Dân Trần
(VNTB) – Miền tây tan nát không phải do thiên tai, mà do nhân hoạ
Ngày 25-12, Cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an (C03) đã ra quyết định khởi tố và bắt tạm gia ông Nguyễn Thanh Bình (chủ tịch tỉnh An Giang), về lợi dụng chức vụ quyền hạn trong lúc thi hành công vụ. Ông này có sai phạm liên quan tới đường dây khai thác cát lậu lớn nhất tỉnh An Giang từ trước tới nay.
Trước đó, ngày 25/08, cũng quan vụ án này, cấp phó của ông Bình là ông Trần Anh Thư, phó chủ tịch tỉnh An Giang, bị C03 bắt tạm giam để điều tra về tội nhận hối lộ. Cũng cùng tội nhận hối lộ, ông Nguyễn Việt Trí, giám đốc sở Tài nguyên và Môi trường An Giang, cũng bị khởi tố hồi giữa tháng 8.
Nguyên nhân vụ án là do các lãnh đạo tỉnh này đã nhận hối lộ để bỏ qua các sai phạm trong hoạt động khai thác, kinh doanh cát của công ty Trung Hậu – Tổng 68. Kết quả điều tra ban đầu xác định Công ty Trung Hậu 68 đã khai thác hơn 4,7 triệu m3 cát, vượt trữ lượng được cấp phép trên 3,2 triệu m3, có trị giá tạm tính khoảng 253 tỉ đồng. (1)
Việc khai thác cát trái phép, không tuân thủ các khảo sát, nghiên cứu có thể gây ra nhiều hậu quả nghiêm trọng cho môi trường và con người. Huỷ hoại môi trường sống ven sông và thủy sinh, tàn phá hệ động thực vật địa phương, mất nơi lưu trú và lớp che phủ cho lòng sông. Khai thác cát thiếu kiểm soát đang gây hậu quả lớn về thất thoát tài nguyên, thiệt hại hoa màu và đặc biệt là sạt lở bờ sông.
PGS.TS Văn Phạm Đăng Trí, viện trưởng Viện nghiên cứu biến đổi khí hậu, thuộc đại học Cần Thơ, cho biết sạt lở ngày càng gia tăng ở đồng bằng sông Cửu Long do nhiều nguyên nhân. Về mặt khách quan thì do thời tiết ngày càng cực đoan hơn (mưa nắng thất thường làm cho đất khô, sau đó ngậm nước khiến cấu trúc lỏng lẻo dẫn đến dễ sạt lở hơn). Bên cạnh đó, tình trạng phù sa từ thượng nguồn đổ về đang thiếu, dẫn tới thiếu bùn cát. Dòng sông thiếu bùn cát sẽ “ăn” vào bờ…
Tuy nhiên cũng có nguyên nhân từ hoạt động xây dựng ngày càng nhiều, khiến cho tải lượng lên bờ sông nhiều hơn. Đặc biệt là tình trạng khai thác cát phục vụ các công trình giao thông, ngày một nhiều hơn, đặc biệt là việc khai thác cát lậu. “Khai thác cát chỗ này nhưng gây sạt lở chỗ khác. Việc khai thác cát làm thay đổi địa mạo lòng sông khiến thay đổi dòng chảy, từ đó gây sạt lở. Khai thác cát quá sâu đã tạo ra nhiều hàm ếch nguy hiểm mà vừa rồi các vụ sạt lở ở Vĩnh Long đã cho thấy điều đó”, ông Trí nói. (2)
Những năm gần đây, tình trạng sạt lở ở đồng bằng Sông Cửu Long diễn ra thường xuyên và nghiêm trọng hơn. Với quy mô, mức độ càng ngày càng tăng nặng hơn. Có những ngôi nhà nằm ngay điểm sạt lở, cả gia đình không dám ngủ trong nhà vì lo sợ bị cuốn xuống sông bất cứ lúc nào.
Thế nhưng, việc khai thác cát có vẻ sẽ không dừng lại mà còn tiếp tục gia tăng. Trong giai đoạn 2022-2025, ĐBSCL có 4 dự án đường cao tốc được triển khai, gồm: Cần Thơ – Cà Mau, Châu Đốc – Cần Thơ – Sóc Trăng, Cao Lãnh – An Hữu và Mỹ An – Cao Lãnh. Các dự án này cần khoảng 40 triệu m3 cát san lấp, trong đó năm 2023 cần 17 triệu m3, năm 2024 và 2025 cần 23 triệu m3, thế nhưng công suất các mỏ của vùng ĐBSCL chỉ đáp ứng được khoảng 50%. (3)
“Tổng nhu cầu cát theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ mà An Giang phải cung cấp cho các công trình trọng điểm quốc gia là hơn 23 triệu m3. Do đó, để đảm bảo nguồn cát phục vụ các dự án cao tốc Châu Đốc – Cần Thơ – Sóc Trăng, cao tốc Cần Thơ – Cà Mau theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ và phục vụ các công trình giao thông nội tỉnh An Giang thì 3 mỏ này không đáp ứng đủ. Hiện, UBND tỉnh đang chuẩn bị thông qua Ban Thường vụ Tỉnh uỷ để tiến hành rà soát lại một số mỏ cát khác để tiếp tục triển khai” – Giám đốc Sở Tài nguyên Môi trường tỉnh An Giang Thái Minh Hiển nói. (4)
Như vậy, nhà nước Việt Nam đã, đang và sẽ tận dụng mọi nguồn lực để khai thác cát nhằm xây dựng đường xá và các công trình bê tông. Cho nên chuyện sạt lở sẽ không dừng lại, hoặc không giảm bớt. Thậm chí các cán bộ lãnh đạo địa phương cũng bị buộc vô thế phải cho phép khai thác cát lậu để đảm bảo công suất theo chỉ đạo từ trung ương.
Hiện nay, các quốc gia phát triển đang bắt đầu sử dụng cát nhân tạo để giúp ngăn chặn việc nạo vét các lòng sông để lấy cát, khai thác cát trái phép dẫn đến những thảm họa khủng khiếp về môi trường. Đã có nhiều cơ sở đầu tư chuyển đổi công nghệ nghiền cát, sử dụng máy nghiền VSI Barmac Metso của Phần Lan để sản xuất cát nhân tạo với chi phí vận hành thấp và tiết kiệm điện. Cát nhân tạo giúp tăng độ bền và cường độ của bê tông đồng thời giảm khuyết tật của bê tông.
“Bây giờ đã có cát nhân tạo, thì nhà nước nên nghiên cứu ứng dụng để bảo vệ môi trường, tính mạng, tài sản của người dân. Chứ cứ khai thác tràn lan thì nơi nào cũng có đường xá sạt lở, nhà cửa bị cuốn theo dòng sông, tài sản, tính mạng của người dân bị đe doạ… Nhưng không ai chịu trách nhiệm thì tàn nhẫn với đồng bào, dân tộc mình quá”. Chị N.T.T.T. bình luận với phóng viên VNTB.
Tham khảo:
(1)https://tuoitre.vn/bat-chu-tich-tinh-an-giang-lien-quan-duong-day-khai-thac-cat-lau-lon-nhat-tinh-20231212161716336.htm
(2)https://tuoitre.vn/mien-tay-sat-lo-khap-noi-20230605082120461.htm
(3)https://www.sggp.org.vn/no-luc-tim-nguon-cat-xay-duong-cao-toc-o-dbscl-post705993.html
(4)https://angiang.gov.vn/wps/portal/Home/tin-tuc/chi-tiet/an-giang-tim-giai-phap-bo-sung-cat-cho-cac-du-an-cao-toc-dong-bang-song-cuu-long-theo-chi-dao-cua-thu-tuong-chinh-phu