Việt Nam Thời Báo

VNTB – Hiệp định thương mại tự do EU – Nhân Quyền là một điều kiện 

Phạm My lược dịch

 

(VNTB) – Tình hình nhân quyền đã trở nên tồi tệ hơn kể từ khi hiệp định thương mại tự do được ký kết. Các nhà hoạt động chính trị đã bị bắt trên quy mô lớn. Các giá trị quyền cơ bản bị hạn chế và đối lại, Liên Minh Châu Âu đã không phản ứng và không làm gì cả.

 

Các hiệp định thương mại tự do mà EU ký kết với các quốc gia khác không chỉ bao gồm việc lưu thông hàng hóa được miễn thuế hải quan, mà còn chứa đựng các tiêu chuẩn xã hội và môi trường sinh thái. Hiệp định thương mại EU-Việt Nam có hiệu lực từ năm ngoái. Thương mại đang phát triển mạnh mẽ, nhưng liệu con người và môi trường có được hưởng lợi gì từ đó không?

Việt Nam được xem là thành công về kinh tế. Chỉ có Trung Quốc đã đạt được mức tăng trưởng nhiều hơn Việt Nam kể từ thập niên 1990.

Việt Nam cũng là một trong những nước cộng sản cuối cùng do một đảng duy nhất thống trị. Theo hiến pháp, công dân được hưởng các quyền cơ bản như tự do báo chí, tự do hội họp. Nhưng trên thực tế, các quyền cơ bản đang ở một vị trí tồi tệ: Tổ chức tư vấn Freedom House của Mỹ coi Việt Nam là một trong những nước kém tự do nhất. Về chỉ số tự do báo chí, tổ chức phi chính phủ Phóng Viên Không Biên Giới xếp Việt Nam đứng thứ 175 trong số 180 quốc gia. 

Việt Nam là một thử nghiệm

Thương mại có nên được gắn liền với các quyền cơ bản cho con người và môi trường không? Đây chính xác là những gì Liên Minh Châu Âu đã làm từ năm 2014 khi họ bổ sung các điều khoản đặc biệt về phát triển bền vững vào các hiệp định thương mại tự do mới. Điều này áp dụng cho các hiệp định với Ecuador, Mexico, Hàn Quốc và Việt Nam, đối tác thương mại quan trọng thứ hai của EU ở Đông Nam Á sau Singapore. Vì sự chênh lệch lớn lao giữa phát triển kinh tế và tình hình nhân quyền ở Việt Nam, Việt Nam là một thử nghiệm quan trọng đối với nỗ lực của EU trong việc tác động đến quốc gia đối tác thương mại bằng cách nới rộng chính sách thương mại, bao gồm thêm các khía cạnh bảo vệ môi trường, khí hậu, nhân quyền và điều kiện làm việc.

“Vì vậy, điểm mấu chốt là chúng tôi muốn mang lại những thay đổi về xã hội và chính trị ở quốc gia đối tác thông qua công cụ của các hiệp định thương mại”, bà Evita Schmieg tuyên bố. Bà đã làm việc nhiều thập niên trong lĩnh vực chính sách thương mại cho Ủy ban EU và Bộ Hợp Tác Kinh Tế Liên Bang (Đức). Gần đây nhất, bà đã thực hiện nghiên cứu về chủ đề này tại Quỹ Khoa Học và Chính Trị.

„Chúng tôi nói và viết những điều kiện này trong hiệp định: Quốc gia đối tác phải thay đổi luật của mình và phải áp dụng luật. Sau đó, các quy định thích hợp phải được ban hành nếu chưa có, ví dụ như thanh tra lao động, khi muốn thực hiện kiểm tra ở các công ty“, bà Schmieg nói.

Hiệp định thương mại làm cho toàn cầu hóa trở nên khả thi

Sau Đệ Nhị Thế Chiến các quốc gia ký kết các hiệp định thương mại tự do đa phương và song phương ngày càng nhiều, nhằm tạo thuận lợi cho thương mại.

Với các hiệp định thương mại này, các chính phủ đã có thể thực hiện được toàn cầu hóa kinh tế một cách rộng rãi. Đây là điểm nhấn đặc trưng cho thời đại của chúng ta.

Ngoài ra, cộng đồng quốc tế đã thiết lập các tiêu chuẩn, ví dụ trong lĩnh vực làm việc với các tiêu chuẩn chủ yếu về lao động của Tổ chức Lao động Quốc tế (ILO).

Trước đây những yêu cầu này không đóng vai trò nào trong các hiệp định thương mại. Vậy điều đó đã thay đổi lúc nào?

Bà Evita Schmieg nói:.„Cuộc tranh luận quốc tế thực sự đã có từ năm 1998, khi EU và Hoa Kỳ cố gắng đưa vấn đề tiêu chuẩn lao động vào Tổ chức Thương mại Thế giới. EU và Hoa Kỳ muốn đưa chủ đề này vào ngay trước khi khởi động một vòng điều đình thương mại mới. Dự định đó đã thất bại do sự chống đối của các nước đang phát triển“. Bởi vì lương rẻ là một lợi thế cạnh tranh chủ chốt của các nước đang phát triển nên họ không muốn từ bỏ nó. Cho đến ngày nay, vẫn có sự căng thẳng giữa phát triển kinh tế và bảo đảm bảo vệ môi trường và nhân quyền. 

Nhà kinh tế học Gabriel Felbermayr của Viện Kinh Tế Thế Giới ở Kiel nói: „Châu Âu chúng ta có quyền can thiệp ở đâu và chủ nghĩa bảo hộ bắt đầu từ đâu? Bởi vì người ta thích nói là muốn bảo vệ người lao động ở các nước đang phát triển. Nhưng các nước đang phát triển nói rằng, Âu châu không bảo vệ người lao động của chúng tôi, bởi vì họ có thể trở nên thất nghiệp do các tiêu chuẩn khắt khe hơn, mà thật ra Âu châu đang bảo vệ người lao động của chính mình, và thế là đột nhiên chúng ta có những yếu tố của chủ nghĩa bảo hộ trong các hiệp định thương mại tự do này”.

Evita Schmieg cho biết: “Tất nhiên đã có thỏa thuận quốc tế về các mục tiêu bền vững quốc tế từ năm 2015”.Trong đó bao gồm 17 mục tiêu mà Liên Hiệp Quốc muốn đạt được cho tới năm 2030: chẳng hạn như chấm dứt nghèo đói và đảm bảo tiếp cận nước uống…

Tỷ lệ hộ nghèo giảm nhiều

Việt Nam được hưởng lợi rất nhiều từ thương mại toàn cầu. Vào đầu những năm 1980, Việt Nam là một trong những nước nghèo nhất trên thế giới.

Đối mặt với nguy cơ nạn đói, vào năm 1986 nhà nước Cộng Sản chuyển hướng, áp dụng nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa với tên gọi là Đổi-Mới. Từ đó, tỷ lệ hộ nghèo giảm đáng kể. Bất chấp đại dịch, nền kinh tế vẫn tăng trưởng vào năm 2020 và các chuyên gia cũng chờ đợi một mức tăng trưởng rõ ràng vào năm 2021.

Nhà kinh tế Gabriel Felbermayr nói: “Việt Nam chắc chắn hiện có khả năng thương lượng rất cao. Bởi vì để thay thế cho Trung Quốc, EU và Hoa Kỳ phụ thuộc vào các lựa chọn khác đang hình thành ở châu Á. Việt Nam đang thực hiện vai trò địa chiến lược này rất khôn khéo”.

Tranh chấp lãnh thổ với Trung Quốc

Là quốc gia mạnh vào hạng trung bình, Việt Nam rất quan tâm về mặt chính trị và kinh tế trong mối quan hệ tốt đẹp với Hoa Kỳ và EU, bởi vì mối quan hệ với nước láng giềng hùng mạnh Trung Quốc rất mâu thuẫn. Một mặt, cả hai nước đều có mối liên hệ chặt chẽ về kinh tế, mặt khác có xung đột lãnh thổ trên Biển Đông.

Ngoài ra, EU, với thị trường nội bộ lớn nhất thế giới, cũng là điểm hấp dẫn đối với Việt Nam. Hiệp định thương mại tự do giữa EU và Việt Nam có hiệu lực từ tháng 8 năm ngoái: 65% hàng hóa xuất khẩu của EU sang Việt Nam và 71% hàng hóa nhập khẩu của EU từ Việt Nam được miễn thuế quan kể từ đó. Trong vài năm tới, thậm chí 99% thuế quan sẽ được xóa bỏ. Theo hiệp định này, cùng với những hiệp định khác, Việt Nam đã cam kết tiến hành, phê chuẩn và thực hiện 8 công ước cơ bản của ILO, ví dụ như chống lại lao động trẻ em và cho phép thương lượng tập thể.

Chuyên gia thương mại Evita Schmieg giải thích: “Ở Việt Nam, trên thực tế có thể nói rằng hiệp định đã dẫn đến cải thiện việc thực hiện các công ước của ILO. Ngay khi hiệp định chuẩn bị được phê chuẩn, Việt Nam đã phê chuẩn Công ước số 98 về thương lượng tập thể và sửa đổi luật lao động. Các bước tiếp theo được lên kế hoạch để cuối cùng đáp ứng được các yêu cầu của hiệp định”. 

Như vậy, hiệp định thương mại tự do với Việt Nam là một ví dụ điển hình về nỗ lực của EU trong việc tác động đến tình hình nhân quyền hoặc điều kiện lao động. Nhưng hiệu quả của những thỏa thuận như vậy ra sao?

Ở Việt Nam chỉ có một công đoàn hợp pháp duy nhất. Công đoàn đó lệ thuộc đảng Cộng Sản cầm quyền và các chủ doanh nghiệp. Các nghiệp đoàn độc lập đã bị cấm.

Nghiệp đoàn xí nghiệp phải được phép thành lập

Tuy nhiên, gần đây chính phủ đã cho phép người lao động quyền tham dự vào các quyết định ở cấp xí nghiệp (chương 5, Luật Lao Động 2019:đối thoại tại nơi làm việc,thương lượng tập thể,thỏa ước lao động tập thể, chú thích của người dịch). Gọi là nghiệp đoàn xí nghiệp nhưng thật ra chỉ có thể so sánh với các hội đồng đại diện người lao động ở cơ sở (Betriebsrat). Ông Bernd Lange, Nghị sĩ Đảng Xã Hội (SPD) và Chủ tịch Ủy Ban Thương Mại tại Nghị Viện EU, coi đây là một bước tiến bộ.

Ông nói: “Trước hết, đó là các quyền cơ bản để thương lượng tập thể, để có quyền liên kết trong một nghiệp đoàn hay trong một cơ sở tham gia thương lượng về các điều kiện làm việc và tất nhiên là về tiền lương, ví dụ như ở hãng Samsung, một trong những nhà sản xuất điện tử lớn nhất và nhà xuất khẩu lớn nhất Việt Nam, nơi các điều kiện làm việc rất tệ. Và đó thực sự là một bước tiến lớn. Tất nhiên Công Đoàn duy nhất  của nhà nước không thấy điều đó là tốt“.

Nhưng quyền tham dự vào quyết định ở xí nghiệp có thể có tác dụng gì nếu các tổ chức không thể liên hợp với nhau?

Ông Frank Zach của Liên Đoàn Lao Động DGB (Đức) nói: “Những nguyên tắc dân chủ cụ thể là khi bạn xây dựng một tổ chức đàng hoàng, nó bắt đầu từ dưới từ từ đi lên, cũng như mọi ý kiến nên được hình thành từ dưới lên. Đó là lý do tại sao bố trí điều kiện làm việc trong xí nghiệp luôn đóng một vai trò quan trọng. Nhưng nếu bạn đọc kỹ công ước của Tổ Chức Lao Động Quốc Tế, bạn sẽ thấy rằng tự do hiệp hội cũng có nghĩa là bạn có thể cùng nhau thành lập các tổ chức ngành hoặc liên đoàn hoặc liên minh. Theo tôi đương nhiên phải là vậy“.

Tuy nhiên vẫn chưa có kế hoạch cho các tổ chức nghiệp đoàn tự do cấp quốc gia ở Việt Nam. Nhiều câu hỏi quan trọng vẫn còn bỏ ngỏ đối với các nghiệp đoàn xí nghiệp: Họ sẽ được cung cấp tài chính như thế nào? Họ sẽ có thể đóng vai trò gì trong các cuộc đàm phán tiền lương? Và nhà nước sẽ hành xử như thế nào đối với những người đại diện người lao động tự do? 

Rốt cuộc các nhà chức trách vẫn tiếp tục đàn áp các tác nhân độc lập.

Chương „phát triển bền vững“ không hiệu lực 

Chính Trị Gia Đảng Xanh đồng thời cũng là Nghị Sĩ Liên Minh Châu Âu Anna Cavazzini nói: “Tình hình nhân quyền đã trở nên tồi tệ hơn kể từ khi hiệp định thương mại tự do được ký kết. Các nhà hoạt động chính trị đã bị bắt trên quy mô lớn. Các giá trị quyền cơ bản bị hạn chế và đối lại, Liên Minh Châu Âu đã không phản ứng và không làm gì cả. Đối với tôi, đó thực sự là một dấu hiệu cho thấy các điều khoản về phát triển bền vững không hiệu lực và các yêu cầu trong các hiệp định thương mại này không mang lại nhiều kết quả“.

Bởi vì, câu hỏi đặt ra là, làm thế nào kiểm soát được các tiêu chuẩn này, vốn đã được thỏa thuận trong hiệp định thương mại tự do. Thông thường có các thủ tục giải quyết tranh chấp và cơ chế xử phạt cho việc này. Phần lớn cách thức hoạt động của các ban trọng tài thường xuyên bị chỉ trích trong các hiệp định thương mại tự do khác của EU. Tuy nhiên không thể chối cãi hiệu quả của chúng. Nhưng các cơ chế này lại không áp dụng cho các điều khoản „phát triển bền vững“ của các hiệp định thương mại tự do của EU.

Có một quy trình riêng cho việc này, nhưng các nhà phê bình cho rằng nó yếu hơn nhiều:Cái mệnh danh là  „Nhóm tư vấn trong nước“ (Domestic Advisory Groups) – các nhóm cố vấn nội bộ- thường xuyên kiểm tra việc tuân thủ các quy định về tính bền vững.

Nghị Sĩ Liên Minh Châu Âu Bernd Lange nói: “Ở Việt Nam, điều rất quan trọng là các xã hội dân sự thông qua các Nhóm cố vấn nội bộ đương nhiên phải được tham gia vào quy trình này. Đây là lần đầu tiên chúng tôi thấy được chấp nhận tổ chức xã hội dân sự và cũng là chuyện khởi đầu các tổ chức tự lập“

Tuy nhiên theo các chuyên gia tại chỗ, dưới chế độ cộng sản ở Việt Nam các tổ chức xã hội dân sự độc lập thậm chí có thể bị nguy hiểm nếu ra mặt công khai.

Sự vắng mặt của Phong Trào Độc Lập 

Nhà chính trị Anna Cavazzini nghi ngờ: “Tôi không tin rằng chính phủ Việt Nam sẽ cho phép các tổ chức độc lập phi chính phủ tham gia vào các diễn đàn đối thoại này. Phần lớn xã hội dân sự ở Việt Nam do chính phủ kiểm soát. Không có phong trào nào độc lập thực sự, hoặc nếu có, cũng sẽ không bao giờ được chính phủ chính thức cho tham gia“.

Trong các trường hợp có tranh cãi, một hội đồng chuyên gia độc lập có thể được thành lập để điều tra sự việc và đưa ra một báo cáo để các đối tác thương mại xem xét. Sau đó hội đồng đưa ra quyết định cuối cùng. Bên bị tố cáo phải báo cáo trong một khoảng thời gian nhất định về mức độ khắc phục các khiếu nại. Tuy nhiên không có cơ chế xử phạt.

Đảng Viên Dân chủ Xã hội Bernd Lange cũng chỉ trích điều này: “Nếu quyết định của hội đồng chuyên gia không được chấp nhận, thì chúng ta phải có thể đưa ra các biện pháp trừng phạt, đặc biệt là bồi thường cho những vi phạm có thể xảy ra. Ủy ban Liên minh Âu châu (EU-Kommission) đã từ chối chuyện trừng phạt trong một thời gian dài, trước khi Anh Quốc rời bỏ Liên minh Âu châu (Brexit).

“Ủy ban đã nêu nguyên tắc trừng phạt này lần đầu tiên trong hiệp định ký với Vương Quốc Anh“, Lange giải thích. Nếu Anh Quốc hạ thấp các tiêu chuẩn về môi trường hoặc xã hội, EU có thể tăng thuế quan hoặc áp đặt các biện pháp trừng phạt thương mại khác để buộc Anh Quốc suy nghĩ lại.

Đây có thể là một mẫu mực cho các hợp đồng thương mại khác không?

Chính trị gia Đảng Xanh Anna Cavazzini nói: “Vì áp lực ngày càng gia tăng, Ủy ban EU đã hứa rằng họ sẽ kiểm tra trong năm nay để mục tiêu „phát triển bền vững“ có các đòi hỏi trừng phạt hiệu quả sẽ thành hiện thực”.

Hoa Kỳ có cơ chế xử phạt cứng rắn

Hoa Kỳ và Canada cũng kết hợp hiệp định thương mại tự do với các yêu cầu tuân thủ các tiêu chuẩn xã hội và sinh thái nhất định. Hoa Kỳ cũng có một cơ chế trừng phạt cứng rắn đối với việc này, chẳng hạn như rút lại chuyện giảm thuế quan. Canada bị đe dọa với các hình phạt tài chính nếu vi phạm. Các nước đối tác sau đó sẽ không phải trả bất kỳ khoản tiền nào cho Canada, mà giữ một khoản tiền tương ứng trong ngân sách của họ cho lĩnh vực chính trị liên quan.

Evita Schmieg cho rằng điều này có tính cách đột phá: “Việc này cần thảo luận trước quốc hội. Lĩnh vực này cần được cung cấp nhiều tiền hơn, nó cho chúng ta nhận định rõ những vấn đề đang có. Vì vậy, dưới khía cạnh thảo luận nội địa, thay đổi xã hội, tôi tin rằng công cụ này có lẽ thích hợp hơn để đạt được điều đó“. 

Nhưng điều đó sẽ có giá trị gì ở một đất nước độc đảng như Việt Nam?

Điều quan trọng là phải lưu ý đến hậu quả của các hiệp định thương mại cho con người và môi trường trong các quốc gia đối tác của EU.

Chúng ta sẽ được gì khi buộc tuân thủ các tiêu chuẩn khi mà việc buôn bán ngày càng phát triển, vi phạm nhân quyền và môi trường lại càng gia tăng?

Michael Windfuhr, Phó Giám Đốc Viện Nhân Quyền Đức, phát biểu:“Ví dụ bởi vì người bản địa trong rừng nhiệt đới đang bị xua đuổi, ví dụ bởi vì người tiểu nông ở Châu Phi bị ngộp trong các sản phẩm nông nghiệp dư thừa của Châu Âu và do đó mất thu nhập, nên cần phải có phương cách giải quyết. Thế nhưng điều này không có trong các hiệp định môi trường và thương mại”. 

Vì thế điều quan trọng là phải đưa một số cơ chế khẩn cấp vào các thỏa thuận.

“Khi thấy có vấn đề, các quốc gia phải có quyền nói dừng lại để kiểm tra“, Windfuhr nói.

Các nước đang phát triển muốn có cơ chế khẩn cấp

Đối với Michael Windfuhr, cơ chế đó cũng sẽ là tiền đề quan trọng để Tổ Chức Thương Mại Thế Giới (WTO) giành lại ảnh hưởng. WTO thực sự đã đặt ra các quy tắc cho tất cả thương mại thế giới. Mọi quốc gia phải đồng ý với điều này. Nhưng vì điều này đã không thành công, nên các quốc gia hoặc nhóm quốc gia như EU đang ký kết càng ngày càng nhiều các thỏa thuận song phương. Sự hạn chế của WTO có một lý do quan trọng là các nước đang phát triển muốn có các cơ chế khẩn cấp. Điều đó cũng dễ hiểu, Michael Windfuhr nói: Nếu không sẽ có điều nguy hiểm quá lớn là việc mở rộng buôn bán thông qua hiệp định thương mại sẽ tạo ra các vấn đề nghiêm trọng về xã hội và môi trường sinh thái. Ví dụ như nhiều rừng nguyên sinh sẽ bị phá để trồng đậu nành hoặc các hộ sản xuất nhỏ sẽ bị đẩy ra để lấy chỗ cho các trang trại lớn. 

Ông Windfuhr nói: “Chúng ta chỉ mới bắt đầu thực sự học hỏi hệ thống nhạy cảm này. Trên thực tế các điều khoản hiện có về tính bền vững chỉ là một khía cạnh nhỏ, rất nhỏ và không đầy đủ của nó “. 

Chuyên gia thương mại Evita Schmieg cũng cảnh báo không nên kỳ vọng quá cao vào các tiêu chuẩn về môi trường và nhân quyền trong các hiệp định thương mại: “Về nguyên tắc, các hiệp định thương mại đặt ra các quy tắc thương mại. Nhưng chúng ta muốn những thứ khác và chúng ta sử dụng các thỏa thuận như công cụ hỗ trợ. Vấn đề cơ bản không phải vì ngoại thương và các hiệp định ngoại thương là xấu, mà là ngoại thương không bền vững vì sản xuất và tiêu dùng không bền vững”. 

Thương mại thay đổi thông qua sự tự do hóa

Ngày nay, hơn 70 % hoạt động thương mại được thực hiện dọc theo chuỗi cung ứng do nhiều công ty, với nhiều sản phẩm sơ chế và sản phẩm trung chế.

Nghị Sĩ Liên Minh Châu Âu Bernd Lange nói: “Vì vậy, một chiếc điện thoại thông minh với tất cả các phụ kiện tiền chế đã du hành khoảng 32.000 cây số, và tất nhiên vượt qua 100 biên giới. Và điều này cho thấy rằng, chỉ với một thỏa thuận song phương duy nhất, chuỗi cung ứng này không thể được diễn tả đầy đủ.”

“Vì vậy, các hiệp định thương mại với các phần về nhân quyền và môi trường được sửa đổi khôn khéo kết hợp với một bộ luật về chuỗi cung ứng có thể thực sự giúp ích nhiều hơn cho thương mại thế giới thay vì phải đặt thêm nhiều quy tắc hơn, đặc biệt là sau khi nó đã phát triển lên rất nhiều như một kết quả của toàn cầu hóa mà chính sách thương mại mong muốn”, Windfuhr nói. 

Nhưng thật ngây thơ khi tin rằng EU có thể đạt được điều này với tất cả các đối tác thương mại. Việt Nam có thể nhân nhượng đôi chút qua sự thúc giục của EU, nhưng với Trung Quốc thì sẽ rất khác. Với cường quốc này, EU đã thương lượng một hiệp định đầu tư mà Quốc hội EU vẫn chưa thông qua. Trong hiệp định này, EU cũng đang trông cậy vào một điều khoản về sự bền vững.

Nguồn: Caspar Dohmen, Đài phát thanh Đức Quốc (Deutschland Funk)–16. April 2021 

https://www.deutschlandfunk.de/eu-freihandelsabkommen-menschenrechte-als-vertragsbedingung.724.de.html?dram:article_id=495839


Tin bài liên quan:

VNTB – Nghĩ Sỹ Ellie Chowns trả lại quà Đại sứ quán Việt Nam

Phan Thanh Hung

VNTB – Nghị sĩ châu Âu ( S&P) yêu cầu Việt Nam đảm bảo quyền lao động và nhân quyền

Phan Thanh Hung

VNTB – EVFTA: Các vị Dân biểu Châu Âu đừng bỏ lỡ cơ hội.

Phan Thanh Hung

Leave a Comment

This site uses Akismet to reduce spam. Learn how your comment data is processed.