VNTB – Chưa có vụ án nào liên quan điều 216 Bộ luật hình sự được đưa ra xét xử

VNTB – Chưa có vụ án nào liên quan điều 216 Bộ luật hình sự được đưa ra xét xử

Hoài Nguyễn

 

(VNTB) – Hiện có 379 hồ sơ kiến nghị khởi tố theo điều 216 về tội “Trốn đóng bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp” chưa được đưa ra xét xử.

 

Vụ Pháp chế cho hay trong tổng số 417 hồ sơ cơ quan bảo hiểm xã hội gửi sang cơ quan điều tra có 34 hồ sơ kiến nghị khởi tố theo điều 214 Bộ luật hình sự về tội “Gian lận bảo hiểm xã hội, bảo hiểm thất nghiệp”; 4 hồ sơ kiến nghị khởi tố theo điều 215 về tội “Gian lận bảo hiểm y tế”; 379 hồ sơ kiến nghị khởi tố theo điều 216 về tội “Trốn đóng bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp”.

Cụ thể, có 220/417 hồ sơ không khởi tố do được xác định là không có dấu hiệu tội phạm, không có hành vi vi phạm hoặc chuyển xử lý hành chính; 23 hồ sơ tạm đình chỉ giải quyết kiến nghị khởi tố; 2 hồ sơ bị tạm đình chỉ, đình chỉ; 103 hồ sơ vẫn đang trong quá trình xem xét, giải quyết. Đến nay chưa có vụ án nào liên quan điều 216 Bộ luật hình sự được đưa ra xét xử. Nguyên nhân là do một số quy định hiện hành liên quan còn bất cập.

Theo quy định tại điều 216 Bộ luật hình sự và hướng dẫn của Hội đồng Thẩm phán tại Nghị quyết số 05/2019/HĐTP, yếu tố cấu thành tội trốn đóng là gian dối, hoặc bằng thủ đoạn khác để không đóng hoặc đóng không đầy đủ bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp cho người lao động. Tuy nhiên, việc doanh nghiệp nợ đóng, chậm đóng các loại bảo hiểm này là do khó khăn khách quan hay do gian dối, thủ đoạn thì cơ quan bảo hiểm xã hội không thể xác định được.

Ở điều 2 Nghị quyết 05/2019/NQ-HĐTP đưa ra hướng dẫn về một số thuật ngữ được sử dụng trong quy định về “Tội trốn đóng bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp cho người lao động” theo điều 216 Bộ luật hình sự 2015 (sửa đổi 2017) như sau theo cách diễn đạt được cho là rất chung chung, như: Trốn đóng bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp là hành vi của người sử dụng lao động có nghĩa vụ đóng bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp cho người lao động; Mà gian dối hoặc bằng thủ đoạn khác để không đóng hoặc không đóng đầy đủ bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp cho người lao động thuộc đối tượng phải tham gia bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp;

Gian dối để không đóng, không đóng đầy đủ tiền bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp là trường hợp cố ý không kê khai, hoặc kê khai không đúng thực tế việc đóng bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp với cơ quan có thẩm quyền;

Không đóng tiền bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp là trường hợp người sử dụng lao động: Không gửi hồ sơ đăng ký đóng bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp đối với người lao động; hoặc, có gửi hồ sơ và đã xác định rõ, đầy đủ số người phải đóng hoặc các khoản phải đóng, lập chứng từ, hồ sơ quyết toán lương cho người lao động, thu nhập doanh nghiệp, nhưng không đóng tiền bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp cho cơ quan bảo hiểm xã hội theo quy định;

Không đóng đầy đủ tiền bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp là việc người sử dụng lao động đã xác định rõ, đầy đủ các khoản đóng bảo hiểm, lập chứng từ, hồ sơ quyết toán lương cho người lao động, thu nhập doanh nghiệp, nhưng chỉ đóng một phần tiền bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp cho cơ quan bảo hiểm xã hội theo quy định.

06 tháng trở lên quy định tại khoản 1 điều 216 Bộ luật hình sự 2015 được xác định là 06 tháng liên tục hoặc 06 tháng cộng dồn trở lên.

Thực tế, theo ghi nhận của Vụ Pháp chế, có nhiều hồ sơ kiến nghị khởi tố tội trốn đóng đối với doanh nghiệp có kê khai đầy đủ số người tham gia, số tiền phải đóng và đã khấu trừ tiền lương của người lao động nhưng chưa đóng, đã được cơ quan công an xác định là không có gian dối, không có thủ đoạn khác, mà do khó khăn nên không thỏa mãn quy định của khoản 1 điều 216 Bộ luật hình sự. Trường hợp này cơ quan điều tra đề nghị khởi kiện vụ án dân sự.

Ngoài ra, do chưa có quy định về xử phạt vi phạm hành chính về đóng bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp đối với cá nhân là người quản lý, điều hành, người đại diện theo pháp luật của đơn vị sử dụng lao động nên việc xử lý hình sự hiện chỉ có thể áp dụng đối với pháp nhân, khó áp dụng với cá nhân.

Việc người sử dụng lao động vì lý do gì đó được gọi là “trốn đóng” bảo hiểm xã hội bắt buộc khiến người lao động không được hưởng chế độ như ốm đau, thai sản, bệnh nghề nghiệp, tai nạn lao động, muốn rút bảo hiểm xã hội một lần cũng không được, về già cũng không có lương hưu…

 


CATEGORIES
TAGS
Share This

COMMENTS

Wordpress (0)