Việt Nam Thời Báo

VNTB – Kiểm tra độ cồn: bắt chước không xong!

Triệu Tử Long

(VNTB) – ‘Nửa vời’ ở đây tương tự của kiểu sự thật ‘nửa ổ bánh mì’, chỉ nói nửa ý có lợi về phần mình; trong nhiều trường hợp, đó còn là kiểu “Phúc thống phục nhân sâm”.

Chuyện kể rằng ngày xưa có một ông thầy lang chữa tất cả mọi bệnh đều dựa vào sách. Một tối nọ có bệnh nhân bị đau bụng đến rên rỉ thống thiết nhờ ông thầy chữa bệnh. Vì tình huống quá cấp bách nên ông thầy lật vội cuốn sách bảo bối ra và đọc thấy dòng chữ “Phúc thống phục nhân sâm” có nghĩa “Đau bụng thì uống nhân sâm”, nên vội vàng cho người bệnh uống nhân sâm.

Đến sáng hôm sau người nhà đến bắt đền vì bệnh nhân uống nhân sâm mà chết. Ông thầy mở sách ra xem lại thì thấy rõ ràng dòng chữ “Phúc thống phục nhân sâm” ghi rành rành trong sách, tính cãi lại nhưng vừa may có cơn gió thổi qua làm cuốn sách lật sang trang sau lộ ra thêm hai chữ nữa là “tắc tử” (chết chắc). Cũng chỉ vì ông lang vội quá nên không đọc kịp đến trang kế tiếp mà hại mất một mạng người.

Câu chuyện cười dân gian ở phương Đông quen thuộc này ắt hẳn có nhiều người Việt biết đến.

Ngạn ngữ phương Tây có câu “Một nửa cái bánh mì vẫn là bánh mì, nhưng một nửa sự thật không còn là sự thật”. Chỉ nói một nửa sự thật, dù cố tình hay vô ý, đều đồng nghĩa với xuyên tạc sự thật hay gian dối, vì nếu vội vàng tin hoặc dựa vào đó để đánh giá sự việc, dễ vấp phải sai lầm, nhất là khi đặt trọn niềm tin vào đó.

‘Quốc tế’ ở đây là ‘quốc tế’ nào?

Báo chí ở Việt Nam hay có những bài báo theo hướng cổ xúy chuyện ‘nửa ổ bánh mì’ – nhiều khi chỉ từ nguyên do của hàm ý ‘xấu che tốt khoe’, chứ chẳng phải đao to búa lớn gì về chính trị; và trong nhiều trường hợp, đơn giản hơn là vì ‘dốt mà hay nói chữ’ trong những phát biểu tùy hứng, nằm bên ngoài diễn văn soạn sẳn dành cho các quan chức.

“CSGT kiểm tra độ cồn theo kinh nghiệm quốc tế, uống nửa lon bia cũng không thoát” – https://tuoitre.vn/csgt-kiem-tra-do-con-theo-kinh-nghiem-quoc-te-uong-nua-lon-bia-cung-khong-thoat-20200105013817072.htm. “CSGT” là viết tắt của “cảnh sát giao thông”.

Bài viết trên tờ báo Tuổi Trẻ điện tử với đường dẫn ở trên, có phần kết được trình bày ‘tạo độ nhấn’ với nội dung như sau (trích): “Mô hình kiểm tra nồng độ cồn theo kinh nghiệm quốc tế là phương pháp được triển khai áp dụng từ năm 2014. Mô hình này giúp cho CSGT kiểm tra được nhiều người điều khiển phuơng tiện hơn mà không bị dồn ứ.

Trước đây, CSGT dùng máy do nồng độ cồn cũ phải yêu cầu tài xế xuống xe thổi vào máy đo mới có thể phát hiện được nên rất mất thời gian. Còn theo cách này, khi phương tiện vào làn đường kiểm tra, lái xe không cần xuống xe, chỉ cần nhìn CSGT trả lời một số câu hỏi như: “Anh tên gì?, “anh có mang theo giấy tờ không?” là máy đo nồng độ cồn trên tay CSGT sẽ xác định được có nồng độ còn trong hơi thở tài xế hay không. Nếu có, máy sẽ hiện dòng chữ “Cảnh báo” thì lái xe được yêu cầu xuống xe để thổi vào máy đo nồng độ cồn chuyên dụng để xác định được cụ thể mức độ vi phạm. Nếu không có, CSGT sẽ cảm ơn và mời lái xe tiếp tục lộ trình”.

Bài báo không dẫn nguồn về “kinh nghiệm quốc tế” trong chuyện ở trên đã được áp dụng nơi đâu.

Có thể đối chiếu nội dung ‘tự sướng’ ở bài viết trên báo Tuổi Trẻ (nguồn đã dẫn) với nội dung ‘chuyên ngành’ của các tổ chức như Mothers Against Drunk Driving, https://madd.ca/pages/; Shouse Law Group Channel https://www.shouselaw.com/fst.html… không khó để nhận ra chuyện ‘kinh nghiệm quốc tế’ ở đây mà nhà chức trách Việt Nam đang học hỏi, là một kiểu tương tự như ‘kinh tế thị trường theo định hướng xã hội chủ nghĩa’.

Cảnh sát Mỹ kiểm tra tài xế say rượu như thế nào?

Ở Mỹ, sau khi dừng xe, cảnh sát trước tiên để ý những dấu hiệu bên ngoài như tài xế có mắt đỏ ngầu, giọng nói lè nhè, động tác chậm chạp,… hoặc trong xe có chai bia mở nắp. Cảnh sát có thể hỏi trực tiếp để xem tài xế có thừa nhận đã uống rượu hoặc chất kích thích hay không.

Tiếp theo là bài kiểm tra độ tỉnh táo tại hiện trường, bao gồm một số hoạt động thể chất và tinh thần như: yêu cầu tài xế đi trên đường thẳng, giơ tay sang ngang rồi chạm vào mũi trong khi nhắm mắt, đọc bảng chữ cái theo chiều ngược…

Cuối cùng, cảnh sát có thể dùng thiết bị cầm tay để đo nồng độ cồn trong hơi thở của tài xế. Kết quả sẽ giúp cảnh sát biết được chỉ số tương đối của tài xế tại thời điểm bị dừng xe. Giới hạn nồng độ cồn trong máu tại đa số các bang ở Mỹ là không vượt quá 0,08% (tương đương 0,08 g cồn trên 100ml máu), có bang thậm chí đã hạ giới hạn này xuống còn 0,05 %. Nhưng vì thiết bị cầm tay không đủ độ chính xác, kết quả đo theo cách này chỉ được dùng làm căn cứ để bắt giữ tài xế vì hành vi lái xe khi có nồng độ cồn và không thể làm chứng cứ trước tòa.

Nếu tài xế không vượt qua được bất cứ phần nào của những bài kiểm tra ban đầu trên, cảnh sát sẽ thực thi lệnh bắt. Tài xế có quyền từ chối các bài kiểm tra trên, nhưng họ vẫn có thể bị đưa về đồn để tiến hành kiểm tra bằng thiết bị đo nồng độ cồn qua hơi thở chính xác hơn hoặc xét nghiệm máu. Cảnh sát thường chọn đo qua hơi thở để tiết kiệm thời gian, nhưng một số bang cho phép tài xế được tự chọn.

Một khi bị đưa về đồn cảnh sát, kết quả đo nồng độ cồn tại đây có thể được dùng làm chứng cứ. Nếu vẫn ngoan cố, tài xế sẽ lập tức bị tạm giữ hoặc tước bằng lái trong thời gian nhất định, phạt tiền, cũng như các hình phạt khác. Việc từ chối còn có thể được dùng để chống lại tài xế tại tòa. Nếu chấp nhận thổi vào máy, tài xế có quyền có người chứng kiến và được cho 30 phút để gọi luật sư tới nơi.

Ngoài ra, việc đo cũng phải tuân theo quy trình nhất định để đảm bảo độ chính xác.

Đầu tiên, cảnh sát buộc phải chờ và quan sát tài xế trong vòng 15-20 phút để đảm bảo không ợ hơi, nôn ọe, hút thuốc hoặc ăn uống. Lý do vì một số thực phẩm (như vải, sầu riêng,…), đồ uống (như nước chứa bạc hà…), hoặc các loại đồ dùng khác (như nước súc miệng, nước rửa tay, kem đánh răng,…) có thể khiến số đo tăng vọt. Khoảng thời gian chờ nói trên được cho là đủ để khiến cồn trong miệng bay hơi hết, từ đó đảm bảo máy chỉ đo nồng độ cồn từ phổi của tài xế…

Bang North Carolina còn quy định cảnh sát đo nồng độ cồn phải được cấp giấy chứng nhận đã biết cách sử dụng thiết bị và phải cho tài xế biết hậu quả của việc từ chối đo. Cảnh sát cũng phải đo hai lần, kết quả mỗi lần chỉ được lệch nhau 0.02%, nếu không, phải đo lại.

Lỗi của ‘thằng’ đánh máy?

“Kinh nghiệm quốc tế” liên quan chuyện ‘kiểm tra độ cồn’ ở thế giới và Việt Nam khác biệt hoàn toàn trong chuyện hiểu thế nào là ‘cồn’ và ‘rượu’.

Theo Luật Phòng chống tác hại của rượu bia của Việt Nam, có hiệu lực từ 1/1/2020, hành vi điều khiển phương tiện giao thông mà trong máu hoặc hơi thở có nồng độ cồn bất chấp tỷ lệ là bao nhiêu, đều bị nghiêm cấm. Luật này không phân biệt ‘cồn’ trong ‘rượu’, với ‘cồn’ trong trái cây, dược phẩm, thực phẩm chế biến. Cứ ‘thổi vào máy’ báo có nồng độ cồn là xử phạt.

Trong khi đó, máy đo nồng độ cồn qua hơi thở (Breathalyser) hoạt động bằng cách đo nồng độ nhóm Methyl của các hợp chất hoá học, chứ không đo nồng độ Ethanyl alcohol. Vì vậy, sẽ có những trường hợp dương tính giả dù rằng không uống rượu bia. Dương tính giả trong trường hợp bệnh trào ngược dạ dày thực quản (GERD), bệnh nhân tiểu đường thở Acetone, bệnh nhân nhịn đói hay ăn kiêng, sử dụng nước súc miệng Listerine, hút thuốc không khói có chứa Methol, sử dụng thuốc ho hay ăn những trái cây chín rục… đều có thể được báo có độ cồn qua máy đo bằng ống thổi mà lực lượng CSGT Việt Nam đang thực hiện.

Tài liệu y khoa cho biết nồng độ cồn qua hơi thở (BrAC) thường được chấp nhận với tỉ lệ 1:2100 với nồng độ cồn trong máu (BAC). Với BAC 0.02% (g/dL) đã gây ảnh hưởng lên hoạt động điều phối của não bộ và đã gây mất tập trung. Tuỳ theo mỗi quốc gia sẽ thiết lập mức giới hạn khác nhau.

“Để luật đi vào đời sống và khả thi thì khâu chuẩn bị phải thật chu đáo từ khâu truyền thông, huấn luyện, quy trình, thiết bị. Công an phải được huấn luyện sử dụng máy, máy phải được cân chỉnh để có kết quả chính xác, ống thở phải là ống thở sử dụng một lần và ngay cả kết quả phải được in ra để làm bằng chứng. Tóm lại, uống rượu trong tỉnh thức vì sự an toàn của chính chúng ta và của cộng động. Nghị định về chuyện phạt này nên hiệu đính bỏ dấu < ở mức BAC 0.05%”, bác sĩ Trần Kim Quyên góp ý.

Nói theo cách bỡn cợt lâu nay của người Việt, có lẽ mọi chuyện là do lỗi ‘thằng đánh máy’ (!?)

Tin bài liên quan:

VNTB – Lỡ nhập nhiều rồi thì phải xét nghiệm cho hết

Phan Thanh Hung

VNTB – Lo lắng việc ‘thổi ống đo nồng độ cồn’ thời dịch corona

Phan Thanh Hung

VNTB – Quốc hội XV sẽ thực sự là cơ quan quyền lực nhà nước cao nhất?

Phan Thanh Hung

Leave a Comment

This site uses Akismet to reduce spam. Learn how your comment data is processed.

Việt Nam Thời Báo