Mai Lan
(VNTB) – Đất nước cần những nhà chép sử tôn trọng sự thật khách quan
Lâu nay không muốn nghe tin đồn nhưng cứ tin đồn là đúng. Vậy thì chúng ta đang sống trong thời đại gì vậy!? Dân đen có được quyền biết nhiều hơn, hay chỉ được quyền biết có vậy!?
Người dân có quyền thắc mắc: Tại sao hắn dám giơ tay thề: “Tôi cùng xương thịt với nhân dân của tôi/Cùng đổ mồ hôi, cùng sôi giọt máu”…, mà giờ “có đơn xin thôi giữ các chức vụ được phân công và nghỉ công tác”, hay “bị cách chức!?”
Xem ra sẽ rất khó giải thích việc số lượng ủy viên Bộ Chính trị giảm từ 18 xuống còn 14 trong vòng hai năm.
“Ông Thưởng được coi là một người khá thân cận với ông Nguyễn Phú Trọng, đặc biệt là con đường đi lên của ông Thưởng cũng như những quan điểm, phát biểu của ông Thưởng khá là gần gũi với những nhận xét của ông Trọng về ý thức hệ và về tư tưởng. Vì thế tôi thấy là nếu chúng ta nhìn vào tất cả những việc đấy, việc ra đi của ông Thưởng là một sự kiện hết sức quan trọng trong bản đồ chính trị Việt Nam, đặc biệt là từ bây giờ cho tới năm 2026” – ông Nguyễn Khắc Giang, một nhà quan sát thuộc Viện ISEAS, Singapore nhận xét.
Có ít nhất hai vụ việc có thể liên quan đến việc vi phạm quy định những điều đảng viên không được làm của ông Võ Văn Thưởng, trước hết là vụ hai cựu tổng biên tập báo Thanh Niên, gồm ông Nguyễn Công Khế và Nguyễn Quang Thông, vào giữa tháng 1-2024 bị khởi tố với cáo buộc bán đất công cho tư nhân, dẫn tới thất thoát tài sản Nhà nước.
Hành vi mà hai ông Nguyễn Công Khế và Nguyễn Quang Thông bị cáo buộc xảy ra trong giai đoạn khoảng từ năm 2008 đến các năm sau đó. Đây là giai đoạn mà ông Võ Văn Thưởng làm bí thư thường trực, và sau đó là bí thư thứ nhất Trung ương Đoàn (2006 – 2011), cơ quan chủ quản của báo Thanh Niên.
Với vị trí là thủ trưởng của cơ quan chủ quản, ông Thưởng có thể đã ký duyệt chủ trương để báo Thanh Niên bán bất động sản nói trên. Ông có thể phải chịu trách nhiệm của người đứng đầu. Tuy nhiên, điều khó hiểu là một vụ việc dường như đã “chìm xuồng” từ lâu gần đây đột nhiên bị khơi lại.
Một vụ việc khác liên quan đến tập đoàn Phúc Sơn, với nghi vấn sai phạm của ông Võ Văn Thưởng được cho là diễn ra vào giai đoạn ông đang làm Bí thư tỉnh Quảng Ngãi, từ năm 2011 – 2014; tức diễn ra cũng khá lâu rồi. Chuyện “hồi tố” 10 năm rồi xem chừng cũng không mấy thuyết phục cho việc thực sự không liên quan lắm tới vị trí mà ông làm sau này, đặc biệt là vị trí Phó Bí thư Thường trực Thành ủy TP.HCM, rồi Trưởng Ban Tuyên giáo, tiếp theo là Thường trực Ban Bí thư và sau cùng là Chủ tịch nước.
Sinh tiền, giáo sư sử học Hà Văn Tấn (1937 – 2019) trong bài viết “Lịch sử, sự thật và sử học” đăng trên tập sách “Một số vấn đề Lý luận Sử học”, nhà xuất bản Đại học Quốc gia Hà Nội, 2007, có đoạn: Ngày nay, chúng ta đang sống trong một giai đoạn mà nhìn thẳng vào sự thật, nói rõ sự thật là yêu cầu của nhân dân, của đất nước. Đã đến lúc những người chép sử, những nhà sử học phải tự hỏi rằng: “Sử bút” của mình đã thật nghiêm chưa, đã viết đúng sự thật lịch sử hay chưa?
Lịch sử là khách quan. Sự kiện lịch sử là những sự thật được tồn tại độc lập ngoài ý thức của chúng ta. Nhưng sự nhận thức lịch sử lại là chủ quan. Và người ta chép sử vì những mục đích khác nhau. “
Chúng ta hãy nhớ lời Mác: “Khoa học càng vô tư và không thiên vị thì càng phù hợp với quyền lợi và nguyện vọng của người công nhân”. Một nền sử học muốn tự biểu hiện là mácxít chân chính, chẳng những phải đặt cho mình nhiệm vụ khám phá chân lý của lịch sử, mà còn phải tỏ rõ khả năng đạt được sự thật khách quan. Cho đến nay, nhiều học giả tư sản vẫn nghi ngờ tính khách quan của sử học. Ngay người bạn của chúng ta là Bertrand Russell cũng nói rằng: “Sử học chỉ là dẫn ra những ngu xuẩn ngày hôm qua để giúp con người chịu đựng được những ngu xuẩn ngày hôm nay”…” – giáo sư Hà Văn Tấn đã nhận định như vậy.
Và trong trường hợp cụ thể thời sự như vụ ông Võ Văn Thưởng, nếu Đảng thật tâm muốn chấn chỉnh kỷ cương, phép tắc thì rất cần đến những nhà chép sử tôn trọng sự thật khách quan, chứ không phải là sự mập mờ theo kiểu chung chung rằng, “vi phạm, khuyết điểm của ông Võ Văn Thưởng đã gây dư luận xấu, làm ảnh hưởng đến uy tín của Đảng, Nhà nước” (?!).
4 comments
Hay lau lam moi nguoi dam noi cau nay ,,toan la thu Hau Le khong ma chung goi la Le So khong biet chu so co nghia gi bon ngu noi chi
Cái gì càng ” mập mờ”, thì càng có nhiều suy đoán không hay, gây ra tác động xấu đến xã hội.Thiếu minh bạch, ở mọ lĩnh vực, sẽ cản sự phát triển của đất nước.
Có gì đâu mà phải dấu diếm mập mờ, Cứ rõ ràng thì dân không phải nghi ngờ thắc mắc làm phức tạp mọi vấn đề.
Những nhà sử học hiện giờ là học trò của những nhà sử học trung thực như Giáo Sư Phan Huy Lê . Họ có vẻ là học trò xuất sắc của những người trước rùi, WTF you complain now!