Trần Dzạ Dzũng
(VNTB) – “Một hệ thống thương mại dựa trên luật lệ sẽ góp phần đảm bảo quyền con người trong chuỗi giá trị”, là một nhận định được đưa ra của Viện Friedrich-Ebert-Stiftung (FES), một tổ chức có văn phòng đặt tại Việt Nam.
Theo FES, các nguyên tắc hướng dẫn của Liên hiệp Quốc về kinh doanh và nhân quyền, gọi tắt là UNGP, cụ thể hóa khuôn khổ của Liên hiệp Quốc về “Bảo vệ, Tôn trọng và Khắc phục”, là một khuôn khổ toàn diện về quyền con người trong kinh doanh. Các nguyên tắc này bổ trợ cho Chương Thương mại và Phát triển bền vững của EVFTA. Tuy nhiên theo nhận định của FES, thì UNGP vẫn chưa được nhận thức và thực thi một cách cần thiết cả ở cấp chính sách cũng như thực tiễn tại Việt Nam.
Để tiến tới việc ký kết EVFTA, vẫn theo nhận xét của FES, “EU cần phải tôn trọng Hiến chương về các Quyền Cơ bản của mình. Điều 21 của Hiệp ước Liên minh Châu Âu bắt buộc EU phải xây dựng và theo đuổi các chính sách và hành động nhằm củng cố và hỗ trợ pháp quyền và quyền con người trong quan hệ đối ngoại của mình” – Trích một tài liệu ở hội nghị triển khai dự án của FES về kinh doanh và quyền con người trong quan hệ thương mại và chuỗi giá trị tại Việt Nam.
“Đảm bảo quyền con người trong chuỗi giá trị” cũng từng được phía Bộ Kế hoạch và Đầu tư của Việt Nam đặt ra qua những lần thực hiện việc cải cách luật lệ về làm ăn cho doanh nghiệp – mà nói như lời của ông Nguyễn Đình Cung (cựu Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương, Bộ Kế hoạch và Đầu tư), là cần “trả lại quyền tự do kinh doanh cho người dân”.
Theo lời ông Nguyễn Đình Cung, Luật Doanh nghiệp 1999 đã làm thay đổi căn bản triết lý và khung tư duy về kinh doanh ở Việt Nam. Đó là trả quyền kinh doanh cho người dân, bỏ chế độ “làm gì cũng phải xin phép”. Hàng ngàn giấy phép không tên, có tên mà vô lý đã được bãi bỏ suốt 20 năm qua và tiếp tục được bãi bỏ.
Trước đó, nguyên tắc “ai kinh doanh thì phải xin phép” và “có phép mới được quyền kinh doanh”. “Phép” ở đây không chỉ là giấy phép mà có thể là bút phê của một công chức nhà nước của một cơ quan có thẩm quyền nào đó. Có 4 tiêu chí để đo các ngyên tắc này. Đó là, tự do kinh doanh, tăng quyền tự do kinh doanh và bảo đảm, bảo vệ được quyền tự do kinh doanh; giảm chi phí tuân thủ đối với doanh nghiệp; an toàn trong kinh doanh, tăng mức độ an toàn, quyền và tài sản trong kinh doanh được luật pháp bảo vệ; giảm, thu hẹp và loại bỏ rủi ro từ chính sách, thể chế và thực thi luật pháp.
“Tổ công tác thi hành Luật Doanh nghiệp 1999 đã khới xướng cuộc chiến này bằng việc đề xuất và được Thủ tướng Phan Văn Khải chấp thuận bỏ 84 giấy phép con vào ngày 3/2/2000. Nhưng công việc chỉ thuận lợi trong 2 năm đầu, trước khi các bộ, ngành được giao chủ động đề xuất cắt giảm…”. Ông Nguyễn Đình Cung cho hay, và ngậm ngùi nói rằng dù các Tổ công tác sau này cho cả Luật Doanh nghiệp và Luật Đầu tư năm 2014 đã cắt giảm vài ngàn điều kiện kinh doanh, nhưng không thể đủ sức, đủ lực đương đầu với nạn giấy phép con và các rào cản mới mọc ra trong môi trường kinh doanh.
Và cũng như nghi ngờ của nhà báo Phạm Chí Dũng (Hội Nhà báo độc lập Việt Nam) lúc ông còn được tự do, vấn đề nhân quyền liệu có được đảm bảo bằng các ràng buộc chặt chẽ về thực thi trong chuỗi giá trị thương mại khi EVFTA được ký kết?
Bản thân ông Nguyễn Đình Cung cũng chia sẻ nghi ngại vì, “hiện nay còn vô vàn ách tắc do sự chồng chéo, không rõ ràng trong 10 luật liên quan đến đầu tư, xây dựng, đất đai, nhà ở, môi trường… nếu không được gỡ những nút thắt này thì không thể trả lời được câu hỏi năng lực sản xuất mới cho nền kinh tế những năm tới đây thế nào?”.
Dường như dành mọi tập trung vào đại dịch virus Vũ Hán / Corona, đã khiến cả Châu Âu và cộng đồng các tổ chức xã hội dân sự ở Việt Nam lơ là câu chuyện mang tính dài lâu về các quyền con người tại Việt Nam.