VNTB – Cưỡng chế chợ Tân Hiệp ở Kiên Giang: dân khổ lắm…!

Hàn Giang (VNTB) “Người dân tưởng họ (chính quyền) để yên trong tết (tết cổ truyền) ai dè hôm nay họ đưa cả mấy trăm công an, cơ động cùng các thành phần lực lượng xuống cưỡng chế dân, tôi có quay được những video cảnh họ bắt dân, họ đánh dân quá trời luôn mà không làm gì được” Chị O chia sẻ với Việt Nam Thời Báo…

Biểu ngữ có nội dung giữ lại chợ Tân Hiệp
Sáng ngày 10/1/2017, một lực lượng hùng hậu đại diện cho chính quyền huyện Tân Hiệp (Kiên Giang) tiến vào cưỡng chế chợ truyền thống Tân Hiệp, gây kinh động cả một khu vực. Rất nhiều tiểu thương vì muốn giữ chợ, bức xúc phản đối việc cưỡng chế nên bị bắt giữ, có tiểu thương còn nói mình bị phía lực lượng cưỡng chế đánh đập…
Tiểu thương nói bị lực lượng cưỡng chế bắt và đánh đập…
Theo chị O, một tiểu thương buôn báo lâu năm tại chợ Tân Hiệp đã cho Việt Nam Thời Báo biết tình hình cưỡng chế chợ vào sáng ngày 10/1/2017 như sau: Có khoảng 400 công an, cảnh sát cơ động và các thành phần khác tham gia cưỡng chế chợ. Trong khi đó, phía người dân là những tiểu thương gồm những phụ nữ và người lớn tuổi khoảng 100 người, cầm băng rôn, biểu ngữ phản đối ôn hòa có nội dung như “chính quyền huyện Tân Hiệp áp bức tiểu thương” “quyết tâm không di dời chợ”… với một lực lượng nhỏ lẻ, bà con tiểu thương không thể làm gì được với lực lượng cưỡng chế có trang bị roi điện, dùi cui và rất hung hãn. Lực lượng cưỡng chế đã không ngần ngại bắt bớ và đánh đập bà con tiểu thương để đạt cho được mục đích cưỡng chế chợ, quyết không cho bà con tiểu thương tiếp tục buôn bán, bắt buộc phải chuyển sang chợ mới theo như những gì chính quyền đã thông báo.
Chi O chia sẻ với Việt Nam Thời Báo:
“Người dân tưởng họ (chính quyền) để yên trong tết (tết cổ truyền) ai dè hôm nay họ đưa cả mấy trăm công an, cơ động cùng các thành phần lực lượng xuống cưỡng chế dân, tôi có quay được những video cảnh họ bắt dân, họ đánh dân quá trời luôn mà không làm gì được”
Việt Nam Thời Báo không thể kiểm kê hết là có bao nhiêu tiểu thương bị bắt trong cuộc cưỡng chế nhưng theo chị O cho biết là có 9 người bị bắt tại thời điểm chị O bị bắt, tất cả bà con bị bắt đều bị giải về đồn công an Tân Hiệp, ngoài việc bị mất trắng tài sản thì bà con còn bị phạt hành chính cũng như phía công an bắt bà con phải xóa những video quay được về cuộc cưỡng chế.
Chị O chia sẻ tiếp với Việt Nam Thời Báo:
“Họ nói phạt hành chính 750.000đ và họ còn bắt mình xóa hết những video quay được rồi mới cho lấy điện thoại. Dân bây giờ mất trắng hoàn toàn, không có đồng nào bồi thường cho dân hết, bị tháo dỡ đồ, đã vậy còn bị đánh rất tội nghiệp và nhiều người bị nhốt mà chưa được thả ra”
Chợ Tân Hiệp vốn là chợ truyền thống tại thị trấn Tân Hiệp, tồn tại hơn 60 năm, hiện có gần 300 tiểu thương kinh doanh buôn bán. Liên quan đến việc cưỡng chế ngôi chợ truyền thống này là do UBND huyện đã cho Công ty Sao Mai đầu tư chợ mới nằm cách chợ cũ 1km đến nay đã xây dựng xong. Vào khoảng năm 2014, UBND huyện ra quyết định đình chỉ hoạt động chợ Tân Hiệp, buộc bà con tiểu thương di dời vào chợ mới buôn bán nhưng bà con tiểu thương không đổng ý. Chị O nói:
“Chợ Tân Hiệp này là chợ truyền thống bán đồ khoảng mấy chục năm nay rồi. Công ty Sao Mai là một công ty tư nhân nó mua một mảnh đất rộng lớn để làm chợ. Thế rồi chính quyền ở đây bắt dân phải di dời qua chợ của Sao Mai mới xây nhưng mà từ Quốc lộ vào đến chợ này cả gần 1km, đường vào chợ có nhiều nền nhà của Sao Mai mọc lên che khuất chợ của Sao Mai xây đi, chính quyền bắt dân bán buôn ở đây di dời qua.”
Ngoài việc chợ mới do công ty Sao Mai xây nằm ở xa quốc lộ mà hiện nơi này đang còn hoang vắng dân cư, không thuận lợi cho việc đi lại buôn bán thì theo chị O còn thêm mấy lý do nữa.
“Bắt di dời từ cuối năm 2014 nhưng đến năm 2015 người dân vẫn không di dời tại vì địa điểm buôn bán không thuận lợi. Năm 2016, chính quyền họ cũng bắt dân di dời nhiều lần nhưng không được, họ nói lệnh quyết định của nhà nước đưa ra là đúng nhưng mà họ làm sai. Cái sai thứ nhất là họ làm chợ quá xa quốc lộ, cái sai thứ hai nữa là chổ buôn bán mới mỗi quầy bán làm quá chật hẹp không đủ cho dân kê đồ bán và cái sai cuối cùng là chợ mới quá xa, người dân muốn vào chợ mua đồ phải lội bộ vào tới gần 1km, rồi chợ nằm khuất ở một nghĩa trang nghĩa địa thử hỏi dân vào đó rồi bán cho ai?”- Lợi chị O.
Ngay sau có quyết định phải di dời về chợ mới buôn bán, có vài tiểu thương đã chấp hành chuyển chổ buôn bán và được chính quyền hỗ trợ mỗi hộ 3 triệu đồng cho việc di dời nhưng có hộ lại thỉnh thoảng cũng quay về chợ Tân Hiệp truyền thống buôn bán bởi việc bán ở chợ mới ế ẩm.
Ngày 26/8/2016, Chủ tịch UBND huyện Tân Hiệp ra quyết định đình chỉ hoạt động chợ Tân Hiệp với lí do là chợ đã xuống cấp và hệ thống phòng cháy chữa cháy không đảm bảo. Ngày 20/9/2016, có thông báo ngưng cung cấp điện, tiến hành cưỡng chế, tháo dỡ toàn bộ khu chợ. Thời điểm này, bà con tiểu thương phản đối mạnh nên chính quyền chưa thể tiến hành cưỡng chế cho đến trước ngày 10/1/2017 vừa qua.
Chị O tâm sự với Việt Nam Thời Báo là bà con tiểu thương rất khổ, bao nhiêu vốn luyến đổ vào gian hàng buôn bán ở chợ, việc buôn bán tạm gọi là yên ổn qua ngày giờ phải di chuyển khá tiếc chứ bà con tiểu thương không ai muốn chống lệnh cưỡng chế của chính quyền. Chị O tâm sự:
“Dân khổ lắm! Nhiều người không có chổ buôn bán. Tức dữ lắm! Mất ăn mất ngủ cả hơn năm nay.”
Bà con tiểu thương chợ Tân Hiệp đã nhiều đơn gửi lên các cấp chính quyền bao gồm cả chính quyền tỉnh để xem xét nhưng rồi đơn từ cũng bị chuyển về lại huyện, không thay đổi được quyết định. Thậm chí bà con tiểu thương còn nói nếu sẽ góp vốn để chính quyền sửa chữa, nâng cấp chợ Tân Hiệp để được giữ chổ buôn bán nhưng cũng không được chính quyền chấp nhận. Bị cưỡng chế là mất trắng tài sản nhưng đến bây giờ chị O vẫn mong muốn xem xét lại quyết định phá dỡ chợ.
“Mong muốn giữ lại chợ truyền thống, sửa chữa và nâng cấp chợ lên, người dân 100% đóng góp vốn nhưng chính quyền người ta không đồng ý.”- Lời mong muốn của chị O.

CATEGORIES
TAGS
Share This

COMMENTS

Wordpress (0)