Nguyễn Đình Ấm
(VNTB) – Việc đề xuất xây dựng sân bay thứ hai cùng chức năng ở Ứng Hòa hoặc bất cứ đâu ở Hà Nội cũng là thất sách.
Vừa qua, sở quy hoạch kiến trúc Hà Nội(SQHKTHN) kiến nghị với UBNDTP Hà Nội giao sở giao thông vận tải Hà Nội phối hợp với các sở, ngành liên quan và TCT cổ phần tư vấn thiết kế giao thông vận tải- (TEDI) xây dựng dự thảo văn bản của thành phố đề nghị bộ GTVT xem xét phương án xây dựng sân bay thứ hai cho “khu vực thủ đô” ở huyện Ứng Hòa.
Theo SQHKTHN, qua nghiên cứu tài liệu quy hoạch của TEDI công ty này kiến nghị xây dựng sân bay thứ 2 cho vùng HN và nâng công suất sân bay Nội Bài lên 100 triệu khách/năm…Lý do chính mà SQHKTHN nêu ra là theo đề án điều chỉnh quy hoạch xây dựng vùng thủ đô đến 2030 chính phủ phê duyệt tại QĐ số 768 ngày 6/ 5/2016…
Thời gian qua, việc địa phương nào cũng muốn có sân bay, nhiều bất kể lợi, hại ra sao là chuyện không lạ.Thế nhưng, đề xuất trên của SQHKTHN có vẻ lạc hậu về phát triển sân bay.
Trên thực tế, đang có khá nhiều thành phố trên thế giới tồn tại nhiều sân bay như ở Paris(Pháp) có 3 sân bay Charles de Gaulle, Orly và Le Bouget.Tuy nhiên, ngoài sân bay thương mại lớn nhất nước Pháp và thứ hai ở châu Âu Charles de Gaulles (sau Heathrow ở London- Anh) hai sân bay kia hình thành từ trước mà không thể mở rộng hoặc thực hiện các chức năng khác nhau như phục vụ các chuyến bay nội địa ngắn, sân bay thể thao, bay thử nghiệm… Tuy là 3 sân bay nhưng hợp thành trung tâm vận tải HK do hai sân bay kia chỉ cách sân bay trung tâm Charles de Gaulle 12-14km. Đặc biệt, khi hình thành các sân bay này chưa có quan niệm “thành phố sân bay” (TPSB) vốn tạo ra vô vàn tiện ích cho hành khách và lợi nhuận rất lớn cho nhà đầu tư sân bay, nhà nước.
Hiện nay “TPSB” là xu thế chung của thế giới với hàng trăm khu tổ hợp kinh doanh dựa vào sân bay như khu Songdo tại sân bay Incheon (Seoul-Hàn Quốc), các khu kinh doanh, giải trí, khách sạn, nhà hàng…khổng lồ ở sân bay Changi ( Singapore), TPSB New Istanbul ( Thổ nhĩ kỳ) rộng 1,5 triệu m2 thu hút hơn 225.000 lao động mang lại lợi nhuận mỗi năm hàng tỷ đô la…Hiện nay trên thế giới đã hình thành 90 TPSB trong đó ở bắc Mỹ 40, 25 ở châu Âu, 20 ở châu Á-Thái Bình Dương, 10 tại châu Phi, trung đông…Các TPSB đã hình thành ngoài ngoài mang lại đa dịch vụ thuận tiện, tiện nghi mọi mặt cho hành khách còn kinh doanh nộp nguồn ngân sách lớn cho nhà nước, có thể tự đầu tư hạ tầng, vận hành sân bay…
Ở Việt Nam ta đang có điều kiện rất thuận lợi để xây dựng TPSB như ở sân bay Nội Bài, Long Thành.
Sân bay Nội Bài được người Pháp, Nhật và các chuyên gia Việt Nam khảo sát, lựa chọn cách trung tâm Hà Nội 35km nằm ở độ cao, không gian, địa hình…tốt nhất trong khu vực. Hiện Nội Bài, Long Thành có điều kiện thuận lợi để phát triển TPSB vì không gian xung quanh rộng, bằng phẳng, chủ yếu đất nông nghiệp, không vướng những chướng ngại bất khả xâm phạm và có nguồn khách, thị trường đủ lớn để phục vụ, kinh doanh.
Những năm 1980 ngành HKVN và chuyên gia Liên Xô, Pháp đã lập đề án xây dựng sân bay Nội Bài rộng 3.000 ha công suất không giới hạn, trong đó xây dựng tổ hợp nhà ga ở giữa, một đường băng ở vị trí hiện tại và một đường băng nằm trên vị trí QL2 song song với đường băng hiện tại, cách đường băng đang sử dụng 1,3 km. Đây là đồ án sân bay hiện đại và tương lai của Nội Bài.
Nếu nay thực hiện đồ án này thì rất thuận lợi, ít tốn kém do tận dụng hạ tầng, dân cư thưa thớt… Nếu nâng Nội Bài thành TPSB chỉ cần xây dựng thêm một đường băng phía QL2, tổ hợp nhà ga ở giữa, 2 đường tàu điện ngầm mỗi đường 5 km từ nhà ga ra các cao tốc về Hà Nội và đi các tỉnh Vĩnh Phúc, Thái Nguyên…Khi đã nâng Nội Bài công suất và xây dựng TPSB thì nó Nội Bài đáp ứng không giới hạn nhu cầu vận tải HK của Hà Nội.
Trong đền án của SQHKTHN nói xây sân bay Ứng Hòa đồng thời nâng công suất sân bay Nội Bài lên 100 triệu khách/năm là không thực tế. Đến bao giờ sân bay Nội Bài đạt 100tr khách/năm khi những sân bay ở nơi đông đúc nhất thế giới như sân bay Bắc Kinh bao năm nay cũng chỉ đạt gần 100 triệu khách/ năm, sân bay Jackson của Mỹ ở Atlanta chỉ đạt 107 triệu khách/năm…
VN ta là nước còn nghèo, kinh tế lạc hậu, bình quân thu nhập tính theo đầu người thấp, khách du lịch một năm chỉ hơn chục triệu trong khi có nhiều sân bay xung quanh cạnh tranh…thì đến khi nào sân bay Nội Bài hoặc Long Thành đạt 100 triệu khách năm?
Vì vậy khi đã nâng công suất sân bay Nội Bài thì việc xây thêm sân bay cùng chức năng nữa ở đâu cũng chỉ để đốt tiền nhà nước, tạo điều kiện cho tham nhũng. Ngoài sân bay Nội Bài Hà Nội có thể cần các sân bay chức năng khác như thể thao, cấp cứu…thì đã có sân bay Gia Lâm, Bạch Mai. Hai sân bay này đã bị lấn chiếm hết đất xung quanh nhưng cũng đủ để làm sân bay cấp cứu, thể thao mà thành phố lớn nào cũng cần có.
Như vậy, theo tôi, việc đề xuất xây dựng sân bay thứ hai cùng chức năng ở Ứng Hòa hoặc bất cứ đâu ở Hà Nội cũng là thất sách vì nguồn lực bị phân tán, bất tiện cho việc tổ chức giao thông, đi lại của hành khách, đặc biệt không thể nâng sân bay thành TPSB vì phân tán ngồn lực, nguồn khách, chưa nói Ứng Hòa là vùng chiêm trũng không ai làm sân bay những nơi như thế. Hơn nữa, một hành khách bay đến Ứng Hòa để tiếp tục bay đi nước khác thì lại phải vượt 40km đến Nội Bài hoặc ngược lại?
Ai đã đến sân bay Changi của Singapore, Incheon, Atlanta, Franfurkt…sẽ thấy TPSB ở đây hiện đại, sầm uất về kinh doanh, tiện lợi cho hành khách trong việc đi lại, mua sắm, nghỉ ngơi, giải trí, lưu trú… như thế nào.