Thái Hoá Lộc
(VNTB) – Hai người Mẹ đã trở thành chinh phụ thay chồng đang sống trong cảnh tù tội tần tảo nuôi con mong mỏi chờ đợi ngày chồng về…
Ngày 13 tháng 12 năm 2024, Thứ Bảy một ngày Mùa Đông khá lạnh chúng tôi có dịp chứng kiến tang lễ thật cảm động của những người con tiễn Mẹ lần cuối. Hai nghi thức tôn giáo tiễn đưa khác nhau nhưng lại giống nhau là nhiều nước mắt. Cả hai người Mẹ đều là vợ của người đã phục vụ dưới thời Việt Nam Cộng Hoà.
Sau biến cố 30 tháng 4 năm 1975, Cộng Sản Miền Bắc xâm chiếm Miền Nam; tất cả quân, cán chính Miền Nam bị chế độ mới đưa vào các trại tù với ngụy danh “Trại tù cải tạo” được chế độ dựng lên khắp miền đất nước… Hai người Mẹ đã trở thành chinh phụ thay chồng đang sống trong cảnh tù tội tần tảo nuôi con mong mỏi chờ đợi ngày chồng về…
Chúng tôi đọc tập hồi ký “Mẹ Tôi” của cháu Nguyễn Ngọc Thanh Thảo trưởng nữ cựu Trung tá Nguyễn Ngọc Thủy nguyên cựu Sinh viên Khóa 14 Trường Võ Bị Quốc Gia Việt Nam viết về người Mẹ của mình là bà Nguyễn Thị Liễu, Pháp danh Tâm Sanh mệnh chung ngày 29 tháng 12 năm 202: “Má tôi năm đó ngoài ba mươi, mảnh mai lạc lỏng hoang mang giữa cơn lốc đảo điên của đất nước. Người chồng thương yêu sớm hôm kề cận giờ đây không biết bị đưa đi giam cầm sống chết nơi đâu. Đàn con 5 đứa ngơ ngác thơ ngây, đứa lớn nhất hơn 10 tuổi, đứa nhỏ nhất nhất chưa được hai năm. Hai bàn tay trắng, không nghề nghiệp sinh nhai, không nhà cửa đất đai của cải. Đi đâu? Làm gì? Làm cách nào để sống nuôi con? Hàng trăm câu hỏi xoay cuồng vây quanh trong đầu người mẹ trẻ. Đã vậy miệng đời còn mỉa mai chua chát “Lúc lên voi sao không biết dành dụm – để xuống chó chịu cảnh trắng tay”. Thời loạn lạc ai cũng lo “thủ” – Tình người chẳng còn lại bao nhiêu. Đắng cay tủi nhục kể sao cho xiết…!
Gia đình bên nội ngỏ ý nuôi giúp đàn con mỗi đứa mỗi nơi nhưng Má dứt khoát từ chối. Mẹ con sống chết có nhau, mặc cho tương lai có ea sao. Má dắt đàn con con về quâ ngoại nương náu nơi gia đình người anh duy nhất. Cậu của tôi có 7 người con cộng thêm 5 đứa chúng tôi đúng một tiểu đội. Biết mình bị liệt vào thành phần “tư sản phản động”, Má tôi ra sức lao động đẩ tránh những ánh mắt xoi mói của chính quyền mới. Má vào làm hợp tác xã đồ gốm, suốt ngày quần quật với đất đá vôi, dưới ánh nắng chói chang nóng bỏng. Từng viên gạch miếng ngói do mồ hôi trộn với nước mắt và đất cát làm nên. Má tôi không phải là hàng tiểu thơ đài các nhưng thuộc loại liễu yếu đào tơ, mỏng như chiếc lá, xanh xao ốm yếu, vậy mà dân làng làm bao nhiêu Má làm theo bấy nhiêu không hề than thở. Khổ nhất là những buổi dỡ lò sau khi gốm nung xong, khói lửa vẫn còn nghi ngút và hơi nóng vẫn còn hừng hực. Muốn dịu bớt sức nóng buộc phải làm vào lúc nửa đêm, Giữa đêm khuya lúc anh em tôi còn đang ngon giấc. Má phải rón rén thức dậy đi làm. Má tôi đó, mới hôm nào là bà phu nhân kẻ đưa người rước, giờ đây đang ôm từng chồng gạch xiêu vẹo bước trong đêm, có hôm tưởng như ngất xỉu gục ngã trong lò.
Viết đến đây tôi không thể ngăn những dòng nước mắt. Má ơi! Ngày đó con thơ ngây quá, đâu có biết cái khổ là gì! Khi tôi viết những dòng hồi ký này thì Má tôi đang trên giường bệnh. Má đã và đang chiến đấu với căn bệnh ung thư hiểm nghèo hơn sáu năm nay. Căn bệnh quái ác cứ trở đi trở lại chưa có phương thức hữu hiệu nào trị dứt hẳn. Tôi chưa thấy người phụ nữ nào kiên cường và giỏi chịu đựng như Má (kế đến là em gái tôi). Má đã trải qua ba lần mổ xẻ (mổ ngang rồi mổ dọc) hai lần xa trị (radiation), bốn lần hóa trị (chemo) cho bốn lần phát hiện ung thư, và lần nào chạy chữa cũng kéo dài ít nhất là 6 tháng. Nếu ai đã từng chứng kiến qua bệnh nhân ung thư trong thời gian chữa trị thì hiểu được sự tàn phá hủy hoại đến cỡ nào. Vậy mà không muốn chồng con lo lắng, Má cắn răng chịu đựng không hề than thở. Lúc nào hỏi đến Má cũng nở nụ cười “không sao”.
Ngay từ hồi còn trẻ, Má đã đặt hết niềm tin vào Đức Phật để có đủ ý chí sức mạnh vượt qua hoạn nạn thử thách. Giờ đây cũng vậy, Má lại gởi trọn niềm tin vào đấng thiêng liêng. Có lúc Má yếu đến độ ngồi không nổi nhưng vẫn thành tâm kính cẩn tụng kinh niệm Phật. Má nói: “tại nghiệp Má nặng quá! Đến lúc đổ nghiệp, Má phải trả hết nghiệp mới được giải thoát”. Tôi không cam tâm! Cả đời Má chưa bao giờ sát sanh hại vật ngay cả con kiến. Má ăn chay niệp Phật bố thí cúng dường, làm không biết bao nhiêu việc thiện, giúp đỡ người nghèo khó, toàn những chuyện phước đức … sao đến giờ vẫn còn nghiệp phải trả, sao không có quyền được lựa chọn để “trả góp” mà phải “tả dồn”? Đối với tôi, rõ ràng đây là kết quả của những tháng ngày cực khổ thiếu ăn mất ngủ, của những gì Má đã hy sinh nhường nhịn hết cho chồng con. Nếu quả thật đúng là nghiệp quả thì con cầu xin các đấng thiêng liêng có quyền năng xin chia sẻ bớt nghiệp của Má sang cho con vì chính con là một trong những người mang nợ Má quá nhiều!
Rời nhà quàn Restland Dallas, chúng tôi đến nhà quàn Rest Haven thành phố Rockwall để cùng tiễn đưa một người Mẹ khác cũng là nhạc mẫu của người em họ… nghi thức tiễn đưa theo tôn giáo Tin Lành. Nghi thức hoàn toàn khác và đơn giản nhưng vẫn giống nhau là tình cảm người con dành cho người Mẹ giống nhau với những dòng lệ ngấn trào ở khóe mắt. Sự thương nhớ làm đứt quãng của người con đọc tiểu sử của Mẹ mình:
“Mẹ tôi, bà Nguyễn Ngọc Quỳnh, nhũ danh Nguyễn Phương Mỹ. Mẹ được sinh ra trong một gia đình ông bà ngoại với rất đông anh chị em. Mẹ là là con gái cả trong số 10 anh chị em, gồm 5 trai và 5 gái. Mẹ được may mắn sống trong gia đình ông bà ngoại đầy đủ và sung túc. Từ nhỏ, mẹ theo học trường Pháp ở Saigon. Mẹ trở thành cô giáo trước khi lập gia đình cùng Ba. Sau biến cố năm 1975, cũng như bao nhiêu người Miền Nam khác lâm vào cảnh khổ. Ba bị bắt đi tù cải tạo, Mẹ phải bương chải để nuôi đàn con ba đứa. Khi vượt biên qua Mỹ Mẹ phải hội nhập cuộc sống mới với đồng lương tối thiểu để nuôi Ba lấy bằng bác sĩ. Mặc dù vậy Mẹ vẫn kèm các con của Mẹ trong việc học hành là Uyên, Quang và Kim. Dù sinh ra và lớn lên trong một gia đình khá giả nhưng Mẹ là một người rất đơn giản, không đua đòi.
Lái xe là một thách thức lớn đối với Mẹ. Khi Ba bắt đầu trở lại nghề tại Terrel State Hospital và dời nhà về sống tại thành phố Rockwall vào năm 1992; Mẹ vẫn lái xe đi làm hàng ngày cùng với những người bạn thân. Khi cháu ngoại Duy Đan lên 2 tuổi và Khải Linh ra đời. Mẹ nghỉ làm ở nhà trông cháu. Gia đình lớn và thân thương của Mẹ là Hội Thánh với các Cô, Chú, Bác lớn tuổi. Mẹ rất thương họ và họ cũng vô cùng thương Mẹ. Khoảng 13 năm trước, Mẹ bị bệnh mất trí nhớ nên Mẹ ít tiếp xúc với mọi người. Vào lúc 8 giờ sáng ngày 27 tháng 12 năm 2023 Chúa là Đấng mà mẹ đã tiếp nhận mấy chục năm trước, đã tiếp rước Mẹ về Thiên Đàng. Bây giờ Mẹ đã gặp được Chúa, và đoàn tụ với Ba trên Thiên Đàng. Chúng con biết ơn Mẹ, thương nhớ Mẹ và mong ngày gặp lại Ba Mẹ…”
Mẹ của Nguyễn Ngọc Thanh Thanh Thảo và Thái Phương Uyên là hai người Mẹ Việt Nam tuyệt vời cả đời hy sinh cho chồng cùng con. Cuốn hồi ký của trưởng nữ cựu Trung tá Nguyễn Ngọc Thủy viết về Mẹ là một chất liệu được ghi lại bằng máu và nước mắt của một người Mẹ mà chỉ có những người con hiếu thảo thật sự yêu thương Mẹ mới có thể kể lại như “Nước Mắt Đổi Đời” mà tôi đã đọc qua cuốn hồi ký của bà Hồ Thị Quang Vinh. Ban đầu, bà Hồ Thị Quang Vinh định viết hồi ký để ôn lại cho chính mình những tháng ngày cơ cực nhất, đọa đày nhất, tuyệt vọng nhất. Thế nhưng, sau khi đọc, có nhiều người bật khóc, khuyên bà nên quảng bá rộng rãi hơn, nên bà quyết định in sách. “Tôi nghĩ đây là một câu chuyện chung của bao nhiêu bà vợ có chồng đi tù cải tạo hồi đó mà vì một lý do nào đó, họ chưa viết ra được thôi. Tôi coi như đây là một đóng góp nho nhỏ vào một hoàn cảnh đen tối chung của miền Nam Việt Nam sau 30 Tháng Tư, 1975 mà thôi,” bà chia sẻ. Qua giọng văn chân chất, thật thà của một phụ nữ hiền hòa chịu thương chịu khó, chịu đựng, chịu khổ trong âm thầm, tác giả Hồ Thị Vinh Quang vẽ lại một bức tranh sống động, khi tổng thể, lúc đặc tả về một giai đoạn kinh hoàng của lịch sử Việt Nam cận đại. Bà đôn hậu, hồn nhiên kể lại những sự thật kinh hoàng chứ không hằn học lên án hay chua chát buộc tội những kẻ đã gieo rắc đau thương. Tôi cũng mong qua cuốn hồi ký của cháu Nguyễn Ngọc Thanh Thảo cũng được phổ biến rộng rãi hơn và có thể chuyển dịch sanh tiếng Anh để thế hệ trẻ của Thanh Thảo, con của Thanh Thảo và thế hệ tiếp nối có thể thực sự hiểu phần nào lý do bao nhiêu người Việt Nam yêu nước thương nòi đã phải rứt ruột rời bỏ quê hương tìm một tương lai sáng sủa hơn như Hoa Kỳ hoặc các nước tự do trên thế giới.
1 comment
Hèn chi được cán bộ quan tâm tới là nước mắt lưng tròng