Việt Nam Thời Báo

VNTB – Đảng Cộng Sản cứu nguy cho dân tộc.

An Viên

 

(VNTB) – Phát biểu tại lễ kỷ niệm 90 năm ngày thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam (3/2/1930 – 3/2/2020), Tổng bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng tuyên bố: Ở Việt Nam, không có một lực lượng chính trị nào khác ngoài Đảng Cộng sản Việt Nam có đủ bản lĩnh, trí tuệ, kinh nghiệm, uy tín và khả năng lãnh đạo đất nước vượt qua mọi khó khăn…

 

Không ai nghi ngờ về điều đó, khi mà nguyên tắc kiểm soát quyền lực của đảng luôn đặt mục tiêu, bóp nát mọi lực lượng chính trị thứ ba ngay trong lòng trứng. Gần đây, thời kỳ ông Nguyễn Phú Trọng nắm giữ nhiệm kỳ 2 Tổng Bí thư (2016) và kiêm nhiệm thêm chức vụ Chủ tịch nước, yếu tố lực lượng thứ ba về mảng xã hội (xã hội dân sự) cũng đứng trước nguy cơ bị phá vỡ hoàn toàn sau một thời gian dài lăn lộn ngóc ngách trong xã hội, lịch sử Việt Nam sau 1975.

 

Không ai có thể nghi ngờ rằng, đảng cộng sản là duy nhất khi triệt tiêu các đảng phái chính trị thứ ba, và dồn nén – kiểm soát các lực lượng xã hội dân sự.

 

Thế nhưng, điều duy nhất đó không có nghĩa là bản lĩnh, trí tuệ, kinh nghiệm, uy tín và khả năng lãnh đạo đất nước.

 

Không có bất kỳ căn cứ nào để cho thấy ‘bản lĩnh, trí tuệ, kinh nghiệm, uy tín và khả năng lãnh đạo’ khi mà những quan điểm này xuất phát một cách hời hợt, chủ quan, trịch trượng và có phần phô trương của người đứng đầu đảng và nhà nước Việt Nam.

 

Thực ra, có thể dễ dàng chứng minh đảng cộng sản có ‘trí tuệ, kinh nghiệm, uy tín và khả năng lãnh đạo’ khi mà chính đảng cộng sản có thể ‘bản lĩnh’ thực hiện một cuộc trưng cầu ý dân để ‘thỉnh nguyện tâm ý nhân dân’ và làm căn cứ chứng tỏ các quan điểm trên là đúng đắn.

 

Hãy mơ đi! Đó là chuyện không bao giờ xảy ra. Một câu chuyện huyền hoặc, đầy viển vông, bởi đảng sẽ chẳng bao giờ đủ ‘bản lĩnh’ làm một thủ tục đơn giản đó, dù rằng, đảng sở hữu nhà tù, cảnh sát, và toà án, cộng với hơn 5 triệu đảng viên.

 

Thế nhưng, chính vì đảng cộng sản là lực lượng chính trị duy nhất tồn tại trên mảnh đất này, và khi lực lượng xã hội dân sự bị kiềm soát đến mức vai trò của nó chỉ là hình thức thì một vấn đề khó tin lại diễn ra.

 

Đảng cộng sản trở thành nhân tố quan trọng trong thay đổi vận mạng của một dân tộc, một quốc gia.

 

Trong ‘Nhật Bản Duy Tân 30 năm, của Đào Trinh Nhất, (1936)’ có đề cập đến ba yếu tố mà theo tác giả là ‘đổi thay vận mạng của một dân tộc.’

 

Trước hết là nhờ ‘có bọn đương quyền khôn ngoan sáng suốt và bọn chí sĩ thức thời làm hướng đạo tiên phong, nhưng cũng phải nhờ nơi dân tâm dân khí có biết hăm hở tấn hóa tự cường mới được.’

 

Trường hợp, ‘nếu chí sĩ có, dân tâm có, nhưng vô phước mà bị đám cầm quyền là lũ đầu óc ngu dại, cứ ngồi lỳ trên cao, lấy quyền to sức mạnh của chúng để đè ép cản trở ý muốn tấn hóa của dân, thì việc quốc gia đại kế cũng không trông mong gì làm nổi.’

 

Và khi gặp ‘cảnh ngộ’ như thế, thì ‘kết quả đố khỏi hoặc là trong nước nổi lên một phen cách mạng đổ máu gớm ghê, hoặc là bị mất nước với người ta; nếu không cũng bị lợi dụng và yếu hèn mãi.’

 

Đó là tương lai của dân tộc này, và bản thân những nhân sự trong đại hội 13 lần này phải tự ‘soi mình vào’. Thoát khoei những luận điệu ‘quan liêu, lỗi thời’ để tự cứu nguy cho chính mình và chính bản thân đảng của mình, đồng thời tạo điều kiện thay đổi vận mạng dân tộc.

 

Cụ thể hơn, nếu ai kế vị chức vụ Tổng Bí thư, thì nên kế tục tinh thần dân quyền từ thời ông Hồ Chí Minh, thay vì ‘người đốt lò’. Bởi chỉ khi kế tục ‘tinh thần dân quyền’ thì đầu óc mới không còn ngu dại (quan liêu), không còn ngồi lì trên cao (tham quyền, cố vị), chỉ ưa dùng hạ sách để trị quốc gia (lấy quyền to sức mạnh của chúng để đè ép cản trở ý muốn tấn hóa của dân), đè nén quyền dân, o ép không gian dân sự – chính trị của người dân. Chỉ khi kế tục và thực thi ‘tinh thần dân quyền’ thì khi đó giáo hoá người dân mới được mở ra, bản lĩnh và trí tuệ của chính đảng mới được ghi nhận, và khả năng lãnh đạo của đảng mới thực sự được kiểm chứng và có khả năng được kiểm chứng.

 

Nhưng quan trọng hơn, khi kế tục ‘tinh thần dân quyền’, chính đảng sẽ đưa dân tộc gần hơn với các quốc gia văn minh, mở cửa cho bền vững trong phát triển và chế ngự được nạn lạm quyền, thụ quyền đời đời trong đảng. Ngăn được nguy cơ của một cuộc cách mạng ‘soán ngôi’ khiến chính đảng có thể bị đặt ra ngoài vĩnh viễn vòng pháp luật và lịch sử phát triển của quốc gia.

 

Và chỉ khi kế tục tinh thần dân quyền thì chính đảng mới dám tự đổi mới mình, hình thành đội ngũ nhân sự theo đúng Quy định 214, trong đó ‘có quan điểm khách quan, toàn diện, biện chứng, lịch sử cụ thể, có tư duy đổi mới, tầm nhìn chiến lược.’

Tin bài liên quan:

VNTB – Phải cần thay thế ai?

Phan Thanh Hung

VNTB – Hoa Kỳ: Việt Nam và Thuỵ Sĩ thao túng tiền tệ

Phan Thanh Hung

VNTB – Các đảng cộng sản ở Hoa Kỳ

Baraju T. Ogelefecejo

Leave a Comment

This site uses Akismet to reduce spam. Learn how your comment data is processed.

Việt Nam Thời Báo