Nguyễn Đình Ấm
(VNTB) – Chị ra sức thanh minh bằng thứ tiếng Anh “bồi” đó chỉ là bột sắn dây dùng để “dring” (uống), nhưng họ vẫn không xác định được là bột gì, (có lẽ họ nghi là heroin) nên chị bị giữ lại để chờ mang đi xét nghiệm mặc cho “thượng đế” van vỉ… Thế là chị phải bay đi Chicago chuyến sau…
Cuộc hành trình đến “con đường khốn khổ”
Từ ngày 11/9/2001 trở về trước, giao thông hàng không là phương tiện nhanh chóng, lịch sự, an toàn, văn minh nhất. Ở Mỹ- quốc gia có hơn 2 triệu lượt người đi máy bay mỗi ngày tự hào là đi máy bay chẳng khác đi xe buýt. Thời đó ở Mỹ khách chỉ cần giữ chỗ, đến sân bay trước giờ cất cánh 1-2 giờ check in hành lý rồi lên máy bay, việc kiểm tra, soi chiếu an ninh (AN) chỉ thực hiện ngẫu nhiên vài hành khách…
Đầu tiên người ta chỉ cần kiểm tra xem hành lý xách tay có vật nhọn đề phòng khách uy hiếm tổ bay cướp máy bay còn hành lý ký gửi không phải kiểm tra với quan điểm nếu khủng bố gài bom trong hành lý ký gửi thì bản thân cũng thiệt mạng nên loại trừ. Thế nhưng, sau sự kiện những kẻ khủng bố cướp những chiếc Boeing 767 chở đầy khách đâm vào tòa tháp đôi ở New York và lầu năm góc ở Washington DC làm hơn 3.000 người thiệt mạng cùng những vụ đánh bom tự sát thì người ta phải kiểm tra soi chiếu cả hành lý ký gửi. Đến sau sự kiện tháng 10/2006 hàng loạt chuyến bay từ châu Âu đi Mỹ bị đánh bom bằng chất nổ lỏng hụt thì từ đây việc mang sữa cho trẻ em đi máy bay cũng phải hạn chế và kiểm soát gắt gao. Rồi ngày 25/12/2009 khi vụ khủng bố định dùng bom mini cài vào chỗ kín,cấy ghép vào vào cơ thể cho nổ chiếc máy bay A 330 của hãng Delta Airlines chở 278 hành khách trên bầu trời Detroit không thành diễn ra thì Mỹ, Châu Âu… cuống cuồng áp dụng ngay thêm biện pháp soi quét toàn thân hành khách. Mặc dù còn nhiều ý kiến phản đối về biện pháp AN “bất lịch sự, vi phạm tự do cá nhân…” này nhưng chắc chắn không thể đảo ngược vì triết lý: “ Bất lịch sự còn hơn mất mạng”.
Ngành hàng không Việt Nam (HKVN) gia nhập tổ chức hàng không dân dụng tế (ICAO) từ năm 1977 nên dù nguy cơ khủng bố không cao nhưng cũng phải áp dụng những biện pháp an ninh mà ICAO khuyến cáo với số biện pháp tuy còn “dễ thở” hơn nhiều nước khác nhưng cũng làm cho nhiều hành khách khó chịu. Những vụ “nói đùa có bom” đều phải triển khai biện pháp an ninh nghiêm ngặt như có bom thật (vô cùng phiền toái tốn kém) hoặc bị dỡ đồ khám xét thường xuyên diễn ra. Ngoài các biện pháp chung của ICAO, mỗi quốc gia lại có những biện pháp an ninh tăng cường để phù hợp với ý chí, tình hình an ninh của mình. Theo đó, Mỹ là quốc gia có các biện pháp an ninh hàng không ngặt nghèo nhất, tiếp theo là châu Âu , Singapore , Australia, Arab Saudi… Việc đến nay HKVN chưa bay đối tác đến Mỹ được ngoài vấn đề thương mại còn có nguyên nhân HKVN chưa đáp ứng đủ tiêu chuẩn an ninh của Mỹ.
Do các biện pháp an ninh “chồng chất” nên việc đi máy bay của các quốc gia nói trên cũng như toàn thế giới nói chung hiện nay không còn đầy đủ các giá trị “truyền thống” nhanh chóng, văn minh, lịch sự… Hiện nay để không bị trễ chuyến bay khách ở Mỹ, châu Âu, Singapore, Australia… phải đến nhà ga làm thủ tục trước khi bay từ 3-4 thậm chí 5 giờ.
Để những chuyến du xuân được thanh thản
Kinh nghiệm của chúng tôi cũng như những người hay đi máy bay là nên chuẩn bị kỹ trước chuyến đi với nguyên tắc sẵn sàng cho một cuộc kiểm tra an ninh nghiệt ngã nhất, ví dụ:
– Chỉ mang theo những hành lý, vật phẩm thật cần thiết. Không nên đóng nhiều gói sẽ khó khăn, mất thời gian khi kiểm tra an ninh và hay bị quên, bỏ sót, thất lạc hành lý.
– Không mang những vật phẩm khó xác định tính chất như các chất lỏng, bột… lạ. Hôm người viết bài này ở Mỹ gặp tình cảnh rất ái ngại: Một chị ở mới ở TP Hồ Chí Minh sang kể: Chị từ San Francisco bay đi Chicago (Mỹ) thăm thân. Khi soi chiếu an ninh ở sân bay,nhân viên dở gói 2 kg bột sắn dây trắng mịn nhưng họ nghi vấn chất cấm. Chị ra sức thanh minh bằng thứ tiếng Anh “bồi” đó chỉ là bột sắn dây dùng để “dring” (uống), nhưng họ vẫn không xác định được là bột gì, (có lẽ họ nghi là heroin) nên chị bị giữ lại để chờ mang đi xét nghiệm mặc cho “thượng đế” van vỉ… Thế là chị phải bay đi Chicago chuyến sau…
– Hộ chiếu, thẻ boading (lên áy bay) phải để túi riêng vì qua nhiều lần kiểm tra.
– Trang phục nên gọn gàng, ít hoặc không có chất liệu kim loại như khóa phec mơ tuya, nên đi giày “lười”… Những vật dụng bằng kim loại(chìa khóa, tiền xu…) nên để ở túi riêng sẵn sàng soi chiếu.
– Tiền, vật dụng đắt tiền như: máy tính xách tay, máy ảnh, camera nên để ở hành lý xách tay. Nếu số lượng nhiều không cầm được phải trình báo nhân viên thủ tục (bay) để được nhà tàu bảo quản theo yêu cầu (có thu phí).
– Không bao giờ mang hộ quà gói kín mà mình không biết là cái gì đề phòng hàng nguy hiểm, bất hợp pháp hoặc mất thời gian khi phải dở ra để kiểm tra AN…
Hiện nay xu hướng đi du lịch vào ngày lễ, tết bằng đường không tăng mạnh, nếu chú ý những điều trên thì quý khách vẫn có một chuyến đi thanh thản.