VNTB – Muốn dân chủ, cử tri Việt phải đấu tranh với các cuộc bầu cử và dân biểu? (*)

VNTB – Muốn dân chủ, cử tri Việt phải đấu tranh với các cuộc bầu cử và dân biểu? (*)

 Therese Thimy

 

(VNTB) – Việt Nam cho phép người dân bầu cử Quốc hội và Hội đồng nhân dân các cấp nhưng ĐCSVN chỉ định các nhà lãnh đạo quốc gia.

 

Trong quốc gia dân chủ và pháp quyền bầu cử là phương thức cử tri trực tiếp bầu ra đại biểu Quốc hội, các vị lãnh đạo cơ quan công quyền, là cách thức người dân giao quyền đại diện của mình cho các vị dân biểu quốc hội hay trao quyền điều hành quốc gia của mình cho các vị lãnh đạo. Tại Việt Nam thì không vậy. 

Việt Nam cho phép người dân bầu cử Quốc hội và Hội đồng nhân dân các cấp nhưng ĐCSVN chỉ định các nhà lãnh đạo quốc gia. Chủ tịch quốc hội, chủ tịch nước, thủ tướng chính phủ là những đảng viên đảng cộng sản. Hội đồng nhân dân các cấp dù được dân bầu, nhưng ứng viên đều do đảng đưa ra, bên cạnh hội đồng nhân dân là các chi bộ, đứng đầu là bí thư đảng ủy, người của đảng, kèm cặp, chỉ đạo.

Các dân biểu quốc hội cũng vậy, người dân dù có được tự do lựa chọn dân biểu thì cũng loanh quanh trong nhóm những người được đảng giới thiệu, có vài người nhận là ứng viên ‘tự do’ thì cũng phải được đảng chấp thuận cho vào hàng ngũ quân xanh quân đỏ như người dân thường nói. Bầu cử ở Việt Nam chỉ là hình thức, hợp thức hóa sự thao túng toàn diện đất nước qua tay đảng, trái với Luật bầu cử, Điều 2: Tính đến ngày bầu cử được công bố, công dân nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam đủ mười tám tuổi trở lên có quyền bầu cử và đủ hai mươi mốt tuổi trở lên có quyền ứng cử vào Quốc hội, và điều ông Hồ Chí Minh nói:Tất cả công dân trai, gái mười tám tuổi đều có quyền ứng cử, bầu cử”. Chính sách đảng cử dân bầu từ trước đến nay ngồi trên luật bầu cử và phủ nhận lời ông Hồ. ĐCSVN ấn định thành phần và tỷ lệ số người trúng cử, tỷ lệ này qua các kỳ quốc hội không thay đổi.

Quốc hội khóa XIII (2011 – 2016): 33,40% đại biểu ở các cơ quan Trung ương; 66% đại biểu ở địa phương; 15,6% đại biểu là người dân tộc thiểu số; 24,4% đại biểu là nữ; 8,4% đại biểu là người ngoài Đảng; 12,4% đại biểu là người trẻ tuổi (dưới 40 tuổi); 33,4%  đại biểu tái cử; 66,6% đại biểu lần đầu tham gia Quốc hội; 0,8% đại biểu tự ứng cử; 7,0% đại biểu là doanh nhân. Quốc hội khóa XIV: 36,64% đại biểu ở các cơ quan Trung ương; 62,96% đại biểu ở địa phương; 0,4% đại biểu tự ứng cử; 17,41% đại biểu là người dân tộc thiểu số; 26,72% đại biểu là nữ; 4,05% đại biểu là người ngoài Đảng; 14,37% đại biểu là người trẻ tuổi; 3,24% đại biểu là doanh nhân.

Những con số thực tế chứng minh sự thao túng, sắp xếp qua bàn tay phù thủy của đảng.  Đến 99,5% dân biểu quốc hội là đảng viên cộng sản, được đảng chỉ định, họ là người của đảng, đại biểu đảng chứ không phải đại diện dân, cho nên họ tuân lệnh sai khiến của đảng, đặt quyền lợi của đảng trên quyền lợi của dân. Quốc hội thực tế chỉ hợp thức hóa ý muốn cai trị dân qua các đạo luật được các bộ đưa ra. Người dân muốn hay không muốn đã vô tình bầu nên một đám tha hóa, ham hố quyền lực, ngồi trên đầu mình. 

Trừ một số đảng viên nhận thức không qua khỏi vành nón cối, một số người dân đã có phản ứng. Nhưng nhiều người hầu như chỉ âm thầm chịu đựng, tặc lưỡi bỏ qua, coi như các cuộc bầu cử không liên quan đến mình, thậm chí vui vẻ giao phiếu bầu cho tổ trưởng dân phố bầu thay. Những phản ứng đó càng làm dân có thói quen chịu đựng cách bầu cử không minh bạch và có tính cưỡng bức này và tự mình dần biến thành những ‘con cừu’.

Tích cực hơn, nhiều người đề nghị một phương cách phản đối có thể làm cho ĐCS thấy rõ sự tức giận của dân bằng cách xóa bỏ tất cả tên ứng viên trên phiếu bầu, họ nghĩ rằng điều này khiến một số người có trách nhiệm trong đảng nhìn ra sự bất mãn, phản kháng của cử tri, hơn là cách để kệ cho tổ trưởng dân phố đi bầu thay. Tuy nhiên hành động bất mãn này liệu có được chuyển lên cao hơn hay chỉ vài người trong ủy ban bầu cử đếm phiếu ở phường xã thấy và thay thế ngay bằng các phiếu tinh tươm, hợp lệ khác để đệ các con số và phiếu bầu hợp lệ 100% lên ủy ban bầu cử cao hơn?

Cũng có người đề nghị một phương cách khác tạm gọi là tích cực hợp tác với các ‘dân biểu’ để bắt họ phải thực hiện ý dân. Họ lập luận rằng, các dân biếu từ hội đồng nhân dân xã lên đến quốc hội dù thật sự là người của đảng, trước hết lo phục vụ quyền lợi đảng, nhưng dù sao cũng mang tiếng dân cử, người dân nên ‘nắm lấy thắt lưng’ họ yêu cầu phải giúp giải quyết các vấn đề, ít nhất của địa phương, thí dụ từ nạn nghiện ngập ma túy, lấy tiền giữ xe quá giá, cho đến các trường học trong khu vực  bắt phụ huynh học sinh đóng đủ thứ tiền…

Nếu tất cả các địa phương đều giải quyết được vấn đề của mình thì xã hội sẽ bớt nhiễu nhương. Nếu địa phương có các vấn nạn quan trọng mang tầm vóc quốc gia như dân, nhà thờ, chùa chiền  bị chiếm đất, kỳ thị tôn giáo, kỳ thị sắc tộc, bị chủ nhân các cơ sở sản xuất trong địa bàn bóc lột…cử tri cần hết sức liên tục nắm lấy các dân biểu yêu cầu họ phải can thiệp giải quyết với chính quyền trung ương theo đúng hiến pháp và pháp luật.

Cách này phù hợp với các nước dân chủ khi người đại biểu thực sư là của dân, họ đã nhìn thấy các vấn đề của người dân, họ ra ứng cử vì dân, họ chủ động đi gặp mọi thành phần dân chúng, nghe dân và đấu tranh, thậm chí cùng dân biểu tình, đòi hỏi quyền lợi cho dân. Các dân biểu Việt Nam không vậy, hầu hết là đảng viên kiêm nhiệm, họ giữ các chức vụ hành chính, tư pháp trong nhà nước trước khi là dân biểu. Xung đột quyền lợi xảy ra ngay trong chính bản thân họ. Họ có thể mắc bệnh đa nhân cách và ..mất trí, quên hết mọi sự yêu cầu của dân chỉ sau một chầu nhậu!

Trên các trang mạng truyền thông xã hội, người ta đã đọc thấy những lời kêu gọi không đi bỏ phiếu, đây là hành động không trái pháp luật, người dân có quyền không đi bỏ phiếu, tuy nhiên những người can đảm này sẽ phải chịu không ít phiền hà, khó chịu, thậm chí đe dọa cuộc sống của họ. Từ tổ trưởng dân phố cho đến công an phường xã sẽ không tha thứ cho họ, công việc làm ăn của họ  bị đe dọa, khách hàng của họ bị khuyến cáo ngầm xa lánh họ, ngay cả nơi  họ làm việc cũng được lệnh đối xử bất công với họ. Họ bị đe dọa, theo dõi và một lúc nào đó bị triệu tập lên công an vì một thứ tội gì đó, và có thể bị bỏ tù.

Người dân Việt Nam còn phải sống trong một xã hội lừa dối, đen tối đầy tham nhũng, bất công cho đến ngày nào biết đoàn kết, quật khởi để những phiền toái, áp bức thậm chí tù đày của chính quyền như vừa kể trên để làm trong sạch các cuộc bầu cử, loại bỏ hết các cán bộ dân cử kiêm nhiệm, để người dân bình thường yêu nước, thương nòi, biết hy sinh vì lợi ích dân tộc có thể tự do ứng cử, bầu cử, thách thức tranh đua với đảng cộng sản lãnh đạo quốc gia.

*Bài viết thể hiện quan điểm riêng của tác giả


CATEGORIES
TAGS
Share This

COMMENTS

Wordpress (0)