VNTB – Cuối cùng thì ‘huề cả làng’ à?

VNTB – Cuối cùng thì ‘huề cả làng’ à?

Hiền Vương

 

(VNTB) – D ân chúng Việt Nam có thể tin tưởng rằng lãnh đạo Bộ Y tế luôn có quyết định đúng đắn?!

 

 Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng nhấn mạnh cần xác định rõ kế hoạch, lộ trình triển khai thực hiện cụ thể phòng, chống dịch và phục hồi, phát triển kinh tế – xã hội cho năm 2022, theo tinh thần nhìn thẳng vào sự thật, không né tránh, không bi quan nhưng cũng không tô hồng.

Đó là tóm tắt của bài phát biểu mà Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã trình bày ở Hội nghị Trung ương 4, sáng ngày 4-10-2021.

Toàn hệ thống chính trị đã chủ động, tích cực vào cuộc; kế thừa, phát huy những thành tựu, kết quả đã đạt được; khắc phục những hạn chế, yếu kém còn tồn tại; và bình tĩnh, tỉnh táo đề ra nhiều chủ trương, chính sách, biện pháp để xử lý kịp thời, đúng đắn những vấn đề mới phát sinh do tác động bất lợi của đại dịch Covid-19 gây ra.

“Tuy nhiên, đợt bùng phát dịch lần thứ tư từ cuối tháng tư đến nay, với biến chủng mới – Delta, lây lan rất nhanh, hết sức nguy hiểm, khó kiểm soát đã ảnh hưởng lớn, hết sức tiêu cực đến mọi mặt của đời sống kinh tế, văn hoá, xã hội nước ta; đến đời sống vật chất cũng như tinh thần của nhân dân ta và tâm lý, tâm trạng xã hội; đặc biệt là đã cướp đi sinh mạng của hàng nghìn đồng bào ta, trong đó có cả cán bộ, chiến sĩ các lực lượng vũ trang, các y, bác sĩ, nhân viên y tế và cán bộ cơ sở nơi tuyến đầu chống dịch” – Tổng Bí thư nhấn mạnh.

Tổng Bí thư yêu cầu cần chỉ rõ những kết quả, thành tích đã đạt được, những khó khăn, thách thức mới đang đặt ra, những hạn chế, yếu kém cần khắc phục; phân tích làm rõ các nguyên nhân, nhất là nguyên nhân chủ quan.

Một ngày trước phiên khai mạc Hội nghị Trung ương 4, Bộ trưởng Y tế Nguyễn Thanh Long đã có một báo cáo khẳng định đã có nhiều quyết định mang tính chiến lược để thay đổi, chuyển hướng, đáp ứng linh hoạt với dịch Covid-19 đợt 4.

Ông Nguyễn Thanh Long kể công trạng như sau (tóm tắt): Đã có 5 quyết định mang tính cân não được đưa ra.

Quyết định đầu tiên là phong tỏa toàn bộ vùng có dịch tại các khu công nghiệp của Bắc Giang, Bắc Ninh, xét nghiệm tầm soát trên diện rộng, xét nghiệm nhiều vòng và lặp lại. Đây là bài học thành công nhất của Bắc Giang và Bắc Ninh trong thời điểm đó. Nếu chúng ta không thực hiện như vậy trong thời điểm đó thì tình hình sẽ rơi vào trạng thái rất căng thẳng, nghiêm trọng.

Có ý kiến cho rằng chỉ cần xét nghiệm người có triệu chứng, tuy nhiên, có đến 80% số ca nhiễm không có triệu chứng, nếu bỏ sót thì nguy cơ lây lan cộng đồng là rất lớn. Lúc đó, chúng ta đã triển khai cùng các biện pháp an sinh xã hội, lập bệnh viện dã chiến, trung tâm hồi sức tích cực.

Quyết định thứ 2 là khi Thủ tướng, Ban Chỉ đạo quốc gia quyết định giãn cách hàng chục tỉnh, thành phố khu vực phía Nam. Đi cùng với đó, chúng ta phải chuẩn bị tất cả kịch bản từ vấn đề về an sinh xã hội, đi lại, sản xuất kinh doanh, an ninh an toàn, tất cả về sinh kế của người dân.

Chúng ta đã quyết định đúng đắn, sáng suốt trong thời điểm đó, nâng từng bước một, khi thấy không có khả năng kiểm soát do diễn biến dịch quá nhanh trong thời gian ngắn trên địa bàn hẹp, ngay lập tức, chúng ta đưa ra quyết định giãn cách tại 20 tỉnh, thành phố. Nhờ vậy, chúng ta mới kiểm soát được tình khu vực phía Nam. Quyết định đó đã góp ngăn chặn nhiều trường hợp nhiễm và tử vong trong khu vực này.

Quyết định thứ 3 cũng cần phải được quan tâm và phân tích sâu hơn, đó là điều động nguồn nhân lực, huy động một cách tổng lực. Gần 300.000 lượt cán bộ, chiến sĩ, y bác sĩ, công an, quân đội… đã được huy động cho TP.HCM, Hà Nội và các địa phương là điểm nóng về dịch bệnh.

Quyết định thứ 4 là chuyển hướng chiến lược, kết hợp hài hòa giữa lãnh đạo, chỉ đạo tập trung, thống nhất, xuyên suốt và phân cấp, phân quyền trong tổ chức thực hiện, xác định xã phường là “pháo đài”, người dân là “chiến sĩ”, là trung tâm phục vụ, là chủ thể trong hoạt động phòng chống dịch, thiết lập những trạm y tế lưu động, điều động quân y vào khu vực phía Nam.

Bên cạnh đó là xét nghiệm thần tốc, để phát hiện các trường hợp nhiễm, cách ly nguồn lây nghiệm, từ đó chăm sóc, điều trị sớm, hạn chế lây nhiễm và tử vong. Đây cũng là quyết định mang tính chiến lược và hợp lý.

Quyết định thứ 5 là việc thực hiện chiến lược vắc xin rất quyết liệt. Xung quanh thực hiện chiến lược này, chúng ta đã vượt qua những rào cản rất phức tạp, nhờ có kết luận của Bộ Chính trị, nghị quyết của Quốc hội, các nghị quyết của Chính phủ, quyết định của Thủ tướng Chính phủ.

Chúng ta rất công khai minh bạch. Vấn đề mua sắm vắc xin cũng được quan tâm để bảo đảm tiêm chủng bao phủ ngày càng rộng. Tuy nhiên, cần làm rõ thông tin để tránh tư tưởng phân biệt nguồn vắc xin từ các nước khác nhau. (dừng trích).

Như vậy, dân chúng Việt Nam có thể tin tưởng rằng lãnh đạo Bộ Y tế luôn có quyết định đúng đắn. Chẳng hạn như việc thiếu vắc xin chích ngừa Covid, đó không phải lỗi ‘tầm nhìn’ của Bộ Y tế, mà đó là vì “những rào cản rất phức tạp”. Nếu không nhờ có kết luận của Bộ Chính trị, rồi nghị quyết của Quốc hội, của Chính phủ cũng như quyết định của Thủ tướng, thì xem ra ngay cả vắc xin của Trung Quốc cũng không có để mà dân chúng Việt Nam được chích ngừa.

Theo kế hoạch, Hội nghị Trung ương 4 sẽ bế mạc hôm 7-10-2021. Chưa biết bài báo cáo của Bộ trưởng Y tế có làm hài lòng các vị ở hội nghị đang diễn ra. Tin tức hành lang cho hay Uỷ ban Kiểm tra Trung ương sẽ cử các chiến binh giàu kinh nghiệm nhất thanh kiểm tra hai Bộ Y tế và Giao thông Vận tải. Chả rõ các quan ngài nào của hai bộ đã và đang bị thiên hạ dòm ngó sẽ tới lượt nêu danh như 11 vị tướng của cảnh sát biển hồi tuần rồi?


CATEGORIES
TAGS
Share This

COMMENTS

Wordpress (0)