Việt Nam Thời Báo

VNTB – Công nhân Việt Nam tại nhà máy Trung Quốc ở Serbia kêu cứu

Tác giả: Dusan Stojanovic

 

Serbia (AP) – Họ đang run rẩy trong trại không có máy sưởi, bị đói và không có tiền. Họ nói rằng hộ chiếu của họ đã bị chủ người Trung Quốc lấy đi và hiện họ đang bị mắc kẹt tại một vùng đồng bằng ở Serbia mà không nhận được sự giúp đỡ nào của chính quyền địa phương.

 

Đây là những công nhân Việt Nam đang xây dựng nhà máy sản xuất lốp ô tô đầu tiên của Trung Quốc ở châu Âu. Hãng tin AP đã đến thăm công trường xây dựng ở miền bắc Serbia. Nơi đây có khoảng 500 công nhân đang sống trong điều kiện khắc nghiệt khi Công ty lốp xe Shandong Linglong của Trung Quốc xây dựng một cơ sở khổng lồ.

Dự án mà các quan chức Serbia và Trung Quốc quảng cáo như một sự thể hiện “quan hệ đối tác chiến lược” giữa hai nước, đã vấp phải sự giám sát của các nhà môi trường về ô nhiễm nguy hiểm tiềm tàng từ việc sản xuất lốp xe.

Giờ đây, nơi này đã thu hút sự chú ý của các nhóm nhân quyền ở Serbia. Những nhóm này đã cảnh báo rằng người lao động có thể là nạn nhân của nạn buôn người hoặc thậm chí là nô lệ.

Chúng tôi chứng kiến sự vi phạm nhân quyền vì người lao động Việt Nam phải làm việc trong điều kiện tồi tệ ”, nhà hoạt động người Serbia Miso Zivanov thuộc tổ chức phi chính phủ Zrenjaninska Akcija (Hành động Zrenjanin) nói với Associated Press tại nhà kho một tầng nhếch nhác nơi công nhân Việt Nam đang sống.

Ông Zivanov cho biết: Hộ chiếu và giấy tờ tùy thân của họ đã bị chủ lao động Trung Quốc lấy mất. Họ đã ở đây từ tháng Năm, và chỉ nhận lương được một lần. Họ đang tìm cách về Việt Nam nhưng trước tiên cần lấy lại giấy tờ đã ”.

Người lao động phải ngủ trên giường tầng không có đệm trong doanh trại không có máy sưởi hoặc nước ấm. Họ nói với AP rằng họ không được chăm sóc y tế ngay cả khi họ có các triệu chứng giống COVID-19, người quản lý yêu cầu họ chỉ cần ở nguyên trong phòng.

Một trong những công nhân, anh Nguyễn Văn Trí, cho biết chưa có điều gì thỏa mãn với hợp đồng làm việc anh đã ký tại Việt Nam trước khi lên đường sang Serbia.

Anh nói: “Kể từ khi chúng tôi đến đây, không có gì là tốt cả. Mọi thứ đều khác với hợp đồng mà chúng tôi đã ký ở Việt Nam. Đời sống quá tệ, thức ăn, thuốc men, nước uống… cái gì cũng tệ ”.

Chân mang dép và run rẩy vì lạnh, anh cho biết khoảng 100 công nhân cùng doanh trại đã đình công để phản đối và một số đã bị sa thải.

Linglong không trả lời cuộc gọi của AP nhưng nói với truyền thông Serbia rằng công ty có trách nhiệm với người lao động, đổ lỗi cho hoàn cảnh của công nhân như vậy cho các nhà thầu phụ và cơ quan môi giới việc làm ở Việt Nam. Linglong cho biết ngay từ đầu công ty không tuyển dụng lao động Việt Nam. Công ty hứa sẽ trả lại giấy tờ về việc được cho phép làm việc và cư trú.

Công ty phủ nhận thông tin công nhân Việt Nam sống trong điều kiện thiếu thốn và cho biết lương hàng tháng của họ được trả tương ứng với số giờ làm việc.

Serbia là một trọng điểm cho các chính sách mở rộng và đầu tư của Trung Quốc ở châu Âu, và các công ty Trung Quốc đã giữ kín các dự án của họ trong bối cảnh có báo cáo rằng họ vi phạm luật chống ô nhiễm và quy định lao động của quốc gia Balkan này.

Các ngân hàng Trung Quốc đã cung cấp những khoản vay hàng tỷ đô la cho Serbia để tài trợ cho những công ty Trung Quốc xây dựng đường cao tốc, đường sắt và nhà máy cũng như sử dụng công nhân xây dựng Trung Quốc. Đây không phải là lần đầu tiên các nhóm bảo vệ quyền lợi chỉ ra những vi phạm về quyền của người lao động, bao gồm cả quyền của thợ mỏ Trung Quốc tại một mỏ đồng ở miền đông Serbia.

Sau nhiều ngày im lặng, quan chức Serbia đã lên tiếng phản đối các điều kiện “vô nhân đạo” tại công trường nhưng nhanh chóng hạ thấp trách nhiệm của Trung Quốc đối với hoàn cảnh của công nhân.

Thủ tướng Serbia Ana Brnabic cho biết bà “sẽ không loại trừ rằng cuộc tấn công nhằm vào nhà máy Linglong” do “bởi những người chống lại các khoản đầu tư của Trung Quốc” ở Serbia nhắm vào – ám chỉ những lời chỉ trích thường xuyên từ phương Tây rằng các dự án của Trung Quốc ở Serbia không minh bạch, đáng nghi vấn về mặt sinh thái và được Bắc Kinh thiết kế để mở rộng tầm ảnh hưởng chính trị ở châu Âu.

Ở thời điểm ban đầu là môi trường. Bây giờ họ quên mất điều đó và họ tập trung vào công nhân. Sau ngày mai sẽ có thứ khác, ” bà Ana Brnabic nói.

Tổng thống Serbia Aleksandar Vucic cho biết hôm thứ Sáu rằng một thanh tra lao động Serbia đã được cử đến công trường xây dựng Linglong nhưng đã không cho biết kết quả thanh tra.

Họ muốn gì? Có phải họ có muốn chúng tôi phá hủy khoản đầu tư 900 triệu đô la không? ” Tổng thống Vucic đặt câu hỏi.

Nguồn: AP News


 

Tin bài liên quan:

VNTB – Đồng tiền đi trước…

Phan Thanh Hung

VNTB – Việt Nam phải làm gì để thoát khỏi hạng 3 về buôn người

Baraju T. Ogelefecejo

VNTB – Việt Nam phải làm gì để thoát khỏi hạng 3 về buôn người (Phần 3)

Baraju T. Ogelefecejo

Leave a Comment

This site uses Akismet to reduce spam. Learn how your comment data is processed.

Việt Nam Thời Báo