VNTB – Đà Nẵng: nhiều hộ dân bức xúc vì chính sách giải tỏa đền bù đất đai

Khúc Thừa Sơn (VNTB) Bức xúc trước các quyết định giải tỏa đền bù hoặc do bị cưỡng chế thu hồi đất để giao mặt bằng cho các chủ đầu tư xây dựng các công trình, dự án ở TP. Đà Nẵng, thời gian gần đây đã có không ít hộ dân ở Đà Nẵng cầm băng rôn, biểu ngữ đến đứng trước các địa điểm hành chính thành phố để phản đối, kiến nghị yêu sách gửi lên các cấp lãnh đạo chính quyền, đánh động dư luận quan tâm. Điều đáng nói là đa số các hộ dân này nằm trong diện khiếu nại, tố cáo kéo dài cả chục năm 


Dân bức xúc vì chính sách giải tỏa đền bù 

Cùng có mặt trong số hộ dân cầm băng rôn, biểu ngữ đứng trước các địa điểm hành chính Tp. Đà Nẵng có bà Huỳnh Thị Nga thường trú tại phường Nại Hiên Đông – Q. Sơn Trà – TP. Đà Nẵng. Bà Nga được người em là bà Huỳnh Thị Nhật ủy quyền việc khiếu kiện đất đai đã cho Việt Nam Thời Báo (VNTB) biết trường hợp của em gái bà như sau: “Vào năm 2003, hộ gia đình bà Nhật cùng với 100 hộ gia đình khác sinh sống xung quanh thuộc diện giải tỏa đi hẳn để thành phố xây dựng khu đô thị vịnh Mân Quang và kiểm định vào ngày 26/11/ 2013. Sau khi được kiểm định, UBND Quận Sơn Trà đã có tờ trình số 88 ngày 29/3/ 2015 được UBND TP. Đà Nẵng giải quyết bằng văn bản số 5131 ngày 12/9/ 2005 do ông Trần Phước Chính ký. Nội dung văn bản ghi rõ đồng ý giải quyết hỗ trợ và bố trí đất tái định cư cho 101 hộ dân thuộc diện giải tỏa để xây dựng khu đô thị vịnh Mân Quang trong đó có tên hộ gia đình bà Nhật. Thế nhưng, từ đó đến nay gia đình bà Nhật vẫn chưa nhận sự hổ trợ đất tái định cư”. 

Bà Nga nói có sự không bằng ở đây là do qua tìm hiểu bà biết được đã có 20/ 101 hộ gia đình thuộc diện trên đã có đất tái định cư và tiền hỗ trợ trong khi UBND Quận Sơn và Ban dự án khu đô thị vịnh Mân Quang lại cấp cho hộ gia đình bà Nhật là 1 căn hộ chung cư cùng tiền hỗ trợ 7 triệu đồng là quyết định sai văn bản 5131. “Ai cũng không có giấy tờ nhưng họ lại được nhận đất mà trong đó có em của chị là Huỳnh Thị Nhật lại không được nhận đất, chị thấy vậy không công bằng. Họ cũng dân, nó cũng dân. Trong khi đó, 101 lô đất ông Lê công Hồ trình qua ông Trần Phước Chính chuyển nhận tiền theo tờ trình nhận 101 lô đất thì phải có hộ bà Huỳnh Thị Nhật tai sao lại không tái định cư?”. Hộ gia đình bà Nhật quyết định không nhận chung cư cũng như không nhận tiền hổ trợ, tiến hành đi khiếu nại lên các cấp chính quyền 

Tương tự như trường hợp hộ gia đình bà Nhật em gái bà Nga là hộ gia đình bà Trần Thị Thu Hương, trú tại tổ 18B, phường Tam Thuận, Q. Thanh Khê, TP. Đà Nẵng lại càng đáng nói hơn. Theo những báo cáo của chính quyền Đà Nẵng thì hộ gia đình bà Hương với diện tích đất 345,9 m2 thuộc diện giải tỏa để lấy đất dành cho việc xây dựng dự án đường Liên Chiểu – Thuận Phước căn cứ theo Quyết định số 801/ QĐ- TTg ngày 24/8/ 2000 của Thủ tướng Chính phủ, các Quyết định số 6222/ QĐ- UB, 30077/ QĐ-UB do UBND TP. Đà Nẵng ký. 

Và ngày 2/2/ 2001, UBND TP. Đà Nẵng ban hành quyết định số 28/ QĐ-UB thu hồi toàn bộ diện tích đất của hộ gia đình bà Hương. Tổng số tiền đền bù và hỗ trợ cho hộ gia đình bà Hương là 188. 942. 140 đồng và bố trí 1 lô đất tái định cư trên đường Liên Chiểu -Thuận Phước. Bà Hương khiếu kiện các quyết định thu hồi đất của UBND TP. Đà Nẵng đối với đất đai của gia đình bà dựa theo Khoản 4, Điều 10 Nghị định 22/ 1998 NĐ – CP ngày 24/04/1998 về việc UBND TP. Đà Nẵng đã thu hồi và đền bù đất cho hộ gia đình bà với giá rẻ mạt rồi sau đó bán lại cho hộ gia đình bà cũng chính mảnh đất mà trước đó gia đình bà bị thu hồi với giá cao gấp nhiều lần khiến gia đình bà từ chổ có nhà có đất, có cuộc sống ổn định nay phải lâm vào cảnh mất đất, mất nhà, nợ nần đeo đẳng, tinh thần và sức khỏe suy sụp. Cần lưu ý một điểm là đất của hộ gia đình bà Hương có giấy Chứng nhận quyền sử dụng đất 

Nói với dân một đằng, làm việc lại một nẻo 

Cùng bức xúc và đi khiếu kiện đất đai giống như hai hộ gia đình bà Nhật và bà Hương còn có nhiều hộ gia đình khác cũng lâm vào hoàn cảnh tương tự. 

Qua những gì VNTB ghi nhận từ chính những hộ dân này thì tại Đà Nẵng xảy ra một thực trạng đất đai đáng nói như sau: Ban đầu thành phố có những chính sách giải phóng mặt bằng, thu hồi đất dân để xây dựng các công trình, dự án nhằm phát triển thành phố. Theo luật đất đai, người dân tuân thủ giao đất cho chính quyền dù có không ít trường hợp than phiền tiền đền bù thì thấp nhưng đất Nhà nước bố trí định cư lại mua với giá khá cao không đủ tiền mua nên phải ôm một khối nợ nần để có nhà ở. Sau khi có đất để xây dựng công trình, dự án thì phát sinh những dự án lâu năm chưa tiến hành hoặc công trình treo. Trong số những dự án, công trình treo ấy theo người dân phản ánh thì đã có sự phân lô bán nền dành cho những người giàu có đủ tiền mua hoặc xuất hiện hanh vi tham nhũng đất đai. 


Bà Nga bức xúc nói: “Trên giấy tờ thì lấy đất để xây dựng khu đô thị vịnh Mân Quang nhưng thực chất đang có dấu hiệu là phân lô bán nền”. Bà Nga hoài nghi là có sự tham nhũng đất đai, giấu đất đai từ phía đại diện chính quyền ở địa phương bởi theo bà, căn cứ vào giấy tờ có được thì đại diện chính quyền liên quan đã nhận đủ số đất và tiền hỗ trợ cho những hộ dân tái định cư nhưng tất cả hiện đang ở đâu đối với những người chưa nhận đúng sự hỗ trợ như trường hợp hộ gia đình em của bà. 

Đối với trường hợp bà hộ gia đình Hương, tuyến đường Liên Chiểu-Thuận Phước cơ bản đã hoàn thành và đi vào sử dụng được mấy năm nay thì bà Hương phát hiện là đất đai của gia đình bà không nằm trong diện phải thu hồi đất để xây dựng công trình Liên Chiểu -Thuận Phước nhưng vẫn bị thu hồi toàn bộ. Đất của hộ gia đình bà bị Ban quản lý bán quyền sử dụng đất với mục đích kinh doanh và bà Hương cho rằng đã có hộ dân khác đến ở trên chính mảnh đất của hộ gia đình bà trước khi bị thu hồi 

Về Kết luận 1873/ KL-TT CP 

Quá trình tìm hiểu từ những hộ dân khiếu kiện, phản ánh đất đai hiện tại thì VNTB đặc biệt chú ý thấy có không ít ý kiến hộ dân ngỏ ý mong muốn chính quyền Đà Nẵng cung cấp nguyên văn Kết luận 1873- TTCP được ký ngày 25/8/ 2014 từ Thanh tra Chính phủ mà trước đó rất nhiều báo đài loan tin, liên quan đến 24 vụ việc khiếu nại, tố cáo phức tạp trên địa bàn TP. Đà Nẵng. Đây là bản kết luận, trả lời cho Báo cáo 1873 mà trước đó đại diện chính quyền Đà Nẵng đã trình lên Thanh tra Chính phủ. Theo lời chị Hương cũng như số hộ dân liên quan thì mọi người đề nghị Chủ tịch UBND TP. Đà Nẵng hiện tại là ông Huỳnh Đức Thơ phải cung cấp nguyên văn kết luận 1873/ KL – TTCP cho từng hộ dân chứ các hộ dân không chấp nhận nói miệng. Các hộ dân cam kết sẽ thực hiện đúng những gì ghi trong Kết luận 1873/ KL – TTCP và không đi khiếu kiện nữa. Điều gì khiến một mong muốn nhỏ nhoi liên quan đến quyền lợi thiết thực của chính những hộ dân này là được chính quyền TP. Đà Nẵng cung cấp Kết luận 1873/ KL –  TTCP nhưng đến nay chính quyền vẫn chưa đáp ứng? 

Không chỉ những hộ dân trong bài viết này đi khiếu kiện đất đai mà VNTB biết chắc là còn nhiều trường hợp tương tự. Đất đai bị mất, không có nhà cửa để ở và quyền lợi không được đáp ứng rõ ràng buộc lòng người dân phải đi khiếu kiện. Trong quá trình đi khiếu kiện ngoài việc tốn tiền bạc và thời gian thì người khiếu kiện còn bị những đại diện chính quyền bắt giữ hoặc buộc giải về lại địa phương giải quyết. Khi buộc giải về địa phương giải quyết mà thấy không ra gì thì họ lại đi khiếu kiện trở lại như một vòng xoay mà ở đó chỉ một điểm dừng duy nhất là mong muốn của họ được các đại diện chính quyền đáp ứng hay suy xét cho một tia hy vọng nào đó dù rất nhỏ nhoi. 

Cùng thời gian này, HĐND TP. Đà Nẵng đang tổ chức Kỳ họp thứ 14, Khóa VII, 2011-2016 để nhằm giải quyết các vấn đề kinh tế – văn hóa – xã hội – an ninh – quốc phòng… và vấn đề đất đai đặc biệt nóng ngay trước giờ khai mạc, sức nóng ở bên ngoài lan vào./.
CATEGORIES
TAGS
Share This

COMMENTS

Wordpress (0)