Thới Bình
(VNTB) – Kể từ khi họ về làm việc với hãng truyền thông Reuters, họ đã liên tục bị ‘mời cà phê’ với nhiều hạch sách từ cơ quan an ninh
Khoảng mấy mươi năm về trước, ở Sài Gòn có một nhà báo được tuyển dụng vào vị trí “chief” một văn phòng đại diện truyền thông đặt tại Bangkok.
Ông tên là N.N.C. và là một trong ba người Việt Nam đầu tiên tham gia viết bài cho tờ báo tiếng Anh chuyên về kinh tế – đầu tư giữa Tập đoàn Báo chí Úc (Australian Consolidated Press – ACP) và Ủy ban Nhà nước Hợp tác & Đầu tư, tiền thân của Bộ Kế hoạch và Đầu tư Việt Nam.
Về sau có tin ông N.N.C được một hãng truyền thông phương Tây mời ông vào vai trò đại diện văn phòng của họ tại Bangkok. Và sau đó thì… ông không thể quay trở lại làm báo của nhà nước Việt Nam nữa vì lý lịch có khoản thời gian được cho là nhạy cảm chính trị này.
Dài dòng như trên để nhằm đến một ý là nếu mai đây bộ phận BBC tiếng Việt sẽ chuyển từ London sang Bangkok (văn phòng Bangkok của BBC đang được mở rộng cho việc chuyển đổi này), liệu các nhà báo Việt Nam đang làm việc với hãng truyền thông Anh quốc này có dễ dàng tác nghiệp mà không phải chịu áp lực từ người thân ở quê nhà?
Một cảnh báo khác được nêu từ một nhà báo sống ở Hà Nội, từng làm báo tại Việt Nam và sau đó ông ứng tuyển đậu vào tuyển chọn cho hãng BBC tại London: “BBC tiếng Việt đã mất nơi an toàn để hoạt động báo chí. Dù sao London cũng nằm xa tầm với của an ninh Việt Nam hơn nhiều so với Bangkok…
Điều rắc rối khác là chính nước Anh về mặt luật pháp chỉ có thể bảo vệ công dân của họ một cách tối đa, nhưng khó có thể can thiệp nhiều khi nhân viên là công dân của một nước khác”.
Theo vị nhà báo trên, hiện tại cách hay nhất là BBC tiếng Việt cần tìm một người giỏi tiếng Việt, am tường đời sống chính trị Hà Nội và… không còn quốc tịch Việt Nam để làm trưởng ban.
Đề cập đến “đời sống chính trị Hà Nội” trong nghề viết lách ở đây xin được nhắc lại một vài lưu ý của cựu nhà báo N.N.C ở đầu bài viết này vào thời kỳ làm báo của ông: Ở Việt Nam không chấp nhận những thuật ngữ như “tư nhân hóa” hay “tư hữu hóa” nên khi viết đến chuyện này, người làm báo phải tránh dùng chữ “privatization” nếu không muốn bị cắt vì… “lưỡi kéo kiểm duyệt”.
Việt Nam chỉ dùng từ ngữ “cổ phần hóa” nhưng kỳ thật đó là một hình thức “tư nhân hóa”, chẳng hạn như trong việc bán cổ phần của nhà nước trong một công ty quốc doanh.
Để giải quyết xung đột mang tính cách ngôn ngữ và ý thức hệ, chúng tôi áp dụng một giải pháp mà tôi nghĩ là dung hòa được trong cách dùng ngôn ngữ báo chí. Từ ngữ “equitization” được dùng để thay thế bằng “privatization” vốn đã được dùng phổ biến trong báo chí Phương Tây.
Ta sẽ không gặp thuật ngữ “equitization” trong hầu hết các tự điển chính thống vì đó là mục từ… “sáng tạo”. Trong khi “equity” là danh từ, ám chỉ cổ phần hay vốn sở hữu nên “Reuters” là quá trình… cổ phần hóa. Vậy là chúng tôi đã thoát khỏi sự kiểm duyệt, tránh được việc dùng “privatization” vốn là một từ “dị ứng” với ý thức hệ chính trị!…
Như vậy, xem ra mai này khi trụ sở BBC tiếng Việt đóng tại Bangkok thì việc phóng viên người Việt dám chỉ trích nhà cầm quyền cộng sản Hà Nội, ngay cả khi người chỉ trích ở Thái Lan, là không an toàn.
Người viết bài này có hai người bạn từng làm việc trong bộ phận chuyên về video của hãng tin Reuters. Không tiện hỏi rõ hợp đồng tuyển dụng của họ ra sao, chỉ biết là kể từ khi họ về làm việc với hãng truyền thông Anh quốc này, họ đã liên tục bị ‘mời cà phê’ với nhiều hạch sách từ cơ quan an ninh. Cuối cùng họ phải chấp nhận không làm việc tiếp nữa với hãng tin ngoại quốc danh tiếng kể trên.
1 comment
BBC tiếng Việt đã hoàn thành sứ mạng lịch sử của mình, nên cho giải thể như Mặt Trận Dân Tộc Giải Phóng Miền Nam