LS Đặng Đình Mạnh
(VNTB) – Chúng ta đã thấy gì qua thái độ của công chúng đối với vụ án làm chết cháu bé gái 8 tuổi?
Ba nghìn quân được trang bị vũ khi đến tận răng hành quân qua một ngôi làng bắc bộ trong đêm. Sáng hôm sau, công chúng được thông tin về hai cụ già trên 80 tuổi bị bắn thẳng ngực, một cụ chết tươi tại chỗ vì đã dám chống trả lực lượng chấp pháp từ giường ngủ của mình ?! Chưa phải là hậu quả cuối cùng, vì vẫn còn đến ba chiến sĩ bị cho là đã hy sinh và vài chục thường dân khác bị giam giữ rồi phải ra tòa. Trong đó, hai thường dân lãnh bản án tử hình, mặc cho những nghi vấn pháp lý bủa vây xung quanh hồ sơ truy tố chưa được giải tỏa.
Thủ Thiêm, cái tên mà hàng vạn người đã thấy một phần cuộc đời của mình bị đánh cắp điều gì ở đấy và còn xót xa hơn khi trong một cuộc đấu giá gần đây, có doanh nghiệp đã sẵn sàng thanh toán đến hơn hai tỷ đồng để mua từng mét vuông đất ở nơi, mà họ bị đẩy ra khỏi ngôi nhà mình với giá đền bù rẻ mạt vì nhân danh sự phát triển đô thị. Người dân Thủ Thiêm mất đất, mất nhà ở đấy, họ có nuốt trôi nổi sự bất công ?
Nhiều lắm, không chỉ Đồng Tâm, Thủ Thiêm, mà còn những Cồn Dầu, Văn Giang, Dương Nội, Vườn Rau Lộc Hưng… làm kéo dài thêm danh sách bi ai.
Hãy tự hỏi, chứng kiến bất công, bao nhiêu người dân đang muốn trút nỗi bức xúc của mình vào ai đó ?
Nhìn vào hoạt động tư pháp. Nơi giữ chức năng ban phát công lý, nút chặn cuối cùng để khôi phục niềm tin của công chúng vào hệ thống công quyền, vào luật pháp hiện hữu, vào lẽ công bằng, công lý… Nhưng họ đã làm gì để công chúng chỉ nhớ đến những tên tuổi Hồ Duy Hải, Nguyễn Thanh Chấn, Huỳnh Văn Nén, Hàn Đức Long, Nguyễn Văn Chưởng… và cả Trịnh Vĩnh Bình, một doanh nhân, một Việt kiều đưa chính quyền ra tòa án quốc tế hơn là nhớ đến những thành tích được ngành tư pháp báo cáo hàng năm ?
Cũng hãy tự hỏi, chứng kiến bất công, họ, thân nhân của họ, người dân địa phương … thì bao nhiêu người dân có đang muốn trút nỗi bức xúc của mình vào ai đó ?
Chưa hết đâu, cả những người dấn thân. Bản thân họ đã từng đối diện với điều mà họ tự cho rằng bất công. Họ hiểu, đồng cảm và chọn cách đóng góp cho xã hội bằng cách lên tiếng về những bất công như những Phạm Đoan Trang, gia đình Cấn Thị Thêu cùng các con Trịnh Bá Phương, Trịnh Bá Tư, Lê Trọng Hùng, Đỗ Nam Trung, Lê Văn Dũng, Nguyễn Ngọc Như Quỳnh… thì đều bị cho là vi phạm pháp luật. Họ bị giam giữ, bị ra tòa và bị tuyên những hình phạt nặng nề.
Bên cạnh đó, thay vì chứng minh nguyên tắc “Mọi người đều công bằng trước pháp luật”, thì công chúng lại chứng kiến nhan nhãn sự phân biệt chế tài giữa cán bộ quyền thế hoặc người giàu có vi phạm pháp luật với thường dân vi phạm pháp luật. Khiến họ mất lòng tin vào sự vô tư, khách quan, công bằng hay những gì tương tự tại các cơ quan tư pháp.
Cũng hãy tự hỏi, công chúng, khi chứng kiến bất công, hiểu… thì bao nhiêu người dân có đang muốn trút nỗi bức xúc của mình vào ai đó?
Không chỉ những điều bất ưng thông thường mang tính truyền thống, mà còn có cả những điều bất ưng đến từ hiểm họa chung của thế giới làm bộc lộ ra chúng từ hai năm qua : Dịch giã.
Thật vậy, dịch giã làm khoảng ba vạn đồng bào thiệt mạng. Nhiều người tin rằng con số thật sự có thể đã cao hơn rất nhiều. Đâu chỉ người thiệt mạng. Hàng triệu lao động bỏ việc về quê, nơi mà họ đã từng phải ly hương để cầu thực. Công ăn việc làm gián đoạn, đình đốn. Doanh nghiệp phá sản … Các nguồn lực gồm nhân lực, tài lực, vật lực quốc gia đều thiệt hại nặng nề. Một phần có lý do chính đáng, nhưng phần còn lại là do chính sự điều hành chống dịch phi lý, lúng túng mà ra.
Nhìn lại, sau hai năm chống dịch, chúng ta đã dần dần đưa vào áp dụng những giải pháp mà thế giới áp dụng từ hai năm trước !? Về cấp tốc tiêm phòng cho dân, về không cách ly diện rộng, về không truy vết lây nhiễm, về không xét nghiệm tràn lan… Đau không ?
Cũng hãy tự hỏi, những nạn nhân khốn khổ vì dịch giã hay thân nhân của những người đã mất… thì bao nhiêu người dân có đang muốn trút nỗi bức xúc của mình vào ai đó ?
Thật ra, có muốn cũng chẳng thể trút nỗi bức xúc ấy được. Khi những điều bất ưng kể trên, nguyên nhân đều có phần ít hay nhiều liên quan đến từ phía chính quyền. Một cung thủ, khi nhắm bắn mũi tên, thì nhất thiết, đích đến phải là một bia nhắm an toàn. Một bia nhắm, mà chúng không làm mũi tên bật lại gây nguy hại cho cung thủ đã gương cung, buông tên.
Đã có quá nhiều tấm gương chỉ trích, phê bình, góp ý, phản biện, phân tích, đánh giá tiêu cực về chính quyền … bị chế tài nặng nề. Thì rõ ràng, chính quyền không thể là đối tượng để công chúng có thể trút sự bức xúc của mình được, cho dù có chính đáng như thế nào.
Thế nên, vụ án làm chết cháu bé gái 8 tuổi trong khoảng một tuần qua đã trở thành cái đích nhắm an toàn và hoàn hảo, một chỗ hứng chịu sự tất cả mọi trút giận của công chúng vốn đã tích tụ từ nhiều nguồn, nhiều nơi và từ rất lâu. Trong đó, cô gái ra tay tàn độc với cháu bé, người cha đồng lõa, ông bà của cháu bé là những thẩm phán, bác sĩ … đã trở thành những cái bia, những cái đích nhắm an toàn. Vì lẽ, Cái bia ấy không phải là chính quyền, cái bia không làm bật lại mũi tên. Công chúng được an toàn sau khi gương cung, buông tên. Thậm chí, họ hả hê vì tin rằng chính họ, với sự lên tiếng mạnh mẽ, nương vào cùng với số đông, đã góp phần giành lại công lý.
Chính quyền, trong trường hợp này đã nhanh chóng chiều chuộng công chúng. Các quan chức cao cấp công khai tuyên bố xử lý nghiêm minh vụ việc.
Khi người cha đồng lõa với tội ác được trả tự do, công chúng lên tiếng nghi ngờ về khả năng bỏ lọt tội phạm. Rất nhanh, ông ấy liền bị bắt giữ lại.
Cũng thế, khi biết tội danh khởi tố có mức hình phạt cao nhất không quá 3 năm tù giam, thì công chúng vội nhắc lại hình phạt tử hình, chung thân được tuyên trong vụ án bạo hành trẻ em tương tự vào nhiều năm trước như một án lệ cần áp dụng. Thì hồ sơ vụ án được chuyển cao hơn một cấp điều tra, để chuẩn bị cho tội danh mới nghiêm trọng hơn, hình phạt nặng nề hơn, thỏa mãn cho khát vọng công lý của công chúng.
Rõ ràng, “chưa bao giờ khái niệm “Tòa án Nhân dân” thể hiện đầy đủ ý nghĩa như hiện tại” [*]
Không còn nghi ngờ gì nữa, lúc này, không phải nền pháp trị mà là công chúng và chính quyền đang cùng điều hành, đồng hành vì công lý cho cháu gái 8 tuổi.
Đã có ai thử nghĩ, thay vì cùng gương cung hướng về cô gái ra tay tàn độc với cháu bé, người cha đồng lõa, ông bà của cháu bé là những thẩm phán, bác sĩ có thể làm sai lệch hồ sơ hoặc “chạy án”, thì hãy chếch sang phải, là nền giáo dục bất xứng, đào tạo ra những người máy vô cảm, vô tình, vô tâm.
Hay, gương cung chếch sang trái, là tín ngưỡng bị xâm phạm, khiến nơi nuôi dưỡng đạo đức nhân lành bị biến tướng. Để chỉ thấy sự giả dối thay cho thật thà, thấy nhố nhăng thay cho chân thật, thấy tàn độc thay cho nhân hậu…
Hoặc, gương cung nhắm vào tấm gương soi mặt để thấy chính mình, kẻ đã bao nhiêu lần dửng dưng, im lặng, ngoảnh mặt khi chứng kiến bất công của đồng loại, đồng bào.
Công chúng không còn im lặng nữa, nhưng lúc này, họ đang cần những bia nhắm an toàn. Có lẽ là sự tập dượt cho những bia nhắm xứng đáng hơn trong mai hậu. Tôi nghĩ, thật dại dột khi cứ mãi chọc giận họ. Tích tụ sự giận dữ không phải là điều khôn ngoan. Không chút nào.
——-//——-
[*] Quan điểm của LS Lê Công Định, nguyên văn : “Chưa bao giờ khái niệm “Tòa án Nhân dân” thể hiện đầy đủ ý nghĩa như hiện tại. Một bước lùi xét về pháp trị và văn minh”.