Nguyễn Nam
(VNTB) – Chủ tịch nước trước tiên phải kiên quyết bảo vệ cương lĩnh, đường lối của Đảng
Chủ tịch nước sẽ được bầu theo thủ tục khi đã được Ban Chấp hành Trung ương Đảng quyết định về nhân sự giữ chức Chủ tịch nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam nhiệm kỳ 2021 – 2026.
Tính đến 8 giờ sáng ngày 2-3-2023, bà Võ Thị Ánh Xuân, phó chủ tịch nước, đang giữ quyền Chủ tịch nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam. Bà Võ Thị Ánh Xuân giữ quyền Chủ tịch nước bắt đầu từ ngày 18-1-2023, sau khi Quốc hội khóa XV thông qua nghị quyết việc miễn nhiệm chức vụ Chủ tịch nước nhiệm kỳ 2021 – 2026 và cho thôi làm nhiệm vụ đại biểu Quốc hội khóa XV đối với ông Nguyễn Xuân Phúc vào cùng ngày.
Theo quy định của Hiến pháp, Chủ tịch nước là người đứng đầu Nhà nước, thay mặt nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam về đối nội và đối ngoại. Chủ tịch nước do Quốc hội bầu trong số đại biểu Quốc hội. Chủ tịch nước chịu trách nhiệm và báo cáo công tác trước Quốc hội.
Quy trình bầu Chủ tịch nước sẽ được thực hiện theo các bước: Ủy ban Thường vụ Quốc hội trình danh sách đề cử để Quốc hội bầu Chủ tịch nước. Danh sách này do Ban Chấp hành Trung ương Đảng cộng sản Việt Nam quyết định.
Sau đó về thủ tục thì Quốc hội sẽ thảo luận, biểu quyết thông qua danh sách để bầu Chủ tịch nước. Quốc hội bầu Chủ tịch nước bằng hình thức bỏ phiếu kín. Ban kiểm phiếu công bố kết quả kiểm phiếu, biểu quyết. Quốc hội thảo luận, biểu quyết thông qua nghị quyết bầu Chủ tịch nước.
Cũng theo quy định của Hiến pháp, sau khi được bầu, Chủ tịch nước sẽ tiến hành tuyên thệ trung thành với Tổ quốc, nhân dân và Hiến pháp. Lời tuyên thệ được Quốc hội, nhân dân và cử tri cả nước ghi nhận, giám sát trong suốt nhiệm kỳ.
Tiêu chuẩn để bầu chọn chức danh Chủ tịch nước ở Việt Nam không phải đến từ hệ thống văn bản luật pháp, mà là từ quy định của Bộ Chính trị.
Cụ thể trong trường hợp với tân Chủ tịch nước nhiệm kỳ 2021 – 2026 là theo Quy định số 214-QĐ/TW, ngày 02-01-2020 của Bộ Chính trị về khung tiêu chuẩn chức danh, tiêu chí đánh giá cán bộ thuộc diện Ban Chấp hành Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư quản lý.
Theo quy định số 214 kể trên thì Chủ tịch nước phải “bảo đảm đầy đủ các tiêu chuẩn chung của Uỷ viên Bộ Chính trị, Ban Bí thư, đồng thời, cần có những phẩm chất, năng lực: Có uy tín cao, là trung tâm đoàn kết trong Trung ương, Bộ Chính trị, trong toàn Đảng và nhân dân. Có năng lực nổi trội, toàn diện trên các mặt công tác, nhất là lĩnh vực đối nội, đối ngoại, an ninh, quốc phòng; hiểu biết sâu, rộng về công tác tư pháp. Là trung tâm đoàn kết các lực lượng xã hội và các cộng đồng dân tộc trong, ngoài nước. Quyết liệt trong lãnh đạo, điều hành theo chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn được phân công. Đã kinh qua và hoàn thành tốt nhiệm vụ ở chức vụ bí thư tỉnh uỷ, thành uỷ hoặc trưởng ban, bộ, ngành Trung ương; tham gia Bộ Chính trị trọn một nhiệm kỳ trở lên; trường hợp đặc biệt do Ban Chấp hành Trung ương quyết định”.
Đáng chú ý là Chủ tịch nước buộc phải đáp ứng các yêu cầu với thứ tự ưu tiên như sau: “Có lập trường, quan điểm, bản lĩnh chính trị vững vàng; kiên quyết bảo vệ nền tảng tư tưởng, Cương lĩnh, đường lối của Đảng, Hiến pháp và pháp luật của Nhà nước”.
Như vậy, với quy định trên có thể hiểu dù tân Chủ tịch nước có tuyên thệ trung thành với Tổ quốc, nhân dân và Hiến pháp hùng hồn đến đâu đi nữa thì về nguyên tắc vẫn phải xếp thứ tự sau yêu cầu mang tính tối thượng là phải kiên quyết bảo vệ cương lĩnh, đường lối của Đảng.
Với yêu cầu trên còn cho thấy có lẽ tiêu chuẩn đầu tiên để lọt vào danh sách ứng viên Chủ tịch nước, đó là phải được sự hài lòng của Tổng bí thư Đảng đương nhiệm.
2 comments
kiên quyết bảo vệ cương lĩnh, đường lối của Đảng cũng là trung thành với Tổ quốc
Nước Mỹ cũng vậy . Thời Tổng thống Trump, những người tỏ ra trung thành với Tổng thống Trump đều được đãi ngộ xứng đáng, quyền cao chức trọng .
Đúng là ta phải chọn lọc, nhưng cái gì hay của Mỹ mình nên làm theo