Việt Nam Thời Báo

VNTB – Có khởi tố vụ án về trục lợi quyền tự do tôn giáo của trụ trì chùa Ba Vàng?

Nguyễn Huỳnh

 

 (VNTB) – Việc tổ chức rước, trưng bày “xá lợi tóc Đức Phật” tại chùa Ba Vàng đã làm ảnh hưởng đến trật tự xã hội và chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước về tín ngưỡng, tôn giáo; ảnh hưởng tới uy tín của Giáo hội Phật giáo Việt Nam.

 

Chiều ngày 9-1-2024, Trung tâm Thông tin và Truyền thông, Ban Tôn giáo Chính phủ đã cho phổ biến nội dung liên quan đến việc thực hiện pháp luật về tín ngưỡng, tôn giáo đối với các hoạt động diễn ra tại chùa Ba Vàng thời gian qua.

Thông tin cho thấy nhiều khả năng sẽ khởi tố vụ án trục lợi tôn giáo theo Điều 331 Bộ luật Hình sự 2015 quy định về tội lợi dụng các quyền tự do dân chủ xâm phạm lợi ích của Nhà nước, quyền, lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân.

Rộng đường dư luận, xin giới thiệu tiếp theo đây toàn văn nội dung được phát hành qua hình thức hỏi – đáp của Trung tâm Thông tin và Truyền thông, Ban Tôn giáo Chính phủ với bà Nguyễn Thị Định, Trưởng phòng Thanh tra – Pháp chế, Ban Tôn giáo Chính phủ:

Việc chùa Ba Vàng tổ chức rước và trưng bày cho phật tử và Nhân dân chiêm bái “xá lợi tóc Đức Phật” đã được thông báo cho cơ quan nhà nước có thẩm quyền chưa, thưa bà?

Bà Nguyễn Thị Định: Theo báo cáo của địa phương thì lễ kính mừng 765 năm Phật hoàng Trần Nhân Tông đản sinh là hoạt động được chùa Ba Vàng tổ chức thường niên từ năm 2021. Nội dung này đã được chùa Ba Vàng thông qua Ban Trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam thành phố Uông Bí, tỉnh Quảng Ninh thông báo ngày 29-11-2021.

Ngày 18-12-2023, chùa Ba Vàng có văn bản số 83/TB-CBV về việc “Thông báo thay đổi địa điểm tổ chức đại lễ kính mừng 765 năm Phật hoàng Trần Nhân Tông đản sinh vào ngày tu bát quan trai tháng 11 Âm lịch năm 2023” do Đại đức Thích Trúc Thái Minh trụ trì chùa Ba Vàng gửi UBND thành phố Uông Bí và các cơ quan chức năng của địa phương.

Theo văn bản này thì địa điểm tổ chức tại chùa Ba Vàng và thời gian tổ chức từ ngày 22 đến 24-12-2023. Trong thông báo này của chùa Ba Vàng có bổ sung nội dung “cung rước xá lợi Phật”, không nêu rõ là xá lợi gì?

Đối chiếu với các quy định của pháp luật về tín ngưỡng, tôn giáo thì chùa Ba Vàng không phải là chủ thể đứng ra thực hiện thông báo danh mục hoạt động tôn giáo bổ sung và thời gian thông báo chỉ 06 ngày trước khi tổ chức. Trong khi quy định tại khoản 3 Điều 43 của Luật Tín ngưỡng, tôn giáo thì “… Đối với hoạt động tôn giáo không có trong danh mục đã thông báo thì người đại diện tổ chức có trách nhiệm thông báo bổ sung theo quy định tại khoản 1 và khoản 2 Điều này chậm nhất là 20 ngày trước khi diễn ra hoạt động”.

Bên cạnh đó, chùa Ba Vàng cũng không tuân thủ thời gian tổ chức như đã thông báo là từ ngày 22 đến 24-12-2023 mà tổ chức từ ngày 22 đến 27-12-2023.

Theo như thông tin chúng tôi được biết các hoạt động tại chùa Ba Vàng từ ngày 23 đến 27-12-2023 có sự tham gia của nhiều nhà sư và phật tử người nước ngoài. Theo quy định của pháp luật về tín ngưỡng, tôn giáo thì việc mời tổ chức, cá nhân nước ngoài vào Việt Nam để thực hiện hoạt động tôn giáo có phải xin phép cơ quan nhà nước có thẩm quyền không? Nếu có thì chùa Ba Vàng đã thực hiện quy định này chưa?

Bà Nguyễn Thị Định: Theo quy định tại Điều 48 của Luật Tín ngưỡng, tôn giáo thì tổ chức tôn giáo, tổ chức tôn giáo trực thuộc trước khi mời tổ chức, cá nhân nước ngoài vào Việt Nam để thực hiện hoạt động tôn giáo ở một tỉnh có trách nhiệm gửi hồ sơ đề nghị đến UBND tỉnh. Trong thời hạn 30 ngày kể từ ngày nhận đủ hồ sơ hợp lệ, UBND tỉnh có trách nhiệm trả lời bằng văn bản; trường hợp không chấp thuận phải nêu rõ lý do.

Đối với các hoạt động tại chùa Ba Vàng có sự tham gia của nhiều nhà sư và phật tử người nước ngoài thì trụ trì chùa Ba Vàng phải có văn bản báo cáo Ban Trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam thành phố Uông Bí để tổ chức này có trách nhiệm gửi hồ sơ đến UBND tỉnh Quảng Ninh đề nghị được chấp thuận.

Tuy nhiên, theo báo cáo của tỉnh Quảng Ninh thì các hoạt động nêu trên tại chùa Ba Vàng, UBND tỉnh Quảng Ninh không nhận được văn bản xin phép của Ban Trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam thành phố Uông Bí. Như vậy, căn cứ quy định tại Điều 48 của Luật Tín ngưỡng, tôn giáo thì chùa Ba Vàng đã thực hiện không đúng quy định.

Trên các trang fanpage và website của chùa Ba Vàng có đăng tải thông tin về việc Thượng tọa Sayadaw U Wepulla, trụ trì chùa Parami và Bảo tàng Xá lợi Phật Quốc tế được Đại đức Thích Trúc Thái Minh, trụ trì chùa Ba Vàng mời về dự lễ kính mừng 765 năm Phật hoàng Trần Nhân Tông đản sinh và mang “xá lợi tóc Đức Phật” đến chùa Ba Vàng và phát biểu tại buổi lễ?

Theo các cơ quan chức năng của tỉnh Quảng Ninh các nhà sư này nhập cảnh với mục đích tham quan, du lịch nên không xin phép cơ quan nhà nước có thẩm quyền. Vậy hoạt động của các nhà sư này có phải hoạt động tôn giáo không? Giáo hội Phật giáo Việt Nam có quy định gì về trách nhiệm của trụ trì cơ sở tôn giáo trong trường hợp nêu trên?

Bà Nguyễn Thị Định: Có thể khẳng định rằng, việc Đại đức Thích Trúc Thái Minh trụ trì chùa Ba Vàng mời Thượng tọa Sayadaw U Wepulla, trụ trì chùa Parami và Bảo tàng Xá lợi Phật Quốc tế vào Việt Nam để tham dự lễ kính mừng 765 năm Phật hoàng Trần Nhân Tông đản sinh và mang “xá lợi tóc Đức Phật” đến chùa Ba Vàng tổ chức cho phật tử và Nhân dân chiêm bái, đồng thời phát biểu tại buổi lễ là hoạt động tôn giáo nhưng lại sử dụng visa nhập cảnh với mục đích tham quan, du lịch là không đúng quy định của pháp luật về tín ngưỡng, tôn giáo.

Mặt khác, theo Điều 79 Quy chế hoạt động Ban Tăng sự Trung ương Giáo hội Phật giáo Việt Nam nhiệm kỳ IX (2022-2027) quy định “Tổ chức, cá nhân chức sắc Phật giáo nước ngoài vào Việt Nam bằng visa du lịch không được hoạt động tôn giáo tại Việt Nam. Nếu thực hiện hoạt động tôn giáo tại một tự viện, hoặc nhiều tự viện là vi phạm pháp luật. Trụ trì, Trưởng ban Ban Quản trị tự viện phải chịu trách nhiệm hoàn toàn khi để hoạt động tôn giáo trái pháp luật này được thực hiện tại tự viện”.

Như vậy, theo quy định của pháp luật tín ngưỡng, tôn giáo và Quy chế nêu trên của Giáo hội thì trụ trì chùa Ba Vàng phải chịu trách nhiệm hoàn toàn khi để hoạt động tôn giáo trái pháp luật diễn ra tại cơ sở tôn giáo do mình phụ trách. Giáo hội Phật giáo Việt Nam có trách nhiệm xem xét xử lý theo quy định của Giáo hội.

Trên các phương tiện thông tin đại chúng có nhiều hình ảnh về Đại đức Thích Trúc Thái Minh tham gia các hoạt động tôn giáo tại nước ngoài trong năm 2023 (như đi Pakistan, Cu Ba, Hàn Quốc, Ấn Độ, Đài Loan, Myanmar), vậy khi tham gia các hoạt động tôn giáo tại nước ngoài Đại đức Thích Trúc Thái Minh có phải xin phép cơ quan nhà nước có thẩm quyền theo quy định của pháp luật về tín ngưỡng, tôn giáo không?

Bà Nguyễn Thị Định: Điều 50 Luật Tín ngưỡng, tôn giáo quy định “Tổ chức tôn giáo, tổ chức tôn giáo trực thuộc trước khi cử chức sắc, chức việc, nhà tu hành, tín đồ tham gia hoạt động tôn giáo, đào tạo tôn giáo ở nước ngoài có trách nhiệm gửi hồ sơ đề nghị đến cơ quan quản lý nhà nước về tín ngưỡng, tôn giáo ở Trung ương”.

Theo báo cáo của địa phương, trong năm 2023, Đại đức Thích Trúc Thái Minh đã nhiều lần xuất cảnh, nhưng chỉ có một lần tham gia Đoàn của Trung ương Giáo hội Phật giáo Việt Nam dự Hội thảo quốc tế về di sản Phật giáo Gandhara ở Pakistan là xin phép cơ quan nhà nước có thẩm quyền; các chuyến xuất cảnh còn lại có hoạt động tôn giáo ở nước ngoài như tham dự Đại lễ Phật đản tại Nhật Bản, giảng pháp cho các phật tử xa xứ tại Hàn Quốc, hành hương về miền đất Phật tại Ấn Độ, đi Cu Ba, Đài Loan và Myanmar theo lời mời của phật tử xa xứ, Ban Tôn giáo Chính phủ đều không nhận được báo cáo của Trung ương Giáo hội Phật giáo Việt Nam về các hoạt động này.

Như vậy, việc Đại đức Thích Trúc Thái Minh xuất cảnh và có các hoạt động tôn giáo ở nước ngoài nhưng không được Giáo hội đề nghị với cơ quan nhà nước có thẩm quyền theo quy định của pháp luật là vi phạm Điều 50 Luật Tín ngưỡng, tôn giáo.

Hiện nay, trên một số phương tiện thông tin đại chúng cũng như một số cơ quan chức năng cho rằng việc tổ chức rước, chiêm bái và trưng bày vật thể được gọi là “xá lợi tóc Đức Phật” của chùa Ba Vàng là vi phạm Nghị định số 23/2019/NĐ-CP ngày 26-02-2019 của Chính phủ quy định về hoạt động triển lãm. Theo bà việc áp dụng Nghị định này đối với hoạt động nêu trên của chùa Ba Vàng có đúng không?

Bà Nguyễn Thị Định: Hiện nay, trên các phương tiện thông tin đại chúng cũng như một số chuyên gia pháp luật có bàn luận về việc áp dụng Nghị định số 23/2019/NĐ-CP ngày 26-02-2019 của Chính phủ quy định về hoạt động triển lãm đối với sự việc tổ chức rước, chiêm bái và trưng bày “xá lợi tóc Đức Phật” tại chùa Ba Vàng.

Tôi cho rằng, để có đầy đủ cơ sở pháp lý khẳng định, kết luận việc tổ chức rước, chiêm bái và trưng bày “xá lợi tóc Đức Phật” của chùa Ba Vàng là vi phạm Nghị định số 23/2019/NĐ-CP nêu trên và các quy định pháp luật có liên quan (nếu có), thì các cơ quan có thẩm quyền của tỉnh Quảng Ninh cần tiếp tục xem xét, làm rõ các vi phạm của chùa Ba Vàng, trên cơ sở đó, có quyết định cụ thể về việc áp dụng các quy định của pháp luật đối với các hoạt động đã diễn ra tại chùa Ba Vàng.

Từ sự việc xảy ra tại chùa Ba Vàng vừa qua, theo bà trách nhiệm của các cơ quan nhà nước có thẩm quyền, trách nhiệm của Giáo hội Phật giáo Việt Nam và các tổ chức của Giáo hội thế nào?

Bà Nguyễn Thị Định: Việc Đại đức Thích Trúc Thái Minh mời người nước ngoài vào Việt Nam thực hiện hoạt động tôn giáo không xin phép; việc tổ chức rước, trưng bày “xá lợi tóc Đức Phật” tại chùa Ba Vàng, Ban Trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam thành phố Uông Bí, tỉnh Quảng Ninh thông báo danh mục hoạt động tôn giáo bổ sung không theo quy định; việc Đại đức Thích Trúc Thái Minh xuất cảnh nhiều lần với mục đích hoạt động tôn giáo ở nước ngoài nhưng không thông qua Giáo hội để đề nghị với cơ quan nhà nước có thẩm quyền là vi phạm pháp luật về tín ngưỡng, tôn giáo.

Sự việc này đã làm ảnh hưởng đến trật tự xã hội và chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước về tín ngưỡng, tôn giáo; ảnh hưởng tới uy tín của Giáo hội Phật giáo Việt Nam.

Vì vậy, để ổn định tình hình, về phía các cơ quan nhà nước có thẩm quyền đã kịp thời chấn chỉnh và tiếp tục xem xét, xử lý nghiêm, dứt điểm các vi phạm khi có đầy đủ căn cứ pháp luật, đồng thời, tiếp tục tuyên truyền, phổ biến các quy định của Luật Tín ngưỡng, tôn giáo, Nghị định quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật Tín ngưỡng, tôn giáo, bảo đảm các hoạt động của tổ chức, cá nhân tôn giáo tuân thủ pháp luật.

Đối với UBND thành phố Uông Bí cần rút kinh nghiệm trong việc tiếp nhận các thủ tục hành chính về tín ngưỡng, tôn giáo, nếu không đúng quy định của pháp luật phải trả lại, yêu cầu tổ chức, cá nhân liên quan bổ sung, hoàn thiện hồ sơ, thủ tục theo quy định của pháp luật.

Đối với Giáo hội Phật giáo Việt Nam, Ban Phật giáo Quốc tế, Ban Trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam tỉnh Quảng Ninh, Ban Trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam thành phố Uông Bí cần chấn chỉnh, yêu cầu Đại đức Thích Trúc Thái Minh rút kinh nghiệm về việc mời tổ chức, cá nhân nước ngoài vào Việt Nam để thực hiện hoạt động tôn giáo, hoạt động quan hệ quốc tế về tôn giáo, bảo đảm thực hiện theo đúng quy định của pháp luật về tín ngưỡng, tôn giáo; tăng cường quản lý chức sắc, chức việc, nhà tu hành; kịp thời có biện pháp chấn chỉnh trong toàn Giáo hội để tạo sự đồng thuận, ổn định, đoàn kết trong nội bộ Giáo hội.

Bên cạnh đó, Giáo hội cần xem xét, xử lý nghiêm các vi phạm theo quy định của Hiến chương, Quy chế của Giáo hội để đảm bảo kỷ luật, kỷ cương; không để tái diễn các hành vi vi phạm pháp luật tại chùa Ba Vàng cũng như tại các cơ sở tôn giáo thuộc Giáo hội quản lý.

… Bình luận về nội dung trên, luật sư T.T., (Đoàn Luật sư TP.HCM) cho rằng ông cảm giác dường như phía Ban Tôn giáo Chính phủ đang muốn nhắm đến thông tin dọn đường cho việc Trưởng ban Ban Tôn giáo Chính phủ sẽ kiến nghị Bộ trưởng Bộ Nội vụ phối hợp thành lập Đoàn thanh tra liên ngành theo Điều 3 Thông tư 04/2016/TT-BNV quy định về Nội dung thanh tra chuyên ngành tôn giáo.

Theo quy định trên, Ban Tôn giáo Chính phủ có thẩm quyền thanh tra việc thực hiện quy định của pháp luật các nội dung sau: Đăng ký sinh hoạt tôn giáo, đăng ký hoạt động tôn giáo, công nhận tổ chức tôn giáo; Thành lập, chia, tách, sáp nhập, hợp nhất tổ chức tôn giáo trực thuộc; Đăng ký hội đoàn, dòng tu, tu viện và các tổ chức tu hành tập thể khác; Thành lập, quản lý, giải thể trường đào tạo, mở lớp bồi dưỡng những người chuyên hoạt động tôn giáo; Phong chức, phong phẩm, bổ nhiệm, bầu cử, suy cử, cách chức, bãi nhiệm chức sắc trong tôn giáo; Thuyên chuyển nơi hoạt động của chức sắc, nhà tu hành;

Đăng ký chương trình hoạt động tôn giáo hàng năm của tổ chức tôn giáo cơ sở; Hội nghị thường niên, đại hội của tổ chức tôn giáo, tổ chức tôn giáo trực thuộc; Hoạt động xuất bản các xuất bản phẩm, ấn phẩm tôn giáo; Thanh tra việc thực hiện các quy định của pháp luật về trách nhiệm của cơ quan hành chính nhà nước trong việc thực hiện hoạt động tôn giáo; Thực hiện các nhiệm vụ khác khi được Bộ trưởng Bộ Nội vụ giao cho Ban Tôn giáo Chính phủ; Giám đốc Sở Nội vụ giao cho Thanh tra Sở Nội vụ.

Như vậy liệu “giơ cao đánh khẽ” hay “thượng tôn pháp luật” ở chùa Ba Vàng đang chờ đợi các động thái của các thế lực đàng sau những hoạt động về kinh doanh tâm linh ở chùa Ba Vàng.


 

Tin bài liên quan:

VNTB – Đang tiến tới thành lập các chi bộ đảng trong Phật giáo Việt Nam?!

Trương Thế Tử

VNTB – Sài Gòn lockdown đợt này là đợt cuối?

Phan Thanh Hung

VNTB – Không coi Covid là ‘giặc’ nữa, và cái giá của ‘hòa bình’

Phan Thanh Hung

Leave a Comment

This site uses Akismet to reduce spam. Learn how your comment data is processed.