Lê Thị Kim Thu (VNTB) Dân Oan là “nạn nhân trực tiếp của chế độ”. Họ bị mất nhà, mất đất vì một hệ thống mà kẻ cầm quyền có “quyền lực vạn năng”, đã tạo ra những oan ức trên đầu họ. Người cầm quyền được gọi là “Quan Tham”, người dân được gọi là “Dân Oan”, và hành động trên gọi là “ăn cướp có hệ thống”.
Thoạt đầu, người Dân Oan “xuống đường” chỉ vì bị cướp đất đai, (chữ nghĩa hóa là “Đi Đòi Công Lý”). Nhưng nghịch cảnh thay, sự cầm quyền của chính quyền là “một giuộc”: ăn cướp cũng là quan tòa, nên dần dà Dân Oan bất đắc dĩ trở thành “nhà tranh đấu thuộc nhiều dạng, nhiều thành phần”.
Và họ, Dân Oan, là những người thiệt thòi nhất trong công cuộc chung, “Đấu Tranh Đòi Quyền Làm Người”. Ít người biết được những bất công mà họ đương đầu; tù đày mà họ gánh chịu; nghèo khổ mà họ vương mang; mưu sinh mà họ bương chảy; và cuối cùng là bất lực trước tương lai con cái mà họ không lo được. Nếu có biết thì sẽ không hiểu, nếu hiểu thì không quan tâm, và nếu quan tâm thì không nhiều cơ hội giúp đở. Vì hầu như những người quan tâm cho công cuộc tranh đấu hôm nay chú trọng nhiều về vấn đề thời sự nóng bỏng như là: nhân quyền, tự do, độc lập, hoặc giải thể chế độ. Còn đòi công lý trong một chế độ không có công lý là thứ yếu.
Nghĩ cho cùng, mọi đấu tranh cũng cùng một ý nghĩa, một mục đích. Dân Oan đối với chế độ là một ngòi nổ, là mụt nhọt, là tế bào ung thư, là vết nhơ, và là những gì mà người dân có thể vin vào đó để đấu tranh chống chế độ, bởi vì họ là nạn nhân trực tiếp, là bà “Bắc Kỳ mất gà”, họ được quyền chửi ba đời chế độ. Hơn nữa, có một số Dân Oan sẽ không nghĩ một cách đơn giản là đấu tranh chỉ đơn thuần “Đi Đòi Công Lý” mà phải đấu tranh “Đòi Quyền Làm Người”, vì trong quá trình thưa kiện, họ bị chèn ép, tù đày, và bị trả thù để mất tất cả quá khứ, hiện tại và tương lai, kể cả quyền làm người. Nên đấu tranh “Đòi Công Lý” sẽ đồng nghĩa với đấu tranh “Đòi Quyền Làm Người”. Trong số những người đó có tôi và một số Dân Oan sau đây: Bác sĩ Nguyễn Đan Quế, chủ tịch Hội CTNLT; DO Huỳnh Kim Lương quê ở An Giang; DO Nguyễn Thị Xê quê ở An Giang, DO Phan Thị Bảy quê ở An Giang, DO Nguyễn Thị Tẩu quê ở Quận 9, Sài Gòn; DO Lê Thị Kim Thu quê ở Đồng Nai và nhiều hơn nữa, sẽ đồng hành với mọi người đi “Đòi Công Lý” và “Đòi Quyền Làm Người”.
“Hãy Trả Tự Do Cho Các Tù Nhân Lương Tâm Đòi Công Lý và Đòi Quyền Làm Người”
Và tâm sự của tôi, sẽ nói lên một phần nhỏ cuộc đời Dân Oan.
27 năm, một mình đi thưa kiện từ khi tôi bắt đầu 20 tuổi, đến nay vẫn còn phải tiếp tục, để rồi, hình như sự tiếp tục này cũng chỉ mới bắt đầu như khi tôi bắt đầu khiếu kiện năm xưa. Và nó cũng chỉ mới bắt đầu khi gia đình tôi (cha mẹ, anh trai, và 3 em trai tôi), bắt đầu lên vùng Kinh Tế Mới năm 1976 để “làm người rừng”. Đem kiến thức 9 tuổi làm hành trình đi vùng Kinh Tế Mới là một thiệt thòi bất hạnh lớn cho đời người, nhất là làm thân con gái. Thế mà nó đã gắn liền vào đời tôi: gian khổ, nhọc nhằn, nghèo đói, thất học, và tranh đấu để sinh tồn trong một chuỗi dài bất công càng ngày càng chồng chất, để bây giờ, hướng về tương lai còn lại là con số không.
Thật vậy, nhìn vào quá trình dài đăng đẳng trên, ai hiểu rõ được những tình tiết oan sai mà tôi phải gánh chịu trong suốt tuổi thanh xuân: những khổ cực vùng KTM, những ngày xuôi ngược Nam Bắc đi khiếu kiện, những năm vất vưởng ở vườn hoa Mai Xuân Thưởng, những lần uất ức trong vòng tù tội. 20 tuổi với hai hàng nước mắt, gõ các “cửa quan” kêu van,“xin” một mãnh đất nhỏ cho gia đình sinh sống sau khi bị cướp hết đất đai (thổ cư và canh tác), nhưng chính quyền thời đó “vô tư như những mãnh thú”, họ không thèm nghĩ đến một chút tình người với con người, vì có lẽ họ đã sống trong rừng quá lâu nên bị đồng hóa chăng!?
Rồi, những người “nắm quyền sinh sát”, mỗi người “nắm quyền” vài năm, bận rộn “nắm tiền”, ai mà có thì giờ tìm hiểu! Mà có hiểu được thì làm sao “có tài có tình” gở mối tơ vò này? Cứ thế, theo dòng đời, hết “ông kẹ” này đến “ông kẹ” khác, hết những công văn, quyết định sai phạm này đến những sai phạm khác chồng chất cho đến bây giờ, làm sao những ông “quan chi phụ mẫu” trẻ, nếu “có tâm có tầm”, giải quyết được!? Phải làm gì khi mà những “can phạm” là cấp trên của mình theo “hệ thống trung với đảng, hiếu với tiền”!? Khi mà thường tình, ai dám sờ gáy họ!?
Cả đời người, cả tuổi thanh xuân đã bị chính quyền ép bức quăng vào con đường khiếu kiện, thì âu cũng là một kiếp! Tôi chấp nhận kiếp làm người này, vì nghĩ rằng không phải riêng mình mà còn rất, rất, rất nhiều người khác cùng cảnh ngộ. Tôi sẽ đồng hành với họ, đồng hành với hơn mấy trăm gia đình Việt Nam Cộng Hòa đi vùng Kinh Tế Mới sau ngày 30/4/1975 cùng thời, cùng địa phương, để đòi lại đất đai đã bị cướp. Cho đến bây giờ, sau khi hưởng những lợi lộc sang nhượng mua bán và để của thừa tự cho con cái, số đất cướp được vẫn còn dư dã, được cắm cọc phân lô, làm đường tráng nhựa dành cho cháu chắt, trong khi con đường vào khu xóm của những người bị cướp vẫn nhỏ hẹp, đất đá gập ghềnh, nắng bụi mưa bùn.
Với nhiều vụ thưa kiện cho mình cũng như giúp đở các dân oan khác trong suốt nhiều năm qua, (tạm gọi là “sự chống đối chính quyền” hoặc “phản động” như họ đã định nghĩa), thì họ không bao giờ tha cho tôi khi mà sắt máu là phương châm của họ! Nên họ phải bắt tôi vào cái vòng tròn, để đến khi gần kết cuộc cũng là bắt đầu mà hòng triệt tiêu con kiến nhỏ này, (họ sẽ thủ tiêu hay nhai nát thịt xương của tôi nếu có thể). Vì vậy, tôi không biết phải làm gì hơn là tiếp tục dấn thân tranh đấu vì bản thân tôi cũng như vì những người đồng cảnh ngộ.
Tôi sẽ đồng hành với mọi người đi “Đòi Công Lý” và “Đòi Quyền Làm Người”.