Việt Nam Thời Báo

VNTB – Có hợp đồng giao thương nào không ‘thối hoa hồng’?

Hiền Lương

 

(VNTB) – Hoa hồng là số tiền thù lao mà người uỷ thác trả cho người trung gian (làm đại lý hay môi giới) về những dịch vụ đã làm tuỳ thuộc tính chất và khối lượng công việc.

 

Sau khi thực hiện các hợp đồng cung cấp kít xét nghiệm và máy móc phục vụ công tác phòng chống dịch Covid-19, Công ty Việt Á đã chủ động “gửi quà” cảm ơn Giám đốc CDC Bình Phước.

Ông Nguyễn Văn Sáu, Giám đốc Trung tâm Kiểm soát bệnh tật (CDC) tỉnh Bình Phước xác nhận CDC Bình Phước có thực hiện các hợp đồng mua kít xét nghiệm của Công ty Việt Á. Giám đốc CDC Bình Phước khẳng định không ăn chia hoa hồng với Công ty Việt Á, mãi đến đầu tháng 10-2021, phía Công ty Việt Á có đến cơ quan và gửi quà cho ông. Sự việc này ông đã báo cáo với tổ chức, lãnh đạo các cấp. “Sau khi kết thúc kỳ nghỉ, tôi sẽ giao nộp cho cơ quan chức năng”, ông Sáu cho hay.

Ngày 31-12-2021, Cục Cảnh sát điều tra tội phạm về tham nhũng, kinh tế, buôn lậu (C03 – Bộ Công an) ra quyết định bổ sung quyết định khởi tố vụ án về các tội “Đưa hối lộ”, “Nhận hối lộ” và “Lợi dụng chức vụ quyền hạn trong khi thi hành công vụ” liên quan đến vụ nâng khống giá kit xét nghiệm Covid-19 tại Công ty Việt Á.

Đây là diễn biến mới nhất trong vụ án ghi nhận bước đầu có sự tiếp tay của lãnh đạo cấp vụ, cán bộ của Bộ Y tế và Bộ Khoa học và Công nghệ.

Tình tiết cung cấp cho báo chí, thì lợi dụng tính cấp bách về nhu cầu test Covid-19, sản phẩm kit xét nghiệm thuộc danh mục được áp dụng hình thức chỉ định thầu rút gọn nên Công ty Việt Á đã chủ động cung ứng thiết bị, vật tư, sinh phẩm y tế trước cho các bệnh viện, CDC các tỉnh, thành sử dụng. Việt Á thỏa thuận và chi tiền phần trăm hợp đồng cho lãnh đạo bệnh viện, CDC các tỉnh, thành trong quá trình cung cấp sản phẩm.

Đến nay, C03 xác định Công ty Việt Á bán kit xét nghiệm Covid-19 cho CDC Hải Dương thông qua 5 hợp đồng với tổng giá trị 151 tỉ đồng. Chi tiền phần trăm ngoài hợp đồng cho lãnh đạo CDC Hải Dương gần 30 tỉ đồng. Hành vi này được xác định là vi phạm nguyên tắc công bằng, minh bạch trong đấu thầu.

Trên thực tế, liệu có hợp đồng giao thương nào mà không đặt vấn đề ‘hoa hồng’, hay ‘chiết khấu’?

Hoa hồng là số tiền thù lao mà người uỷ thác trả cho người trung gian (làm đại lý hay môi giới) về những dịch vụ đã làm tuỳ thuộc tính chất và khối lượng công việc. Thuật ngữ “hoa hồng” hay “tiền hoa hồng” được sử dụng rất nhiều trong đời sống dân sự, khi một chủ thể thực hiện hoạt động trung gian giữa bên mua, bán hàng hóa hoặc cung ứng dịch vụ và một bên có nhu cầu với hàng hóa, dịch vụ đó.

Luật thương mại 2005 có quy định về liên quan đến “tiền hoa hồng” tại các Điều khoản sau: khoản 1, khoản 2 Điều 171 quy định về thù lao đại lý:

1. Trừ trường hợp có thoả thuận khác, thù lao đại lý được trả cho bên đại lý dưới hình thức hoa hồng hoặc chênh lệch giá.

2. Trường hợp bên giao đại lý ấn định giá mua, giá bán hàng hóa hoặc giá cung ứng dịch vụ cho khách hàng thì bên đại lý được hưởng hoa hồng tính theo tỷ lệ phần trăm trên giá mua, giá bán hàng hóa hoặc giá cung ứng dịch vụ (…)”.

Một dẫn chứng cụ thể tiếp theo đây để thấy rằng dường như ở Việt Nam câu chuyện ‘hoa hồng đi đêm’ mới thực sự đáng ngại hơn nhiều:

Ngày 12-7-2007, Công ty Gang thép Thái Nguyên (Tisco) ký hợp đồng giao cho MCC làm tổng thầu dự án mở rộng Nhà máy Gang thép Thái Nguyên.

Tại phiên tòa diễn ra ngày 13-4-2021, ông Mai Văn Tinh, cựu Chủ tịch Tổng công ty Thép Việt Nam, công ty mẹ của Tisco, đã không trả lời câu hỏi của thẩm phán “có bao giờ có tư tưởng nể nang nhà thầu Trung Quốc không?”.

Thái độ im lặng này có thể là do ông Tinh và thuộc cấp có liên quan đã lỡ “cắn câu” của MCC và đành để cho nhà thầu mặc sức sai khiến mà không dám nói ra. Nhưng cũng có thể là do ông nhận thấy vị thế của mình quá lép vế trước nhà thầu Trung Quốc, có cứng rắn cũng vô ích nên buộc phải làm theo ý họ.

Bình luận về vụ án này, thì Gang thép Thái Nguyên không phải là cái tên duy nhất phải khốn đốn vì tổng thầu Trung Quốc, mà có cả chục cái tên khác cũng đã và đang phải “ngậm đắng nuốt cay”. Vấn đề đặt ra ở đây là nhà thầu Trung Quốc vốn đã có rất nhiều tai tiếng, không chỉ ở Việt Nam mà còn ở nhiều nước khác, nhưng sao họ vẫn dễ dàng có được nhiều hợp đồng tổng thầu ở Việt Nam?

Trước hết, với các dự án có mời thầu quốc tế, Việt Nam hầu như không có lý do gì để không cho nhà thầu Trung Quốc tham gia. Nhà thầu Trung Quốc thì vốn nổi tiếng với chiêu bỏ giá thấp đến mức khó tin, nên nếu ham giá rẻ thì sẽ dễ sập bẫy.

Thứ hai, với những dự án đầu tư bằng vốn vay ưu đãi của Trung Quốc thì hiển nhiên phải chọn một công ty Trung Quốc làm tổng thầu. Với một đối tác vốn đã mang tiếng không tốt trong việc tuân thủ luật pháp quốc tế, lại còn giữ vai trò là người cấp vốn cho dự án, thì việc họ không coi trọng những nội dung đã cam kết trong hợp đồng là điều dễ hiểu.

Nhưng yếu tố thứ ba mới đáng để suy nghĩ. Phát biểu tại một hội thảo bàn về nguồn vốn từ Trung Quốc diễn ra vào cuối tháng 7-2019, ông Nguyễn Thường Lạng (trường Đại học Kinh tế Quốc dân) nói rằng “Trung Quốc có chiến lược đặc thù, tận dụng kiểu làm việc của một số đối tác Việt Nam là thích đi đêm; đặt cược trước được bao nhiêu phần trăm của hợp đồng” nên đa số dự án Trung Quốc thắng thầu”.

Và không khó để nhận ra những dự án bị “mắc kẹt” kéo dài với tổng thầu Trung Quốc hầu hết là thuộc khu vực nhà nước. Trong khi đó, khu vực tư nhân cũng làm việc với nhà thầu Trung Quốc không ít, nhưng không mấy ai phải trả giá như chủ đầu tư nhà nước. Sự khác biệt này chỉ có thể lý giải là các ông chủ tư nhân đầu tư bằng tiền mồ hôi nước mắt của mình, nên họ không có nhu cầu “đi đêm”, không “đặt cược trước được bao nhiêu phần trăm của hợp đồng”, nên tổng thầu của họ, dù là đến từ đâu, cũng không thể mặc sức thao túng được.


Tin bài liên quan:

VNTB – Đi tìm “trùm cuối” vụ Việt Á

Baraju T. Ogelefecejo

VNTB – Khai trừ Đảng bộ trưởng Nguyễn Thanh Long và chủ tịch Hà Nội Chu Ngọc Anh

Baraju T. Ogelefecejo

VNTB – Lý giải các vụ bê bối trước thềm năm Nhâm Dần

Phan Thanh Hung

Leave a Comment

This site uses Akismet to reduce spam. Learn how your comment data is processed.

Việt Nam Thời Báo