VNTB – Chứng khoán ở Việt Nam là thị trường của tin đồn chính trị

VNTB – Chứng khoán ở Việt Nam là thị trường của tin đồn chính trị

Hàn Lam

 

(VNTB) – Ở Việt Nam thì lúc đầu là “tin đồn” nhưng về sau thì đồn đoán đó lại là sự thật

 

Tin đồn và sự trả giá trên thị trường chứng khoán là điều mà nhà đầu tư nào cũng lo ngại về trò chơi ú tim đó.

Cái oái oăm ở đây là ở Việt Nam thì lúc đầu là “tin đồn” nhưng về sau thì đồn đoán đó lại là sự thật, nên sự trả giá trong mọi trường hợp đều rất đắt, đặc biệt là về lòng tin đối với thể chế chính trị.

Tin đồn nói chung là một “căn bệnh” của bất cứ xã hội nào. Tuy nhiên đối với các lĩnh vực chứng khoán, bất động sản của doanh nghiệp niêm yết trên sàn giao dịch chứng khoán, tin đồn thất thiệt từ chỗ gây nhiễu loạn, hoang mang, còn có thể dẫn đến các thiệt hại nặng nề cho doanh nghiệp và nhà đầu tư.

Những thiệt hại đó, trong nhiều vụ việc, có thể định lượng được. Và mức thiệt hại có thể lên đến hàng chục ngàn tỷ đồng, thậm chí hàng trăm ngàn tỷ đồng.

Cụ thể là đang có “đồn đoán dân sự” về việc rất có thể cổ phiếu ITA của tập đoàn Tân Tạo sẽ có hồi kết như tập đoàn FLC hiện tại.

Vụ việc bắt nguồn từ hôm 11 tháng 9, Tổng cục Thuế đã có văn bản yêu cầu Cục Thuế TP.HCM tập trung rà soát số liệu kê khai thuế của Tân Tạo, phối hợp với ngân hàng xác minh số tiền mà Tân Tạo đã tạm ứng cho bà Đặng Thị Hoàng Yến, đồng thời chuyển hồ sơ cho công an nếu phát hiện dấu hiệu tội phạm. Mục đích được Tổng cục Thuế ghi rõ trong văn bản là “nhằm kịp thời xử lý trường hợp gian lận trong kê khai nộp thuế”.

Văn bản được Tổng cục Thuế gửi trực tiếp cho một nơi nhận duy nhất là Cục Thuế TP.HCM với các chỉ đạo như nêu ở trên. Tuy nhiên rất nhanh sau đó, ngày 12-9, đã xuất hiện “Đơn kêu cứu khẩn cấp” trong đó có đầy đủ chữ ký của ban lãnh đạo Tân Tạo – trích:

“Hiện nay Đảng và Nhà nước mới có chỉ đạo phải đảm bảo hoạt động lành mạnh thị trường chứng khoán, nhưng với việc công bố rầm rộ thanh tra thuế và Tổng cục thuế có ý kiến thêm nội dung định hướng nếu có sai phạm chuyển cơ quan Công an (theo quy định pháp luật tất cả sai phạm pháp luật đều có hướng dẫn cụ thể tuỳ mức độ xử lý, đến đâu sẽ gửi Công an hình sự hoá, đến đâu sẽ phạt hành chính .v.v…, nhưng với định hướng của Tổng cục thuế như vậy khiến dư luận dấy lên tin ITA đang bị đánh, đề nghị xem xét vì việc này sẽ giúp một số thế lực trục lợi mua ITA giá rẻ trong khi giá trị thật ITA cao hơn nhiều).

Cổ đông cũng đề nghị: Nhìn lại những sự việc từ tháng 05/2022 đến nay thấy rằng còn có nhiều hành động ảnh hướng nghiêm trọng đến giá cổ phiếu ITA, dẫn tới ảnh hưởng nghiêm trọng quyền lợi cổ đông ITA, và có hành động thâu tóm Công ty Tân Tạo nói riêng và Tập đoàn Tân Tạo nói chung…”.

Theo quan sát thì dường như mục đích chính của lá đơn kêu cứu khẩn cấp này không nhằm đến “tin đồn”, mà chủ yếu muốn nói đến chính trị, khi nhóm người ký đơn đưa ra “thỉnh nguyện” với ít nhiều hàm ý đe dọa liên quan đến chính phủ nhiệm kỳ Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng – trích:

“Bộ chính trị cho ban kiểm tra, Trung ương kiểm tra, Chính phủ lập đoàn thanh tra liên ngành để thanh tra và Quốc hội lập đoàn giám sát từ việc có hay không sự bất tất trong điều chỉnh Quy hoạch điện 7 của Bộ Công Thương đã loại Dự án nhiệt điện Kiên Lương (tỉnh Kiên Giang) ra khỏi quy hoạch phát triển nguồn điện quốc gia.

Việc điều chỉnh Quy hoạch điện 7 của Bộ Công Thương đã gây thiệt hại nghiêm trọng cho Công ty Tân Tạo – Chủ đầu tư Dự án nhiệt điện Kiên Lương, dẫn đến Công ty phải khởi kiện ra Toà án Paris – Pháp, mà kết quả Toà án Paris đã buộc Chính phủ Việt Nam bồi thường.

Cổ đông cho rằng nếu không sai thì sẽ không có chuyện toà xử như vậy, cổ đông ITA cũng kiến nghị công bố bản án để dư luận thấy rõ đúng sai và cổ đông ITA cũng mong Đảng và Nhà nước xem xét những sai phạm này để xử lý những cá nhân có sai phạm gây thiệt hại cho Nhân dân và Quốc gia Việt Nam nhằm tạo công bằng xã hội như Bác Hồ luôn dạy dỗ xuyên suốt trong các văn kiện của Đảng và các quy định của pháp luật!”…

Trong một bình luận nhanh về lá đơn kêu cứu khẩn cấp trên, có ý kiến là việc sử dụng bức bình phong “công nhân nghèo” ở đây, dường như đang nhắm đến Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng, bởi căn cứ theo Điều 4, Hiến pháp (*) về sự lãnh đạo toàn diện mang tính bắt buộc của Đảng, thì rõ ràng ông Nguyễn Phú Trọng nếu chọn làm ngơ, có nghĩa đang phủ định tính chuyên chính của “đại biểu trung thành lợi ích của giai cấp công nhân, nhân dân lao động và của cả dân tộc” nêu ở Điều 4.1, Hiến pháp 2013.

Đoạn kêu cứu đó viết thế này:

“Kính thưa Lãnh đạo cấp cao Đảng và Nhà nước, cổ đông ITA (đại đa số là dân lao động nghèo vô tội). Kính đề nghị các Đồng chí thương xót cho người lao động vô tội, người có hàng tỷ đồng mất vài tỷ đồng không chết, hàng nghìn cổ đông người lao động dành dụm được chỉ chục triệu đồng để mua cổ phiếu ITA nhưng đến nay mất hết hai phần ba giá trị cổ phiếu thì họ sẽ chết chỉ vì những thông tin như toà án, thuế, nhân việc cơ quan thuế thanh tra thuế Công ty Tân Tạo”…

Một lưu ý là cho đến nay Việt Nam chưa có tiền lệ về việc một Tổng bí thư đứng ra “chịu trách nhiệm trước Nhân dân về những quyết định của mình” như ghi ở Điều 4.2, Hiến pháp 2013.

__________

Chú thích:

(*) Hiến pháp 2013, “Điều 4.

1. Đảng Cộng sản Việt Nam – Đội tiên phong của giai cấp công nhân, đồng thời là đội tiên phong của Nhân dân lao động và của dân tộc Việt Nam, đại biểu trung thành lợi ích của giai cấp công nhân, nhân dân lao động và của cả dân tộc, lấy chủ nghĩa Mác – Lênin và tư tưởng Hồ Chí Minh làm nền tảng tư tưởng, là lực lượng lãnh đạo Nhà nước và xã hội.

2. Đảng Cộng sản Việt Nam gắn bó mật thiết với Nhân dân, phục vụ Nhân dân, chịu sự giám sát của Nhân dân, chịu trách nhiệm trước Nhân dân về những quyết định của mình.

3. Các tổ chức của Đảng và đảng viên Đảng Cộng sản Việt Nam hoạt động trong khuôn khổ Hiến pháp và pháp luật”.


CATEGORIES
TAGS
Share This

COMMENTS

Wordpress (0)