Dương Xuân Lương
(VNTB) – Nhiều người tham gia hội thảo trực tuyến từ Việt Nam bị chính quyền sách nhiễu nhưng cho đến nay chưa ai bị bắt giữ.
Bộ Công An Việt Nam đã ra lịnh cho công an các địa phương như Tây Ninh, Long An, Tiền Giang, Sài Gòn, Bình Dương, Bình Định…đồng loạt gởi giấy mời hay gọi điện thoại ngăn chặn người Đạo Cao Đài tham gia Hội nghị Tự do Tôn giáo và Niềm tin khu vực Đông Nam Á lần VII do BPSOS tổ chức chủ đề Đạo Cao Đài: Thách đố và Triển vọng ngày 29, 30 tháng 11-2021.
Hàng ngàn tín đồ Đạo Cao Đài các địa phương đã tham gia hội luận trực tuyến được tổ chức tại Virginia, Hoa Kỳ với nhiều tham luận được trình bày bởi nhiều giới chức quốc tế nổi tiếng như bà Anurima Bhargava, thành viên của Uỷ Hội Hoa Kỳ về Tự Do Tôn Giáo Quốc Tế: Nhận định về sự phân biệt giữa Đạo Cao Đài và Chi Phái do nhà nước dựng lên theo chỉ thị của Đảng Cộng Sản năm 1997. Ông Dan Nadel, viên chức thâm niên, Phòng Tự Do Tôn Giáo Quốc Tế, Bộ Ngoại Giao Hoa Kỳ: Chia sẻ về chính sách của Hoa Kỳ về bảo vệ tự do tôn giáo ở Việt nam nói chung, liên quan đến Đạo Cao Đài nói riêng. Đại Sứ Jos Douma, Đặc Phái Viên Tự Do Tôn Giáo của Hà Lan và Chủ Tịch Liên Minh cho Tự Do Tôn Giáo hay Niềm Tin: Giải thích về những gì Liên Minh của 33 quốc gia có thể đóng góp cho nỗ lực phục hồi cơ đạo của các tín đồ Cao Đài. Bà Victoria Sheahan, đồng sáng lập viên mạng lưới Caodai Today: Giới thiệu về mạng lưới nối kết các tín đồ Cao Đài ở trong và ngoài nước nhằm phục hồi cơ đạo. Cô Chian Yew Lim, viên chức LHQ trình bày về Các cam kết với quốc tế của Việt Nam về tự tôn giáo hay niềm tin.
Các tham luận viên thuộc đạo Cao Đài cũng trình bày nhiều vấn đề liên quan đến tôn giáo này như: Những diễn tiến quan trọng trong Tôn giáo Cao Đài Tòa Thánh Tây Ninh từ sau 1975. 12 văn bản của Đảng và Nhà Nước nhằm triệt tiêu Đạo Cao Đài. Đạo Cao Đài và Chi Phái 1997: Vấn đề chính danh và khía cạnh pháp lý. Góc nhìn từ hải ngoại của một chức sắc Cao Đài . Biện pháp đối phó với sự bách hại và sách nhiễu [của chính quyền Việt Nam].Kinh nghiệm đối phó với Chi Phái 1997 và chính quyền địa phương. Vai trò và những đóng góp của các nữ tín đồ Cao Đài. Đánh bại nỗ lực thực thi Nghị Quyết 36 của Chi Phái 1997 ở hải ngoại. Vai trò và công dụng của công tác truyền thông. Các phương án hành động để phục hồi cơ đạo. Vận động và liên kết quốc tế. Xây dựng nội lực. Sử dụng hệ thống luật pháp nội địa. Phục vụ nhơn sanh và nối kết xã hội.
Riêng Tham Luận Viên Nguyễn Hồng Phượng không thể phát trực tiếp bài tham luận của bà vì từ chiếu tối công an đã quanh quẩn chung quanh nhà bà quấy rối.
Tín đồ Đạo Cao Đài xác định nhà nước Việt Nam hậu thuẫn chi phái 1997 chiếm Tòa Thánh Tây Ninh của Đạo Cao Đài. Nhà nước Việt Nam vi phạm QĐ 124 của Uỷ Ban Nhân Dân tỉnh Tây Ninh ngày 4-6-1980, tại Điều 2: công nhận quyền hành đạo của người Đạo Cao Đài tại Toà Thánh Tây Ninh, Báo Ân Từ, Hộ Pháp Đường, Giáo Tông Đường.
Tưởng nên nhắc lại, Ủy ban Nhân Dân tỉnh Tây Ninh đã ra Bản Án Cao Đài (*) buộc tội các chức sắc đã chết của đạo này và sau đó, năm 1997, dựng nên chi phái Cao Đài mới do ông Nguyễn Thành Tám làm chủ, thường bị các tín hữu Cao Đài trong và ngoài nước gọi là Chi Phái Nguyễn Thành Tám, hay chi phái 1997
Các tín đồ Cao Đài tham dự hội thảo mong muốn BPSOS, đơn vị tổ chức hội luận, trợ giúp pháp lý để khởi kiện ra toà án Việt Nam vụ chi phái 1997 chiếm đoạt Toà Thánh Tây Ninh.
Mặc dù nhiều người tham gia hội thảo trực tuyến từ Việt Nam bị chính quyền sách nhiễu, cho đến nay trong những người này chưa ai bị bắt giữ. Điều này khác những lần tín đồ Cao Đài tham dự các hội thảo về Tự do Tôn Giáo và Niềm Tin trước kia trong vùng Đông Nam Á bị chính quyền chân bắt khi trở về.
Dưới đây là bài tham luận của Chánh Trị Sự Lê Văn Một tại hội thảo. Khối Nhơn Sanh tranh đấu cho đạo quyền trong 18 năm qua có sự đóng góp rất quan trọng của Phước Thiện.
*****
Nam Mô Cao Đài Tiên Ông Đại Bồ Tát Ma Ha Tát
Tôi là Chánh Trị Sự Lê Văn Một Tộc Đạo Thủ Thừa Long An xin cảm ơn Ban Tổ chức cho phép trình bày về sự đóng góp của Phước Thiện trong nỗ lực tranh đấu cho đạo quyền. Khi chi phái 1997 chiếm đoạt Thuyền Bát Nhã và không cho đưa quan tài đi an táng thì Khối Nhơn Sanh bị bế tắc. Phước Thiện đã tạo ra Thuyền Bát Nhã để khai thông.
Phước Thiện hành đạo theo Hiến chương 1965 tại Chương Tám Điều 21, Phước Thiện là cơ quan lo về xã hội, tế độ người tật nguyền cô độc, kẻ gặp tai ương thống khổ. Điều 22 …Phước Thiện được lập cơ sở lương điền, công nghệ thâu huê lợi tạo nền nhân cội nghĩa.
Phước Thiện đảm nhiệm toàn bộ chi phí về kinh sách, đi hành đạo, phương tiện hành đạo trong nước, ngoài nước hay dự hội nghị quốc tế.
Phước Thiện Hương Đạo Rạch Ông, Sài Gòn tạo ra Thuyền Bát Nhã đầu tiên để khai thông bế tắc, sau đó giúp cho các địa phương khác như: Định Quán, Gò Công, Tây Ninh, Long An… cũng có Thuyền Bát Nhã và hiến tặng quan tài cho người cần giúp đỡ, chủ động về tang tế sự, tạo ra sự vững chắc cho công cuộc tranh đấu cho đạo quyền. Trong đợt dịch Covid-19 vừa qua Phước Thiện đã cứu giúp cho nhiều gia đình vơi đi sự đau khổ.
Đặc biệt là Long An thành lập Công ty Phước Thiện 257 để có điều kiện trợ giúp cho các địa phương mở trại hòm. Công ty mua bảo hiểm cho anh em Ban thuyền, giúp đạo phục cho tín đồ mới nhập môn, hỗ trợ gạo, thuốc uống… Mua tập sách và hỗ trợ học phí cho con em nhà đạo có hoàn cảnh khó khăn.
Phước Thiện các địa phương như Phù Mỹ, Nam Hoài Nhơn (Bình Định), Phú Chánh (Bình Dương), Củ Chi, Rạch Ông (Sài Gòn); Đồng Tháp… duy trì việc nấu cơm chay để hiến tặng cho xã hội.
Tóm lại Hành chánh đạo như một cơ thể thì Phước Thiện chính là nguồn máu để nuôi sống cơ thể ấy. Trong công cuộc tranh đấu cho đạo quyền nơi nào có Phước Thiện thì nơi đó phát triển và bền vững. Công dụng của Phước Thiện là khuyến khích tín đồ Cao Đài tuân thủ Thánh Lịnh 257, thể hiện sự dấn thân vào các công tác xã hội của người theo Đạo Cao Đài, và tạo điều kiện cho các tín đồ Cao Đài thuần thành hợp tác chặt chẽ với nhau.
Xin cảm ơn Ban tổ chức và Quý hiền nhân quân tử.
Cầu xin Đức Chí Tôn, Đức Phật Mẫu ban ơn lành cho toàn hội nghị.
Nay kính.