TS Phạm Đình Bá
(VNTB) – Bộ GD-ĐT làm việc theo kiểu ban xuống quyết định “Lờ-Tờ-Mờ” lại ảnh hưởng đến tất cả các học sinh
Học tiếng Đức, tiếng Hàn vì … Bộ thích
Báo Nhân dân nói trước những băn khoăn về việc tiếng Đức, tiếng Hàn trở thành Ngoại ngữ 1, dạy và học bắt buộc trong trường phổ thông, Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD-ĐT) đã đưa ra giải thích mà báo nầy đăng nhưng tôi đọc mà cũng chả hiểu gì về những lời giải thích đó.(1)
Đầu tiên, bộ GD-ĐT không đưa ra dữ liệu nào đáng kể để thuyết phục dân là họ đã suy nghĩ cẩn trọng về quyết định của bộ về việc nầy. Bộ nói “Theo Bộ GD-ĐT, việc dạy học các môn ngoại ngữ trong trường phổ thông đã được triển khai từ nhiều năm qua. Ngoại ngữ 1 là môn học bắt buộc, gồm các môn tiếng Anh, tiếng Pháp, tiếng Trung Quốc, tiếng Nga, sau đó bổ sung môn tiếng Nhật; ngoại ngữ 2 là môn học tự chọn, trong đó có tiếng Đức, tiếng Hàn.”
Bộ lại hịch rằng “Sau thời gian thí điểm dạy tiếng Hàn, tiếng Đức là ngoại ngữ 2 ở một số địa phương cho thấy đạt hiệu quả và nhu cầu học tập của học sinh ngày càng nhiều hơn. Các cơ sở giáo dục phổ thông và học sinh có nguyện vọng lựa chọn môn học này là ngoại ngữ 1, để phù hợp với nhu cầu học tập của học sinh”.
Tôi xin hỏi – Triển khai bao nhiêu năm? Dạy bao nhiêu lớp? Đào tạo bao nhiêu tầng thầy cô? Kết quả thí điểm là sao? Có đăng kết quả thí điểm ở các tạp chí khoa học trong và ngoài nước không? Bộ nói như vậy có phải trên thực tế là như vậy không? Dữ liệu ở đâu sao không minh bạch ra cho cô thầy, học sinh và trường trên toàn quốc để tỏ tường?
Bây giờ với xã hội dân sự, các ông bà ở bộ GD-ĐT nói như thế nào, thì chúng tôi sẽ phản biện không ngừng như thế ấy. Thời mà các ông nói dân dạ đã qua rồi! Theo nguyên tắc phản biện không ngừng từ xã hội dân sự, tôi xin đóng góp vài ý kiến, nhất là từ cách làm việc trong các nước tôn trọng các quyền căn bản của dân.
Học tiếng Đức, tiếng Hàn để … làm kiểng
Đừng hiểu sai ý tôi – học ngoại ngữ là rất tuyệt và tôi nghĩ cuộc sống của chúng ta sẽ được cải thiện nếu tất cả chúng ta đều biết thêm ít nhất một ngôn ngữ khác và có thể nói chuyện ở Hàn Quốc và Đức bằng ngôn ngữ gốc của họ nếu và khi chúng ta đi du lịch ở đó. Bây giờ nếu Bộ GD-ĐT cho học sinh trung học đủ tiền để đi du lịch đến những nơi này một vài lần trong năm, thì đó là một tình huống khác.
Đối với dân mình, việc học ngoại ngữ ở trường là một việc cần suy nghĩ cho từng cá nhân và giá trị của việc dùng thời gian để học ngoại ngữ vì tất cả những việc khác mà học sinh có thể làm. Theo tôi nghĩ đối với học sinh, chọn học tiếng Đức tiếng Hàn hơn là học lịch sử, văn, địa, toán hay vật lý chỉ bởi trường tạo điều kiện để chọn thêm một hai ngoại ngữ, hầu như không hơn được gì khi đưa ra lựa chọn đó. Nhưng việc làm của Bộ GD-DT lại tăng thêm sức ép và đòi hỏi nhiều nguồn lực và áp lực hơn đối với các cô thầy và trường trong khi các thầy cô và trường có thể dành thời gian và công sức để giảng dạy tốt hơn những chương trình hiện nay.
“Nhưng nó tốt cho học sinh.” Bộ GD-DT hình như muốn nói như vậy mà không dám nói thẳng như vây. Trật bét, tôi không chắc lắm. Đối với dân ta, thật khó để thấy tất cả chúng ta sẽ trở nên tốt hơn như thế nào khi chỉ học thêm một chút tiếng Hàn tiếng Đức với tổn phí cho những việc khác mà học sinh có thể làm. Nói cách khác, tôi không nghĩ rằng có những lợi ích lan tỏa chưa thực hiện đang chờ đợi học sinh bằng cách thúc đẩy anh A và chị B tham gia thêm một học kỳ hoặc thêm một năm tiếng Đức tiếng Hàn với tổn phí cho những việc khác mà họ có thể học, như học văn, triết, địa, lịch sử, toán, hóa, lý và nhiều thứ khác.
Đừng hiểu sai ý tôi: cuộc sống của tôi chắc chắn sẽ tốt hơn nhiều nếu tôi biết thông thạo hơn tiếng Pháp, Đức, Hàn và Nhật. Nhưng nói vậy cũng chưa đủ. Vì sao? Cuộc sống của tôi cũng sẽ tốt hơn nếu tôi chơi đàn, bơi lội, đua xe, nấu ăn, minh họa, phát biểu ý kiến chính trị, chống tham nhũng, phản biện luôn luôn với những người nói dối trầm kha, hay hàng trăm chuyện mà bạn và tôi lúc nào cũng có hoài bão để làm. Ngay cả khi được trang bị những kiến thức và kỹ năng để làm hết những chuyện này, tôi cũng có thể sẽ chọn — và chọn — để làm những việc khác như coi phim, đọc kiếm hiệp, nói chuyện với bạn bè.
Học tiếng Đức, tiếng Hàn để …quên
Bài học đầu tiên mà các ông làm chính sách phải hiểu là kinh tế, hay nói rõ hơn cho các ông không hiểu ở bộ GD-ĐT là sự khan hiếm: không bao giờ có đủ bất cứ thứ gì để đáp ứng đầy đủ cho tất cả những ai muốn có nó. Nói cách khác, ta không thể có tất cả. Bằng cách chọn làm một việc, ta chọn không làm một việc khác, và việc học thêm ngôn ngữ sẽ phải trả giá bằng một thứ khác — một thứ khác mà mọi người, đối mặt với những khuyến khích và ràng buộc mà họ hiện đang phải đối mặt, cho là quan trọng hơn học thêm một chút ngôn ngữ. Như vậy đã rõ ràng chưa các ông bà ở bộ GD-ĐT?
So với tất cả những việc khác mà học sinh có thể làm, việc em Hoa em Trang có thể chọn học thêm một thứ tiếng như tiếng Hàn tiếng Đức không mang lại nhiều lợi cho các em ấy, nhưng bộ GD-ĐT làm việc theo kiểu ban xuống quyết định “Lờ-Tờ-Mờ” lại ảnh hưởng đến tất cả các học sinh. Nếu các ông bà soi cái đèn vào góc A, nếu các ông bà không có đủ đèn, các ông sẽ làm u minh các góc B, góc C hay rất nhiều các chỗ khác – có hiểu như thế không các ông bà ở bộ U Tối!
Tôi có thể ra quyết định là thế giới sẽ là một nơi tốt đẹp hơn nếu tất cả người Việt đều biết ngoại ngữ. Nếu điều đó là đúng, nó vẫn không dẫn đến cái mệnh đề là – việc quyết định của các ông bà là tốt để buộc thầy cô và các trường bỏ nguồn lực để yêu cầu học sinh học một vài thứ ngoại ngữ trong trường. Cái mệnh đề thứ hai cần một lập luận vững chắc cho những gì thầy cô, học sinh và trường sẽ phải từ bỏ và tại sao phải từ bỏ. Các ông bà nên học dần để làm việc theo kiểu mới bởi vì trong xã hội dân làm dân chỉ trong tương lai, cách làm theo “quyết định từ trên” là không hợp đâu!
Thế giới sẽ tốt đẹp hơn nếu người Việt Nam biết nhiều ngôn ngữ hơn? Điều đó hoàn toàn có thể xảy ra, nhưng thế giới sẽ là một nơi tốt đẹp hơn với nhiều thứ hơn (âm nhạc tuyệt vời, tác phẩm nghệ thuật tuyệt vời) và ít thứ khác (tham nhũng, mua quan bán chức, độc tài, độc đảng, lưu manh trong lãnh đạo, bắt giam người tù tiện, vi phạm nhân quyền, nô lệ trong Mác Lê, vân vân). Lưu ý rằng chúng ta không lưu giữ lại nhiều những thứ chúng ta học, và ngoại ngữ là một trong những ví dụ về những thứ mà chúng ta quên mau nhất – nếu chúng ta không dùng thường xuyên. Dựa trên những gì chúng ta thực sự biết về những gì mọi người học, giữ lại và sử dụng, thực tế đáng buồn là việc tạo điều kiện để chọn lựa một hai thứ ngoại ngữ ở trường là một động thái chính sách rất tồi!
_________________
Nguồn: