Việt Nam Thời Báo

VNTB – Cuối cùng thì lỗi ở đâu?

Hồng Dân

 

(VNTB) – Thủ tướng chỉ đạo quyết liệt mà vẫn thấy khan hiếm thuốc.

 

“Một số vướng mắc đấu thầu do quy định của Bộ Y tế” – đó là lời giải thích chung chung cho thực tế thiếu vật tư y tế.

Phần nổi của tảng băng chìm?

Nếu có cụ thể hơn, thì phổ biến là giải thích: Một phần nguyên nhân thiếu thuốc, vật tư y tế liên quan đến vướng mắc về chính sách, quy định. Ví dụ như, quy định giá kế hoạch tham khảo giá trúng thầu trong trong 12 tháng qua, tuy nhiên, nhiều mặt hàng không có giá tham khảo, thì Bộ Y tế cần đàm phán để có giá hướng dẫn cho các bệnh viện với các trường hợp không có giá kế hoạch.

Hoặc yêu cầu giá kế hoạch thấp hơn giá trúng thầu, tuy nhiên, giá một số mặt hàng không có nhà thầu do giá thực tế tăng, trong khi giá kỹ thuật thì yêu cầu phải giảm thấp.

Hoặc việc xếp nhóm kỹ thuật chưa hợp lý khiến thiết bị của các hãng uy tín xếp chung với các hãng năng lực thấp hơn. Khi đấu thầu, các hãng năng lực thấp hơn thì lại có giá rẻ hơn. Như vậy, mua vật tư, thiết bị giá rẻ thì không thể tốt được…

Dịch bệnh Covid-19 đi cùng vụ án kit-test Việt Á cũng được cho là góp vào “giọt nước tràn ly” của chuyện đấu thầu trong lãnh vực vật tư y tế.

Tiền nào, của đó!

Một điều dưỡng đến tuổi hưu nhưng được bệnh viện giữ lại tiếp tục công tác, đưa ra các gút mắc phổ biến, như một đơn thuốc có 3 loại thuốc thì 2 thuốc bệnh nhân phải ra ngoài mua.

Nếu tính toán giá thuốc đó thì bản thân bệnh viện cũng bị ảnh hưởng, vì hiện nay khi bệnh viện đã tự chủ, chăm sóc bệnh nhân không tốt, bệnh nhân sẽ bỏ bệnh viện. Nên bệnh viện cố gắng làm sao giảm thiểu tối đa việc thiếu thuốc qua việc mong được người nhà bệnh nhân chia sẻ bằng việc mua thuốc từ bên ngoài.

“Thực tế không cần tranh cãi làm gì, vì giá tham gia mời thầu được quy định phải bằng hoặc thấp hơn giá đã trúng thầu của 12 tháng trước đây. Với quy định này thì khó thực hiện vì thuốc hiện nay tính theo giá cũ chưa tính lạm phát, và các khía cạnh liên quan đến chuỗi cung ứng khi nhập khẩu thuốc do ảnh hưởng của Covid-19, như vận chuyển, bảo quản… khiến giá thuốc bị nâng lên. Từ đó khó đưa ra giá nào hợp lý.

Nếu đưa ra giá như vậy thì không doanh nghiệp nào có đủ thuốc theo giá đó, nếu có mời thầu thì cũng thì khó thực hiện được. Trên thực tế, khó có doanh nghiệp có thuốc, vật tư tiêu hao với giá như vậy…” – vị điều dưỡng thâm niên kể trên, nhận xét.

Ngoài ra, với trang thiết bị y tế thì còn khó hơn, vì cùng một loại máy đấy nhưng cấu hình khác, tính năng kỹ thuật khác, uy tín, bí quyết của hãng khác nhau là giá đã khác nhau.

Vì bảo hiểm y tế yếu kém?

Từ những diễn giải ở trên cho thấy một khi không có thuốc tốt, bác sĩ sẽ thiếu vũ khí điều trị bệnh nhân, nhất là những ca bệnh nặng. Trong khi đó thì ngành y tế cũng chưa có những đánh giá độc lập nào, rằng thuốc rẻ vào bệnh viện bằng mọi giá thì có làm tăng ngày điều trị, làm bệnh nặng hơn hay không? Điều này sẽ dẫn đến nghịch lý gì?

Những thuốc giá thấp sẽ tập trung cho người bệnh sử dụng bảo hiểm y tế, trong khi mặt hàng thuốc với chất lượng, giá cả hợp lý hơn thì hiện diện ngoài thị trường và người dân phải tự mua. Ở một mặt nào đó, việc này bào mòn ý nghĩa của bảo hiểm y tế, người dân sẽ nghĩ cứ thuốc rẻ, thuốc dở là thuốc bảo hiểm.

Toàn cảnh đấu thầu vật tư y tế đã được mang ra mổ xẻ tại phiên họp chuyên đề, cho ý kiến về dự án luật Đấu thầu sửa đổi, chiều ngày 20-9-2022.

Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh đề nghị cơ quan soạn thảo làm rõ việc đấu thầu thuốc, trang thiết bị y tế “có vấn đề gì không mà tổ chức thực hiện lại khó như thế”. “Đến mức Thủ tướng chỉ đạo quyết liệt mà vẫn thấy khan hiếm thuốc”, ông Thanh nói và cho rằng cần làm rõ để thấy luật sửa đổi sẽ khắc phục vướng mắc này như thế nào.

Liên quan tới đấu thầu thuốc, trang thiết bị y tế, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ nêu quan điểm để sửa luật cần phải làm rõ những vướng mắc hiện nay là do luật hay do thông tư của Bộ Y tế ban hành?

Vụ việc vẫn chưa rõ ngã ngũ, và lẽ đó nên trước mắt tiếp tục cảnh ăn đong về thuốc, thiết bị, sinh phẩm y tế trong điều trị tại các bệnh viện nhà nước ở Việt Nam.


Tin bài liên quan:

VNTB – Không rành tiếng Việt, không được hành nghề y ở Việt Nam

Trương Thế Tử

VNTB – Vì sao Việt Nam vẫn cho rằng ‘công đoàn độc lập’ là ‘chống phá’?

Do Van Tien

VNTB – Trống đánh xuôi, kèn thổi ngược và dân lãnh đủ

Trương Thế Tử

1 comment

Công Tâm 22.09.2022 9:21 at 09:21

VN không cần thuốc men. Ai bệnh, lên chùa Ba Vàng cúng vong sẽ khỏi

Reply

Leave a Comment

This site uses Akismet to reduce spam. Learn how your comment data is processed.

Việt Nam Thời Báo