Khánh An dịch
(VNTB) – Các quyết định bảo thủ và một ban lãnh đạo già cỗi không phải là điềm tốt.
Huong Le Thu
Khi các chế độ chuyên quyền già đi, đó là lúc họ phải lựa chọn giữa cải cách và đàn áp. Đây không phải là một quyết định duy nhất mà là một loạt các mấu chốt. Một trong những mấu chốt đó ở Việt Nam là Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ VI năm 1986, khi nước cộng sản theo đường lối cứng rắn trước đây áp dụng công cuộc Đổi mới cho phép Việt Nam thích nghi với thế giới hậu Xô Viết, chuyển đổi nền kinh tế kế hoạch hóa tập trung sang một “nền kinh tế thị trường với định hướng xã hội chủ nghĩa.”
Đổi mới đã giúp nhiều người Việt Nam thoát nghèo, hội nhập vào nền kinh tế toàn cầu và nâng cao vị thế quốc gia. Có thể cho rằng, tình hình hiện tại đã tạo ra một bước ngoặt khác ngay trước thềm Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ 13 vào cuối tháng Giêng. Nhưng kết quả ban đầu của Đại hội cho thấy củng cố quyền lực của đảng đã được ưu tiên cao hơn là cải cách.
Cuộc họp được lên kế hoạch công phu, kéo dài hàng tuần, được tổ chức 5 năm một lần, tập hợp các đại diện cấp cao nhất của đảng để đưa ra các kế hoạch chính sách và vai trò lãnh đạo chủ chốt. Đại hội kết thúc trước một ngày so với kế hoạch vào ngày 1 tháng 2 vì sự xuất hiện đột ngột của trường hợp COVID-19 mới sau nhiều tháng không có lây lan cộng đồng — và, theo các báo cáo chính thức, nhờ “đồng thuận và đoàn kết ở mức độ cao”.
Các cuộc họp như thế này ở một quốc gia độc đảng chẳng gây ngạc nhiên cho công dân — thay vào đó là sự xác nhận về những gì đã được thống nhất thông qua đối với những tranh cãi chính trị trong thời gian trước hội nghị toàn thể. Nhưng tình huống này chưa từng có tiền lệ.
Đầu tiên, với một nửa Bộ Chính trị – cơ quan hoạch định chính sách cao cấp nhất – hơn 65 tuổi và sắp nghỉ hưu, đây là cơ hội hiếm có để trẻ hoá đội ngũ. Nhưng thay vào đó, Bộ chính trị mới được bầu, hiện nay với 18 thành viên, có độ tuổi trung bình là 63 – một lứa tuổi mới của các thành viên lão thành, hầu hết trong số họ, theo quy định của đảng, sẽ phải tự nghỉ hưu thay vì tìm cách tái đắc cử.
Với dân số Việt Nam trẻ như thế nào, mặc dù cầ phải có thâm niên và kinh nghiệm cho các vị trí hàng đầu, điều đó cho thấy rằng sự thay đổi thế hệ trong nước không bao giờ phản ánh trong ban lãnh đạo quốc gia. Hai ngoại lệ về giới hạn tuổi đã được đưa ra, cho phép Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng (76 tuổi) và Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc (66 tuổi) tiếp tục tại vị.
Ông Trọng tiếp tục duy trì quyền lực cao nhất trong đảng nhiệm kỳ thứ ba, dường như không có người kế nhiệm an toàn mặc dù gặp các vấn đề sức khỏe trước đây. Ông Trọng sẽ là tổng bí thư tại vị lâu nhất kể từ khi Lê Duẩn qua đời năm 1986.
Nhưng một phần khác của thời điểm quan trọng này là những điều kiện do đại dịch toàn cầu tạo ra. Việt Nam là một trong những quốc gia có phản ứng hiệu quả đối với đại dịch do sớm nhận ra mối nguy hiểm nghiêm trọng mà đại gây ra. Ông Phúc, cùng những người khác, cũng nhận ra tác động của đại dịch đối với cán cân quyền lực toàn cầu và khả năng cạnh tranh kinh tế.
Chiến lược đại dịch được xác định của Việt Nam là nhằm đảm bảo kinh tế sớm phục hồi. Trong thời điểm chuỗi cung ứng toàn cầu thay đổi và Hoa Kỳ và Trung Quốc tách rời nhau, Việt Nam – với vị trí địa lý, trình độ kinh tế, các chính sách thương mại và đầu tư thuận lợi, lực lượng lao động có tay nghề và sự ổn định chính trị – có thể lợi thế. Ông Phúc và các nhà kỹ nghệ khác đã thúc đẩy hiện đại hóa nền kinh tế Việt Nam, dấn thân vào Cách mạng công nghiệp lần thứ tư và bắt kịp xu hướng số hóa toàn cầu. Ông Phúc và Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam được coi là những người đi đầu trong ứng phó với COVID-19 và do đó đã được người dân vô cùng được ưa thích.
Nhưng với sự thất vọng của nhiều người, ông Đam đã không được bầu vào Bộ Chính trị trong khi ông Phúc, nếu được xác nhận là chủ tịch nhà nước, sẽ chuyển từ vị trí hành pháp sang vai trò nghi lễ trên thực tế. Cả ông Đam và ông Phúc đã ngay lập tức quay trở lại lại trách nhiệm ứng phó khẩn cấp COVID-19 để ngăn chặn đợt dịch trước dịp lễ lớn nhất: Tết Nguyên đán. Trong khi đó, nữ lãnh đạo duy nhất ở một trong tứ trụ, bà Nguyễn Thị Kim Ngân – Chủ tịch Quốc hội, được cho là sẽ do ông Vương Đình Huệ thay thế. Phạm Minh Chính, Trưởng Ban Tổ chức Trung ương, được cho là sẽ tiếp quản vị trí cũ của ông Phúc – vi phạm quy ước vì chưa từng là Phó Thủ tướng.
Các cuộc bổ nhiệm sắp tới cũng cho thấy một xu hướng lớn hơn về việc nhập nhoà chức năng đảng với các chức năng của nhà nước. Trong giới lãnh đạo Việt Nam, mặc dù tất cả các quan chức phải là Đảng viên, nhưng có hai trung tâm quyền lực đặc biệt: bản thân bộ máy đảng và quyền hành pháp của nhà nước. Một khẩu hiệu nêu rõ: “Đảng lãnh đạo, nhà nước thực hiện và nhân dân làm chủ”. Nhưng tất cả các dấu hiệu cho thấy đảng này đang đóng vai trò mạnh mẽ trong việc thực thi chính sách. Ông Trọng đã tuyên bố rằng chiến dịch chống tham nhũng – bắt đầu sau khi nhiệm kỳ thứ hai và từng lật đổ đối thủ cũ cựu Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng, trong Đại hội Đảng toàn quốc 2016 – sẽ tiếp tục bùng cháy và sử dụng như một cuộc đấu tranh phe phái khốc liệt.
Tại Việt Nam, nhận thức về tụt hậu so với các nền kinh tế châu Á khác là điều bất an hàng đầu và trên thực tế, đã thúc đẩy các chính sách phát triển tại quốc gia này. Điều này xuất phát từ nhiều thập kỷ chiến tranh đã tước đi sự phát triển của đất nước và làm kiệt quệ về kinh tế. Thời kỳ sau Đổi mới bắt kịp mức độ nào đó ngang bằng với các nước láng giềng Đông Nam Á.
Đại dịch đã mang lại cho Việt Nam cơ hội dẫn đầu trong phục hồi kinh tế, nhưng điều đó đòi hỏi sự lãnh đạo có thể khai thác tiềm năng của lực lượng dân số trẻ và đổi mới. Một chính phủ trì trệ sẽ khó nắm bắt thời điểm này – hoặc đối mặt với những thách thức của một Trung Quốc cứng rắn và một Hoa Kỳ khắt khe hơn.
Nguồn: Foreign Policy