VNTB – Cường hào địa chủ mới gắn mác đảng viên?!

VNTB – Cường hào địa chủ mới gắn mác đảng viên?!

Vân Khanh

(VNTB) – Người phát ngôn của Bộ Công an, Tô Ân Xô đã so sánh ông Lê Đình Kình (1936 – 9/1 /2020) với ‘cường hào địa chủ mới’

(Xem thêm https://vietnamthoibao.org/vntb-vu-an-dong-tam-bo-cong-an-da-quy-toi/)

Ông Lê Đình Kình sinh năm 1936, cư ngụ tại thôn Hoành, xã Đồng Tâm, huyện Mỹ Đức, ngoại thành Hà Nội. Ông Kình gia nhập Đảng Cộng sản Việt Nam vào ngày 5 tháng 11 năm 1961, thành đảng viên chính thức ngày 3 tháng 1 năm 1963, sinh hoạt đảng tại Đảng bộ xã Đồng Tâm.

Ông Kình từng tham gia kháng chiến chống Mỹ. Sau khi xuất ngũ, trở về quê hương, giữ một số chức vụ lãnh đạo tại xã Đồng Tâm; từng là Chủ nhiệm Hợp tác xã nông nghiệp Đồng Tâm, Trưởng Công an xã, Chủ tịch Ủy ban nhân dân xã, Bí thư Đảng ủy xã Đồng Tâm những năm 1980. Sau khi nghỉ hưu, ông Lê Đình Kình vẫn là người có uy tín và ảnh hưởng tại xã Đồng Tâm.

Trong sự kiện tranh chấp đất đai tại cánh đồng Sênh thuộc xã Đồng Tâm với chính quyền địa phương, ông Lê Đình Kình được cho là người đứng đầu nhóm những hộ dân tham gia khiếu nại chính quyền. Từ năm 2013,ông Kình là người đứng đầu “Tổ đồng thuận”, ký các đơn thư khiếu kiện vụ việc lên các cơ quan chức năng.

Theo thông tin từ Bộ Công an Việt Nam, rạng sáng ngày 9 tháng 1 năm 2020 (nhằm ngày 15 tháng 12 âm lịch, ngày rằm tháng chạp năm Kỷ Hợi), trong khi cơ quan chức năng đang thi hành công vụ tại xã Đồng Tâm thì xảy ra đụng độ với người dân thôn Hoành. Trong vụ này, ông Kình đã bị tử vong.

Theo Bộ Công an thì ngoài ông Kình còn có ba chiến sĩ công an khác cũng bị tử vong. Chiều ngày hôm sau, 10 tháng 1 năm 2020, cơ quan chức năng đã bàn giao thi thể ông Lê Đình Kình tại Ủy ban nhân dân xã Đồng Tâm cho người thân của ông để họ mai táng.

Lúc qua đời, ông Lê Đình Kình vẫn là đảng viên Đảng Cộng sản Việt Nam với hơn 58 năm tuổi đảng.

Ngày 14 tháng 2 năm 2020, bình luận về vụ việc Đồng Tâm, Đại sứ quán Hoa Kỳ cho biết “Chúng tôi theo dõi rất sát tất cả những diễn tiến của vụ việc này và đang thu thập thông tin từ các nguồn để có thể hiểu hơn những biến cố tại Đồng Tâm. Chúng tôi đặc biệt quan ngại về việc tổn thất nhân mạng từ cả hai phía qua đụng độ giữa lực lượng an ninh và người dân Việt Nam. Điều quan trọng là tất cả các bên cần tìm cách giải quyết tranh chấp theo phương cách công khai, ôn hòa và minh bạch”.

Vụ án liên quan đến cái chết của ông Lê Đình Kình đã được bắt đầu xét xử trình tự hình sự sơ thẩm từ ngày 7-9-2020, dự kiến kéo dài trong 10 ngày. Tạm không đề cập diễn biến phiên tòa, ở đây chỉ muốn nêu vấn đề vì sao Người phát ngôn Bộ Công an lại cho rằng đảng viên Lê Đình Kình “là một loại cường hào, địa chủ mới”.

Trở ngược lịch sử, trong Thông tư số 12/TTg, “Về một số điểm trong chính sách cụ thể, cần nắm vững khi tiến hành sửa chữa sai lầm về cải cách ruộng đất”, phó thủ tướng Phan Kế Toại ký ban hành ngày 12-1-1957, có phân biệt như sau liên quan đến “cường hào, địa chủ” mà Người phát ngôn Bộ Công an đã nhắc tới với nhận định đảng viên Lê Đình Kình “là một loại cường hào, địa chủ mới” (trích):

“I- Về việc phân định thành phần giai cấp.

1. Đối với những người làm nghề khác, trong Thông tư 1196/TTg nói: “Những người làm nghề khác có ruộng đất phát canh tuy bình quân chiếm hữu một nhân khẩu trong gia đình có quá gấp 3,4 lần bình quân chiếm hữu một nhân khẩu ở địa phương, nhưng tổng số ruộng đất không nhiều, xét không cần thiết, thì không vạch là địa chủ”. Như vậy là trường hợp ruộng đất của gia đình đó có ít, tuy mức bình chiếm hữu của một nhân khẩu trong gia đình đó gấp 3 hoặc 4 lần mức bình quân chiếm hữu của một nhân khẩu địa phương, nhưng mức bóc lột không quá mức bóc lột của phú nông thì cũng không quy là địa chủ.

Ở vùng nhiều ruộng công, trong Thông tư số 1196/TTg cũng nói: “Những gia đình chiếm nhiều ruộng công mà không lao động nếu những năm gần đây đã trả lại ruộng công và đã tham gia lao động, xết không cần thiết thì không vạch là địa chủ”.

Cần hiểu “xét không cần thiết” có nghĩa là những người đó theo tiêu chuẩn nói trên đáng lẽ vạch là địa chủ, nhưng vì họ có ít ruộng đất và có ít tội ác với quần chúng thì không vạch là địa chủ. Trong trường hợp có người nhiều tội ác, quần chúng oán ghét, trong cải cách ruộng đất đã vạch là địa chủ thì nay không hạ thành phần nữa.

Đối với những người có nghề khác, và ở vùng nhiều ruộng công việc sửa thành phần phải do Uỷ ban hành chính tỉnh xét duyệt.

2. Những người đủ tiêu chuẩn là địa chủ, đáng lẽ có thể chiếu cố không vạch là địa chủ, nhưng trong cải cách ruộng đất đã vạch gia đình đó là địa chủ thì nay cho thay đổi thành phần theo nghề nghiệp của họ.

Ví dụ: một người là nghề khác có ruộng đất phát canh, bình quân chiếm hữu một nhân khẩu trong gia đình đó quá gấp 3 lần bình quân chiếm hữu của một nhân khẩu địa phương; đáng lẽ chiếu cố nghề nghiệp khác của họ thì không vạch gia đình này là địa chủ, nhưng trong cải cách ruộng đất đã quy họ là địa chủ, thì nay không nên coi là cải cách ruộng đất làm sai, phải sửa lại thành phần, mà nên đặt vấn đề cho họ được thay đổi thành phần theo nghề nghiệp của họ. Ruộng đất, tài sản của họ đã trưng mua, nay không phải đền bù lại, trừ trường hợp đã trưng mua quá đáng làm cho họ gặp khó khăn về sinh sống thì cần điều chỉnh lại một phần nào.

Nếu rõ ràng họ không đủ tiêu chuẩn là địa chủ, như có nghề khác mà ruộng đất của một nhân khẩu trong gia đình đó không quá gấp 3 lần bình quân chiếm hữu của một nhân khẩu địa phương thì phải sửa thành phần cho họ.

3. Ở vùng nhiều ruộng công, những người tuy mua trưng ruộng công của xã hoặc mua phần ruộng của những người khác, nhưng trong gia đình không có ai tham gia lao động chính, số ruộng đất lại nhiều, chuyên đem ruộng đất đó phát canh hoặc thuê người làm thì vẫn phải vạch là địa chủ, chứ không vạch là quá điền hoặc là phú nông.

4. Trước đây, trong cải cách ruộng đất có quy định: tuy là gia đình có lao động chính, nhưng chiếm hữu nhiều ruộng đất, số bóc lột về ruộng đất nhiều, trên 40 tạ và gấp 3 lần số tự làm ra thì vẫn vạch là địa chủ. Điều quy định này là đúng và cần thiết. Trong cải cách ruộng đất, một số xã đã vạch một số địa chủ theo tiêu chuẩn này. Nay các cấp và cán bộ cần chú ý nắm vững những quy định đó để tránh hạ lầm địa chủ xuống phú nông.

5. Trong vùng mới giải phóng, có một số người trước vốn là nông dân hoặc thành phần khác, đi ngụy quân, hoặc làm ngụy quyền, bản thân và cả gia đình không tham gia lao động nữa, ruộng đất chỉ có ít, nguồn sống chính dựa vào càn quét, cướp bóc của nhân dân trong cải cách ruộng đất đã vạch họ là địa chủ cường hào gian ác và đã trừng trị về tội hình, nay xét tội của họ vẫn đúng thì bản thân họ vẫn bị giam giữ, nhưng tuyên bố cho gia đình họ được thay đổi thành phần.

Nếu người có ít tội ác không đáng trừng trị, thì khi tha vẫn cần tuyên bố là họ có tội nhưng Chính phủ khoan hồng. Đồng thời khi về xã cũng tuyên bố cho họ được thay đổi thành phần.

6. Những tên địa chủ cường hào gian ác có tội nhưng bị xử án quá nặng (không phải oan) thì sau này có dịp sẽ ân xá hoặc ân giảm.

7. Địa chủ hết thời hạn được thay đổi thành phần thì chỉ đổi xuống trung nông mà không hạ xuống bần nông cố nông, và không cho vào nông hội hoặc tổ đổi công. Nếu họ chuyển sang làm nghề khác, thì quy thành phần theo nghề nghiệp của họ.

8. Trong khi tiến hành sửa sai, yêu cầu chính về sửa thành phần là sửa chữa những trường hợp vạch lầm nông dân lao động, phú nông và những người thuộc thành khác lên địa chủ.

Trong khi sửa sai, nếu có địa chủ cường hào gian ác lọt lưới rõ ràng, tội ác lớn quần chúng oán ghét thì vẫn phải vạch thành phần những tên đó. Những địa chủ thường lọt lưới rõ ràng, ruộng đất hiện nay còn nhiều, quần chúng yêu cầu, thì cũng phải vạch thành phần”.

Nói thêm, theo trang “Cơ sở dữ liệu quốc gia về văn bản pháp luật trung ương”, Thông tư số 12/TTg, “Về một số điểm trong chính sách cụ thể, cần nắm vững khi tiến hành sửa chữa sai lầm về cải cách ruộng đất”, phó thủ tướng Phan Kế Toại ký ban hành ngày 12-1-1957, thì thông tư này ở nhóm văn bản “Còn hiệu lực” (*).

Trong vai trò là Người Phát ngôn thì không thể có chuyện ‘buộc mồm – lỡ miệng’. Cần thiết truy cứu trách nhiệm của Người Phát ngôn Bộ Công an về dấu hiệu dựng chuyện đặt điều để nói xấu một đảng viên lão thành có hơn 58 năm tuổi Đảng.

Sinh tiền, ông Lê Đình Kình chỉ có vài ba sào ruộng khoán.

________________

Chú thích:

(*) http://vbpl.vn/TW/Pages/vbpq-toanvan.aspx?ItemID=983

***

Về cái gọi là cường hào địa chủ mới

Đặng Tâm Chánh

Người phát ngôn bộ công an, ông Tô Ân Xô cần cẩn trọng trong các đánh giá liẻn quan đến vụ án Làng Kình đang được xét xử.

Bất luận như thế nào, đưa ra hình dung về ông Lê Đình Kính như một cường hào địa chủ đều có thể khơi dậy cảm xúc hận thù vốn chia rẽ xã hội Việt Nam suốt trong kháng chiến và xây dựng chủ nghĩa xã hội.

Những cáo buộc còn chưa có cơ sở pháp lý và bằng chứng rõ ràng về sự thao túng dựa vào ảnh hưởng của thế lực dòng họ trong văn hoá truyền thống ở nông thôn, có thể dẫn đến bước sảy chân sai một li đi một dặm của quá trình xét xử.

Nhất là vụ việc đang được pháp luật xem xét, xử lý là một xung đột chết người.

Bên trong xung đột chết người đó, những quan hệ văn hoá, hành chính có thể là một nhân tố tác động nhưng không nên và không được hình sự hoá nó.

Nhất là xã hội ta có đảng lãnh đạo toàn diện.

Mọi diễn biến ở sát nách mặt trời như thể không thể quy kết đơn giản mà thiếu bằng chứng hoặc phân tích xã hội khoa học, chính xác.

Thật khó có thể tưởng tượng một dòng họ có thể thao túng cả xã bằng cách của những hào lý xưa, khi lãnh đạo thủ đô luôn ở trong ban lãnh đạo cao nhất của đất nước.

Còn coi họ như những địa chủ mới thì có lẽ càng phải cân nhắc.

Nhất là khi ngay cả giai cấp tư bản còn đang được vận động để trở thành một lực lượng chính quy bảo đảm cho sự tồn vong của thể chế và đất nước, là trụ cột chính của nền kinh tế theo đường lối của đảng.

Địa chủ bóc lột bằng tô tức theo phân tích truyền thống, suy cho cùng cũng là một hợp phần kinh tế tư nhân trong xã hội cũ. Phương thức bóc lột của nó được không ít doanh nghiệp nhà nước, thậm chí là công ty kinh tài của đảng lấy làm phương tiện khai thác hiệu quả.

Chẳng phải công ty Tân Thuận mà Tất Thành Cang và thành uỷ TP.HCM can dự kinh doanh bằng phương thức bóc lột đó sao?

Thành ra, khi chưa thừa nhận được giai cấp địa chủ như đã thừa nhận với giai cấp tư bản, thì chớ gieo mắc vào lịch sử đấu tranh giai cấp thêm oan khốc, sai lầm và chết chóc.

Oan oan tương báo.

CATEGORIES
TAGS
Share This

COMMENTS

Wordpress (0)