Việt Nam Thời Báo

VNTB – Đà Lạt: quay đầu đi, ông phó ơi…

Ngọc Trúc

(VNTB) – “Lắng nghe chiều xuống thành phố mộng mơ. Màu lam tím Đà Lạt sương phủ mờ…” (Đà Lạt hoàng hôn).

Mỗi khi nhắc đến thành phố Đà Lạt của tỉnh Lâm Đồng, có lẽ, không ít người sẽ có nhiều kỷ niệm ở nơi đây. Đó có thể là vui, buồn của những chuyến đi vội, những tất bật của công việc…; và đó còn là những “phút trầm” sau những cuộc vui, những lo toan, những áp lực….

Nếu đến với một Sài Gòn hoa lệ, nhộn nhịp nơi phố xá, đông đúc người qua lại, guồng máy công việc chạy nhanh và liên tục thì Đà Lạt hiện lên như một thành phố sống chậm, thành phố của nghỉ dưỡng.

“Mặc dù đã đi Đà Lạt rất nhiều lần, có thời gian hơn một tháng mình công tác ở Đà Lạt nhưng lần nào đi cũng mang nhiều cảm xúc khác nhau. Chỉ cần qua bên đây đèo Bảo Lộc, hướng về Đà Lạt, là cái không khí đã khác hẳn. Đà Lạt nên như thế. Nghĩ mà xem, một ngày nào đó, thiếu vắng những bóng cây, Đà Lạt sẽ như thế nào? Những tòa nhà cao tầng mọc lên, nhìn từ trên cao xuống, thay vì thấy bạt ngàn cây, giờ đây toàn là mái nhà, khu cao tầng, thì Đà Lạt có khác gì Sài Gòn? Đà Lạt sẽ không còn là nét riêng nữa”, nhà báo H.B.S. chia sẻ cảm xúc khi nhắc nhớ về Đà Lạt.

“Đà Lạt cần phải thay đổi để phát triển. Không nên sống mãi với ký ức và hoài niệm” và “Du khách mang tiền đến rồi mang về vì không có chỗ tiêu”, theo một tờ báo điện tử, đó là ý kiến của ông Võ Ngọc Trình, Phó chủ tịch UBND TP Đà Lạt về việc việc tái thiết lại Khu trung tâm Hòa Bình và đồi Dinh.

Ý kiến này của ông đã gặp nhiều phản biện từ các chuyên gia, kiến trúc sư cũng như chính người dân. Đồng ý là Đà Lạt phải thay đổi để phát triển, nhưng nên phát triển từ những cái đang có. Chứ không thể lấy cái lý do phát triển để hợp thức hóa cho việc xóa sổ một nét văn hóa đã có từ lâu.

Tôi không biết ông phó chủ tịch nghĩ gì nhưng nếu nói như ông, theo khả năng “thấu hiểu hạn hẹp” của tôi thì nghĩa là con người nên bỏ hết tất cả quá khứ, chạy theo những giá trị vật chất, mà ở đây cụ thể hơn là đồng tiền?

Một người mà chối bỏ, lãng quên quá khứ là con người như thế nào? Nếu ai cũng mang tư tưởng “không nên sống mãi với ký ức và hoài niệm” thì những anh hùng đã ngã xuống cho dân tộc này sẽ bị lãng quên (bởi họ đã là một phần ký ức trong nhiều người)? Và những ngày lễ kỷ niệm, tưởng nhớ cũng “không nên sống mãi” với chúng?

“Du khách mang tiền đến rồi mang về vì không có chỗ tiêu”, vậy thì những người buôn bán ở Đà Lạt sẽ sống bằng gì? Những tấp nập ở các sạp bán hàng; những người ra vô các khách sạn; những đông đúc người ta đi dạo chợ, uống sữa đậu nành, ăn bánh tráng nướng… có lẽ toàn là do dân địa phương, không có khách du lịch? Bởi lẽ, theo như ông nói, có du khách nhưng họ không có nào để xài tiền.

Có thể dễ dàng nhận thấy, một tình hình thực tế, Đà Lạt không còn nhiều cây thông như trước. Với việc tháo dỡ dinh tỉnh trưởng để thực hiện một “dự án địa ốc”, ai dám chắc một điều số lượng cây sẽ còn nghèo nàn hơn nữa?

Câu hỏi đặt ra, nếu không làm như lời ông Phó chủ tịch nhưng vẫn có thể thu hút khách du lịch thì phải làm sao? Thiết nghĩ, với vấn đề này, chính quyền thành phố Đà Lạt nên thảo luận với các chuyên gia, kiến trúc sư học hành tử tế. Hoặc chăng, chính quyền cũng có thể xây dựng, thu phí tham quan dinh tỉnh trưởng chẳng hạn. Tiền có thể kiếm ít hơn một tí nhưng sẽ không “phá nát” Đà Lạt, nét văn hóa của thành phố vẫn được lưu giữ.

Nếu như ở Sài Gòn, nhắc đến chợ Bến Thành như một biểu tượng thì ở Đà Lạt, mỗi khi nói đến khu Hòa Bình, ấp Ánh Sáng… là nhiều người nhớ đến ngay. Bởi nó không chỉ đơn thuần là một điểm để người ta lui tới mà còn hằn sâu trong ký ức của biết bao thế hệ, biết bao con người.

Mỗi tỉnh, thành đều có thế mạnh riêng. Đà Lạt cũng vậy, có giá trị riêng của nó. Tại sao không phát huy những cái vốn có sẵn mà chạy theo một cái gì đó chung chung, mơ hồ để làm gì?

Mong rằng với sự góp ý của nhiều chuyên gia, kiến trúc sư, chính quyền thành phố Đà Lạt sẽ xem xét lại vấn đề về Dinh tỉnh trưởng cũng như Khu Hòa Bình. Tiền bạc có thể kiếm được nhưng nét văn hóa một khi mất đi sẽ không thể nào tìm lại được.

Tin bài liên quan:

VNTB – Bốn mươi lăm năm lận đó…

Phan Thanh Hung

VNTB – Cứu hoả thì xách từng can nước, còn trực thăng thì để kinh doanh du lịch

Baraju T. Ogelefecejo

VNTB – Vụ quy hoạch khu đô thị mới Thủ Thiêm: Vì sao không giải quyết qua tố tụng tòa án?

Phan Thanh Hung

Leave a Comment

This site uses Akismet to reduce spam. Learn how your comment data is processed.

Việt Nam Thời Báo