Việt Nam Thời Báo

VNTB – Chọc ngoáy đầu xuân con trâu Tân Sửu

Hoài Nguyễn

 

(VNTB) – “Dân ta phải biết sử ta,/ Cho tường gốc tích nước nhà Việt Nam”

 

“Lịch sử nước ta” là một bài diễn ca lịch sử Việt Nam do Hồ Chí Minh sáng tác năm 1941 tại Pác Bó, Cao Bằng. Bài thơ gồm 208 câu thơ lục bát dễ thuộc, dễ hiểu, phù hợp với tình hình Việt Nam lúc bấy giờ là hơn 95% dân số mù chữ.

Hai câu đầu bài thơ đã trở lên phổ biến và nổi tiếng trên khắp Việt Nam: “Dân ta phải biết sử ta,/ Cho tường gốc tích nước nhà Việt Nam”.

Giờ xin được giở lại vài trang sử nhân chuyện thời sự về Trung Quốc tiếp tục có ý lấn áp Hà Nội khi họ Tập cử ‘đi sứ’ đầu xuân con trâu Tân Sửu là một bộ trưởng công an, nhưng đón tiếp ‘hội đàm’ thì phải là đích thân ngài Tổng Bí thư – Chủ tịch nước.

Sách “Giai thoại làng nho”, tác giả Lãng Nhân, được Nam Chi tùng thư xuất bản tại Sài Gòn năm 1966, có kể về một giai thoại khiến người ta dễ liên tưởng đến Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng hiện nay.

Chuyện kể:

“Vũ Tuân, người làng Lạc Tràng, tỉnh Hà Nam, đỗ cử nhân trường Hà Nội, vào thi hội đỗ phó bảng, làm quan dưới triều Tự Đức đến chức ngự sử, nên về sau thường gọi là cụ ngự Lạc Tràng.

Khi vào thi hội, các sĩ tử (đủ mặt cử nhân các trường Trung, Nam, Bắc) họp lại thử đoán xem đầu bài sẽ ra về vấn đề gì. Vũ nói:

– Theo ngu ý, năm nay quân Pháp, ngoài sự khiêu khích ra, còn xây thành lũy ở khắp nơi, và đặt binh trại rải rác gần kinh thành, có ý nhòm ngó. Tôi chắc kỳ văn sách khoa này thế nào đức Kim thượng cũng hỏi về công thủ chi sách (kế sách đánh hay hoà), anh em nghĩ sao?

Cử toạ vỗ tay tán đồng, rồi bàn nhau nếu đầu bài đúng như thế sẽ nhất tề luận theo thế công, nhất quyết xin chủ trương đánh, để tỏ lòng bất khuất của sĩ phu.

Khi vào trường thi, quả như lời họ Vũ đoán, kỳ văn sách ra đề về đoạn kim (văn sách hỏi về nghĩa kinh, truyện xưa là đoạn cổ. Hỏi về thời sự là đoạn kim văn): quân xâm lăng hiện nay càng ngày càng thêm gây hấn, đồn lũy khắp dân gian, vậy nên đánh hay nên hoà?

Sĩ tử thấy đầu đề đều khâm phục Vũ và cùng làm bài xin triều đình khởi thế công. Trong quyển văn của Vũ có câu: “Triều đình ủng bách vãn chi tinh binh, kiến nghĩa bất vi vô dũng dã”. Có nghĩa, “Triều đình hiện có sẵn trăm vạn quân lính tinh nhuệ, theo việc nghĩa thì nên đánh quân xâm lăng, thế mà không đánh thì thật là không dũng cảm chút nào”.

Vua Tự Đức phê vào bên câu này: “Kim nhật thỉnh chiến, minh nhật thỉnh chiến, chiến nhi bất thắng, tương trí trẫm ư hà địa?”. Tạm dịch, “Hôm nay xin đánh, ngày mai xin đánh, nếu đánh mà thua, thì rồi đặt trẫm ở nơi nào?”.

Vua không muốn nói ra sự thực: triều đình đâu có trăm vạn tinh binh, mà cứ muốn đánh. Văn trường không trúng ý khảo quan, nên họ Vũ chỉ đỗ phó bảng.

Trong bọn có cử nhân họ Dương, bội ước với anh em: khi họp bàn thì vâng vâng, dạ dạ: xin đánh; đến khi vào trường lại viết trái lại: xin hoà. Trúng ý quan trường, nên Dương được đỗ tiến sĩ.

Vũ làm quan đến chức ngự sử. Tính người quả cảm, cương trực, các quan triều thần đều kính phục nể vì. Bấy giờ vua Tự Đức còn thân mẫu là bà Từ Dũ Thái hậu. Nhà vua rất có hiếu, thường quanh quẩn bên màn, sớm hôm hầu hạ, nên việc triều chính có phần trễ nãi.

Bên ngoài, quân Pháp thế mạnh như vũ bão, chỉ lăm le thôn tính, tình thế nước nhà như trứng để đầu đẳng. Có nhiều việc quan trọng khẩn cấp, ngự sử họ Vũ xin vào chầu mà mấy lần không được, sau phải dâng sớ trình bày, trong sớ có câu: “… yến tước xử đường, mẫu tử tương hộ, hú hú nhiên kỳ tương lạc, tự dĩ vi an”. Ý nói: nhà cháy đến nơi, mà mẹ con chim én, chim sẻ ở góc đầu nhà vẫn cùng mớm nhau, ra chiều vui vẻ, tự cho là yên ổn lắm.

Vua xem sớ giận quá phê vào bên này bốn chữ “Tiến sĩ bất đệ”. Có ý mỉa họ Vũ: tiến sĩ cũng không đỗ được, còn làm nên trò trống gì mà hay chỉ trích.

Khi từ giã triều đình, ông cho khắc bốn chữ: “Tiến sĩ bất đệ” vào biển sơn son thiếp vàng, treo trên chỗ ngồi, để tỏ ý: ở lăng miếu hay ở chốn giang hồ, lúc nào cũng để bụng đến quân quốc.

Mãi tới khi tuổi già, về thiết trường dạy học ở nhà một người bạn họ Lê tại làng Kim Lũ, huyện Thanh Liêm cùng tỉnh, ông vẫn để bốn chữ ấy phía trên chỗ ngồi, để thường ngày chiêm ngưỡng và ngẫm nghĩ về sự đắn đo của nhà vua, mà thời cục đã giành lấy phần trả lời cay đắng cho vua, chua chát cho ông, lại khốn khổ cho cả dân tộc”.

Câu chuyện ở trên khiến người học sử liên tưởng đến sự việc hôm sáng 8-12-2015, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng cùng các đại biểu Quốc hội Hà Nội tại tổ bầu cử số 1 đã có cuộc tiếp xúc cử tri quận Ba Đình, Hoàn Kiếm (Hà Nội), để báo cáo kết quả kỳ họp thứ 10 Quốc hội khóa XIII vừa kết thúc.

Trong buổi tiếp xúc, nhiều đại biểu dành thời gian nêu băn khoăn lo ngại về các vấn đề chủ quyền; bao gồm cả việc Trung Quốc đưa giàn khoan Hải Dương 981 vào vùng đặc quyền kinh tế, dẫn đến hàng hoạt vấn đề bất ổn.

Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng khi ấy đã trả lời còn tệ hơn nhiều so với vua Tự Đức ở giai thoại trên. Ông Trọng đĩnh đạc nói nguyên văn thế này:

“Các bác thấy vấn đề Biển Đông chúng ta giải quyết như thế có đúng không? Chuyện Biển Đông, càng ngày càng thấy tính đúng đắn của hướng giải quyết, vẫn đảm bảo được môi trường ổn định, hoà bình để phát triển.

Nếu để xảy ra đụng độ gì thì tình hình bây giờ bất ổn thế nào, chúng ta có ngồi đây mà bàn việc tổ chức đại hội Đảng được không?

Ta xử lý mối quan hệ với Trung Quốc, Mỹ, Nhật… vừa qua như thế hợp lý không? Để đảm bảo độc lập tự chủ, chơi với mọi nước nhưng không phụ thuộc vào ai mà các nước ta quan hệ, hợp tác đều phải nể trọng như vậy”.

Tiếc là ở “Thời đại Hồ Chí Minh” hôm nay, người ta không tìm đâu ra những “Tiến sĩ bất đệ”…


Tin bài liên quan:

VNTB – Việt Nam: triệu tập bí mật để chọn lãnh đạo ĐCS

Phan Thanh Hung

VNTB – Chưa gì mà đã vội buộc tội?

Phan Thanh Hung

VNTB – Sự đã rồi của Trung Quốc ở Biển Đông

Do Van Tien

Leave a Comment

This site uses Akismet to reduce spam. Learn how your comment data is processed.

Việt Nam Thời Báo