Hàn Giang
(VNTB) – “Anh Trần Văn Yên đã cho anh Thạnh là trưởng trạm biên phòng biết tình hình mọi người nằm trong vùng biển Việt Nam đang chiến đấu mãi cho đến 6 giờ mà mấy anh không ra. Bây giờ, phía nó (Indonesia) bắt tụi tôi về làm cam kết, biên bản nhưng chúng tôi không ký thì nó đánh đập quá trời luôn. Bây giờ có ký không? Anh Thạnh nói ký thôi bây giờ để giữ mạng sống”
Bà Trần Thị Lụa và những người vượt biên qua Úc tại phiên tòa sơ thẩm ngày 2652016 (ảnh: Facebook Đôn An Võ)
Người chồng và bạn thuyền trong một chuyến đánh bắt xa bờ đã bị lực lượng tuần tra biển nước Indonesia bắt giữ chờ ngày ra tòa. Người vợ vì hoàn cảnh khó khăn của gia đình, con cái còn nhỏ nên đã cùng một vài người quen biết tổ chức giong thuyền vượt biển mong đến một đất nước nào đó làm ăn mưu cầu đổi mới cuộc sống nhưng không thành, cuối cùng người vợ bị Tòa án tỉnh Bình Thuận tuyên phạt 30 tháng tù giam. Đó là hoàn cảnh gia đình bà Trần Thị Lụa ở thị xã LaGi, tỉnh Bình Thuận…
Chồng bị bắt ở Indonesia
Chồng của bà Trần Thị Lụa là ông Nguyễn Long (SN 1977, thị xã LaGi, tỉnh Bình Thuận), theo bà Lụa thì vào tháng 4/2016, ông Long cùng bạn thuyền tập trung tiền bạc, chuẩn bị đồ đạc cho một chuyến đánh bắt xà bờ. Ngày 24/7/2016, ông Long cùng bạn thuyền đang thực hiện việc đánh bắt thì bị phía lực lượng tuần tra biển Indonesia bắt giữ với lý do đánh bắt trong vùng biển bất hợp trên vùng biển Indonesia. Tuy nhiên, theo bà Lụa qua lời kể lại của một người bạn thuyền sau khi được phía Indonesia thả về đã cho biết, thuyền của ông Long lúc bị bắt khi đang đánh bắt ở những tọa độ được xác định là nằm hẳn trong vùng biển Việt Nam.
Chia sẻ với Việt Nam Thời Báo (VNTB), bà Lụa nói:
“Chồng tôi bị bắt vào ngày 24/7/2016, làm trong vùng biển Việt Nam nhưng nó (lực lượng tuần tra biển Indonesia) qua bắt mình luôn đó. Lúc bị bắt, chồng tôi có thông báo về cho chủ thuyền nói là thuyền bị bắt rồi và có nói nằm trong tọa độ thuộc vùng biển Việt Nam.”
Bà Lụa chia sẻ tiếp. Ngày 25/7/2016, anh Trần Văn Yên là chủ thuyền cùng bị phía lực lượng tuần tra biển Indonesia bắt giữ cập nhật tin tức về trạm biên phòng ở tỉnh Bình Thuận thì gặp một người tên Thạnh đã cho biết, những ngư dân bị phía Indonesia bắt đã bị phía Indonesia dẫn giải qua nước này để xử lý, họ đã bị phía Indonesia đánh đập và bắt ký vào tờ giấy thừa nhận hành vi đánh bắt trong vùng biển bất hợp của nước này. Bà Lụa nói:
“Anh Trần Văn Yên đã cho anh Thạnh là trưởng trạm biên phòng biết tình hình mọi người nằm trong vùng biển Việt Nam đang chiến đấu mãi cho đến 6 giờ mà mấy anh không ra. Bây giờ, phía nó (Indonesia) bắt tụi tôi về làm cam kết, biên bản nhưng chúng tôi không ký thì nó đánh đập quá trời luôn. Bây giờ có ký không? Anh Thạnh nói ký thôi bây giờ để giữ mạng sống”
Theo lời anh Yên, VNTB hỏi thêm tình tiết vì lý do gì mà lực lượng biên phòng sau khi nghe các ngư dân gặp nạn báo về lại không ra ứng cứu? Phía gia đình các nạn nhân có thông báo vụ việc cho phía các cơ quan chức năng tỉnh Bình Thuận được biết hay không? Một bất ngờ, câu trả lời của đại diện biên phòng là không có thẩm quyền. Bà Lụa bức xúc nói:
“Các chủ thuyền gọi điện vào sóng bộ đàm Phan Thiết nhờ chạy xuống biên phòng cầu cứu, mấy chị em có chạy xuống biên phòng cầu cứu nhưng phía biên phòng nói chúng tôi không có thẩm quyền, mấy chị bảo chồng mấy chị gọi điện thoại ra cảnh sát biển nhưng chúng tôi làm gì có số của cảnh sát biển mà gọi cho cảnh sát biển. Mình bảo mấy anh biên phòng gọi đi nhưng họ không gọi, không làm gì hết như vậy mà bảo vệ cho dân à? Không có cái gì bảo vệ cho dân”
Trong những năm qua, Indonesia có chủ trương mạnh tay đánh chìm nhiều tàu cá nước ngoài bị quy đánh bắt bất hợp pháp trong đó có nhiều tàu cá Việt Nam.
Theo tờ Lao Động, vào tháng 6/2014, Tổng thống Joko Widodo mở cuộc họp nội các trên tàu chiến KRI Imam Bonjol. Bộ trưởng Hàng hải và Nghề cá Susi Pudjiastuti nói rằng bà muốn “kỷ niệm Ngày Độc lập năm nay trên đảo Natuna, nơi tôi sẽ chứng kiến việc đánh chìm nhiều tàu nước ngoài”. Bà Pudjiastuti cũng nói tiếp rằng, chỉ có người Indonesia “được bắt cá ở Indonesia”.
Chung vụ với ông Long còn có 68 người khác cũng bị phía lực lượng tuần tra biển Indonesia bắt giữ.
“Cả thuyền của chồng tôi 8 chiếc, cả thẩy là 69 người bị bắt nhưng phía Indonexia đã thả về 45 người vì lý do là đi theo làm còn lại 24 người tức là mỗi thuyền giữ lại 3 người. Bị bắt về tội đánh bắt trong vùng biển bất hợp pháp, chồng tôi bị giữ là lý do tài công.”- Lời của bà Lụa.
Vợ bị kết án tù vì tội “ Tổ chức người khác trốn đi nước ngoài trái phép”
Như đã nói ở trên, trong lúc ông Long hiện đang còn bị bắt giữ ở bên Indonesia thì tại quê nhà tỉnh Bình Thuận, vợ ông Long là bà Lụa đang phải chịu một bản án 30 tháng tù giam về tội “Tổ chức người khác trốn đi nước ngoài trái phép” theo Điều 275 Bộ luật hình sự.
Vụ việc của bà Lụa được thông tin tóm tắt như sau, vì hoàn cảnh gia đình quá khó khăn nên bà Lụa đã cùng 45 người thân quen kể cả đàn ông, phụ nữ, trẻ em sắm một chiếc ghe đặng vượt biển, mong đến một đất nước nào đó để làm ăn, thay đổi cuộc sống. Xuất phát từ cảng cá Phú Hài, thành phố Phan Thiết, tỉnh Bình Thuận ngày 01/7/2015, ghe đánh cá chở 46 người chính thức vượt biển. Đến ngày 21/7/2015, chiếc ghe của bà Lụa và mọi người đã vào lãnh hải nước Úc thì bị hải quân Úc bắt giữ và trả về Việt Nam ngày 25/7/2015.
Khi trả về Việt Nam, Bộ di trú Úc nói với những người vượt biên rằng “Phía Việt Nam cam kết người vượt biên trả về sẽ không bị bắt bớ, tù đày, tạo điều kiện cho các bạn có công ăn việc làm, con em được đến trường và sớm hòa nhập cộng đồng”. Nhưng thực tế khi trả về Việt Nam thì có 4 người trong đó có bà Lụa bị Tòa án tỉnh Bình Thuận phạt tù.
Ngày 26/5/2016, Tòa án nhân dân thị xã La Gi đưa vụ án ra xét xử sơ thẩm, phạt 04 người tổ chức vượt biên qua Úc, tổng cộng 8 năm, 9 tháng tù giam, gồm: Trần Thị Lụa 30 tháng tù giam; Huỳnh Thị Kiều 27 tháng tù giam; Nguyễn Đình Quý (chồng chị Kiều) 24 tháng tù giam; Nguyễn Minh Quyết 24 tháng tù giam.
Luật sư Võ An Đôn là người bào chữa pháp lý cho bà Lụa. Mặc dù đã cố gắng hết sức để bào chữa cho bà Lụa được hưởng án treo nhưng không thành, Hội đồng xét xử vẫn tuyên án tù.
Ngày 1/9/2016, phiên xử phúc thẩm, Hội đồng xét xử vẫn tuyên y án tù đối với bà Lụa là 30 tháng tù giam. Một bản án mà theo dư luận đánh giá là mức án khá nặng.
Trong một lần đăng bài viết lên trang Facebook cá nhân, luật sư Võ An Đôn có viết một đoạn liên quan vụ án của bà Lụa: “…Những người vượt biên qua Úc đa phần là nghèo khổ, chỉ mong muốn duy nhất là thay đổi cuộc sống nhưng tòa án xử họ với mức án quá nặng, bỏ qua những cam kết trước đây giữa chính phủ Úc và Việt Nam là “Người vượt biên trả về sẽ không bị bắt bớ, tù đày, tạo điều kiện có công ăn việc làm, con em được đến trường và sớm hòa nhập cộng đồng”…”.
Sở dĩ bà Lụa vì lý do phải nuôi con cái còn nhỏ nên Tòa án Bình Thuận đã có quyết định cho bà Lụa lùi thời hạn thi hành án tù cho bà Lụa thời gian 1 năm. Trong thời gian chưa thi hành án tù, bà Lụa đã tranh thủ thời gian chia sẻ với VNTB về vụ việc của ông Nguyễn Long, tức là chồng của bà Lụa.
Qua vụ việc của ông Long và những người bạn thuyền hiện đang bị bắt ở Indonesia, bà Lụa mong VNTB giúp đỡ để tiếng nói của người dân đang gặp nạn thấu đến tai Chính phủ Việt Nam để có chính sách can thiệp.
“Mong muốn Chính phủ Việt Nam làm sao can thiệp mạnh vào để phía Indonexia thả mọi người về. Mong muốn báo chí làm sao tới tai Chính phủ là cho bà con dầu để có cái trang trải nợ nần cho những chuyến đi biển.”- mong muốn của bà Lụa.