép sử dụng”.