VNTB – Danh sách đen

VNTB – Danh sách đen

Thới Bình

 

(VNTB) – Ủy ban thường vụ Quốc hội cần xem xét tính hợp pháp, hợp hiến của thực thể pháp luật cho cái gọi là “Danh sách đen”.

 

Chỉ có tòa án, trong một bản án cụ thể, hành vi vi phạm pháp luật cụ thể, xét thấy bị cáo có thể gây nguy hiểm cho cộng đồng nếu tiếp tục làm 1 việc nào đó thì mới quyết định hạn chế quyền này, nhưng ở phạm vi hẹp và phải có thời gian.

Ủy ban thường vụ Quốc hội cần lên tiếng

Thẩm quyền giải thích luật được quy định tại Khoản 2 Điều 74 của Hiến pháp, là duy nhất Uỷ ban thường vụ Quốc hội có thẩm quyền: “giải thích Hiến pháp, luật, pháp lệnh”. Một điều luật không có nội hàm rõ ràng và chưa có văn bản quy phạm pháp luật hướng dẫn áp dụng thì có thể hiểu nó chưa phải là luật.

Chẳng hạn trong Bộ luật hình sự hiện nay, khái niệm: “Gây ảnh hưởng xấu đến an ninh, trật tự, an toàn xã hội”, nội hàm không xác định và chưa có văn bản hướng dẫn. Nó là nguy cơ dẫn đến tình trạng lạm dụng, tuỳ tiện áp dụng pháp luật xâm phạm đến quyền và lợi ích hợp pháp của cá nhân, tổ chức.

Ngoài Ủy ban thường vụ Quốc hội thì không một ai cho dù là cá nhân hay tổ chức thuộc các cơ quan điều tra, truy tố, xét xử hoặc cá nhân nào dù có học hàm học vị hoặc nhân danh nhà báo, luật sư, luật gia, nhà nghiên cứu… được phép giải thích luật. Nếu vi phạm thì đây là hành vi tuỳ tiện, lạm dụng nghề nghiệp xâm phạm pháp chế.

Vấn đề pháp lý được đặt ra như ý kiến trên vì mới đây Bộ Thông tin và Truyền thông cho biết sẽ phối hợp Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch trong xây dựng hai danh sách – trắng và đen. Trong đó, danh sách đen (blacklist) gồm những người sai phạm, cơ quan quản lý Nhà nước không khuyến khích các nhà quảng cáo hợp tác, ủng hộ. Theo đó, Cục Phát thanh, Truyền hình và Thông tin điện tử sẽ tiến hành chặn tài khoản vi phạm, không cho xuất hiện trên các nền tảng mạng xã hội. Đó là một trong những cách giúp môi trường mạng ngày càng trong sạch.

Ngoài ra, phía Bộ Thông tin và Truyền thông cho biết có thể tiến tới cấm sóng, cũng như hoạt động xã hội đối với những ai có tên trong “danh sách đen”.

Như vậy, nếu ai có tên trong “danh sách đen” thì coi như họ bị tước quyền lao động hợp pháp được quy định tại Bộ luật lao động. Việc bị “tước quyền” này từ một văn bản do liên bộ dự tính sẽ ban hành, là một hành vi vi phạm Hiến pháp và vượt quá thẩm quyền của cấp bộ đó.

Có rừng luật sao vẫn hành xử theo luật rừng?

Không chỉ vậy, mặc dù các công việc vẫn trong giai đoạn gọi là “dự tính”, thế nhưng việc “dự tính” đó lại cho thấy dẫm đạp bất chấp lên luật pháp, vậy thì ở các phần việc khác, liệu các quan chức có cùng cách hành xử tương tự của chuyện “Việt Nam có cả rừng luật nhưng thích làm theo luật rừng” như nhận xét thuở sinh thời của luật sư Ngô Bá Thành?

Câu trả lời ở đây là “có”. Theo đó trên báo Dân Trí số phát hành ngày 22-10-2023 trong bài viết Bộ Văn hóa sẽ xem xét để đưa Ngọc Trinh vào danh sách “đen”?, có đoạn: “ông Hoàng Minh Thái, nguyên Vụ trưởng Vụ pháp chế (Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch) chia sẻ, theo quy định của Nhà nước, người nào bị tạm giam, khởi tố thì đương nhiên không thể tham gia các hoạt động nào khác. Trừ khi họ đã chấp hành xong án phạt và xóa án tích thì mới trở lại như cũ được.

“Với trường hợp của Ngọc Trinh, vì đang trong thời gian bị các cơ quan chức năng xử lý nên cô gái này cũng mất quyền công dân. Việc của cô ấy là phải chấp hành tốt án phạt “đúng người đúng tội”. Ngọc Trinh sai ở đâu, pháp luật sẽ xử lý đến đó”, ông Thái chia sẻ”.

Nếu lời dẫn trực tiếp trên báo Dân Trí là đúng thì ông Hoàng Minh Thái đã sai trầm trọng về kiến thức pháp luật, khi ông cho rằng cứ hễ bị công an bắt giam là người ấy “mất quyền công dân”; và cứ hễ bị công an bắt là sẽ có “án”.

Người viết bài này ngờ rằng ông Hoàng Minh Thái là sản phẩm rất rõ của “tham nhũng quyền lực”, khi mà một người từng giữ chức vụ mang tính chuyên môn sâu về pháp luật chuyên ngành là Vụ trưởng Vụ Pháp chế, không thể nào có phát biểu như một… kẻ ngáo quyền lực như đoạn trích trên.

Bởi, kính thưa ông Hoàng Minh Thái, quyền công dân là quyền cơ bản của mỗi người, không ai có quyền xâm phạm, cấm đoán hay tước đoạt. Theo quy định của Điều 44 Bộ luật hình sự 2015, công dân Việt Nam bị kết án phạt tù về tội xâm phạm an ninh quốc gia hoặc tội phạm khác trong những trường hợp do Bộ luật này quy định, thì bị tước một hoặc một số quyền công dân như quyền ứng cử đại biểu cơ quan quyền lực Nhà nước; quyền làm việc trong các cơ quan nhà nước và quyền phục vụ trong lực lượng vũ trang nhân dân.

Theo quy định của Bộ luật hình sự, người bị áp dụng hình phạt tù, tùy vào tính chất nguy hiểm của hành vi phạm tội mà có thể bị xem xét áp dụng các hình phạt bổ sung, trong đó bao gồm cả việc hạn chế một số quyền công dân như bị cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định…Tuy nhiên, không phải tội phạm nào cũng bị tước quyền công dân, không phải đối tượng nào đi tù cũng mất đặc quyền cơ bản này.

Nhân quyền đang bị cố tình dẫm đạp

Như vậy, không phải trường hợp phạm tội, ngồi tù nào cũng bị tước quyền công dân. Công dân chỉ khi phạm tội bị kết án phạt tù về tội xâm phạm an ninh quốc gia hoặc các tội phạm mà Bộ luật hình sự quy định mới bị tước một hoặc một số quyền công dân trong thời gian từ 01 – 05 năm kể từ ngày chấp hành xong hình phạt tù hoặc kể từ ngày bản án có hiệu lực pháp luật trong trường hợp người bị kết án được hưởng án treo.

Điều này cho thấy, quyền công dân là quyền cơ bản nhất của con người. Do đó, nếu không rơi vào những trường hợp tội phạm đặc biệt nghiêm trọng (xâm phạm an ninh quốc gia) thì công dân vẫn được quyền công dân một cách bình thường.

Mà đã là công dân có đầy đủ quyền, thì việc “danh sách đen” của liên bộ như đã nêu ở đầu bài viết, cho thấy nếu Quốc hội và cả Bộ Chính trị vẫn im lặng không truy cứu những dấu hiệu vi hiến này, thì quả thật “nhân quyền” ở Việt Nam đã bị giẫm đạp thô bạo đến mức cùng cực.


 

CATEGORIES
TAGS
Share This

COMMENTS

Wordpress (0)