Việt Nam Thời Báo

VNTB- Cho một Việt Nam tự do và thịnh vượng?

Phương Thảo

(VNTB) – Trái bóng đã được Hoa Kỳ đặt sẵn vào chân của Hà Nội, liệu Hà Nội dám sút ghi bàn để có một Việt nam tự do và thịnh vượng hay lại để cho Trung Quốc đắc ý?
Obama, vị Tổng Thống thứ ba của Hoa Kỳ đã đặt chân đến Việt nam vào tối ngày 22/05/2016 kể từ khi hai quốc gia này bình thường hóa quan hệ năm 1994. Chuyến đi lần này của Ngài Tổng Thống Obama được xem là sự khép lại quá khứ giữa hai quốc gia. Chỉ với ba ngày ngắn ngủi và lịch trình dày đặc, các điểm quan trọng chắc chắn được đề cập đến trong các cuộc gặp gỡ cấp cao là vũ khí, thương mại và nhân quyền.
Vũ Khí, Thương Mại và Nhân Quyền
Vấn đề nhân quyền vẫn là một điểm nhức nhối mà các nhà lập pháp Hoa Kỳ muốn xoáy vào để gây áp lực cho Hà Nội và nhà cầm quyền cộng sản vẫn luôn vẫn né tránh vấn để này như chạch.
Trước chuyến công du của Ngài Obama, nhà cầm quyền Việt nam đã tính toán thả ra hai nhà tù nhân chính trị nổi tiếng để làm quà trao đổi với Hoa Kỳ, một Trần Huỳnh Huy Thức trẻ tuổi như thường lệ bị ép xuất khẩu sang Hoa Kỳ, nhưng ông Thức đã từ chối và tuyên bố tuyệt thực từ ngày 24/05/2016 cho đến chết; và Linh mục Nguyễn Văn Lý đã gần mãn hạn tù. Cũng như một phần của việc trả giá cho việc bãi bỏ lệnh cấm vận vũ khí, Việt nam cũng có thể sẽ cho Hoa Kỳ sử dụng Cảng Cam Ranh đồng thời cho rằng bãi bỏ cấm vận vũ khí cũng sẽ là hành động thể hiện “ sự tin tưởng lẫn nhau”.
Bằng sự láu cá này, chính quyền cộng sản hi vọng sẽ đổi lấy lệnh gỡ bỏ cấm vận vũ khí toàn diện. Thế nhưng theo Reuters thì “vài tiếng đồng hồ trước khi Tổng Thống Obama đến Hà Nội, nơi Ngài sẽ được chào đón trên thảm đỏ… vẫn chưa có một lời nào về quyết định cuối cùng của Hoa kỳ đối với lệnh cấm vận vũ khí.”
Hoa Kỳ vẫn luôn bị Trung Quốc đánh giá là “con hổ giấy” trên bàn cờ Biển Đông. Chính vì thế lần này Tổng Thống Obama “ không cần phải lưỡng lự nữa mà phải dũng cảm gây áp lực” cho Việt nam tiến hành cải cách ở hai điểm quan trọng đó là nhân quyền – tự do tôn giáo- báo chí và kinh tế. 
20 Nghị Sỹ của cả hai đảng chính trị ở Mỹ đã đồng ký tên một lá thư yêu cầu Tổng Thống Obama thôi thức nhà cầm quyền Việt nam thả tự do ngay lập tức và vô điều kiện cho 100 tù nhân lương tâm theo một danh sách đính kèm. Ý kiến nổi bật nhất vẫn cho rằng “ không thỏa thuận thương mại và an ninh nào phải trả bằng giá của nhân quyền.” Vì thế, chính quyền Hoa Kỳ vẫn đang trông chờ vào các cam kết cải thiện về nhân quyền thật sự từ phía chính quyền Việt nam để có các bước tiến cần thiết theo sau.
Sức ép từ Phương Bắc
Nhưng liệu Việt nam có dám đứng hẳn về phía Hoa Kỳ để đương đầu với người hàng xóm to lớn Phương Bắc?
Tờ Hoàn Cầu Thời Báo đã mỉa mai rằng Việt Nam có giá trị giới hạn đối với Hoa Kỳ và rằng chuyến công du của Obama lần này không phải chỉ đơn giản nhằm vào mối quan hệ tốt hơn mà bởi Hoa Kỳ cần có sự ủng hộ của Việt Nam như một con rối của Hoa Kỳ trong bối cảnh các tranh chấp ở Biển Đông đang trong thời điểm nhạy cảm đặc biệt. Tuy nhiên Bắc Kinh cũng đã bắt thóp được Hà Nội khi cho rằng Việt Nam vẫn đong đưa qua lại giữa Hoa Kỳ với Trung Quốc và Nga. Có lẽ chẳng có ai lấy làm lạ về điều này khi chỉ một tuần trước khi Ngài Obama đến Việt Nam, tân Thủ Tướng Nguyễn Xuân Phúc đã có một chuyến đi vội vã đến Nga cùng với việc bộ trưởng Bộ Quốc Phòng Ngô Xuân Lịch và Đại Sứ Trung quốc tại Việt Nam Hồng Tiểu Dũng đã tuyên bố hai bên nhất trí tăng cường “hợp tác quân sự.”
Điều mà nhà cầm quyền Việt nam vẫn lo sợ là mất đảng. Hơn ai hết người bạn vàng, anh em tốt Trung quốc đã hiểu rõ điều này đến nỗi liên tiếp trong một loạt các bài báo liên quan đến sự kiện Tổng Thống Obama đặt chân đến Việt nam tối ngày 22/05/2016, Hoàn Cầu Thời Báo đã nhắc đi nhắc lại rằng cho dù Biển Đông có kéo Hoa Kỳ và Việt nam lại gần với nhau thì khác biệt lớn nhất giữa hai quốc gia vẫn là vấn đề ý thức hệ. Cho dù hai bên có đạt được những lợi ích nhất định nào đó, thì mấy triệu người Mỹ gốc Việt vẫn quan tâm đến việc lật đổ chế độ cộng sản cầm quyền hơn là vấn đề biển đảo. Họ cũng cho rằng Việt nam không thể trở thành đồng minh của Hoa Kỳ như Philippines hay Singapore khi vẫn lo sợ phải đánh mất mình, trong khi cho dù Trung Quốc có là kẻ đối đầu trên biển thì Bắc Kinh, một quốc gia xã hội chủ nghĩa vẫn là trụ cột cho sự ổn định của Việt nam.
Hoa Kỳ rồi sẽ có tổng thống mới trong vài tháng nữa, nhưng điều đó không có nghĩa là những cam kết ngày hôm nay về quốc phòng, thương mại và nhân quyền không có tính bền vững đảm bảo lợi ích lẫn nhau trong tương lai. Hà Nội có dám bắt tay với Hoa Kỳ để hướng đến một tương lai tốt đẹp hơn, thoát Trung để bảo vệ biển đảo, xây dựng một nền kinh tế thị trường hiệu quả, ngăn ngừa những Vinalines, Vinashines trong tương lai, giảm thiểu tham nhũng để có thể tham gia một cách công bằng trên sân chơi thương mại TPP?

Trái bóng đã được Hoa Kỳ đặt sẵn vào chân của Hà Nội, liệu Hà Nội dám sút ghi bàn để có một Việt nam tự do và thịnh vượng hay lại để cho Trung Quốc đắc ý rằng “cho dù Obama có đến Hà nội đi chăng nữa, thì chính sách của Việt nam vẫn không có gì thay đổi” và Hà Nội vẫn mãi không thoát ra khỏi vòng kim cô phương Bắc?

Tin bài liên quan:

VNTB- Tìm đồng chí mới

Phan Thanh Hung

Khi giễu cợt, khi pha trò bông lơn, Putin lờ đi những câu hỏi…

Phan Thanh Hung

VNTB – Từ nghệ sỹ đường phố tới thế hệ cúi đầu

Phan Thanh Hung

Leave a Comment

This site uses Akismet to reduce spam. Learn how your comment data is processed.

Việt Nam Thời Báo