Trần Dzạ Dzũng
(VNTB) – Tính đến thời điểm sáng 15-3, tại Bình Thuận ghi nhận 9 ca nhiễm Covid-19, 203 trường hợp tiếp xúc gần (F1) và 761 trường hợp F2 (tiếp xúc gần với F1). Số mẫu địa phương đã đưa đi xét nghiệm tại Viện Pasteur Nha Trang là 229, trong đó có 9 ca dương tính.
Địa phương có 2 cơ sở cách ly tập trung là Trung đoàn 812 đóng tại thị xã La Gi (110 giường) và cơ sở số 4 đường 19/4 thành phố Phan Thiết (30 giường). Hiện địa phương chuẩn bị mở cơ sở thứ 3 tại trường Quân sự tỉnh (khoảng 150 giường).
‘Bệnh nhân 34’ là Đ.T.L.T., Chủ tịch hội đồng quản trị Công ty TNHH Minh Trang, tỉnh Bình Thuận.
Công ty TNHH Minh Trang thành lập ngày 25-12-2003, trụ sở chính tại E9 Tuyên Quang, phường Phú Thủy, thành phố Phan Thiết, Bình Thuận. Công ty này có 2 cổ đông là bà Đ.T.L.T. và chồng là ông Nguyễn C.M., sinh năm 1964, cùng ngụ tại số 92 Tôn Đức Thắng, thành phố Phan Thiết.
Ông M. cũng bị nhiễm Covid-19 do bà T. lây. Hai ông bà còn là chủ nhân của Công ty TNHH Sản xuất – Thương mại Minh Đại Dương (cũng có trụ sở tại E9 Tuyên Quang, phường Phú Thủy, Phan Thiết, Bình Thuận), hoạt động trong lĩnh vực chế biến, bảo quản thuỷ sản và các sản phẩm từ thuỷ sản.
Bà Đ.T.L.T. cũng đang là chủ sở hữu Công ty TNHH Xã hội Minh Trang – doanh nghiệp có vốn 6 tỷ đồng, trụ sở tại Khu phố 2, phường Phú Hài, thành phố Phan Thiết, Bình Thuận. Bà Đ.T.L.T. cũng là chủ Công ty TNHH Yến Phan Bình Thuận – lĩnh vực bán buôn thực phẩm, đóng trụ sở tại L.92 Tôn Đức Thắng, phường Phú Thủy, Phan Thiết, Bình Thuận.
Bà Đ.T.L.T. còn góp vốn hùn hạp làm ăn trong ngành bất động sản, thương mại.
Với ‘số má’ trên thương trường như vậy, nên ngay sau khi trở thành ‘bệnh nhân 34’, bà Đ.T.L.T. tiếp tục được sự ‘bảo bọc’ của chính quyền địa phương. Ngày 11-3, phó Văn phòng UBND tỉnh Bình Thuận, ông Nguyễn Đức Hải Tùng đã có công văn hỏa tốc số 1053/VP-KGVXNV, truyền đạt ý kiến của chủ tịch tỉnh yêu cầu Công an, Sở Thông tin và Truyền thông tỉnh Bình Thuận kiểm tra, xử lý nghiêm việc đăng thông tin danh sách Hội Doanh nhân trẻ Bình Thuận có tiếp xúc với người nhiễm Covid-19.
Số là vào ngày 10-3, trên mạng xã hội xuất hiện danh sách 14 người được cho là các thành viên trong Hội Doanh nhân trẻ Bình Thuận có tiếp xúc với người nhiễm Covid-19 đầu tiên tại địa phương.
Công văn đóng dấu hỏa tốc số 1053/VP-KGVXNV cho biết Chủ tịch UBND tỉnh Bình Thuận giao hai đơn vị nêu trên tổ chức kiểm tra và xử lý nghiêm theo quy định pháp luật đối với việc phát tán thông tin nói trên gây hoang mang trong cộng đồng, ảnh hưởng đến công tác phòng chống dịch trên địa bàn. Kết quả báo cáo cho Ủy ban nhân dân tỉnh trước ngày 13-3.
Sự thật ra sao thì chắc hẳn ai cũng quá rõ. Đến sáng ngày 14-3, việc với lây nhiễm ở mức được gọi là ca ‘siêu lây nhiễm’, qua điều tra ban đầu cho thấy mặc dù bệnh nhân 34 khai rằng khi xuống sân bay Tân Sơn Nhất là đi thẳng về nhà riêng, song trên thực tế bà từng ở lại TP.HCM để giao lưu với đối tác. Khi về đến Phan Thiết, bà còn di chuyển đến nhiều nơi ăn uống. Đối với số ca F1 từ bệnh nhân 34, số liệu cập nhật đến sáng 14-3 là 31 và F2 là 100.
Cái đáng lo ở đây là số F1 với bệnh nhân 34 liên tục tăng là do một số trường hợp chủ động đến khai báo, cũng như qua điều tra dịch tễ phát hiện thêm, chứ bà Đ.T.L.T. vẫn bất hợp tác trong khai báo.
Một biên tập viên ở báo Bình Thuận kể rằng sau việc mẹ chồng – tức bà Đ.T.L.T., có dấu hiệu thiếu trung thực, khai báo “nhỏ giọt” lịch trình sau khi từ vùng dịch về nước làm lây nhiễm dịch ra cộng đồng, thì nay “lộ” ra thông tin cô con dâu đã xét nghiệm dương tính với Covid-19 vẫn không chịu đi cách ly, chính quyền phải “vận động mãi” mới đồng ý. Xem ra, gia đình ca bệnh thứ 34 này quả thật phức tạp, quá phức tạp.
Nhưng nhìn lại vụ việc, cho thấy chính quyền Bình Thuận không chỉ “lúng túng” như thừa nhận của lãnh đạo tỉnh trong cuộc họp với Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Trường Sơn hôm 15-3, mà hình như còn có nguyên nhân nào đó khiến họ thiếu quyết liệt trong phòng chống dịch.
Đương sự khai báo thiếu trung thực, vậy cơ quan điều tra dịch tễ đã làm gì để xác định lịch trình đúng, còn bao người liên quan như lái xe, người đi chung… đã xác minh chưa?
Người dương tính Covid-19, có nghĩa đã xác định là bệnh nhân, không đồng ý đi cách ly tập trung, sao không cưỡng chế mà phải “vận động mãi”… Phải chăng do gia đình này là “doanh nhân” có mối quan hệ rộng mà chính quyền ngại va chạm? Nếu điều đó đúng, phải hỏi lại chính quyền địa phương đang chọn ai: vì một vài người hay vì cộng đồng lớn là dân cư cả tỉnh?
“Ta thường nói luật pháp hướng đến tính nhân văn, tinh thần nhân đạo. Nhưng trong những trường hợp như trên, ta chọn “nhân đạo” với một người để nhiều người, thậm chí cả địa phương, đất nước phải gánh chịu tổn thất, hậu quả? Và điều cơ bản, người ta chỉ có thể nhân đạo với những ai biết ăn năn, hối cải, biết “quay đầu là bờ”, còn với những kẻ ích kỷ, biết sai vẫn chày cối thì không thể nhân đạo” – ông nhà báo của tờ Bình Thuận bức xúc lên tiếng, bất chấp chuyện nhóm doanh nghiệp của vợ chồng T – M lâu nay vốn là mạnh thường quân trong ‘mua trang quảng cáo’ trên báo đài của Tỉnh ủy Bình Thuận.