Người dân mù NSNN
Khuyến nghị nêu trên là khá quan trọng, nó cho phép người dân được thực hiện quyền kiểm tra, giám sát của mình, nhất là đối với việc chi tiêu tiền thuế trước khi phê duyệt. Bởi theo thông lệ, người dân lâu nay chỉ được tiếp cận nó sau khi đã phê duyệt xong, điều này vô tình đặt những người nộp thuế vào trong hiện trạng đã rồi.
Đầu năm 2015, Ủy ban Tài chính, ngân sách của Quốc hội đã tổ chức Diễn đàn góp ý cho Dự thảo Luật Ngân sách Nhà nước. Đã cho thấy thực trạng mù thông tin về NSNN của người dân. Như tại Bắc Giang, có đến 37,7% – 43,2% người dân được hỏi không biết rằng ngân sách được chi cho phát triển kinh tế, bảo đảm an ninh quốc phòng và hoạt động của bộ máy Nhà nước; từ 59,7% đến 63,1% số người được hỏi không biết rằng, ngân sách được chi trả nợ của Nhà nước và chi viện trợ.
NSNN không kiểm soát khiến việc thu chi trở nên vô tội vạ. Ảnh minh họa: internet |
Năm 2014, dư luận xôn xao khi Đề án đổi mới chương trình sách giáo khoa giáo dục phổ thông rơi từ 34.000 tỷ đồng xuống còn 800 tỷ đồng. Nó cho thấy, nếu thiếu kiểm tra, giám sát của người dân, thì việc phân bổ ngân sách và chi tiêu ngân sách không có được sự minh bạch, là điều kiện cho sự tham nhũng, thất thoát, lãng phí thông qua “vẽ dự án và đội vốn dự án, dự án sai mục đích”.
Năm 2012, kết quả khảo sát công khai ngân sách do Tổ chức Hợp tác Ngân sách Quốc tế (IBP) phối hợp với Trung tâm Phát triển và Hội nhập (CDI) cho biết, Việt Nam đứng trong tốp 30 quốc gia có chỉ số công khai ngân sách thấp nhất trong 100 quốc gia.
Năm 2014, Việt Nam tiếp tục đội sổ trong nhóm nước có số điểm thấp nhất (nhóm quốc gia không công khai hoặc chỉ công khai 1 tài liệu ngân sách). Khiến cho IBP phải khuyến nghị Việt Nam nên công khai 8 tài liệu: Định hướng xây dựng ngân sách (chỉ thị của Thủ tướng Chính phủ); Dự thảo ngân sách (trước khi Quốc hội thông qua); Dự toán ngân sách (sau khi Quốc hội thông qua); Báo cáo thực hiện ngân sách theo quý; Báo cáo thực hiện ngân sách 6 tháng; Báo cáo quyết toán ngân sách tài chính; Báo cáo của kiểm toán Nhà nước về ngân sách; Bản ngân sách dành cho công dân.
Minh bạch phân bố NSNN là chống tham nhũng
Năm 2014, một chiến dịch được khởi động ở Trung Quốc nằm trong chương trình phòng chống tham nhũng, khi nước này xây dựng cơ chế công khai, minh bạch chi tiêu ngân sách côn nhà nước ở từng cơ quan cụ thể trực thuộc Bộ, chính quyền địa phương và cụ thể đến từng khoản chi, ngoại trừ khoản chi thuộc bí mật Nhà nước.
“Việc công khai ngân sách là tạo cơ chế để toàn xã hội giám sát việc phân bổ cũng như chi tiêu ngân sách Nhà nước. Điều này sẽ hạn chế các cơ hội trục lợi từ ngân sách Nhà nước của các quan chức và họ sẽ toàn tâm cho công việc”, ông Trương Kiến Cương – Viện Khoa học xã hội Trung Quốc cho biết. [1]
Tại Việt Nam, Điều 15 của Luật Phòng, chống tham nhũng năm 2005 đã có quy định rất cụ thể về yêu cầu công khai ngân sách các cấp nhưng những quy định này gần như chưa thực hiện được, lý do nằm ở chỗ quá trình phân bổ ngân sách Nhà nước (NSNN) được trình bày cho người dân thấy… sau kiểm duyệt. Và cơ chế báo cáo “Mật” luôn gắn liền đối với dự toán, quyết toán, ngay cả khi trình ra các cơ quan dân cử.
Quyền được biết tiền sử dụng làm gì?
Tham nhũng ở Việt Nam là quốc nạn, trong đó nhiều nhất ở đầu tư công, bởi nó rất khó kiểm soát do thiếu sự minh bạch trong phân vốn và chi tiêu.
Khảo sát về mức độ công khai NSNN của tổ chức Oxfam. Ảnh: VNN |
Do đó, việc thông qua khuyến nghị về công khai NSNN trước phê duyệt chính sẽ bước tiến trong thực hiện tốt trách nhiệm của cơ quan công quyền giải trình với người dân, cũng như thực hiện tốt vai trò về “dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra” như Pháp luật thực hiện dân chủ cơ sở đã đề ra.
Nó tăng cường quyền lực giám sát của người dân thông qua việc nắm bắt được tiền thuế của mình được sử dụng vào đâu, với mục đích gì, chứ không còn là câu chuyện “QH tức là dân, dân quyết sai thì dân chịu, chứ kỷ luật ai?” như ông Chủ tịch Nguyễn Sinh Hùng từng nhấn mạnh.
[1] http://vtv.vn/the-gioi/trung-quoc-cong-khai-minh-bach-thu-chi-ngan-sach-20141210183610933.htm