VNTB – Có đứa nhỏ nào muốn phải ra đường để ‘thổi lửa’ mua vui vầy đâu…

VNTB – Có đứa nhỏ nào muốn phải ra đường để ‘thổi lửa’ mua vui vầy đâu…

Phú Nhuận

 

(VNTB) – Đảng và nhà nước cần phải trả lời vì sao lại để những đứa trẻ đường phố phải đánh đổi tuổi thơ và những vết hằn sương gió… trong tìm miếng cơm, manh áo? 

 

Hơn chục năm nay, TP.HCM cứ vào mỗi buổi tối, tấp nập đông đúc dòng người xe qua lại, ngay tại cây đèn giao thông giao lộ, các hàng quán ăn, những bé trai được sắp đặt ở khắp nơi, những đứa trẻ này biểu diễn màn phun lửa dầu hôi để mưu sinh kiếm tiền.

Khi đèn chuyển đỏ, các em vội chạy ra thật nhanh để biểu diễn xin tiền mọi người khi xe dừng. Một đứa làm, còn đứa kia nhìn cây đèn để biết khi nào nó chuyển sang màu xanh, rồi nhìn ngó xem có xe chạy ngang không mà biết né.

Đó là quy trình mưu sinh mỗi ngày, em tiếp tục chấm 2 cây bông gòn cầm bên tay phải vào dầu hôi, châm lửa. Lửa phừng lên sáng trưng, người chờ đèn xung quanh vẫn không mấy ai để ý, chỉ nhìn lên xem đèn đã chuyển sang màu xanh chưa và vội phóng xe đi.

Ngay những giây cuối cùng cậu bé dùng “tuyệt chiêu” của mình, sau vài ba động tác múa 2 bông gòn và hét lên khởi động, đứa bé bất ngờ phun ra lửa thật mạnh, chỉ một ngụm dầu hôi, cậu bé đã thực hiện được 4 – 5 lần phun lửa.

Khi đèn vừa chuyển sang xanh, thì “nghệ sĩ đường phố” chạy vào lề ngồi xuống, dùng miệng ngậm cây bông gòn đang cháy cho tắt hẳn, rồi lấy bàn tay lau vội miệng ám màu khói dầu đen thui.

Quá nguy hiểm và khắc nghiệt đối với những đứa trẻ, việc làm này khiến khóe môi của các em ấy bị bỏng, nhưng vẫn cứ phải liên tục thổi lửa nên không lành hẳn được.

“Phun lửa vậy em có bị nóng miệng không?”, bé hồn nhiên khoe chiếc miệng vẫn “an toàn” sau khi ngậm lửa dầu. “Làm công việc này hai em có được nhiều tiền không?”. Hai bé thay phiên nhau trả lời: “Cứ một người vậy, người ta cho em từ 10 ngàn, 20 ngàn đồng”…

Đó còn là câu chuyện của – gọi ‘văn hoa’ hơn chút – nghề xiếc lửa đường phố, đêm đêm mưu sinh dọc các quán nhậu ở TP.HCM – ngọn lửa kiếm cơm đầy nhọc nhằn và âm ỉ những âu lo…

Trẻ ở phố Tây Bùi Viện vẫn còn nhớ câu chuyện về một ‘sư tỷ’ ở mấy năm trước. Số là trong gần chục người xiếc lửa ở quán nhậu các quận trung tâm, có một cô bé bị câm điếc được dân trong nghề nể phục bởi tài nghệ thổi lửa rất điêu luyện dù lúc đó mới 16 tuổi.

Tên của cô gái này rất đặc biệt, nghe cứ như trong phim kiếm hiệp kỳ tình Hồng Kông: Kỳ Kỳ. Cô bé này mồ côi cả cha lẫn mẹ, một chữ bẻ đôi cũng không biết nhưng rành rọt bán buôn bởi tuổi thơ lớn lên bằng những gánh hàng rong hè phố.

Dù là nữ nhi nhưng Kỳ Kỳ phun những hơi dài liên tục và bạo gan biểu diễn cả màn ngậm than, ngậm lửa không khác gì dân diễn gạo cội. Tuy vậy, khuyết tật bẩm sinh khiến cô bé này không thể giao tiếp được với khách…

Nghiệt ngã số phận chưa dừng lại, Kỳ Kỳ lấy chồng sớm, cũng là dân xiếc lửa. Rồi chồng của Kỳ Kỳ bị bắt vì chơi ma túy đá. Từ đó, một thân Kỳ Kỳ phải làm đủ nghề để nuôi bà ngoại và hằng tháng đi thăm chồng ở trường giáo dưỡng…

Một ghi nhận nhanh của người viết cho biết những cậu bé ngậm dầu trong miệng biểu diễn kiếm tiền nuôi thân và theo lời kể, còn để phụ cha mẹ nuôi mấy đứa em.

Có biết bao nhiêu cơ quan bảo vệ sức khỏe bà mẹ và trẻ em, biết bao nhiêu luật lệ, quy định bảo vệ trẻ em, vậy mà hàng ngày hàng ngày những cảnh trẻ em vì chén cơm phải vào nghề đầy nguy hiểm này, diễn ra trên mọi con đường, góc phố như trêu ghẹo, giễu cợt cơ quan quản lý…

Những vị quan chức chuyên rao giảng đạo đức tư tưởng Hồ Chí Minh, có lẽ nên xuôi phố phường ở chính thành phố có tên Hồ Chí Minh, để họ nhận ra và thấm thía hơn giữa mộng và thực của những chính sách an sinh xã hội chủ nghĩa.


CATEGORIES
TAGS
Share This

COMMENTS

Wordpress (0)