Công Tâm
(VNTB) – Quả chín ép. Khổ cháu. Tai tiếng để đời!
Mấy hôm nay dư luận xã hội sôi sùng sục về chuyện một cán bộ nữ ở Vĩnh Phúc được bổ nhiệm làm giám đốc sở khi mới 31 tuổi.
Chuyện này đáng lẽ đáng mừng. Vì cán bộ trẻ được đào tạo cơ bản, lại có “năng lực và triển vọng”, được “bổ nhiệm đúng quy trình năm bước” như lời ông Trưởng ban Tổ chức Tỉnh ủy Vĩnh Phúc. Nhưng không, trên nhiều trang báo, mạng xã hội, người dân, trong đó có những cán bộ lão thành bày tỏ sự bức xúc, rằng không thể để bạt thần tốc một ái nữ con quan đầu tỉnh như thế.
Ái nữ ấy là cô Trần Huyền Trang, 31 tuổi. Cô ngồi vào ghế phó giám đốc sở kế hoạch đầu tư khi vừa làm giám đốc Trung tâm nghiên cứu, xúc tiến đầu tư và hỗ trợ doanh nghiệp chưa nóng chỗ (tám tháng). Cô này còn được ưu ái khi được tuyển dụng vào viên chức không qua thi tuyển khi mới 23 tuổi. Và khi mới 25 tuổi đã được đi học tập trung tại Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh để lấy chứng chỉ lý luận chính trị cao cấp.
Quan đầu tỉnh ấy là bà Hoàng Thị Thúy Lan. Bà làm Bí thư tỉnh ủy khóa này là khóa thứ hai. Xin khỏi băn khoăn về quan điểm, nhận thức, trách nhiệm, sự gương mẫu của bà. Bởi vì Trung ương đã có rất nhiều quy định cụ thể về kiểm soát quyền lực trong công tác cán bộ, về trách nhiệm nêu gương của cán bộ, đảng viên, nhất là người đứng đầu. Nghĩa là bà Lan đã nghĩ trước, tính sau đủ điều. Việc đưa con gái lên chức vù vù như thế có nên không, có bị phản ứng không, có giống như quả giấm trong lò bị chín ép không, và có có ảnh hưởng gì đến cái ghế của mẹ không?
Tuy nhiên, dù đã tính trước, đã làm đúng quy trình, đã làm đẹp hồ sơ cán bộ bằng đủ thứ bằng cấp, bằng tỷ lệ phần trăm phiếu bầu, nhưng dư luận trong tỉnh và trong nước thì vẫn không thể chấp nhận cái “mẻ lưới” này. Người xưa nói “con cá mất là con cá to”. Nhưng có trường hợp cá vào lưới rồi, vẫn có thể bắt lên mà thả xuống, có khi làm thế được nhiều hơn mất. Rõ ràng những thuộc cấp của bà đã tìm cách hợp pháp hóa, đã ưu ái quá mức, nói trắng ra là đã nịnh cấp trên theo cách “lấy của làng đãi quan”. Lấy đây là lấy “ghế” của chung mà đãi chỗ mình cần dựa dẫm, nhờ vả.
Có người nói, nếu cô Trang không phải con bà Bí thư mà được bổ nhiệm chức Phó sở ở tuổi này thì có ai thắc mắc không? Xin thưa, đừng có mơ thấy tuyết giữa trưa hè. Con nhà nghèo, con kẻ chân trắng thì xin việc làm còn chưa xong lấy đâu ra chức tước? Có bao nhiêu bạn trẻ giỏi giang, tốt nghiệp loại xuất sắc, ngoại ngữ thông thạo, đang đi “mua” việc bao năm chưa nơi nào nhận. Nhiều bạn phải giấu bằng thạc sĩ, kỹ sư để đi làm công nhân.
Cho nên mấu chốt ở đây là, lòng tự trọng của bà Lan ở đâu? Sao bà không thẳng thắn từ chối khi cấp dưới cố tìm mọi cách đưa con gái mình lên chức như tên lửa. Hay chính bà khôn khéo gợi ý để đưa con gái vào chỗ ngon lành, dễ tiến thân. Rồi mai đây đến khi mẹ “hạ cánh” thì ái nữ đã có ngôi cao trong làng quan ở tỉnh?
Chuyện từ chối chức vụ của con cái không phải là nói đạo lý. Trước đây hầu hết các đồng chí lãnh đạo cán bộ cao cấp của chúng ta đã từ chối việc đề bạt, bổ nhiệm cán bộ là con em mình. Trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước, con Tổng Bí thư, Thủ tướng, Phó Thủ tướng đều đi bộ đội, vào sinh ra tử. Ở Quân chủng Không quân có Liệt sĩ, Phi công Hoàng Tam Hùng là con trai Phó Thủ tướng, Bí thư T.Ư Đảng Hoàng Anh? Còn có thể dẫn chứng nhiều trường hợp khác.
Người xưa dặn: “Yếu tổ đại sự, bất tố đại quan”. Cần làm việc lớn, có ích cho dân, cho nước, chứ không cần làm quan lớn.
Sẽ không quá muộn khi bà Lan tự vấn và đề nghị cấp ủy, cơ quan chức năng xem xét lại trường hợp bổ nhiệm thần tốc con gái mình. Quả chín ép. Khổ cháu. Tai tiếng để đời!