VNTB – Dấu ấn Nguyễn Phú Trọng trong vị trí Trưởng ban Chỉ đạo cải cách Tư pháp Trung ương!?

VNTB – Dấu ấn Nguyễn Phú Trọng trong vị trí Trưởng ban Chỉ đạo cải cách Tư pháp Trung ương!?

Lâm Viên

(VNTB) – Với những lời qua – tiếng lại từ phiên giám đốc thẩm vụ án bưu cục Cầu Voi, cho thấy dường như các vị chủ tịch nước kiêm nhiệm ghế Trưởng ban Chỉ đạo cải cách Tư pháp Trung ương: Trương Tấn Sang, Trần Đại Quang (1956–2018, mất khi đang tại nhiệm), và hiện tại là Nguyễn Phú Trọng, vẫn chưa tạo được dấu ấn đáng kể nào với nền tư pháp Việt Nam.

Ban Chỉ đạo cải cách Tư pháp Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam là cơ quan được thành lập vào tháng 9-2011 lập theo Quyết định số 39-QĐ/TW do Bộ Chính trị ban hành, có trách nhiệm tham mưu, giúp Bộ Chính trị Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam chỉ đạo việc triển khai thực hiện chủ trương, đường lối của Đảng Cộng sản Việt Nam về công tác cải cách Tư pháp và Nghị quyết 49-NQ/TW của Bộ Chính trị về Chiến lược cải cách Tư pháp đến năm 2020.

Chủ tịch nước giữ chức vụ Trưởng ban Chỉ đạo cải cách Tư pháp Trung ương; có nghĩa Chủ tịch nước là ‘thầy dùi’ cho Tổng bí thư Đảng về vấn đề tư pháp.

Cấp phó với vai trò thường trực ban Chỉ đạo cải cách Tư pháp Trung ương hiện tại là ông Phan Đình Trạc, Trưởng ban Nội chính Trung ương. Ông Trạc là cựu Giám đốc Công an tỉnh Nghệ An, hàm Đại tá.

Ông Nguyễn Hòa Bình, đương nhiệm Chánh án Tòa án nhân dân tối cao, xuất thân cũng là một tướng công an, với bằng cấp chuyên ngành cảnh sát do Liên Xô đào tạo.

Ông Lê Minh Trí, đương nhiệm Viện trưởng Viện Kiểm sát nhân dân tối cao, xuất thân là Trung tá An ninh, Thư ký Thứ trưởng Bộ Công an.

Trong 3 người từng giữ chức vụ Trưởng ban Chỉ đạo cải cách Tư pháp Trung ương, thì ông Trần Đại Quang là một cựu Bộ trưởng Bộ Công an.

Như vậy có thể thấy rằng gần như vấn đề mà vị Trưởng ban Chỉ đạo cải cách Tư pháp Trung ương phải đối mặt, là giải quyết ra sao các mối quan hệ chằng chịt của công an trong những mắc mớ tư pháp; đặc biệt là những oan khuất, những sai phạm trong tố tụng từ phía cơ quan điều tra.

Thực tế từ các vụ án oan – sai đều cho thấy điểm chung là các bị can, bị cáo đều tố rằng mình bị cán bộ bức cung, nhục hình nên phải khai nhận tội. Ông Nguyễn Thanh Chấn, người được minh oan mấy năm trước kể ngoài việc phải nhận tội, thì ông bị bắt phải “tập luyện” đâm hình nộm đến mức thuần thục. Lý do nhận tội, không chỉ ông Chấn, mà những “nạn nhân” khác của bức cung, nhục hình như Hàn Đức Long, Huỳnh Văn Nén từng giãi bày sau khi được minh oan: “Nhận tội để sống để còn có cơ hội mà kêu oan”.

Có những bị cáo như ông Bàn Văn Thái (Hàm Yên, Bắc Giang) 14 phiên xử là 14 lần ông phản cung cho rằng mình bị bức cung, nhục hình. Sau khi được đình chỉ năm 2015, trình bày với Đoàn giám sát của Ủy ban Trung ương Mặt trận tổ quốc Việt Nam, ông Bàn Văn Thái thuật lại: Họ (tức cơ quan điều tra) đánh tôi từ 1g chiều đến 5g chiều nên tôi phải nhận, nhận để sống, để gặp được cha mẹ mà nói tôi không phạm tội giết người. 14 lần phản cung cũng là 14 lần ông phải chịu những ngón đòn, mà ông tả là “bị gí dùi cui điện nhiều lần, vào ngực, có khi cả vào chỗ kín, tôi đau quá và lại nhận tội”. (*)

Nhưng đâu phải ai cũng có cơ hội “sống và kêu oan” như những trường hợp nói trên.

Liệu trong nhiệm kỳ mới của ‘3 trong 1’: đảng chính trị – Quốc hội – Chính phủ vào năm 2021 tới đây, vấn đề cải cách tư pháp sẽ được ‘cải cách’ việc thực hiện ra sao, có tiếp tục hình thức ‘công an hóa’ như suốt cả 3 đời Trưởng ban Chỉ đạo cải cách Tư pháp Trung ương?

_______________

Chú thích

(*) https://vietnamnet.vn/vn/tuanvietnam/an-oan-sai-va-dong-luc-cho-cai-cach-tu-phap-640946.html

CATEGORIES
TAGS
Share This

COMMENTS

Wordpress (0)