Út Sài Gòn
(VNTB) – Thí tỷ, ông Phạm Phú Quốc có song tịch là Việt Nam – Trung Quốc, thì sao nhỉ?
Câu chuyện về người đàn ông là đại biểu quốc hội nhưng lại có quốc tịch nước ngoài đang được cộng đồng quan tâm và bình luận. Báo chí khai thác, mạng xã hội cũng bàn ra tán vào. Nhiều ý kiến lên tiếng phê phán hành động đó, cho rằng người đàn ông ấy không “toàn tâm toàn ý” với đất nước. Song, cũng có một vài ý kiến dựa trên quan điểm pháp lý, chứng minh vấn đề đó pháp luật Việt Nam không có cấm.
Bà con trong xóm của Út thì nghĩ đơn giản hơn nhiều…
– Mấy ông mấy bà ơi, mấy bữa rày rộ lên cái vụ ông đại biểu quốc hội ở thành phố mình có hai quốc tịch nè.
– Hai quốc tịch thì có gì là lạ đâu bà Bảy. Chuyện bình thường mà.
– Chuyện thì rất bình thường nếu đối với người dân như mình. Nhưng đằng này lại là một ông đại biểu quốc hội. Nhất là theo tui biết trong điều 22 luật Tổ chức quốc hội năm 2014 được bổ sung bởi Khoản 1 Điều 1 Luật Tổ chức Quốc hội sửa đổi 2020, là “Có một quốc tịch là quốc tịch Việt Nam”.
– Nói thật nha chị Bảy, ông đại biểu đó cũng là con người thôi. Chuyện song tịch nếu có điều kiện thì là chuyện bình thường. Như tui thấy, thiếu người gì mong muốn mình có thêm một quốc tịch nữa. Nhiều người cũng mong muốn mình có thêm quốc tịch Mỹ đó thôi cho nên tìm mọi cách để được nhập tịch Mỹ. Dĩ nhiên là không phải ai cũng như vậy.
Còn cái vụ luật chị nói là không sai, nhưng theo tui biết hình như không đầy đủ. Luật được bổ sung mình còn phải coi khi nào có hiệu lực nữa. Hình như 1/1/2021 mới có hiệu lực mà. Trong giai đoạn này thì ông đó đâu có sai.
– Cứ cho anh nói là đúng đi nhưng việc nhập tịch nước ngoài như vậy làm sao “Trung thành với Tổ quốc, Nhân dân và Hiến pháp” cũng như xây dựng đất nước được?
– Cái ý kiến này tui có thấy trên mạng. Tui nói thiệt, nếu thật tâm muốn xây dựng thì dù chị ở đâu cũng có thể góp sức mình cho đất nước. Có thể ở nước ngoài chị không hiệu quả bằng những người đang ở tại Việt Nam, nhưng chị có thể hiến kế xây dựng đất nước mà. Nếu hợp lý, tui nghĩ chính quyền sẽ tiếp thu thôi. Dù sao đi nữa thời buổi giờ đã khác xưa rất nhiều, quan chức nhà mình được ăn học đàng hoàng mà, học đại học, nói được tiếng nước ngoài ngon lành lắm chứ bộ.
– Có nguồn tin trên mạng tui đọc được là ổng bỏ tiền mua quốc tịch.
– Bỏ tiền mua quốc tịch thì sao hả chị? Nghiêm túc mà nói đi, biết bao nhiêu người cũng bỏ tiền làm thủ tục này nọ để có được quốc tịch. Tiền của ổng, ổng xài là chuyện bình thường. Nếu tiền đó có ai chứng minh được là không phải của ổng – thí tỷ như là tiền tham nhũng chẳng hạn, lúc đó mới có cái để bàn.
Thật ra mà nói, trong vụ ông đại biểu này, tui không thắc mắc sao ổng lại được song tịch hay có mua quốc tịch hay không?. Điều đó tui cho rằng mang tính chất cá nhân. Cái tui suy nghĩ là không biết ở Việt Nam mình mần sao mà lại nhiều người muốn định cư hẳn ở nước ngoài luôn, kể cả ngài đại biểu tên Quốc.
Dẫu biết rằng nước ngoài chế độ an sinh tốt, nhưng với tình hình dịch như vậy mà vẫn muốn định cư nước ngoài thì mình phải coi lại như thế nào? Chính quyền phải coi lại chính sách với người dân ra sao mà có không ít người mang tư tưởng ra đi, lúc trước cũng vậy và bây giờ cũng vậy. Theo tui thấy, cái đó mới là quan trọng hơn chuyện cột đèn bên Mỹ có sang Việt Nam mình không.
– Ừ hen, anh nói nghe cũng đáng suy ngẫm lắm chứ.
Có thể rồi ý kiến ai đó chụp chiếc nón cối cho rằng Út tui “thân cộng”, bênh vực này nọ, nhưng thiết nghĩ chuyện song tịch của ông đại biểu quốc hội dầu sao đi chăng nữa cũng là vấn đề cá nhân, không nên nhập nhằng với chuyện liên quan đến ai đó nữa hay không của Thành ủy, như đồn đoán là ông Tư Phong bị đánh trước thềm đại hội 13 chẳng hạn.
Dù ông Quốc có bỏ tiền ra mua quốc tịch đi chăng nữa, thì đó cũng là nội tình của cá nhân của Quốc hay gia đình ông Quốc, miễn sao đó không phải là tiền công thâm lạm là được. Còn nếu tiền tư mà có dính tới những điều không hay, Út tin chắc một điều, “nhân quả báo ứng” và con người cũng sẽ không thoát khỏi cái gọi là “tòa án lương tâm”…