Anh Khoa dịch
(VNTB) – Các hoạt động vận động chính trị đang diễn ra quyết liệt khi phe bảo thủ già cỗi và những người có khuynh hướng cải cách trẻ hơn tranh giành quyền lãnh đạo quốc gia cộng sản
DAVID HUTT 9, tháng 1 năm 2021
Với việc Đại hội toàn quốc mỗi năm năm của Đảng Cộng sản cầm quyền tại Việt Nam sẽ bắt đầu vào ngày 25 tháng 1, các nhà quan sát và phân tích thực sự do dự không muốn đưa ra những dự đoán táo bạo về đường lối lãnh đạo và chính sách trong tương lai của quốc gia độc tài này.
Suốt nhiều tuần trước Đại hội Đảng toàn quốc, Ủy ban Trung ương gồm 200 thành viên thường tranh luận kín về việc ai sẽ được đề cử vào Bộ Chính trị quyền lực nhất gồm 19 thành viên và ai sẽ nắm giữ chức tứ trụ của quốc gia do cộng sản điều hành này, một quyết định mà hơn 1.500 đại biểu tập trung tại Hà Nội trong một sự kiện sau đó để phê chuẩn theo hình thức.
Hầu hết các dự báo đều sai ở kỳ Đại hội cuối cùng vào năm 2016, khi Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng đương nhiệm đã vượt qua đối thủ khi đó là Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng, để tiếp tục nắm giữ vị trí đầy quyền lực này. Năm đó quá trình vận động chính trị kéo dài cho đến tận trong Đại hội.
Điều đó dường như cũng đúng với lần này, mọi chú ý đang đổ dồn vào việc ai sẽ thay ông Trọng làm Tổng Bí thư cũng như kiêm nhiệm chức vụ Chủ tịch nước mà ông đảm nhận khi ông Trần Đại Quang qua đời khi đương nhiệm vào năm 2018.
Theo quy định của Đảng, ông Trọng lẽ ra đã phải từ chức sau hai nhiệm kỳ và cũng vì tuổi cao. Việc ông Trọng nghỉ hưu dự kiến có thể đưa nền chính trị Việt Nam vào một quỹ đạo mới tùy thuộc vào người đứng đầu là ai.
Các chuyên gia dự đoán một cuộc chạy đua sát sao giữa người được ông Trọng nâng đỡ, ông Trần Quốc Vượng, hiện là Trưởng ban bí thư trung ương và Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, một nhà kỹ trị mà uy tín đã tăng mạnh vào năm 2020 khi chính phủ của ông đã xử lý đại dịch Covid-19 một cách đáng khen ngợi.
Một kịch bản có thể suy đoán là ông Vượng được coi là không được ưa chuộng và ông Trọng sẽ đưa Đại tướng Ngô Xuân Lịch, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng thay thế. Nhưng có những vấn đề khác ngoài vị trí đứng đầu phải được quyết định.
Chỉ trong một số trường hợp tại các kỳ Đại hội toàn quốc trước đây, mới có ngoại lệ để một quan chức trên 65 tuổi, tuổi dự kiến nghỉ hưu của các ủy viên Bộ Chính trị, được phép tiếp tục. Ví dụ, ông Trọng đã 68 tuổi tại Đại hội toàn quốc lần trước nhưng ông đã được miễn trừ.
Tuy nhiên, có những gợi ý sơ bộ rằng ông Trọng, là người đứng đầu Ủy ban Nhân sự của Đại hội, có thể đã thúc ép để đưa ra một số ngoại lệ liên quan đến tuổi trong năm nay.
Hầu hết các ủy viên Bộ Chính trị nổi bật và giàu kinh nghiệm hiện nay đều trên 65 tuổi – đó là ông Vượng (68 tuổi), ông Phúc (67 tuổi), ông Lịch (66 tuổi) và Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân (67 tuổi). Các nhà phân tích cho rằng việc ép buộc tất cả cùng nghỉ hưu có thể làm giảm đáng kể năng lực của Đảng.
Đồng thời, động thái này có thể phản ánh sự lo sợ của ông Trọng rằng nhóm các nhân vật già dặn, bảo thủ và coi trọng ý thức hệ trong Đảng hơn đang giảm đi nhanh chóng về số lượng, và một thế hệ cán bộ trẻ hơn thường nghiêng về đường lối đổi mới trong Đảng có thể thắng thế.
Thật vậy, 43% tân bí thư tỉnh ủy, nhóm chính trong Ủy ban Trung ương, dưới 50 tuổi, ông Nguyễn Khắc Giang, nghiên cứu sinh tại Đại học Victoria Wellington, cho biết trong một báo.
Ông Giang nhận xét: “Họ đại diện cho một thế hệ lớn lên trong thời đại cải cách thị trường, có xu hướng ít cứng nhắc hơn về mặt tư tưởng và cởi mở hơn với các giá trị phổ quát so với những người bảo thủ dày dạn kinh nghiệm.
“[Đảng Cộng sản Việt Nam] có thể có nguy cơ đi vào con đường suy tàn về thể chế mà Đảng Cộng sản Liên Xô đã trải qua dưới thời Leonid Brezhnev vào những năm 1970, khi độ tuổi trung bình của các ủy viên Bộ Chính trị là trên 70”.
Sự miễn trừ như vậy, nếu được chấp thuận, cũng sẽ cho phép ông Trọng giới hạn số trường hợp phải nghỉ hưu khỏi Bộ Chính trị. Đảm bảo tính liên tục của nhân sự trong cơ quan này sẽ đảm bảo tính liên tục trong chính sách của ông Trọng và các chiến dịch trong Đảng.
Đây là mâu thuẫn chính sẽ diễn ra không chỉ tại Đại hội toàn quốc năm nay mà còn trong 5 năm cho đến lần đại hội tiếp theo.
Carl Thayer, giáo sư danh dự tại Đại học New South Wales ở Úc, cho rằng hiện nay có “một khối đảng và một khối chính phủ, lần lượt do ông Vượng và ông Phúc đứng đầu”.
Khi nói vậy, ông ấy có ý nói là có sự chia rẽ về việc liệu Đảng hay khối hành pháp nên có quyền lực cao nhất về chính sách.
Tất cả các quan chức cấp cao trong chính phủ đều là đảng viên, đảng duy nhất được hoạt động hợp pháp tại nước này được cho là quyết định các chính sách trong khi chính phủ quản lý chính sách.
Với khẩu hiệu là: “Đảng lãnh đạo, nhà nước quản lý, nhân dân kiểm tra”.
Nhưng ở Việt Nam vẫn tồn tại hai hệ thống phân cấp quyền lực: Bộ máy Đảng và cơ cấu chính quyền hành pháp, được gọi là Hội đồng Bộ trưởng cho đến đầu những năm 1990.
Việc xác định chính xác cơ quan nào đưa ra các quyết định chính trị ở Việt Nam thường phức tạp do các trách nhiệm chồng chéo giữa bộ máy Đảng và chính phủ.
Trong khi đó, các bộ trưởng trong những năm gần đây đã được tự do hơn trong việc đưa ra các quyết định độc lập của mình. Về cơ bản, có một sự phân chia rõ ràng về quan điểm quản trị giữa “cán bộ đảng” và “công chức”.
Kể từ năm 2016, ông Trọng đã phát động một chiến dịch chống tham nhũng lớn nhằm cải thiện “đạo đức” ít được người ta hiểu. Số lượng đảng viên bị cắt giảm và các quy định mới được đưa ra để hướng dẫn hành động của các đảng viên. Lòng trung thành với hệ tư tưởng và quan điểm bảo thủ hơn của ông Trọng về phẩm chất chính trị đã trở thành điều tối quan trọng đối với sự sống còn chính trị của các cán bộ.
Đối với ông Trọng, điều này là cần thiết để tạo ra các “cán bộ cấp chiến lược”, một tầng lớp thanh niên ưu tú trong Đảng, những người sẽ tiếp nối di sản của ông.
Nhưng điều tương tự cũng xảy ra trong chính phủ, các bộ đã tìm cách đưa vào các thế hệ công chức trẻ, thường được giáo dục nước ngoài và có năng lực với trọng tâm chính là quản trị hiệu quả.
Theo một cách nào đó, đây là hai mặt của cùng một vấn đề. Nhưng chúng đại diện cho hai tương lai rất khác nhau cho đất nước này.
Liệu lợi ích của Đảng có tiếp tục chi phối chính sách của chính phủ? Hay lợi ích của nền quản trị tốt, như ích của người dân Việt Nam, các đối tác quốc tế và khu vực tư nhân đang bùng nổ, sẽ chi phối chính sách của Đảng?
Mặc dù chưa bao giờ thể hiện một cách công khai như vậy, có một số đảng viên do ông Trọng lãnh đạo lo ngại rằng việc theo đuổi lý tưởng kỹ trị sẽ làm suy yếu khả năng kiểm soát chính trị và xã hội của Đảng.
Nếu tính chính đáng chính trị chỉ dựa trên khả năng xử lý hợp lý đối với nền kinh tế và điều hành quốc gia một cách hiệu quả, thay vì sự tôn trọng hoặc sợ hãi vị trí bao trùm của Đảng trong xã hội, một số người lo ngại rằng điều đó sẽ làm suy yếu khả năng nắm quyền của Đảng.
Một ví dụ rõ ràng là các thành tích thực thi pháp quyền tồi tệ của Việt Nam, cho phép Đảng kiểm soát tòa án nhưng lại cản trở sự phát triển kinh tế và đầu tư nước ngoài – cả hai đều cần thiết nếu muốn nền kinh tế tiếp tục tăng trưởng với tốc độ nhanh. Việt Nam dự kiến sẽ là một trong số ít các quốc gia trên toàn thế giới có mức tăng trưởng kinh tế tích cực vào năm 2020 ở mức khoảng 2%.
Ông Börje Ljunggren, cựu Đại sứ Thụy Điển tại Việt Nam, đã viết năm ngoái rằng Đảng-Nhà nước Việt Nam “đã chọn một con đường phi chính thống để hướng tới một nền kinh tế thị trường, nhưng có thể sớm phải đối mặt với những lựa chọn khó khăn”, chủ yếu là thách thức “chọn một hướng đi cởi mở hơn Trung Quốc.”
Trên thực tế, Đảng Cộng sản Việt Nam đã chậm hơn so với Trung Quốc trong việc kiểm soát các đại gia trong khu vực tư nhân và thiết lập quyền lực của Đảng trong khu vực này, tạo ra sự tự do tương đối cho các nhà lãnh đạo doanh nghiệp của Việt Nam nhưng lại hạn chế ảnh hưởng của họ đối với chính sách của chính phủ.
“Ông Phúc là điểm tập hợp rõ ràng của các trùm kinh doanh và những người khác nhằm hạn chế ảnh hưởng của Đảng đối với các chính sách kinh tế và xã hội,” ông David Brown, cựu quan chức ngoại giao Hoa Kỳ có chuyên môn về Việt Nam, viết vào năm ngoái.
Thủ tướng Phúc không phải là người theo chủ nghĩa tự do hay dân chủ, nhưng ông ấy đại diện cho phe kỹ trị của Đảng đã giành được tính chính danh với dân chúng qua việc giải quyết các vấn đề liên quan đến sinh kế của người dân và đặc biệt là việc xử lý đại dịch, trong đó Việt Nam đã phản ứng với sự cởi mở và minh bạch hiếm có.
Ông Phúc đã là gương mặt đại diện cho phản ứng chống đại dịch, trong khi Tổng Bí Thư Đảng, ông Trọng, hiếm khi xuất hiện trước công chúng trong năm nay, có lẽ là do sức khỏe của ông không được tốt sau khi bị đột quỵ vào năm ngoái.
“Khi nhiệm kỳ của ông Trọng sắp kết thúc, quyền lực của ông Trọng đã suy giảm cùng với sức khỏe của chính ông. Một blogger Việt Nam có ảnh hưởng đã viết vào tháng 10.
Mặt khác, ông Phúc là hiện thân rõ ràng của cánh kỹ trị của Đảng Cộng sản: Ông đã được cất nhắc lên từ vị trí một quan chức cấp tỉnh nhỏ ở miền Trung Việt Nam để trở thành Phó Chủ nhiệm thường trực Văn phòng Chính phủ của Thủ tướng Dũng vào năm 2006 trước khi lên làm Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ.
Mặt khác, ông Trọng và người được ông bảo trợ là ông Vượng, hầu như chỉ thăng tiến thông qua bộ máy Đảng. Quả thật, ông Vượng chưa bao giờ giữ một chức vụ trong chính quyền, ngược lại ông Phúc chưa bao giờ giữ chức vụ lớn trong bộ máy Đảng. Vẫn chưa ai đoán được ai trong số hai người này sẽ đứng đầu tại Đại hội sắp tới.
Nguồn: Asia Times