VNTB – Đại diện chủ sở hữu phủi trách nhiệm?

VNTB – Đại diện chủ sở hữu phủi trách nhiệm?

Lynn Huỳnh

 

(VNTB) – Các doanh nghiệp bất động sản phải có trách nhiệm với chính mình, giải quyết các khó khăn do chính mình gây ra 

 

Đất đai thuộc sở hữu toàn dân do Nhà nước là đại diện chủ sở hữu. Vậy thì ông chủ đại diện này đã làm gì khiến dẫn đến thực trạng như hôm nay ở ngành địa ốc?

Phát biểu kết luận Hội nghị trực tuyến toàn quốc “Tháo gỡ và thúc đẩy thị trường bất động sản phát triển an toàn, lành mạnh, bền vững” hôm 17-2-2023, Thủ tướng Phạm Minh Chính nhìn nhận cơ cấu cung cầu bất động sản đang lệch pha, quá tập trung cho các phân khúc cao cấp mà ít quan tâm tới phân khúc trung bình, thu nhập thấp.

Ông Phạm Minh Chính nói rằng giá cả không hợp lý, không phù hợp với thu nhập bình quân đầu người; theo thông tin trên báo chí, phải mất 1 năm thu nhập bình quân đầu người mới mua được 2m2 nhà ở cao cấp.

Theo cách hiểu của ông Chính thì nguyên nhân khó khăn chung của thị trường và doanh nghiệp đến từ việc phản ứng chính sách của các chủ thể liên quan như cơ quan quản lý, doanh nghiệp, ngân hàng còn chậm.

Doanh nghiệp thì gặp nhiều vướng mắc về pháp lý, nguồn vốn còn khó khăn như tín dụng, trái phiếu, các nguồn khác.

“Cán bộ một số nơi, một số lúc còn ngại trách nhiệm, không dám làm…” là một trong những câu phát biểu mà lẽ ra ông Phạm Minh Chính cần dừng lại để làm rõ hơn thay vì chi thoáng qua của cách hiểu mang tính liên tưởng từ việc ‘đốt lò’ chống tham nhũng của Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng.

Bởi ở đây, “cán bộ” chính là đại diện Nhà nước, và đại diện này được hiểu là nằm trong nội hàm của “Đất đai thuộc sở hữu toàn dân do Nhà nước đại diện chủ sở hữu và thống nhất quản lý” được nêu tại Điều 4, Luật Đất đai 2013.

Nhận xét bước đầu về Hội nghị trực tuyến toàn quốc “Tháo gỡ và thúc đẩy thị trường bất động sản phát triển an toàn, lành mạnh, bền vững”, tổ chức hôm 17-2-2023, một nhà quan sát chính trị bình luận rằng với việc chung sức đẩy giá đất lên 3 lần, 5 lần, cho thấy cần sòng phẳng cả chính quyền, ngân hàng và doanh nghiệp đều phải chịu trách nhiệm trước.

“Các ông bà cán bộ “đại diện Nhà nước” đã đồng ý để các doanh nghiệp phát hành trái phiếu 3 không: Không bảo lãnh thanh toán, không xếp hạng tín nhiệm, không tài sản bảo đảm, rồi phân phối qua hệ thống ngân hàng để đưa nhà đầu tư vào tròng. Vậy thì nên sòng phẳng và tôn trọng sự thật, thay cho cách diễn đạt chung chung của người đứng đầu Chính phủ” – nhà quan sát chính trị Nam Thái, bình luận.

Xem ra bằng quyền lực của ông chủ Nhà nước với vai trò Hiến định là “đại diện chủ sở hữu”, cả ba nhiệm kỳ của Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng đã giúp ngành địa ốc ở Việt Nam hút hàng trăm tỷ đô-la, liên quan mật thiết đến ngân hàng, tài chính và cả chục ngành nghề liên quan.

Chính mối quan hệ đó cho thấy “không cứu” cũng không được, vì tất cả đang trên một con thuyền với đích hướng đến là cột mốc xã hội chủ nghĩa theo mệnh lệnh của người đứng đầu đảng suốt 3 nhiệm kỳ mà ông ấy giữ chức vụ tối cao.

Kết luận ở Hội nghị trực tuyến toàn quốc “Tháo gỡ và thúc đẩy thị trường bất động sản phát triển an toàn, lành mạnh, bền vững”, Thủ tướng Phạm Minh Chính cho rằng, “các doanh nghiệp bất động sản phải có trách nhiệm với chính mình, giải quyết các khó khăn do chính mình gây ra do dự báo không sát, phát triển thị trường không tốt, đầu tư vốn không hiệu quả…”.

Việc quy kết trên là phiến diện, vì ở đây doanh nghiệp quản trị qua thước đo của luật pháp; và các chính sách khiến doanh nghiệp dự báo sai, đó là phần trách nhiệm của cơ quan quản lý, đặc biệt là chức trách của “Nhà nước đại diện chủ sở hữu và thống nhất quản lý” đã nêu tại Điều 4, Luật Đất đai 2013.

Với những gì đã và đang diễn ra ở ngành địa ốc, mong rằng Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng đủ dũng khí để nhận ra rằng con người không thể sáng tạo ra quy luật khách quan (kiểu như “kinh tế thị trường có định hướng xã hội chủ nghĩa”), mà chỉ có thể và cần phải vận dụng các quy luật khách quan làm công cụ quản lý kinh tế, quản lý đất nước.

Nhà lãnh đạo nào vận dụng tốt thì nền kinh tế phát triển, dân được nhờ và ngược lại.


CATEGORIES
TAGS
Share This

COMMENTS

Wordpress (0)