Việt Nam Thời Báo

VNTB – Cho tôi tìm một không gian tưởng niệm

Hiền Như
(VNTB) – Người ngoài nhìn vào một buổi lễ tưởng niệm có băng rôn, biểu ngữ thuần túy về Gạc Ma khác hoàn toàn với một buổi lễ mà ngoài sự thuần túy ra, còn có cả băng rôn, biểu ngữ “đả đảo bè lũ…”; “đả đảo Nông Đức Mạnh”…
Tôi không muốn…

Xem lại buổi tưởng niệm sự kiện Gạc Ma 1988 tại Hà Nội, thấy cả một nỗi buồn xen lẫn… Phải chăng vì tôi quá nhạy cảm trước một sự kiện bi thương của dân tộc nên không tài nào chấp nhận cảnh xô đẩy, chen lấn trong buổi dịp lễ đó.

Tôi không muốn nhắc đến những nam thanh nữ tú đầy ngu muội, bị giật dây bởi nhân vật mang tên Trần Nhật Quang, khi y muốn phủ cờ Đảng lên trên buổi lễ tưởng niệm để biến những người tham gia sự kiện thành “quần chúng của Đảng”.
Sự ngu muội của những đứa trẻ mang thân người lớn gây ra sự phẫn nộ.
Tôi cũng không muốn nói về cá nhân ông Trần Nhật Quang, bởi ông đang chìm đắm trong “cơn nghiện” (*), trong cơn mê muội đầy hoang tưởng của ông ấy về Đảng cộng sản, về một thế giới đại đồng cộng sản hoàn toàn không có thực.

Tôi cũng không muốn nói về âm mưa, về thủ đoạn đằng sau những nhân vật mặc áo đỏ, cờ vàng, cầm cờ đảng, sẵn sàng cáu tiết, sừng sộ với những người đáng bậc cha chú, bỏ qua cái lễ nghĩa đơn giản nhất của một con người – kính trên nhường dưới.

Tôi cũng không muốn nói về Vietvision, nơi từ lâu đã trở thành một trò mua vui rẻ tiền dành cho một nhóm đầy hoang cuồng, nơi sẵn sàng đưa một vài cá nhân trở thành đại diện “người dân thủ đô” chống xuyên tạc.

Không hẳn vì lý lẽ, mà vì tôi cho rằng, nó không đáng được nhắc tới, những con người đó rồi sẽ bị chính hiện thực xã hội đào thải, như cái cách mà nó sinh ra dị dạng và biến mất đi trong dị dạng. Những đứa trẻ nhiệt tình và đầy ngu dốt đó sẽ được thực tế xã hội đầy phũ phàng dạy dỗ lại.

Khuôn khổ bài viết này, tôi dành để chia sẻ quan điểm về những người đứng ra tổ chức lễ tưởng niệm hoặc tham gia lễ tưởng niệm sự kiện Gạc Ma.

Tưởng niệm nên diễn ra trong không khí trang nghiêm
“Đả đảo Nông Đức Mạnh”?

Thực vậy, trong một sự kiện bất kỳ, khi lên kế hoạch, người tổ chức hoặc tham gia phải nằm lòng cái câu: giảm thiểu những rủi ro không đáng có.

Tôi rất tán đồng việc người tham gia đã kiềm chế trước những lời khiêu khích. Nhưng giá như, trong buổi tưởng niệm này, phía người tham gia chỉ đem theo những băng rôn, khẩu hiệu sát nhất với tinh thần của buổi lễ thì tốt biết mấy. Vd: Gạc Ma 1988 – Nhân dân sẽ không bao giờ quên.

Chính xác là tôi đang đề cập đến những băng rôn, biểu ngữ chưa phù hợp thời điểm tưởng niệm.

Gạc Ma 1988 là một sự kiện bi hùng, và nên chăng, hãy đặt một không gian, với những người tham dự trong cái suy tưởng về sự bi hùng đó. Chứ không phải là vừa suy niệm, lại vừa tìm cách truy tội lỗi của một lãnh đạo nào đó đã ra lệnh cho binh sĩ không được bắn súng, lên án bè lũ bán nước…

Tất nhiên, việc truy tội, lên án là đúng, nhưng nó không phải là vào trong thời điểm đó. Thời điểm rất cần sự tĩnh lặng trong tâm can mỗi người, rất cần sự trang nghiêm nơi tổ chức buổi lễ.

Người ngoài nhìn vào một buổi lễ tưởng niệm có băng rôn, biểu ngữ thuần túy về Gạc Ma khác hoàn toàn với một buổi lễ mà ngoài sự thuần túy ra, còn có cả băng rôn, biểu ngữ “đả đảo bè lũ…”; “đả đảo Nông Đức Mạnh”…

Có thể, dụng ý người tham gia không phải là như thế, nhưng người ngoài nhìn vào không ít thì nhiều, sẽ cảm thấy rằng, đó là sự “lợi dụng, kích động” chứ không còn là một ý định tưởng niệm đơn thuần và họ sẽ đánh giá lại toàn bộ mục đích ban đầu của những người tham gia, tổ chức.

Giảm thiểu rủi ro trong một sự kiện bất kỳ, tức là gia tăng sự ủng hộ, cảm tình không chỉ người tham gia, mà cả cộng đồng ở xung quanh.

Trong một buổi lễ tưởng niệm, kẻ hát người hô, kẻ giăng biểu ngữ định tội, người giơ cờ đảng búa liềm… Vô tình biến thành một sự hổ lốn.

Và do đó, tôi thích cái cảm giác tưởng niệm ở tượng đài Bắc Sơn, mọi thứ dường như thật cô đọng, ý nghĩa – hơn rất nhiều.

(*) Cách dùng chữ của tác giả Võ Lừa, trong bài viết mang tên: “Dư luận viên” Trần Nhật Quang, một nghệ sĩ hậu hiện đại đích thực.

Tin bài liên quan:

VNTB – Việt Nam: Ly hương từ mảnh đất cách mạng

Phan Thanh Hung

VNTB- Người cao tuổi: “Trâu bò húc nhau, ruồi muỗi chết”

Phan Thanh Hung

VNTB – “Gia tài của mẹ, một lũ bội tình”

Phan Thanh Hung

Leave a Comment

This site uses Akismet to reduce spam. Learn how your comment data is processed.

Việt Nam Thời Báo