Mai Lan
(VNTB) – Đại diện Trường Đại học Nanhua – Đài Loan đã bàn thảo với Khoa Quan hệ công chúng và Truyền thông cùng Viện Quốc tế UEF về nhiều chương trình hợp tác chuyên môn và hoạt động sinh viên
Đại diện trường đối tác có TS. Chun – Chun Lin, Dean Office of International and Cross – Strait Affairs. Về phía UEF (Đại học Kinh tế Tài chính TP.HCM) có TS. Đỗ Hữu Nguyên Lộc – Phó Hiệu trưởng, PGS.TS. Hoàng Thị Hồng Hà – Trưởng khoa Quan hệ công chúng và truyền thông, TS. Đặng Anh Lực – Phó Trưởng khoa Quan hệ công chúng và truyền thông, ThS. Nguyễn Thị Bích Vân – Phó Trưởng khoa Quan hệ công chúng và truyền thông, ThS. Phạm Thái Hiền – Trưởng ngành Công nghệ truyền thông.
Thông cáo báo chí được phát hành sau buổi gặp gỡ này có nội dung đáng chú ý như sau khi không có bất kỳ mở ngoặc nào thường thấy khi viết về Đài Loan: “Đài Loan (Trung Quốc)” như mặc định.
Theo đó:
Mở đầu, TS. Đỗ Hữu Nguyên Lộc đã nhấn mạnh đến chương trình đào tạo song ngữ và quốc tế của UEF. Đồng thời, thầy cũng chia sẻ về các hoạt động giao lưu giữa sinh viên UEF và các trường đại học đến từ Đài Loan trước đây.
Về phía Khoa Quan hệ công chúng và Truyền thông, những nội dung chuyên môn có thể hợp tác đã được đề xuất như tổ chức hội thảo, hội nghị, chuyên đề cho giảng viên, hoạt động trao đổi sinh viên, học kỳ quốc tế,…
TS. Chun – Chun Lin cũng chia sẻ về các chương trình quốc tế hiện tại của Đại học Nanhua và bày tỏ mong muốn triển khai hoạt động trao đổi sinh viên giữa hai trường.
Được biết, Đại học Nanhua được thành lập vào năm 1996 dưới tên Học viện Quản lý Nanhua bởi nhà sư Phật giáo Tịnh Vân và chủ yếu đào tạo các ngành trong lĩnh vực Triết học, Truyền thông và Quản lý thông tin. Đến năm 1998, trường chính thức đổi tên thành Đại học Nanhua, cùng với đó là sự bổ sung và hoàn thiện một số ngành đào tạo với mục tiêu trở thành một trường Đại học tổng hợp.
Từ những thảo luận ban đầu, hy vọng Khoa Quan hệ công chúng và Truyền thông nói riêng, cũng như UEF nói chung có thể tiếp tục trao đổi chi tiết với Đại học Nanhua, tiến tới hợp tác và triển khai nhiều chương trình chất lượng trong tương lai.
…Bàn luận về bản tin tường thuật “Đài Loan” nhưng không đính kèm Trung Quốc, theo ý kiến của luật sư Trần Thành (Đoàn Luật sư TP.HCM) thì với môi trường giáo dục đại học chuyên nghiệp như UEF, có thể là một sự kiện mang yếu tố chính trị khi ông Lại Thanh Đức thuộc Đảng Dân Tiến cầm quyền ở Đài Loan đã giành chiến thắng trong cuộc bầu cử lãnh đạo Đài Loan ngày 13-1 và sẽ nhậm chức vào ngày 20-5-2024.
“Tại Việt Nam, cụm từ “Đài Loan (Trung Quốc)” thường xuyên được sử dụng trong các văn bản chính thức và đôi khi là trong cả các sự kiện văn hóa, kinh tế và thể thao. Khi Việt Nam cấp visa cho người dân Trung Hoa Dân Quốc thì vẫn sử dụng từ “Taiwan” (Đài Loan), nhưng khi cấp giấy miễn thị thực cho công dân Trung Hoa Dân Quốc lấy vợ hay chồng là công dân Việt Nam hoặc con cái của họ, thì ghi “Taiwan (China)”, tức “Đài Loan (Trung Quốc)”. Điều này về mặt ngoại giao nhằm thể hiện tính kiên trì của chính phủ Việt Nam đối với chính sách Một Trung Quốc.
Ngoài ra thuật ngữ “Đài Loan, tỉnh của Trung Quốc” cũng xuất hiện tại mã quốc gia ISO 3166-1 của Tổ chức tiêu chuẩn hóa quốc tế, ấn phẩm “UN Terminology Bulletin – Tên quốc gia”, liệt kê Đài Loan là “Đài Loan, tỉnh của Trung Quốc” vì sức ép của Trung Quốc lên Liên Hợp Quốc với vai trò là một thành viên của Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc” – luật sư Trần Thành diễn giải.