Triệu Tử Long
(VNTB) – Cơ chế, chính sách đặc thù cho vùng kinh tế trọng điểm là những động lực tăng trưởng trọng yếu, là liều thuốc đủ mạnh cho một “cơ thể” vừa trải qua cơn bạo bệnh…
Quốc hội đã có phiên thảo luận trực tuyến về các dự thảo nghị quyết về một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển thành phố Hải Phòng, Nghệ An, Thanh Hóa và Thừa Thiên Huế. Nhiều đại biểu đề xuất có nghị quyết cơ chế đặc thù cho toàn vùng.
Vẫn chờ mong cơ chế thiết thực, hiệu quả
Đại biểu Phạm Trọng Nhân (Bình Dương) cho rằng cơ chế, chính sách đặc thù cho vùng kinh tế trọng điểm vẫn còn thảo luận, cùng với quy hoạch quốc gia vẫn còn chưa được định hình.
“Chúng ta vẫn mong một cơ chế, chính sách đặc thù cho các vùng kinh tế trọng điểm bởi đây mới chính là những động lực tăng trưởng trọng yếu, là liều thuốc đủ mạnh cho một cơ thể vừa trải qua cơn bạo bệnh nhưng luôn mang khát vọng thịnh vượng và chỉ có như vậy các tỉnh mới có thể đi xa cùng nhau”, ông Nhân nói.
Đại biểu Bình Dương cũng cho hay do các điều kiện khách quan và chủ quan nên các địa phương chưa tận dụng được hết cơ chế, chính sách đặc thù để huy động nguồn lực cho đầu tư.
Câu chuyện không hề mới.
Nhận thức tẩm quan trọng của chiến lược phát triển vùng có trọng điểm, từ cuối năm 1997 đến nay, Chính phủ Việt Nam đã lẩn lượt thành lập các vùng kinh tế trọng điểm tại Bắc Bộ, miền Trung, Nam Bộ, và đồng bằng sông Cửu Long.
Đến thời điểm hiện tại, Việt Nam có 4 vùng kinh tế trọng điểm, với 24 đơn vị hành chính cấp tỉnh, chiếm 27,42% diện tích và 51,27% dân số cả nước, được kỳ vọng là những vùng hạt nhân, động lực cho sự phát triển kinh tế Việt Nam, có chức năng đẩu tàu thúc đẩy, lôi kéo sự phát triển của các địa phương, các vùng khác trên phạm vi cả nước.
Ông Trần Du Lịch, cựu Viện trưởng Viện Kinh tế TP.HCM, nhìn nhận liên kết vùng kinh tế hiệu quả hay không phụ thuộc rất nhiều vào kết nối giao thông. Nếu không kết nối được giao thông thì xem như kết nối kinh tế vùng thất bại.
“Tôi đi từ Lào Cai xuống Vân Đồn, Quảng Ninh toàn đường cao tốc, rất sướng nhưng nhìn lại giao thông vùng kinh tế trọng điểm phía nam thì không được như vậy. Đường Vành đai 2 chỉ có 64 cây số chưa kết nối được, Vành đai 3, 4 thì dở dang, cao tốc cũng chưa có gì. Trung ương cần ngồi lại, cái nào thuộc quốc gia thì Bộ Giao thông vận tải quyết định, cái nào trong vùng thì các tỉnh, thành tính toán nguồn lực để đầu tư”, ông Lịch nhận xét.
Ông Nguyễn Thành Phong, người từng là Chủ tịch UBND TP.HCM, cựu Chủ tịch Hội đồng vùng kinh tế trọng điểm phía nam, cho biết các dự án kết nối giao thông trong vùng đang được triển khai giữa các địa phương như Vành đai 3, Vành đai 4 – TP.HCM, cao tốc TP.HCM – Mộc Bài (Tây Ninh)…
Tuy nhiên, ông Phong thừa nhận: “Hạ tầng giao thông còn thiếu đồng bộ, chưa đáp ứng được yêu cầu phát triển của vùng. Vận tải đường sắt, đường thủy hầu như chưa được quan tâm đúng mức”.
Từ đó, ông Phong kiến nghị Bộ Giao thông vận tải quan tâm đầu tư các tuyến đường giao thông như mở rộng Quốc lộ 1 và Quốc lộ 1K; kéo dài tuyến đường sắt đô thị số 1 đến thành phố Biên Hòa, tỉnh Đồng Nai, đường Vành đai 3, đoạn Bình Chuẩn – Quốc lộ 22; đường cao tốc TP.HCM – Chơn Thành, tỉnh Bình Phước để kết nối cụm cảng phía đông Phú Hữu, Tân Cảng, ITC với các tỉnh Bình Dương, Tây Ninh; mở rộng Quốc lộ 13…
Cần ‘cá biệt hóa chính sách’ để thúc đẩy phát triển?
Với những ý kiến đề xuất như trên, bằng cái nhìn tổng thể, đại biểu Lê Thanh Vân – ủy viên thường trực Ủy ban Tài chính – ngân sách của Quốc hội – tranh luận với một số đại biểu có ý kiến việc cho cơ chế, chính sách đặc thù dẫn đến cơ chế xin cho, bất bình đẳng các địa phương và đề xuất cơ chế chính sách cho vùng.
Ông Vân ví von nước Việt Nam hiện có 63 người con nhưng năng lực, khả năng, tiềm năng, lợi thế của mỗi người khác nhau. Tuy nhiên, trừ Luật thủ đô, 62 tỉnh còn lại chung một nền tảng pháp lý, nếu như không tạo hành lang riêng cho mỗi địa phương thì khó kích hoạt để địa phương phát triển theo lợi thế, tiềm năng.
Mặt khác, việc áp dụng các cơ chế, chính sách lâu nay chưa có nên phải thí điểm, từ đó phân loại địa phương và cá biệt hóa chính sách cho từng nhóm địa phương.
Nhớ lại, lúc còn giữ chức vụ Thủ tướng Chính phủ, tại hội nghị “Phát triển vùng kinh tế trọng điểm phía nam” do ông Nguyễn Xuân Phúc chủ trì sáng 6-5-2019 tại Đồng Nai, nhân danh Thủ tướng, ông Nguyễn Xuân Phúc yêu cầu các địa phương rà soát lại sự phát triển, có biện pháp đồng bộ bố trí đội ngũ xứng tầm, thường xuyên đôn đốc kiểm tra…
“Từ năm 2020, 4 tỉnh còn lại trong vùng phải tự cân đối được ngân sách, tiếp tục ổn định kinh tế, xã hội đảm bảo quốc phòng, an ninh… của vùng. Cơ cấu lại nền kinh tế gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng. Phải có chính sách thu hút các doanh nghiệp, các thành phần kinh tế, đặc biệt là tạo điều kiện, không gian, nguồn lực cho kinh tế tư nhân phát triển thuận lợi hơn. Phát triển nông nghiệp nông thôn bền vững, nâng cao giá trị gia tăng. Không còn nghèo đói ở vùng kinh tế động lực phía nam”.
Ông Nguyễn Xuân Phúc đã có phát biểu như trên, và được báo Thanh Niên tường thuật với trích dẫn được ‘đóng khung’ ở bài viết ‘Nghẽn’ giao thông vùng kinh tế trọng điểm phía nam.
Với những cát cứ ‘ngăn sông cấm chợ’ của các địa phương ngay sau thời gian ‘hậu giãn cách’, cho thấy dường như những hoạch định tốt đẹp về các vùng kinh tế trọng điểm, đến nay vẫn là loay hoay ở vạch xuất phát mà thôi (!?)