Hoàng Lan Mộc Châu
(VNTB) – Các hội đồng nhân dân hay quốc hội chỉ là vật trang trí cho chế độ độc tài đảng trị, tất cả đều dưới sự chỉ đạo của đảng
Thế rồi cũng xong “ngày hội toàn dân” theo như cách nói của đảng, nhà nước và báo, đài quốc doanh về ngày bầu cử hội đồng nhân dân xã, tỉnh, thành phố, quốc hội Việt Nam. Năm năm một lần, người dân lại được nghe đến quyền và nghĩa vụ, quyền làm chủ đất nước bằng cách bầu ra người đại diện mình, sáng suốt tìm ra được các vị đại biểu có trình độ, năng lực, tâm huyết, và bổn phận phải đi bầu.
Đảng và nhà nước VN luôn miệng đề cao quyền và bổn phận của cử tri, nhưng nhìn diễn tiến cuộc bầu cử thấy quyền bỏ phiếu của nhiều người bị tước đoạt, họ chỉ bỏ phiếu vì phải thực hành bổn phận, hay nói cách khác vì sợ. Quyền bỏ phiếu phải được hiểu thêm là quyền không đi bỏ phiếu. Trên các trang mạng xã hội, vô số người than phiền bị tổ trưởng dân phố đến tận nhà “mời gọi” đi bầu, thậm chí có tổ trưởng nguyên là trung tá công an dụ người dân: “Đi bầu cho xong”, có người bị lập biên bản vì không đi bầu. Thẻ bầu cử được đóng dấu chứng nhận đã đi bầu hàm ý đe dọa có lúc người dân sẽ bị hỏi tới nó, nó là một dấu chỉ người nào đó không tuân lệnh đi bầu, dễ dàng bị khép tội chống đối.
Theo báo cáo của nhà nước, gần 100% dân đã “thực thi bổn phận và quyền [sic] của họ. Còn các vị dân biểu của họ có đáp ứng ‘sự lựa chọn người thực sự có tài có đức’, hay chỉ là những con bù nhìn, hứa cuội, thậm chí núp bóng dân cử đế bóc lột hành hạ dân?
Không làm đúng trách nhiệm của mình, nuốt lời hứa hầu như là thuộc tính của các dân biểu Việt Nam, đặc biệt là dân biểu kiêm nhiệm các cấp từ hội đồng nhân dân xã đến quốc hội. Lời hứa của họ với dân dễ dàng trôi đi và họ chỉ thực hành các điều đảng muốn có lợi cho đảng và cho chính họ..
Những oan khiên của người dân bị chính phủ chiếm đoạt đất đai đã từ lâu là những sự kiện kéo dài rất nghiêm trọng. Trong những tranh chấp đó, thử xem người đại biểu dân ở đâu và làm gì, qua đó thấy được vai trò của các đại biểu dân.
Từ vụ Vườn rau Lộc Hưng gần đây nhất, cho đến vụ Thủ Thiêm tại tp Hồ Chí Minh, Đồng Tâm tại Hà Nội, đến Cồn Dầu Đà Nẵng, vụ đầm tôm của ông Đoàn Văn Vươn huyện Tiên lãng, Hải Phòng, đất đai của nhà thờ Thái Hà, Nhà thờ Lớn Hà Nội, tu viện Thiên An, Chùa Liên Trì và hàng ngàn vụ chính quyền chiếm đất của dân khác trên các vùng cao nguyên đều không có mặt đại biểu dân đến chia sẻ, tìm hiểu và lên tiếng bênh vực. Điển hình 2 vụ Thủ Thiêm tại TP Hồ Chí Minh và Xã Đồng Tâm, huyện Mỹ Đức Hà Nội.
Vụ tranh chấp đất của dân Đồng Tâm với bộ quốc phòng, dẫn đến cái chết bi thảm của cụ Lê Đình Kình và 2 án tử hình cho 2 người con trai của cụ, án chung thân cho cháu nội, và nhiều năm tù nặng nề cho những người liên quan, dây dưa bao nhiêu năm trời, không thấy một bóng dân biểu địa phương đến nghe nguyện vọng của dân, nhận làm trung gian hòa giải.
Người duy nhất sát cánh và lắng nghe dân Đồng Tâm là bà Bí thư kiêm Chủ tịch hội đồng nhân dân xã Nguyễn Thị Lan lập tức bị đảng và chính quyền cắt chức bí thư đảng ủy xã, tước đảng tịch và bãi nhiệm luôn chức chủ tịch hội đồng nhân dân xã do dân bầu. Sự việc này cho thấy đảng và chính phủ xem người đại biểu dân chỉ là con rối trong tay họ.
Ngoài bà Nguyễn Thị Lan không còn bất cứ dân biểu nào héo lánh, trừ dân biểu quốc hội Dương Trung Quốc đến rồi đi như một cái bóng mờ sau lưng chủ tịch Hà Nội Nguyễn Đức Chung. Nếu có dân biểu các cấp từ xã đến quốc hội đến chia sẻ, lắng nghe nguyện vọng dân và hết lòng chung sức cùng hai bên giải tỏa tranh chấp thì hậu quả vô cùng tai hại, như mọi người đã biết, chắc không xảy ra.
Vụ Thủ Thiêm. Từ hơn 20 năm trước, khu dân cư Thủ Thiêm được quy hoạch xây dựng thành một khu đô thị mới. Suốt thời gian hàng chục năm, hàng vạn cư dân bị thu hồi đất đai của tổ tiên để lại và bị đuổi khỏi chỗ ở.
Nhúng tay vào tội ác Thủ Thiêm là những người đầu đảng và chính quyền tp Hồ Chí Minh và đau hơn cho người dân nữa, họ lại chính là đại biểu dân TP Hồ Chí Minh, trong đó có dân Thủ Thiêm, như Lê Thanh Hải đại biểu hội đồng nhân dân thành phố, dân biểu quốc hội, Tất Thành Cang Đại biểu Hội đồng nhân dân, đại biểu quốc hội. Lê Hoàng Quân, dân biểu quốc hội, Chủ tịch UBND TP.HCM, Nguyễn văn Đua đại biểu hội đồng nhân dân thành phố.
Trong khi những đại biểu của dân tung hoành trấn áp, bóc lột đất đai của người dân thì các vị dân biểu quốc hội, đại biểu hội đồng nhân dân thành phố hay quận Thủ Thiêm khác ngậm câm như hến. Sự phẫn nộ và khinh bỉ của người dân Thủ Thiêm đối với các dân biểu của họ lên đến cùng cực khi chủ tịch hội đồng nhân dân Nguyễn Thị Quyết Tâm, chẳng đặng đừng phải đến đối diện dân, nhận chiếc giầy cao gót của một cử tri ném vào mặt. Cho đến nay sau nhiều lần hứa hão các dân biếu kiêm nhiệm các chức vụ cao nhất của thành phố này vẫn không giải quyết thỏa đáng quyền lợi công bằng của dân Thủ Thiêm
Chẳng lạ gì với các dân biểu như vậy. Họ là các đảng viên được đảng đưa ra ứng cử, chỉ cần có tên là trúng cử, chức vụ dân biểu đối với họ là những vòng hoa làm đẹp chỗ ngồi của họ. Họ là các vị tu hành ham hố chức quyền, làm con rối cho đảng. Họ là những người bỏ hàng triệu đô la mua quan chức hội đồng bầu cử, ba bước hiệp thương, chạy danh hiệu dân biểu để dễ dàng ra vào cổng quyền lực của đảng và chính quyền, thậm thụt bòn rút ngân sách nhà nước qua các dự án này, chương trình nọ. Chương trình hành động của họ vô cùng ấn tượng, hấp dẫn được các tay viết mướn tô vẽ hoa lá cành dễ dàng bị họ quên ngay đi sau khi đắc cử. Tại các phiên họp họ không dám cất tiếng đấu tranh cho nguyện vọng của dân mà chỉ đồng loạt giơ tay tán thành theo sự chỉ thị của đảng. Họ chỉ là thứ dân biếu ù lỳ, những con rối bị đảng và chính quyền giựt giây, bọn ăn cơm chúa, múa tối ngày theo lệnh. Họ đứng hẳn về phía đảng chỉ vì đảng mới là chỗ dựa vững chắc cho danh, lợi và tương lai.
Trong các nước dân chủ, người dân thực sự được tự do trực tiếp lựa chọn dân biểu của mình không qua bất cứ hàng rào chắt lọc kiểu đảng cử dân bầu và các vòng hiệp thương. Dân biểu dù ở cấp bậc nào, giữ nhiệm vụ gì chỉ một chểnh mảng hay sơ suất có thể không được dân bầu lại, có thể tương lai chính trị của họ mất hẳn. Họ đều phải hết lòng tranh đấu cho nguyện vọng và làm theo yêu cầu của dân. Dân biểu cố gắng tạo được càng nhiều mối liên lạc với cử tri càng nhiều càng tốt. Họ có văn phòng chuyên trách, có nhiều số điện thoại, email, và thường xuyên gặp gỡ cử tri. Tin tức qua báo chí, truyền thông cũng dược họ đặc biệt chú ý.
Dân biểu các cấp ở Việt Nam lại khác, đặc biệt dân biểu kiêm nhiệm giữ đa số trong các tổ chức dân cử lại càng khác. Hầu như họ không có văn phòng, nhiệm sở tiếp dân. Ngay cả những đại biểu không chuyên trách như Dân biểu Hòa Thượng Thích Thiện Tánh chẳng hạn; ông không có văn phòng tiếp dân dù có thể đặt trong chùa của ông. Số điện thoại cơ quan là số điện thoại di động của ông.
Yêu cầu của dân gửi đến dân biểu được gọi là “kiến nghị”
Căn cứ pháp lý: Điều 2 Luật tiếp công dân 2013 thì kiến nghị, là việc công dân cung cấp thông tin, trình bày ý kiến, nguyện vọng, đề xuất giải pháp với cơ quan, tổ chức, đơn vị, cá nhân có thẩm quyền về những vấn đề liên quan đến việc thực hiện chủ trương, đường lối, chính sách, pháp luật, công tác quản lý trong các lĩnh vực đời sống xã hội thuộc trách nhiệm của cơ quan, tổ chức, đơn vị, cá nhân đó. Vậy thì kiến nghị chỉ là tờ đơn xin quý dân biểu để mắt tới một vấn đề gì đó và nếu có thể thì xin ban ơn cho thực hiện, nó không phải là yêu cầu người đại biểu mình phải thực hiện, phải đấu tranh cho mình. Tại các tỉnh có thể có “Lịch tiếp công dân của Lãnh đạo Văn phòng Đoàn Đại biểu Quốc hội, Hội đồng nhân dân và Ủy ban nhân dân tỉnh” như Bắc Kạn chẳng hạn, nhưng người dân không được tiếp xúc trực tiếp với dân biểu của minh, và chỉ một lần một tháng.
Có một số ý kiến khuyên cử tri ‘tranh thủ đệ đạt’ ý kiến, yêu cầu lên người đại diện của mình mỗi lần họ đến thăm cử tri của đơn vị bầu cử. Đề nghị này thoạt nghe thì hay, nhưng thực tế khó như mò kim đáy biến. Trong tất cả các cuộc tiếp xúc cử tri này, những người được chính quyền mời tham dự là đều là những ‘công dân gương mẫu’. Nhiều người rất muốn không bao giờ được mời, biếm nhẽ: “Khi có cuộc bầu cử, họ đến tận nhà năn nỉ mời mọc đi bầu người đại diện, khi người đại diện hạ cố đến thăm dân thì họ lại cấm cửa mình, không cho bén bảng đến gần.
Thực tế cử tri không thể làm gì để dân biểu làm theo ý họ, và sự kiêm nhiệm, một lúc giữ hai vai trò đối nghịch, cai trị và đại biểu dân, các dân biểu Việt Nam trong chế độ Xã Hội chủ nghĩa, từ xã đến quốc hội, không thể thường xuyên gắn bó, lắng nghe, giữ mối quan hệ mật thiết với cử tri, và giữ được lời hứa thực hiện chương trình hành động của họ. Nhưng đó không phải là sự quan tâm của đảng cộng sản Việt Nam, vì với họ, các hội đồng nhân dân hay quốc hội chỉ là vật trang trí cho chế độ độc tài đảng trị, tất cả đều dưới sự chỉ đạo của đảng.